April 25, 2024, 11:08 pm

Những GÁNH VÁC NGỌT NGÀO

 

            Tập song tấu thơ – tản văn Gánh vác ngọt ngào của nhà văn Đài Loan Ngô Thịnh (Nguyễn Thu Hiền – Nguyễn Thanh Diên dịch. Nxb Văn học, Hà Nội, 2018, 200 trang) đã được đón nhận khá sôi nổi. Vì sao một tác phẩm “già ký non truyện”, đan xen truyện ký và thơ ca, nội dung xoay quanh đời sống thôn quê bình dị này lại được ghi nhận và đánh giá cao đến thế?

Tập sách Gánh vác ngọt ngào của Ngô Thịnh (sinh 1944) được dịch và xuất bản theo dự án của Bảo tàng Văn học Quốc lập Đài Loan. Trong Lời tác giả - Tôi mong đợi sự đồng cảm của độc giả Việt Nam, nhà văn Ngô Thịnh tâm sự: “Từ khi tuổi còn trẻ đến nay, tôi đã đọc rất nhiều tác phẩm kinh điển của các nước trên thế giới nhưng đều nhờ vào dịch thuật, tuy vậy cũng đã thực sự mở ra cho tôi tầm mắt rộng lớn, nuôi dưỡng cho tôi tri thức văn chương phong phú. Vậy thì, tôi cũng mong muốn, tác phẩm của tôi có thể đem đến cho bạn đọc ở những quốc gia khác đôi chút cảm nhận nào đó… Giờ đây, khi bản dịch tiếng Việt của song tấu thơ và tản văn Ngô Thịnh được ra mắt ở Việt Nam, tôi tha thiết mong mỏi cuốn sách này sẽ có thể nhận được sự đồng cảm của đông đảo người đọc Việt Nam” (tr.6-8)… Được biết, nhờ văn chương, Ngô Thịnh từng được mời tham dự Hội trại các nhà văn quốc tế Workshop tổ chức tại Iowa trong bốn tháng (1980). Lại đã có tác phẩm Làng tôi được dịch sang tiếng Anh (in ở Hoa Kỳ, 1996) và Báo cáo về cuộc đời dịch sang tiếng Hàn (in ở Hàn Quốc, 2014). Đến bản Việt văn Gánh vác ngọt ngào là tác phẩm thứ ba của ông được dịch sang tiếng nước ngoài…

Có thể xác định Gánh vác ngọt ngào là tiếng kêu thương của một ông giáo làng,  nhà văn thôn quê, người “vác tù và hàng tổng”, lo nghĩ bao đồng về những chuyện đất đai bị chiếm dụng, khí trời và sông suối bị ô nhiễm, nông sản lạm dụng hóa chất, cho đến khu nghĩa trang cũng trở thành vấn nạn. Trong bối cảnh nửa thế kỷ trước, miền quê Đài Loan cũng đang chuyển mình công nghiệp hóa, tư nhân hóa, thương mại hóa thì những vấn đề lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và cái nhìn thiển cận, chụp giật ngày càng trở nên khốc liệt. Trên tất cả, vấn đề môi trường sinh thái đã trở thành vấn nạn, thành gánh nặng ưu tư, thách thức mọi số phận con người. Khi đan kết tất cả các tác phẩm và dõi theo quá trình sáng tác, có thể thấy một đề tài, một dòng chảy xuyên suốt đời văn Ngô Thịnh chính là những ưu tư về môi trường sinh thái. Càng yêu cảnh đẹp và sự bình yên của quê hương bao nhiêu thì ông càng trăn trở trước cảnh quan môi trường tự nhiên, xã hội và tác động trực tiếp đến đời sống con người bấy nhiêu. Chính vì thế mà lời cảnh tỉnh chân thực của ông từ một làng quê cụ thể lại có tính điển hình cho vấn đề môi trường ở các nước chậm phát triển, cho khu vực châu Á và có tính toàn cầu. Đây cũng là phẩm chất nhân sinh nội tại để tác phẩm của Ngô Thịnh có ý nghĩa gọi đàn, có sức lan tỏa sâu rộng.

Nếu như sự nhạy cảm với nỗi đau môi trường là cơ sở vững bền cho một tâm thức sáng tác thì chính bản lĩnh và sự dũng cảm đã giúp tác phẩm Ngô Thịnh có được sức sống lâu bền trước thời gian. Những trang văn một thời của Ngô Thịnh đã gợi mở ký ức về những tháng năm chưa xa với ngay cả những ngộ nhận, sai lầm và qui chụp từ nhiều phía. Bản thân nhà văn đã nghiệm sinh và trải lòng vào năm 1996 về câu chuyện thời cuộc chưa đầy hai mươi năm trươc: “Cuối năm 1979, Cao Hùng xảy ra “Sự kiện Formosa”, nhà cầm quyền bịa đặt tội danh có ý làm phản, thẳng tay bắt bớ các nhân sĩ tham gia phong trào dân chủ, bầu không khí tang thương bao trùm khắp đảo. Chỉ cần có chút kiến thức phổ thông, là có thể phán đoán được, đây là sự bức hại chính trị hết sức rõ ràng. Tuy nhiên, tất cả các phương tiện truyền thông Đài Loan, bao năm chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt của nhà cầm quyền, hoàn toàn bưng bít thông tin, chỉ đưa tin đánh dẹp một chiều, không hề nghe được một lời công bằng. Đa số dân chúng Đài Loan, vẫn vô tri như cũ, nhất là những thành phần gọi là “thân sĩ địa phương”, bộ đội, công chức, trí thức nửa mùa, không những không muốn nhận rõ bản chất ngang ngược của kẻ thống trị độc tài, mà còn hùa theo phương tiện truyền thông hô hào chém giết, dường như khắp nơi đều là “hóa thân” của chính nghĩa” (tr.118)…

Từ đây nhà văn Ngô Thịnh thành thật kể lại nhận thức và tâm trạng lo ngại nước đôi về sáng tác của mình giữa những ngày sóng gió ấy: “Sau buổi đón tiếp đó, tôi về nhà bỏ ra mấy ngày để sửa chữa, cuối cùng đã hoàn thành bài thơ này, lấy tiêu đề là Đừng quên. Tuy nhiên, việc có nên công bố hay không, tôi vẫn có phần do dự. Trong một đêm trời lạnh thấu xương, tôi đưa bản thảo cho vợ xem, đặng thăm dò ý kiến của cô ấy. Vợ tôi xem xong rồi nói: “Có vấn đề gì đâu?”. Tôi nửa đùa nửa thật: “Không cẩn thận đi tù ấy chứ!”. Không ngờ vợ tôi tỏ ra rất tức giận, kiên quyết nói: “Sợ cái gì? Nếu vì bài thơ này mà bị bắt, thì chẳng những cam lòng, mà còn rất vẻ vang” (tr.118)… Mới hay, nhà văn thật có phúc khi có được người bạn đời – bạn văn hiểu biết và dũng cảm, dẫu biết trước nạn ngục văn tự vẫn sẵn sàng đi “đưa cơm cho chồng”…

Đến đoạn kết, nhà văn thêm một lần tự vấn về thiên chức nhà văn, thiên chức làm một công dân trung thực và bản lĩnh kẻ sĩ: “Cho dù những người phải cam chịu hình phạt trong sự kiện Formosa về sau biểu hiện như thế nào, thì năm đó vẫn là “vì nghĩa chịu nạn”. Mỗi lần đọc lại bài thơ Đừng quên, những ẩn dụ trong đó, đương nhiên là có sự cần thiết của nghệ thuật thơ ca, có không gian tưởng tượng rộng lớn hơn, nhưng vẫn thấy có gì đó hèn hát quá, vẫn tiếc là chưa phơi bày hết ruột gan, chưa tỏ hết nỗi căm ghét trong lòng. Nhất là còn từng tự thần hồn nát thần tính, thật đáng xấu hổ” (tr.119)… Nhà văn là thế, ngay cả khi làm được điều tốt, họ vẫn mong làm được những điều tốt hơn.

Gắn bó với chuyện môi trường sinh thái, Ngô Thịnh có luôn ba mục bài về Nghĩa trang rừng. Ông cảm nhận, phản tỉnh, thức tỉnh mọi người về vấn nạn nghĩa trang, về tập quán cải táng cổ hủ, về vệ sinh môi trường, về tình trạng người chết “chiếm dụng” đất người sống, từ đó đề xuất và đi đến tạo dựng môi trường cảnh quan nghĩa trang kiểu mới “vườn cây bao la vạn khoảnh”… Liên hệ đến các vùng nông thôn Việt Nam với trùng trùng những bãi tha ma, những ngôi mộ rải rác khắp cánh đồng, khắp đầu nương cuối bãi, hỏi đến bao giờ mới có được tầm nhìn và qui hoạch những khu nghĩa trang kiểu mới, hòa hợp cảnh quan môi trường. Có thể nói câu hỏi vẫn còn để ngỏ ở phía trước.

Với Gánh vác ngọt ngào, người đọc không thể mong chờ, kiếm tìm những vấn đề  cao sang, cao siêu, cao cả, tân kỳ. Ngay cả về nghệ thuật, chiều sâu đặc tính nghệ thuật song tấu thơ – tản văn có phần đồng dạng với thể tài biến văn (văn xuôi để trình bày, kể tả sự việc; còn thơ để tóm tắt, trưng cất nội dung trong một hình thức dễ nhớ, dễ thuộc) là một sáng tạo độc đáo của Ngô Thịnh nhưng cũng không dễ tiếp nhận. Lý do bởi phần thơ ca không dễ dịch, không thể giữ được nguyên chất và khó tạo được sự tương hợp, đồng chất với phần văn xuôi. Trên thực tế, điều quan trọng nhất chính là tiếng nói trách nhiệm, chân thành, dũng cảm của nhà văn Ngô Thịnh trước hiện tình quê hương, xứ sở Đài Loan, từ đó tạo được sự đồng cảm với độc giả bốn phương, nhất là với bạn đọc Việt Nam hôm nay.

 

Nguồn Văn nghê số 1+2/2018

 


Có thể bạn quan tâm