April 25, 2024, 10:57 pm

Những đứa con ấm lòng đất Mẹ

Đang nổi như cồn ở Mỹ hai nhà văn gốc Việt: Ocean Vương (Vương Đại Dương, tên Việt là Vương Quốc Vinh, sinh năm 1988) và Viet Thanh Nguyen (tên Việt là Nguyễn Thanh Việt, sinh năm 1971). Ocean Vương – xin dịp khác đề cập. Dịp này, chúng ta nói về Nguyễn Thanh Việt (mong giáo sư Viet Thanh Nguyen vui lòng chấp nhận tên này ở quê hương của anh), người mà năm 2016, anh là người đầu tiên thuộc các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ được trao giải Pulitzer hư cấu, một trong bốn giải văn chương (Book Man Prise, Pulitzer, Goncourt, Nobel) quan trọng nhất toàn cầu.

 

Kim Thúy, Maryse Condé và Neil Gaimain, chung kết “Nobel văn chương bổ khuyết” 2018.

Năm 1975, Nguyễn Thanh Việt theo gia đình từ Ban Mê Thuột, sang định cư ở Mỹ. Năm đầu tới đây, cha mẹ anh được một gia đình Mỹ đón về sống với họ như người ruột thịt. Anh của Nguyễn Thanh Việt, một gia đình khác. Nguyễn Thanh Việt, gia đình thứ ba. Từ năm lên mười, anh đã nguyện trở thành nhà văn. Mơ ước này khởi nguồn từ một nghịch lý: Khi cha mẹ anh mở một cửa hàng bách hóa tổng hợp, cửa hàng Mỹ bên cạnh trưng ra trong tủ kính quầy hàng tấm biển ghi rõ: “Một người Việt Nam sẽ làm tôi phá sản”. Thế là ngay dân Mỹ, bên cạnh những người có tấm lòng, vẫn còn những người chỉ nghĩ tới lợi ích của riêng họ… Cú hích cho quyết định táo bạo là việc anh được xem ở nhà qua băng vidéo bộ phim Mỹ Giờ là ngày tận thế, 1979, của Francis Ford Coppola. Trong kiệt tác điện ảnh thế giới này, người Việt Nam hiện ra ngô nghê, man rợ và vô dụng. Cậu bé cảm thấy bị xúc phạm nặng nề. Hai mươi năm trời thu thập tài liệu và nghiền ngẫm, anh cho công bố phản biện của anh đối với sự nhầm lẫn và coi thường dân Việt Nam, không chỉ của Coppola. Ấy là tiểu thuyết Người cảm tình đất hứa, 2015, gây tiếng vang lớn, giành nhiều giải thưởng trong và ngoài nước Mỹ. Riêng giải Pulitzer 2016 khiến Nguyễn Thanh Việt xao xuyến nửa năm trời. Bên cạnh việc phê phán chính xác nạn phân biệt, không chỉ chủng tộc, mà cả tôn giáo, nghề nghiệp, chính kiến hay sở thích nghệ thuật, bộ sách ca ngợi chí lý người Việt Nam, nhân hậu, bao dung, thông tuệ và hòa hợp chí tình chí nghĩa. Đó cũng là giá trị cơ bản của Người tị nạn, 2017, tập truyện ngắn lừng lẫy làm nên một tên tuổi văn chương quốc tế. “Tôi phấn đấu trở thành nhà văn để viết về Dân tộc Việt Nam”, tâm nguyện này của anh là định hướng đúng đắn cho đời văn Nguyễn Thanh Việt…

Viet Thanh Nguyen tức Nguyễn Thanh Việt

*

Mấy năm nay, thế giới xao xuyến với trào lưu văn chương viết về gia đình. Một tiếng nói nổi lên trong đó là Đoàn Bùi (sinh ở Pháp năm 1974, tên Việt Nam là Bùi Đoàn Thủy), phóng viên gạo cội của cơ quan truyền thông hàng đầu của Pháp Người quan sát mới, OBS. Năm 2005, Đoàn Bùi được làm mẹ. Nhìn thấy đứa con bé bỏng, cô cứ tự dưng nghĩ ngợi, ít nhất là, với tư cách người mẹ, cô sẽ để lại gì cho con? - Không phải của cải vật chất, mà của cải tinh thần. Cô vỡ lẽ dần về công lao của cha mẹ đối với con cái. Đúng lúc đó, cha bị xuất huyết não và không nói được nữa. Vậy mà, cô hầu như chưa biết gì về cha! Cô quyết chí lần ngược dòng đời để biễt rõ về người đã cùng mẹ, truyền lại cho cô nhân phẩm và tài năng quý báu. Cô bền bỉ lần mò vào đủ ngõ ngách, của Internet, của lưu trữ, của truyền thông, của quan hệ gia đình, họ mạc, bè bạn, của nơi cha ở và làm việc, của xã hội,… ở Pháp và Việt Nam. Cô cương quyết vượt qua dằn vặt và trở ngại, nhất là về bất đồng ngôn ngữ (Đoàn Bùi không biết tiếng Việt)… Tích tiểu thành đại, cô dựng được chân dung thật của cha mình. Cha cô là con một, sinh ở Hà Nội năm 1942. Dù ông nội không tán thành, cha vẫn xin sang Pháp học y bằng được. Tốt nghiệp rồi, cha ở lại Pháp, thành một bác sỹ giải phẫu giỏi. Trái lệnh của ông nội, khi còn học, cha chung sống với một cô gái Pháp và có hai con với cô này. Năm 1970, ông nội sang Pháp, nhằm kéo cha về với nề nếp tiên tổ. Ông suy nghĩ quá nhiều, nên ốm nặng. Cha bố trí để ông được mổ lá lách. Ông chẳng may qua đời. Suốt từ đó, cha nghĩ mình đã giết ông. Cha lấy mẹ, đến Pháp mới ít lâu, đúng ý nguyện của ông, dù ông không còn. (Cha không hề hé răng về bạn tình Pháp và các con lai, dù thỉnh thoảng vẫn gặp họ. Đoàn Bùi nghe đồn về chuyện tình trước của cha, đã dày công tìm lại được anh và chị cùng cha khác mẹ. Từ đó, họ giao lưu như anh em một nhà). Cha ít lời hẳn. Ở nhà, cha chỉ nói tiếng Việt. Gặp bạn bè người Việt, cha hầu chỉ trò chuyện với họ về văn hóa, thơ ca Việt Nam. Cô day dứt vì mình đã rất không phải với cha.  Bao năm ròng, cô mải mê làm sao cho mình đúng là người Pháp, nên quên trò chuyện với cha, thậm chí không thích nghe cha nói tiếng Việt. Cô đã ruồng bỏ cha mình! Cô đã quay lưng lại với văn hóa của Đất nước mà ông và cha tôn thờ và luôn luôn nỗ lực sống sao cho xứng đáng! Cô tìm lại những người thân của gia đình mình, nhất là ở Hà Nội và Sài Gòn. Rồi nhiều lần, cô đưa chồng, người Pháp, và hai con cùng cha mẹ về thăm Việt Nam. Chỉ ở Việt Nam, ba mẹ con cô mới ngủ cùng giường. Chỉ ở Việt Nam, cô mới hạnh phúc đến thế. Trước khi ngủ, cô kể truyện cổ Việt Nam và chuyện gia đình nội ngoại cho các con nghe. Chúng thích lắm, chả khác gì khi được ăn phở. Suốt đêm, cô muốn ôm ấp các con trong lòng, như bất kỳ bà mẹ Việt Nam nào. Cuốn sách kết thúc bằng một cảnh cảm động ở bờ biển. Trở về trong lòng Đất Mẹ, được thấy hai con vợ Pháp, cha như sống lại. Mặt cha trở nên thanh thản lạ thường… Mẹ mừng vô cùng, và không ngăn được lệ trào sung sướng… Ấy là nội dung tác phẩm Sự im lặng của cha tôi, 2016, của Đoàn Bùi, được khen thưởng và ca ngợi rất nhiều.

*

Hơn Đoàn Bùi một giáp, Kim Thúy (tên đầy đủ: Lý Thanh Kim Thúy), “con ông cháu cha”, “di tản” tới Canada từ tuổi lên mười. Sau nhiều nghề, cô đến với văn chương cũng tất yếu như Nguyễn Thanh Việt. Cú hích là tình yêu của chồng, người Canada và tấm lòng của hai bạn nữ bản địa. Vừa xuất hiện trên văn đàn, cô đã được khẳng định như một tên tuổi. Tác phẩm được dịch ra khoảng ba mươi ngôn ngữ. Có cuốn được đưa vào giảng dạy ở trường học Canada. Được tặng nhiều giải thưởng, đặc biệt là một trong ba ứng viên chung kết của “Nobel văn học bổ khuyết” 2018. Được như thế là do cô có cái riêng ngay từ đầu. Cái riêng ấy là làm rạng danh trước thế giới vẻ đẹp của con người Việt Nam. Sành điệu đầu tiên là hòa hợp về ngôn ngữ. Viết bằng tiếng Pháp, Kim Thúy dùng toàn tiếng Việt đặt tên tiểu thuyết của mình. Ru, tiểu thuyết đầu tay, 2009, nghĩa Việt là lời hát dịu êm đưa trẻ vào giấc ngủ; nghĩa Pháp là dòng suối nhỏ; ngụ ý trẻ sẽ lớn lên thành những dòng sông, mọi dòng sông đều đổ vào biển cả. Mãn, có dấu, 2013, nghĩa tiếng Anh là người, nghĩa tiếng Việt là mãn nguyện; ngụ ý: yêu thương sẽ làm nên tất cả. Vi, 2016, nghĩa Pháp là cuộc đời; nghĩa Việt là tế nhị, ám chỉ văn hóa, ngụ ý: cõi người chỉ thực đẹp khi văn hóa được tôn trọng. Những ngụ ý ấy, được nhiều bè bạn quốc tế khâm phục như những phát kiến có một không hai, góp phần thăng hoa nội dung mỗi tác phẩm. Kim Thúy là “thuyền nhân” thực thụ, nhưng không viết về hận thù, không nhìn đời đen tối. Ngược lại, cô trân trọng sự nhường nhịn, khoan dung, giao hòa nhân ái, giúp đỡ nhau vô điều kiện và sức mạnh của tình người. Các tiểu thuyết của cô, cơ sở là tự truyện, chan chứa tình yêu quê hương đất nước, sự tôn kính và tri ân cha ông tiên tổ, niềm tin vào tương lai tốt đẹp của các thế hệ tương lai, và đặc biệt, tinh thần trách nhiệm đối với đồng loại, xã hội và hạnh phúc được làm người. Bên cạnh vẻ đẹp như trên của tiếng Việt, cô tự hào về các món ăn Việt Nam. Không ít độc giả Âu Mỹ thích thú và thử làm những món đó sau khi đọc Bí mật phụ nữ Việt của cô, ra mắt 2017. Bộ truyện tranh Con cá và con chim, mà Kim Thúy là đồng tác giả (phần lời) với họa sỹ Canada nổi tiếng Rogé, ra mắt tháng 10.2029, được đồng thanh thừa nhận là một kiệt tác, không chỉ cho tuổi nhỏ, nói ít hiểu nhiều. Nó bộc lộ mỹ lệ một tư tưởng thời đại quan trọng: chấp nhận và chiêm ngưỡng sự khác biệt của đồng loại, đó là tự thấy mình trong vẹn, và một điều kiện tiên quyết để chung sống viên mãn, sự chung sống không thể chối bỏ. Cứ đà ấy, Kim Thúy nhất định còn đi xa. Và quê hương vẫn luôn là bà đỡ cho mọi sáng tạo…

*

Nuage Rose – Hồng Vân

Trùng hợp không ngẫu nhiên, tục ướp và thưởng thức trà sen, cùng tục lên đồng, tức khát khao bình yên và hạnh phúc của dân thường,… được giới thiệu cảm động trong Ba áng mây trôi dạt xứ bèo, 2012, của Hồng Vân, con gái Việt dâu Pháp, sinh năm 1960. Bộ tự truyện (tiếng Pháp) thuật lại những năm tháng ba chị em cùng tên Vân, nghĩa là mây, phải rời Hà Nội sơ tán về nông thôn, trong cuộc chiến tranh phá hoại miền bắc, 1964-1975, do dế quốc Mỹ tiến hành. Thường đói khát, thiếu thốn đủ đường, cha bận túi bụi vì công việc của một bác sỹ thời chiến, mẹ phải ở lại Hà Nội, thỉnh thoảng mới tới thăm được, ba chị em vẫn được học hành, vẫn được chăm sóc thân thương, vẫn từng bước trưởng thành, bất chấp bao rủi ro bom rơi đạn nổ. Được thế là nhờ tấm lòng thương người như thể thương thân của những địa chỉ mà ba chị em dạt tới, nhờ tình nghĩa gia đình sâu nặng, tình mẫu tử và nhất là tình phụ tử. Vô số chi tiết người thật việc thật, đôi khi ngộ nghĩnh, đa phần xúc động, dựng lại không khí của một thời. Có chị y tá lội bộ nhiều cây số trong trời nắng, đưa ba em về ở nhà mình, cho thật an toàn. Có bà mẹ đánh phạt con trai vì không phải với ba em. Có thầy giáo sáng sáng đem đến cho Hồng Vân quả chuối hay củ khoai luộc, chiều chiều đi cùng ba chị em, kể chuyện cổ tích và làm trò cho ba bé vui cười. Có lần mẹ về thăm, sáng đạp xe 100 km trở lại Hà Nội, Hồng Văn 4 tuổi chân trần, chạy theo gào khóc, mẹ không dám xuống xe, mà phải đạp gấp, vì nếu xuống sẽ gục ngã, rồi suốt dọc đường, cứ thế nức nở. Có cảnh ba chị em cố khều con gà bé tí chết trôi, hy vọng được ăn chút thịt… Có ông ngoại say mê văn hóa Pháp, cư xử luôn đúng mực, làm chỗ dựa tinh thần ấm áp và vững chắc cho ba cháu. Có bố bác sỹ, một anh hùng vô danh, bỏ cha mẹ và tương lai xán lạn ở Pháp, về phục vụ quê hương, giấu nỗi buồn riêng, liêm khiết hơn người, quên mình vì công việc, năng nổ và năng động, vừa cứu được hàng ngàn bộ đội người dân, vừa nuôi dạy ba con nên người ổn thỏa. Không có bố, không thể có Hồng Vân ghi lại được một thời hậu phương nghĩa tình trọn vẹn, hậu thuẫn kiên cố cho chiến trường. Thời ấy, những gì cao quý nhất của mỗi con người đều bộc lộ và giao kết hết tầm, tạo nên sức mạnh vô địch của nhân dân ta… Vâng, mỗi người mỗi vẻ, những đứa con xa xứ không bao giờ quên trách nhiệm với quê cha đất tổ, không bao giờ không nỗ lực xứng đáng với Nguồn Cội… Lột tả hết vẻ đẹp lộng lẫy của Quê Nhà là góp phần hữu hiệu cho hòa giải và hòa nhập toàn nhân loại…

Nguồn Văn nghệ số 19/2020


Có thể bạn quan tâm