April 25, 2024, 12:30 pm

Những góc khuất của đời sống hiện đại

 

Ngày biển ấm của Hoàng Ngọc Điệp tập hợp gồm 13 truyện ngắn, với những lát cắt dập bầm của những phận đời phận người. Sự va đập cọ xát hai mặt đối lập của cuộc sống, tối - sáng, thiện - ác, mất - còn. Những buồn thương tiếc nuối những ân hận trễ tràng những đớn đau quặn xiết dọc dài theo từng số kiếp nhân sinh, đau đáu ám ảnh. Người viết chứng tỏ có nhiều vốn sống, ngồn ngộn tươi rói đậm đặt chất đời về một thành phố công nghiệp, nơi đã là quê hương thứ hai của chị, gắn bó máu thịt. Có lẽ Hoàng Ngọc Điệp có được “những tầng quặng quí” ấy nhờ vào những năm tháng lăn lộn với phong trào, làm công tác tư vấn cộng đồng, làm cán bộ văn hóa, làm báo viết văn… Và hiện nay chị là phó chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật Đồng Nai.

Truyện ngắn Hoàng Ngọc Điệp không ồn ào lấp lánh, không nhiều kỹ thuật, thắt mở, dồn nén hối thúc cảm xúc. Chị có lối kể chuyện kiểu “mưa dầm thấm lâu”, mộc mạc chân phương, luôn hấp dẫn người đọc bởi những thân phận gập ghềnh của nhân vật, bởi cốt truyện sâu sa lắng đọng nhân văn. Hai người đàn bà, Mười ngày, Cù lao, Hàng xóm, Chuyện của Túy, Nhà có vườn hồng… Tác giả mô tả cuộc sống của những người ở quanh chị, với niềm vui, nỗi buồn, những ảo vọng, sự dung tục, cả những khát khao rất đời. Hậu trong Hai người đàn bà xuất hiện trong tình huống éo le: đi thăm mộ người bạn học và cũng là chồng cũ (Hiến) đã ly hôn, phải đối diện với Ân, cô vợ mới đáo để của Hiến. Sau những phút thăm dò, dè chừng với ít nhiều thành kiến, Hậu xúc động trước sự chân thành, cởi mở của Ân, chị chợt nhận ra mình và “tình địch” không có lý do gì để thù oán, ghét bỏ nhau. Sự đồng cảm đã hóa giải sự “thù địch” giữa hai người đàn bà đã từng có chung một người đàn ông, làm nảy nở giữa họ một thâm tình. Cô giáo Thẩm trong Ngày biển ấm khéo tay, yêu nghề, yêu học trò, hết mình vì tình yêu. Nhưng số phận lại đưa đẩy Thẩm gắn kết với hai người đàn ông như hai kẻ tội đồ làm thương tổn tâm hồn chị: một người thô lỗ, cộc cằn và ích kỷ, một người bay bướm trăng hoa. Bằng sự mạnh mẽ của người đàn bà có trái tim lương thiện, Thẩm đã dứt tình với cả hai người như một sự khẳng định chị không thể dung hòa với cái xấu, cái ác.

Truyện của Hoàng Ngọc Điệp giàu cảm xúc, luôn hướng đến sự thức tỉnh lương tâm, gạn đục khơi trong, vun bồi cái thiện trong con người. Mười ngày mô tả bi kịch của Nhàn, một công chức tỉnh lẻ bình thường, có ưu, có khuyết. Nhàn sa vào mối tình ngoài luồng với người tình trẻ chỉ để chạy trốn một sự thật bẽ bàng: chồng có quan hệ tình dục đồng giới. Cái chết của Tân cho thấy sự sụp đổ những giá trị đạo đức trong một bộ phận cán bộ, công chức: anh ta quan hệ tình dục đồng giới chỉ để tìm kiếm cảm giác lạ. Chuyện của Túy đề cập đến cuộc sống, sinh hoạt, những bí ẩn trong tâm hồn những người thuộc giới tính thứ ba. Cô Túy hẩm hiu sinh ra như một sản phẩm lỗi của tạo hóa, nhưng cô có tâm hồn lành lặn, khát khao yêu, khát khao hạnh phúc. Túy đã gánh chịu những đòn đánh của số phận vì “yêu” đồng giới, nhưng cô đã chiến thắng trò đùa ác của tạo hóa, dám công khai chung sống với người tình. Hành động của Túy là thông điệp nhân văn mà tác giả gửi tới người đọc: con người có quyền được hưởng hạnh phúc, xin đừng ai quay lưng trước sự hao khuyết hay bất hạnh của đồng loại.

Thế mạnh của Hoàng Ngọc Điệp là am hiểu đời sống gia đình và tình yêu lứa đôi với những mối quan hệ vừa tinh tế, bền chặt, lại vừa mong manh, bất ổn. Truyện nào cũng có những tình huống éo le để nhân vật thể hiện khả năng chịu đựng, cuộc vật lộn nội tâm nhằm thoát ra khỏi nghịch cảnh. Ân yêu chồng nhưng đi buôn đường dài phải nhờ vả gã lái xe vô đạo đức đành “nghiến răng cho lão vần vò. Đủ trò, đủ kiểu” (Hai người đàn bà). Vĩnh vì mang vết xước trong tâm hồn sau vụ thất tình mà trở nên thờ ơ lạnh lùng với vợ. Được tiếp xúc với những con người hồn hậu, chân chất ở hòn cù lao xinh đẹp, anh nhận ra sự vô cảm đã đâm mầm, nảy nhánh, bám rễ trong tâm hồn mình. Trong sự hối lỗi muộn mằn, anh chợt nhớ đến cái xe máy của Thủy sợi sên đã rão, chạy nghe lạch xạch và mong trở về để “thay cho vợ sợi sên ngon lành” (Cù lao). Cô Ngân xinh đẹp đắm đuối yêu vị Sếp công ty đa tình, bỏ qua mọi cảnh báo, cô chỉ “tỉnh mộng” sau khi thấy hình ảnh vợ chồng Sếp khắng khít bên nhau cùng chăm sóc cậu con trai bị tai nạn giao thông đã giáng một đòn nặng vào lòng kiêu hãnh, lối sống thực dụng, có phần buông thả của Ngân, buộc cô đi đến quyết định bất ngờ: “Công ty nháo nhác vì Ngân đột ngột biến mất. Cô không thông báo cho ai, cũng ngắt luôn điện thoại…” (Nhà có vườn hồng). Bà giáo Huệ thời trẻ một mình vào miền Đông Nam bộ để tìm mộ người yêu. Mối tình đầu tươi đẹp tỏa uy lực ngay cả khi Du đã hy sinh khiến bà chọn vùng đất thấm đẫm kỷ niệm của người yêu làm quê hương thứ hai. Cuộc đời và sự lựa chọn của bà minh chứng tình yêu lứa đôi dù ở thời nào cũng luôn là đích ngắm, là khát khao cháy bỏng của con người (Gió từ dĩ vãng).

Ngày biển ấm, Hoàng Ngọc Điệp góp phần khám phá vẻ đẹp và những góc khuất của đời sống hiện đại, hướng con người đến cách nghĩ nhân văn hơn.

Nguồn Văn nghệ số 42/2020


Có thể bạn quan tâm