March 29, 2024, 2:01 am

Những động thái ngày càng quyết liệt

Ngày càng có nhiều động thái thể hiện phản ứng của các quốc gia trên thế giới đối với những hành động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đánh cắp sở hữu trí tuệ và mưu đồ phá hoại trật tự được thành lập dựa trên luật lệ của Trung Quốc. Mới đây, hai Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Úc đã đến Washington ngày 27/07/2020 để tham gia cuộc họp thường niên AUSMIN (Tham khảo cấp Bộ trưởng Mỹ - Úc) với hai đồng nhiệm Mỹ, diễn ra ngày 28/07. Biển Đông và an ninh trong khu vực là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự. “Chuyến thăm này là bằng chứng cho tầm quan trọng của liên minh bền vững của chúng ta”. Trên mạng Twitter, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds đã khẳng định như trên ngay khi vừa đến Mỹ cùng với ngoại trưởng Marise Payne ngày 27/07. Theo trang The New Daily (Úc), hai Bộ trưởng Úc không tiết lộ những nội dung sẽ được trao đổi trong cuộc họp chính thức với phái đoàn Mỹ. Tuy nhiên, ngoại trưởng Úc khẳng định trên mạng Twitter sau khi thăm và làm việc với Bộ Ngoại giao Mỹ, những giá trị chung về tự do và dân chủ là nền tảng liên minh của chúng ta.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngoại trưởng Úc Marise Payne tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ở Washington ngày 27/07/2020.    Ảnh: REUTERS.

Mỹ, Úc bàn cách ứng phó

Đây là những điểm từng được ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh trong bài diễn văn đọc ngày 23/07 tại Thư viện Tổng thống Richard Nixon. Ông Pompeo đồng thời nhắc đến triển vọng thành lập “một nhóm các quốc gia có chung tư tưởng và một liên minh dân chủ mới”, để chống lại sự đe dọa của Trung Quốc, hành động quân sự hóa các đảo ở Biển Đông, đánh cắp sở hữu trí tuệ và mưu đồ phá hoại trật tự được thành lập dựa trên luật lệ. Vẫn theo trang The New Daily, cuộc họp thường niên năm 2020 phải có tầm quan trọng lớn vì bất chấp dịch Covid-19 và tuy có khả năng họp trực tuyến, hai bộ trưởng Úc vẫn chọn đích thân đến Washington để hội đàm với các đồng nhiệm Mỹ. Có nhiều khả năng trong cuộc họp lần này, Washington sẽ đề nghị Canberra tham gia trực tiếp vào các chiến dịch vì tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) mà Mỹ thực hiện từ lâu. Cũng trong ngày 23/07, Úc đã gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Sự kiện này diễn ra chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông”.

Phải chăng công hàm gửi lên Liên hợp quốc phản đối mọi yêu sách của Bắc Kinh nhằm chiếm trọn Biển Đông là lời đánh động cho việc Úc sẵn sàng đối đầu trực diện với Trung Quốc? Liệu bước tiếp theo của Úc sẽ là tham gia trực tiếp vào chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPs) của Mỹ? Trước nay, Hoa Kỳ thường xuyên đề nghị quân đội Úc tham gia vào một chiến dịch FONOPs, nhưng lời đề nghị mới chỉ dừng ở cấp tư lệnh Hải Quân, mà chưa bao giờ đến từ một bộ trưởng Quốc phòng hoặc Ngoại giao. Việc hai bộ trưởng Úc đích thân đến Washington, bất chấp dịch Covid-19 và bất chấp việc phải cách ly 14 ngày khi trở về nước, cho thấy cuộc họp AUSMIN (Tham khảo cấp bộ trưởng Mỹ - Úc) lần này có tầm quan trọng như thế nào và có nhiều khả năng Úc chính thức tham gia FONOPs, theo Greg Sheridan, biên tập viên của báo The Australian và là một trong những nhà bình luận về an ninh quốc phòng nổi tiếng ở Úc.

Úc quyết liệt hơn trên nhiều mặt

Úc vẫn tham gia tuần tra vì tự do hàng hải trong khu vực, vì đây cũng là tuyến đường giao thương chính của nước này. Nhưng khi tham gia FONOPs cùng với Mỹ, tầu của Úc có khả năng phải đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể ở Biển Đông mà Trung Quốc chiếm đóng và bồi đắp, để phản đối yêu sách vô lý của Bắc Kinh. Trước đó, chính quyền Canberra đã bác mọi đòi hỏi chủ quyền trong “đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ. Tuy nhiên, theo Greg Sheridan, Úc cần cân nhắc thấu đáo khi đưa ra quyết định tham gia FONOPs. Thứ nhất, cần phải chú ý đến mức độ bất cân xứng giữa lực lượng hải quân Úc và Trung Quốc. Tầu chiến của Úc chỉ có thể an toàn khi tuần tra chung với Hải quân Mỹ. Ngược lại, nếu tuần tra một mình, tầu của Úc có thể bị phía Trung Quốc gây hấn, “cảnh cáo, răn đe”.

Điều này từng được cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nêu lên trong cuốn hồi ký, được trang abc.net trích dẫn ngày 27/07: “Nếu Hoa Kỳ ủng hộ chúng ta thì Trung Quốc sẽ lùi bước. Nhưng nếu Washington do dự hoặc vì một lý do nào đó quyết định không can thiệp hoặc không có khả năng can thiệp ngay lập tức, thì Trung Quốc sẽ giành được chiến thắng vang dội về mặt tuyên truyền, coi Mỹ là một con cọp giấy mà các đồng minh phải ngờ vực”. Đúng là quan hệ Mỹ - Trung đang ở trong giai đoạn xấu chưa từng có kể từ khi hai nước thiết lập bang giao năm 1979. Căng thẳng này lại diễn ra vào thời điểm trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng thay đổi về chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ sau cuộc bầu cử này, dù đó là ứng viên Joe Biden hay đương kim Tổng thống Trump đắc cử.

Nếu tuần tra chung với Mỹ, chắc chắn Canberra sẽ bị Bắc Kinh đáp trả. Tuy nhiên, chính quyền Úc tỏ vẻ sẵn sàng, bằng chứng mới nhất là công hàm gửi lên Liên hợp quốc phản đối yêu sách chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh. Ngay lập tức, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc đã đánh tiếng cảnh cáo rằng “Úc đang bất cẩn leo lên con tầu Mỹ bị thủng để can thiệp vào Biển Đông”. Trừng phạt kinh tế (nông sản như thịt bò, rượu vang) được cho là một trong những biện pháp trả đũa mà Trung Quốc nhắm đến. Theo nhiều nhà phân tích, hành động của Úc chắc chắn được các nước ASEAN hoan nghênh, nhưng không theo cách công khai, do vị thế cũng như mối quan hệ tế nhị ở nhiều cấp độ với Trung Quốc. Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ và Úc bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể tạo thành một cán cân mới, theo nhận định của Emma Connors trên trang Financial Review (26/07/2020), giúp thúc đẩy việc đạt đến Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN đang đàm phán với Trung Quốc. Úc hiện có chính sách quyết liệt hơn với Trung Quốc về nhiều mặt, từ yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona ở Trung Quốc đến vấn đề dân chủ ở Hồng Kông và hiện giờ là Biển Đông.

Phản đối yêu sách “đường 9 đoạn”

Trong công hàm gửi lên Liên hợp quốc ngày 23/07/2020, phái bộ thường trực của Úc lên án Bắc Kinh tự vẽ “đường 9 đoạn”, đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông là “không có cơ sở pháp lý” và “không có giá trị” theo phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 chiểu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Công hàm được Úc gửi lên Liên hợp quốc chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “Lập trường của Hoa Kỳ về các yêu sách tại Biển Đông” ngày 13/07/2020. Trước đó, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia cũng lần lượt gửi công hàm phản đối những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong công hàm, chính quyền Úc bác yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” hoặc “quyền lợi hàng hải” được thiết lập trong suốt “quá trình hoạt động lâu dài trong lịch sử”. Canberra khẳng định đường cơ sở được Trung Quốc tự vẽ (đường 9 đoạn) là “không phù hợp” với UNCLOS, vì vậy, Úc bác mọi đòi hỏi của Trung Quốc đối với vùng nội thủy, lãnh hải, hoặc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế dựa trên bản đồ này. Chính phủ Úc cũng không chấp nhận bản ghi chú ngày 17/04/2020 của Trung Quốc khẳng định chủ quyền của nước này đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa “được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi”. Canberra khuyến khích tất cả các bên đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, trong đó có Trung Quốc, làm sáng tỏ những yêu cầu hàng hải và giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS-1982.

Trung Quốc hôm 30/07/2020, thông báo đã cho tiến hành những cuộc tập trận trên không “với cường độ cao” ở Biển Đông. Động thái của Bắc Kinh được cho là một tín hiệu gởi đến Mỹ, đã từng gởi hai tàu sân bay đến khu vực để phô trương uy lực. Trong cuộc họp báo định kỳ hàng tháng trực tuyến, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Nhậm Quốc Cường, cho biết không lực của Hải quân Trung Quốc “mới đây” đã thao diễn “với cường độ cao” cùng với các loại oanh tạc cơ H-6G, H-6J cũng như phi cơ khác ở Biển Đông. Phát ngôn viên này nói rõ là máy bay Trung Quốc tham gia tập trận đã “cất cánh và hạ cánh ban ngày cũng như ban đêm, tiến hành những cuộc oanh kích tầm xa hoặc tấn công vào những mục tiêu trên biển” và các bài tập đã “đạt được mục đích chờ đợi”. Tuy nhiên, địa điểm cụ thể tập trận không được thông báo.

Theo hãng tin Pháp AFP, động thái tập trận của Trung Quốc là một tín hiệu rõ ràng gởi đến phía Mỹ, trong cuộc đọ sức ngày càng thêm gay gắt giữa hai bên, đặc biệt là sau khi Mỹ bất ngờ gởi hai tàu sân bay đến Biển Đông vào đầu tháng 7. Bên cạnh đó, trên mặt ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, vào trung tuần tháng 7, cũng nói thẳng quan điểm của Hoa Kỳ, xem yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông là bất hợp pháp, trong lúc cho đến trước đây Mỹ vẫn giữ thái độ trung lập. Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng, Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Mark Esper, tuần qua thông báo là ông muốn đến Trung Quốc trước cuối năm 2020 với hy vọng làm dịu tình hình.

 

Bác bỏ “quyền lịch sử” của Trung Quốc

Với lời lẽ cứng rắn khác thường, Malaysia ngày 29/07/2020 lại gửi công hàm lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, nội dung bác bỏ “quyền lịch sử” mà Trung Quốc tự nhận là họ có trên Biển Đông dựa theo bản đồ “Đường 9 đoạn” do chính họ vẽ ra. Trong công hàm, Malaysia đã khẳng định bác bỏ “toàn bộ nội dung” của một công hàm khác mà Trung Quốc đã gửi Liên hợp quốc ngày 12/12/2019, trong đó Bắc Kinh cho rằng Kuala Lumpur không có quyền đề nghị kéo dài thềm lục địa của Malaysia ở khu vực phía bắc nước này.

Công hàm ngày 29/07 của chính quyền Kuala Lumpur nhấn mạnh rằng đề nghị của Malaysia hoàn toàn phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Văn kiện của Malaysia gởi lên Liên hợp quốc nói rõ: “Malaysia bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về quyền lịch sử, cũng như các quyền chủ quyền và quyền tài phán, liên quan tới khu vực hàng hải trên Biển Đông nằm trong đường chín đoạn”. Đối với Malaysia, các yêu sách của Trung Quốc đã “đi ngược lại UNCLOS và không có tác động pháp lý vì đã vượt quá phạm vi địa lý và ranh giới thực chất mà Trung Quốc được hưởng theo công ước”. Trả lời nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, một chuyên gia về lập trường Biển Đông của Kuala Lumpur cho rằng dù công hàm ngày 29/07 của Malaysia có lời lẽ cứng rắn bất ngờ, nhưng nội dung văn kiện này vẫn phản ánh quan điểm từ trước đến nay của Malaysia là bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Sự kiện Malaysia gởi công hàm phản đối Trung Quốc là diễn biến mới nhất trong vấn đề được các nhà quan sát gọi là “cuộc chiến công hàm về Biển Đông”, hiện đang diễn ra trong bối cảnh các yêu sách quá đáng của Trung Quốc liên tục bị tố cáo và bác bỏ trước Liên hợp quốc. Ngoài Malaysia, các nước khác như Indonesia, Philippines, Việt Nam Hoa Kỳ và Úc cũng đã gởi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối Trung Quốc.

Nguồn Văn nghệ số 32/2020


Có thể bạn quan tâm