April 19, 2024, 12:16 am

Những giải pháp căn cơ cho một lộ trình phát triển mới

Một kỳ họp rất ngắn nhưng lại có quá nhiều phát biểu ấn tượng và nhiều tranh luận nảy lửa giữa các đại biểu Quốc hội với các thành viên Chính phủ, nhằm tìm ra câu trả lời thỏa đáng cho những vấn đề liên quan mật thiết, tác động trực tiếp đến đời sống dân sinh, được đại biểu, cử tri cả nước quan tâm.

Không để quyết tâm trên giấy cũng được thể hiện rõ trong hoạt động chất vấn, bởi đây không chỉ đơn thuần là lời nhắc nhở trực tiếp của đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước đối với lời hứa của các tư lệnh ngành trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mình đã được nêu ra tại kỳ họp trước. Mà còn là sự chờ đợi những giải pháp căn cơ sẽ được đưa ra cho một lộ trình phát triển tiếp theo.

Hơi thở cuộc sống đầy ắp nghị trường

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu làm rõ các vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: Internet 

Từ báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Thủ tướng Phạm Minh Chính thay mặt Chính phủ  trình bày trước Quốc hội, cho đến Cơ chế phát triển kinh tế vùng; thu hồi tài sản tham nhũng; thực hành tiết kiệm; tinh giản biên chế trong các đơn vị sự nghiệp hành chính công, thậm chí giá xăng, giá nhà ở xã hội, thương mại, vật tư y tế… đều được đặt lên bàn nghị sự, mổ xẻ đa chiều với mục đích trước tiên là tìm ra nguyên nhân khiến cho lời hứa của các tư lệnh ngành không thể thực hiện (ví dụ như: vấn nạn sim rác thuộc lĩnh vực Thông tin và Truyền thông, giá nhà ở xã hội cao không tưởng trở thành cánh cửa hẹp cho giấc mơ hiện thức hóa  sở hữu nhà của người lao động thu nhập thấp…) và sau nữa là hiến kế để vận hành cỗ máy ngành, nhằm ổn định tâm lý xã hội nói chung, người lao động trong lĩnh vực ngành nói riêng. Chính vì vậy, không có sự né tránh, trả lời vòng vo mà hầu hết các tư lệnh ngành, thành viên chính phủ đều đi thẳng vào vấn đề đại biểu, cử tri quan tâm. Đại biểu và cử tri cả nước cũng nhận thấy sự cầu thị, thẳng thắn trong các phần trả lời, thậm chí nhận trách nhiệm của người đứng đầu khi lĩnh vực ngành quản lý vẫn tồn tại những bất cập thậm chí còn được cho là cố hữu. Đơn cử tại lĩnh vực giáo dục, y tế, tình trạng người lao động thôi việc đang ở mức báo động. Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ, khối giáo dục có số lượng người xin thôi việc là 16.427 người, chiếm 41,53%, trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 49%, độ tuổi dưới 40 chiếm khoảng 60%. Đối với lĩnh vực y tế trong 2,5 qua có có 12.198 người, chiếm tỷ lệ trong tổng số viên chức nghỉ việc là 30,84% và độ tuổi từ 40 trở xuống là 74,72%; có trình độ đại học trở lên là 65,27%. Không bàn đến sự lãng phí nguồn lực xã hội trong đào tạo nguồn nhân lực nói trên, mà chỉ cần nhìn vào sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong các đơn vị sự nghiệp công lập để thấy, đã và đang nảy sinh không ít hệ lụy, thậm chí kéo lùi nỗ lực cải cách nền hành chính công mà Chính phủ đang theo đuổi. Đại biểu cho rằng, để “giữ chân” cán bộ, đầu tiên cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và phải có hướng dẫn thực hiện rõ ràng, chi tiết, giúp cán bộ dễ dàng thực thi nhiệm vụ. Thứ nữa là phải xây dựng hệ thống lương tương đương với lương ở khu vực tư. Đã có đại biểu tranh luận và lấy ví dụ cụ thể mức lương của y tá, hộ lý (lĩnh vực ngành y) đang ở mức thấp, (dưới 3 triệu đồng/ tháng), nếu mức lượng tăng lên 1,8 triệu đồng/ hệ số lương, thì lương thực lĩnh của các đối tượng này cũng vẫn thấp và khó đáp ứng đủ nhu cầu sống tối thiểu, trong khi lĩnh vực tư, mức lương và đãi ngộ xã hội rất tốt. Cho thấy, hệ thống lương ở nước ta hiện nay giữa khu vực công và khu vực tư có sự chênh lệch rất lớn. Khi khu vực tư tính thù lao theo năng suất lao động thì khu vực công vẫn trung thành với cách tính ngày công. Chưa kể áp lực tinh giản biên chế đang tạo áp lực đến người lao động trong lĩnh vực hành chính công, khi một người phải làm nhiều việc dẫn đến áp lực và không tránh khỏi sai sót. Do đó, Bộ Nội vụ cần nhanh chóng tham mưu Chính phủ để ban hành chính sách thu hút người tài vào bộ máy. Phải rõ khái niệm người tài là như thế nào, sau đó phải có khung chính sách thu hút người tài, mức trần – sàn để người lao động yên tâm gắn bó, cống hiến nhiệt huyết và đam mê cho lựa chọn của mình. Đồng thời nhanh chóng chỉnh lý, bổ sung các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; quản lý biên chế, vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực, bảo đảm phù hợp với từng vùng, miền. Đây cũng được xem là liều vacxin để tấn công vấn nạn tham ô, tham nhũng đang xảy ra tại nhiều lĩnh vực bộ, ngành hiện nay nhằm bảo vệ ngân sách nhà nước không bị thất thoát lãng phí.

Những giải pháp căn cơ

Đã có 345 lượt đại biểu Quốc hội đăng ký tham gia chất vấn trong 2,5 ngày, trong đó có 149 lượt đại biểu đã chất vấn và 22 lượt đại biểu tranh luận dành cho 4/4 Phó Thủ tướng Chính phủ, 7 Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Giao thông Vận tải, Công an, Giáo dục & Đào tạo, Y tế, Tài chính, Công thương và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tất cả các thành viên Chính phủ đã hoàn thành tốt phần trả lời, giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan đều hướng đến mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế. Việc chất vấn, thậm chí tranh luận không chỉ làm sáng tỏ các vấn đề được quan tâm mà còn được xem là sự chia sẻ, đồng hành  của đại biểu, cử tri cả nước trước việc quản lý, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành, nhằm tìm ra các giải pháp, các quyết sách phù hợp, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của cử tri và Nhân dân cả nước.

Trả lời sau cùng, kết thúc phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, chính phủ sẽ tập trung nghiên cứu, điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất; giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế và sát thực tiễn. Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tiền tệ. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và các chủ thể liên quan theo đúng quy định pháp luật trong bất cứ hoàn cảnh nào; góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nêu rõ việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và quyết tâm xử lý các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; về các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; giải ngân đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Ba Chương trình mục tiêu quốc gia; Vấn đề bảo đảm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; tình hình xây dựng, thực hiện dự toán thu NSNN năm 2022 và năm 2023 , vấn đề về tăng năng suất lao động.

Đặc biệt, để tăng nguồn lực con người trong giai đoạn tới, vấn đề phân cấp, phân quyền sẽ được Đảng, Nhà nước quan tâm theo hướng  đi đôi với phân bổ nguồn lực và nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới thông qua việc rà soát lại một số văn bản quy phạm pháp luật và trên cơ sở thực tiễn phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực hợp lý nhằm tháo gỡ điểm nghẽn về cơ chế để tạo sự thống nhất giữa trung ương, địa phương. Được biết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Chính phủ đã dự kiến đề xuất mức tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%... Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ nêu rõ, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, từng bước thực hiện mục tiêu đặt ra cho năm 2023.

Nguồn Văn nghệ số 46/2022


Có thể bạn quan tâm