April 25, 2024, 8:08 am

Những giá trị “vàng” của lịch sử

 

Là người lính làm báo, làm thơ, tôi cùng một số anh em văn nghệ sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng từng có duyên về xã Bình Dương (Thăng Bình, Quảng Nam) xã ba lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu anh hùng (hai lần anh hùng lực lượng vũ trang, một lần anh hùng trong lao động sản xuất) để đọc thơ, giao lưu với bà con vùng cát. Vì thế nên khi đọc tập bút ký Còn lại với thời gian, nói về mảnh đất, con người Bình Dương kiên cường bất khuất và chịu nhiều hy sinh mất mát trong hai cuộc kháng chiến này, thực sự có cảm giác như một cuộc trở về...

Mười nhà văn: Chu Cẩm Phong, Thái Bá Lợi, Đình Kính, Tô Đức Chiêu, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Bùi Tự Lực, Nguyễn Ngọc Hạnh, Trần Trung Sáng, Hồ Trung Tú, Hồ Sĩ Bình; ba nhà báo: Thuận Hữu, Trịnh Dũng, Lê Văn Hoa; cùng một số nhà nghiên cứu văn học, nhạc sĩ Trần Quế Sơn, kiến trúc sư, và cả nhà chính trị… đã góp bài trong tập bút ký này.

Đọc hết tập sách, tôi nghĩ, cơn cớ để ra đời tập bút ký Còn lại với thời gian, là qua cuốn Nhật ký chiến tranh của nhà văn, liệt sĩ, anh hùng lực lượng vũ trang Chu Cẩm Phong, người đã dành rất nhiều trang viết về mảnh đất, con người Bình Dương hiền lành như ngọn khoai lang trườn lên ưỡn mình trong mưa bom bão đạn vùng cát với tinh thần “Ta về ta ở nhà ta/ Ôm cây cột cháy cũng là thơm danh”, kiên trung “một tấc không đi, một ly không rời”. Rất nhiều nhân vật xuất hiện trong Nhật ký chiến tranh, trong đó có nhân vật Phan Đức Nhạn, 15 tuổi, du kích thôn, đội trưởng đội văn nghệ… tuy còn nhỏ tuổi, cũng đã tỏ ra là người đàn ông trong gia đình. Cậu ta rất lanh lợi, thuộc rất nhiều thơ hay của Tố Hữu, Thu Bồn, có giọng ngâm rất tốt, rất ham học, cứ mơ ước học đến đại học… giờ một lần nữa xuất hiện lại trong Còn lại với thời gian. Bài Chứng nhân một thời trong Nhật ký chiến tranh, nhà văn Trần Trung Sáng viết: Quả thật, từ rất sớm, Chu Cẩm Phong đã dự cảm về “cậu bé tên Nhạn” không sai. Sau chiến tranh, cậu bé ấy không ngừng học hỏi vươn lên, trở thành một kỹ sư xây dựng, có nhiều công trình đóng góp cho quê nhà. Anh Nhạn kể thêm… Tôi không còn nhớ anh (Chu Cẩm Phong) ở lại nhà tôi bao nhiêu tuần. Nhưng chị Dương Thị Xuân Quý (nhà văn hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở Duy Thành, Duy Xuyên) thì tôi nhớ chị ở nhà bà Hồng (cách gia đình tôi một nhà vườn) cùng với một tốp người nữa, trong đó có anh Phong (Chu Cẩm Phong) và chị Xuân Quý…”.

Thật không có nơi đâu khốc liệt, kiên cường như vùng cát Bình Dương. Nhà văn Đình Kính trong bài Hạt phù sa sông Trường Giang, có đoạn viết: Trong những năm chiến tranh, có nơi đâu địch bình định, chà đi xát lại khốc liệt hơn làng cát này? Có nơi đâu địch sát hại dân lành nhiều hơn như ở Bình Dương? Nơi nào phải chịu nhiều cay cực, mất mát như vùng “cát cháy”, hơn nửa dân thiệt mạng trong cuộc chiến?…”.

Đi vào con người tiêu biểu của cuộc chiến chống Mỹ hôm qua và xuất sắc trong cuộc chiến chống đói nghèo hôm nay, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng viết: “Phan Đức Nhạn là Học sinh miền Nam, sinh ra trên mảnh đất Bình Dương bất diệt với 3 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Xã anh hùng, là con của liệt sĩ và mẹ Việt Nam anh hùng, là em ruột của 3 liệt sĩ nữa. Điều kiện và hoàn cảnh sinh ra và lớn lên trong gia đình cách mạng ấy đã tác động đến nhân cách của một con người…”. (Các bạn ấy là Học sinh miền Nam).

Vâng, vùng Đông Quảng Nam là vùng đất cát, có 6 xã đều là anh hùng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đúng như ca dao diễn tả: Gió Nam thổi kiệt bảy ngày/ Khoai lang khô cũng hết, lúa vay cũng chẳng còn. Bình Dương là xã tiêu biểu cho sự khô hạn, nghèo khó đó. Nhưng đó lại chính là nơi sinh ra những con người như Phan Đức Nhạn. Xã Bình Dương cũng được tôn vinh “Vùng đất làm cách mạng đã trở thành chuyên nghiệp”, được nhiều nhà văn - chiến sĩ, nhà thơ, nhà báo về “ba cùng” cho ra đời những tác phẩm như Hoa xương rồng trên cát (Nhiều tác giả), Căn cứ lõm Bàu Bính (Nhiều tác giả), Rét tháng Giêng (Dương Thị Xuân Quý), Mặt trận - Mặt biển (Chu Cẩm Phong)… Và giờ đây, với tư cách người biên tập bút ký Còn lại với thời gian, nhà văn Hồ Sĩ Bình viết: “Tôi ngồi đọc lại những bút ký Rực sáng ngọn lửa vùng Đông của Thu An, Từ Lạc Câu nhìn về hôm qua của Hồ Duy Lệ, Gương mặt thách thức của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, Nối những đường dây của Văn Giang, Chị Nhuận của Dương Hương Ly, Giọt nước Trường Giang của Đình Kính, Hoa xương rồng trên cát của Đức Hải; Cát của Ý Nhi, Quê hương của Thái Bá Lợi, lòng xốn xang xúc động. Những bút ký ấy đã để lại trong tâm trí hình ảnh của người dân với cuộc sống chiến đấu bất chấp những hiểm nguy, hủy diệt của kẻ thù bằng một thái độ bình thản đến lạ lùng…”.

“Thác là thể phách, hồn là tinh anh”, theo lẽ thường tình, cái gì theo thời gian, rồi cũng mất đi, chỉ có tâm hồn là còn lại. Tâm hồn trong Còn lại với thời gian là lòng dân với cách mạng, là con người Bình Dương như hạt ngọc trong cát, vẫn trụ lại cứng cáp, lóng lánh, như cây Dương Thần trong rừng dương liễu thời chiến tranh ngút bời bời bom đạn vẫn sừng sững hiên ngang và sinh con trổ nhánh thành rừng dương trùng điệp ngút ngàn và xanh thẳm của biển Bình Dương tít tắp chân trời. Nó là ngọn cờ bất tử của vùng Đông Thăng Bình nói riêng, của đất Quảng trung dũng kiên cường nói chung, là tình đất, tình người trong kháng chiến, chia hầm chia lửa cho nhau, trong hòa bình chung tay khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng quê hương giàu đẹp.

Với tinh thần biết ơn người ngã xuống, về vùng đất anh hùng, bi tráng, anh em văn nghệ sĩ, báo chí sẽ còn về, để viết tiếp về Bình Dương, về Căn cứ lõm Bàu Bính của xã, để địa phương có thêm cơ sở đề nghị tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang cho căn cứ lõm khốc liệt, ngoan cường này. Và như nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp tại buổi giới thiệu sách ngày 25/7 đã đánh giá: “Còn lại với thời gian” là một tập sách có đầy đủ những giá trị “vàng” của lịch sử, văn hóa, truyền thống, kết nối liền mạch quá khứ, hiện tại và tương lai. Đó là sức sống mãnh liệt đang được hồi sinh của xã Bình Dương sau chiến tranh, là sự nghiệp của những người còn sống như gia đình Phan Đức Nhạn đã, đang và tiếp tục làm rạng danh cho những người đã khuất. Hào khí tấm gương, khí phách của những người hy sinh đã và sẽ trở thành hành trang vốn liếng để chúng ta sống và cống hiến nhiều hơn nữa”.

Nguồn Văn nghệ số 39/2020


Có thể bạn quan tâm