April 26, 2024, 12:55 am

Những động lực cho hợp tác chiến lược Việt – Mỹ

 

Hôm 25/3/2019, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và Thứ trưởng phụ trách Kiểm soát vũ khí và An ninh quốc tế Hoa Kỳ Andrea Thompson đã đồng chủ trì Đối thoại Chính trị, An ninh, Quốc phòng thường niên Việt Mỹ lần thứ 10 tại Thủ đô Washington. Một ngày sau cuộc đối thoại nói trên, hôm 26/3/2019, một hội thảo khác với chủ đề “Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ” do Bộ Quốc Phòng của Việt Nam và Mỹ cùng hợp tác tổ chức tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ (Washington D.C). Tin cho hay, tại vòng đối thoại hai bên tiến hành đánh giá về những tiến triển trong quan hệ với các cuộc gặp song phương giữa lãnh đạo cấp cao hai nước nhân Thượng đỉnh Trump Kim tại Hà Nội vào tháng trước. Bên cạnh đó là những tiến triển về hợp tác quốc phòng, nổi bật là việc Bộ trưởng James Mattis thăm Việt Nam hai lần trong năm 2018, tàu sân bay Mỹ lần đầu tiên thăm cảng Việt Nam kể từ năm 1975 và triển khai dự án tẩy độc chất dioxin tại sân bay Đà Nẵng.

Hoa Kỳ hy vọng có thể đạt được thoả thuận sẽ gửi một hàng không mẫu hạm thứ hai đến Việt Nam trong năm 2019 này. Dù không nhắc cụ thể đến Trung Quốc hay Indo – Pacific (Ấn Thái Dương), nhưng lãnh đạo Bộ Quốc phòng Việt Nam đã hai lần nhấn mạnh, Hà Nội Washington có những lợi ích quốc gia chung. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu như vậy tại cuộc hội thảo mang chủ đề Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được tổ chức tại Viện Hòa bình Hoa Kỳ, thủ đô Washington DC.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu như vậy tại cuộc hội thảo mang chủ đề Khắc phục hậu quả chiến tranh: Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ,

Hướng tới hợp tác chiến lược

Ngày 3/4/2019, sau cuôc đối thoại và hội thảo nói trên, một hội nghị quan trọng khác, với nội dung “Việt Nam và Hoa Kỳ: Hướng tới hợp tác chiến lược” đã được tổ chức tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington. Ông Randall G. Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc Phòng phụ trách vấn đề an ninh khu vực Ấn Thái Dương đã phát biểu tại hội nghị: “Hoa Kỳ hy vọng có thể đạt được thoả thuận gửi một hàng không mẫu hạm thứ hai đến Việt Nam trong năm 2019 này và mong muốn thắt chặt quan hệ quốc phòng hơn với Việt Nam. Hoa Kỳ mong những lần cập bến của tàu sân bay Mỹ sẽ trở thành sự kiện thường xuyên của việc tăng cường mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù trong chiến tranh Việt Nam”. Hoa Kỳ khẳng định lại lập trường ủng hộ hoà bình, ổn định, hợp tác, tự do thương mại, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; kêu gọi các bên liên quan thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DoC), hướng tới hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (CoC).

Ông Randall G. Schriver nhấn mạnh thêm tại buổi hội thảo: “Chúng tôi đang thảo luận với Việt Nam về việc gửi mẫu hạm thứ hai đến Việt Nam trong năm nay. Hy vọng của chúng tôi là từ đây có thể là một sự kiện đặc trưng thường xuyên trong mối quan hệ hai nước. Nó sẽ là dấu hiệu của một mối quan hệ chiến lược và trưởng thành”. Đặc biệt, ông Schriver tiết lộ ông hy vọng Hoa Kỳ sẽ hoàn thành và chuyển giao chiếc tàu khu trục thứ hai cho Việt Nam để giúp Việt Nam trong công tác an ninh hàng hải. Cũng trong buổi hội luận ở CSIS, ông Schriver cam kết giúp Việt Nam bảo vệ chủ quyền quốc gia giữa lúc Trung Quốc không ngừng các hoạt động quân sự hóa trên vùng Biển Đông có tranh chấp. Hội nghị được chia làm 2 phiên thảo luận, tập trung vào các nội dung: hợp tác an ninh – quốc phòng Việt – Mỹ; và Mỹ và Việt Nam trong khu vực. Các đại biểu đã thảo luận những trở ngại và thuận lợi trong quan hệ Việt – Mỹ, đồng thời nhấn mạnh vai trò của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Mỹ cũng như trong khu vực và trên trường quốc tế.

Ông Amy Searight, Giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết: “Việt Nam và Mỹ có những lợi ích chung và chia sẻ tầm nhìn về một trật tự dựa trên các quy tắc, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải ở khu vực. Hai nước đã vượt qua nhiều trở ngại và đã có nhiều tiến triển trong một số lĩnh vực mang tính lịch sử. Hai nước đã cùng nhau thảo luận và tìm cách hợp tác hiệu quả hơn và tôi cho rằng tương lai quan hệ ViệtMỹ rất tươi sáng”. Cũng đồng quan điểm này, Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shears, khẳng định quan hệ Việt – Mỹ sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới: “Tôi cho rằng Việt Nam và Mỹ đang có một mối quan hệ đang phát triển mạnh mẽ trên các lĩnh vực kinh tế, an ninh và quốc phòng. Mối quan hệ này đã được củng cố với việc Việt Nam tổ chức thành công thượng đỉnh MỹTriều lần thứ hai. Tôi nghĩ chúng ta nên tranh thủ việc Việt Nam tổ chức thành công sự kiện này để tạo cơ sở cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Chuyến thăm này sẽ đóng góp nhiều cho quan hệ ViệtMỹ”. Quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ ổn định sẽ đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực.

Phát biểu tại hội nghị, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Hà Kim Ngọc cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng mở rộng quan hệ trong những năm tới: “Tương lai quan hệ ViệtMỹ rất sáng lạn. Quan hệ đối tác toàn diện ổn định giữa hai nước là một yếu tố quan trọng, đóng góp cho việc duy trì hòa bình, an ninh và hợp tác trong khu vực. Việt Nam và các nước trong ASEAN sẽ tiếp tục củng cố quan hệ với các nước lớn bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Ấn Độ và Australia. Việt Nam và Mỹ đang hướng tới kỷ niệm 25 năm ngày thành lập quan hệ ngoại giao. Với thiện chí và nỗ lực xây dựng lòng tin giữa hai nước, Việt Nam và Mỹ đang mở ra các trang mới trong hợp tác sâu rộng và vững chắc trong vòng 25 năm tới. Hai nước có nhiều tiềm năng mở rộng và củng cố hợp tác trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và kinh tế cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế”.

 

12 lần nhắc đến Indo-Pacific

Trong đoàn Việt Nam sang Mỹ vừa qua có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Phía chủ nhà còn có ông Joseph Felter, trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á. Đây là một cuộc hội thảo hữu nghị kéo dài suốt một ngày tròn (ngày 26/3). Hai bên đều bày tỏ ý nguyện hợp tác với nhau giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh như là rà phá bom mìn và khử chất độc da cam tại Việt Nam, tìm kiếm các quân nhân Mỹ, Việt bị mất tích trong chiến tranh. Và hai bên đã đồng ý rằng, việc hợp tác đó sẽ thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước, một quan hệ mà nhiều người cho rằng đã phát triển rất ngoạn mục, rất đặc biệt, từ thù thành bạn. Tuy nhiên, có một vấn đề mà hai bên đề cập khác nhau. Đó là khi phát biểu về Trung Quốc.

Người Mỹ không tránh nói tới vấn đề này. Những diễn giả và người đặt câu hỏi người Mỹ đã đề cập đến Trung Quốc 5 lần, thậm chí nói đến việc Trung Quốc đang bành trướng lãnh thổ. Đáp lại, phía Việt Nam, trong câu trả lời của đại sứ Hà Kim Ngọc: “Nhiều người trong chúng ta đề cập đến Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta còn nhiều chuyện nữa để làm”. Dường như các học giả Việt Nam tránh đưa ra những bình luận về Trung Quốc ở chỗ công khai.

Người Mỹ không chỉ đề cập đến Trung Quốc, mà còn đề cập tới một khái niệm cốt lõi khác, đó là “Indo – Pacific”, được xem như một chiến lược mới của Mỹ, gọi là Chiến lược Ấn Thái Dưng (IPS), nhằm liên kết các quốc gia trong vùng là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, để kềm chế Trung Quốc. Khái niệm này được người Nhật đưa ra từ lâu, nhưng mới được dùng trở lại như một chiến lược toàn cầu của Washington trong hai năm gần đây. Các diễn giả Mỹ đề cập đến khái niệm Ấn Thái Dương 12 lần, trong đó có cả những người làm việc cho cơ quan chuyên về phát triển là USAID. Người Mỹ cho rằng Việt Nam nằm ở trung tâm phát triển Chiến lược Ấn Thái Dương của họ. Trong khi đó, từ phái đoàn Việt Nam đã không có ai và không một lần nào đề cập đến IPS trong quá trình tham dự tại hội thảo.

Nhưng như một sự bù đắp tương phản, cũng vào ngày 3/4/2019, tại thủ đô Hà Nội, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Walter Douglas trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, đã có buổi thuyết trình về Chiến lược Ấn Thái Dương của Mỹ (IPS). Sự kiện này do Viện Nghiên cứu Quốc tế và Đối ngoại nhân dân thuộc Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam tổ chức, đã thu hút sự quan tâm đông đảo của các học giả và các nhà nghiên cứu. Ông Walter Douglas cho hay, khi Tổng thống Trump công bố IPS tại APEC-25 ở tp. Đà Nẵng (10/11/2017), các nước trong khu vực còn đối mặt với những hoài nghi rằng chiến lược ấy là gì và nguồn lực của nó đến từ đâu. Tại cuộc thuyết trình, ông Douglas đã làm rõ các nội hàm cũng như các trọng tâm của chiến lược này. Theo Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, IPS khác biệt so với các chiến lược châu Á trước đây của Mỹ ở chỗ, nó mở rộng cả về phạm vi địa lý lẫn các phạm trù bao hàm. Theo đó, Mỹ xác định 3 trụ cột trong chiến lược là: kinh tế, an ninh và quản trị. Khẳng định vai trò của khu vực trong IPS, ông Douglas cho biết Việt Nam là thành viên rất quan trọng trong khối ASEAN và ASEAN đóng vai trò trung tâm trong chính sách của Mỹ tại châu Á.

 

Khắc phục hậu quả chiến tranh

Trở lại với cuộc Hội thảo ngày 26/3 về khắc phục hậu quả chiến tranh nhằm xây dựng lòng tin giữa Việt Nam và Mỹ đã diễn ra tại Washington DC, sự kiện do Ban chỉ đạo Quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh (Ban chỉ đạo 701) cùng Viện Hoà bình Mỹ (USIP) tổ chức. Các nội dung thảo luận tại hội thảo bao gồm: Nền tảng của mối quan hệ Việt – Mỹ sau chiến tranh”, “Hàn gắn vết thương của chiến tranh” và “Chặng đường phía trước: Xây dựng mối quan hệ bền vững”. Các tham luận của Việt Nam khẳng định khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có hợp tác tìm kiếm quân nhân Mỹ bị mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) là nội dung được đảng, chính phủ, nhân dân Việt Nam quan tâm hàng đầu trong hợp tác với Mỹ. Đây là nội dung hợp tác mang tính nhân đạo và là động lực cho những lĩnh vực hợp tác khác trong tương lai, góp phần vào việc xây dựng lòng tin giữa hai quốc gia.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo 701 cho biết: “Có rất nhiều biện pháp, rất nhiều nội dung trong xây dựng lòng tin, trong đó khắc phục hậu quả chiến tranh chỉ là một. Tuy nhiên, khắc phục hậu quả chiến tranh thể hiện khía cạnh là chúng ta thực sự muốn quan hệ bình đẳng, hữu nghị, cùng có lợi với nước đã từng có chiến tranh với chúng ta là Mỹ. Ngược lại, Mỹ cũng nhìn thấy ở Việt Nam là một đối tác đáng tin cậy ở chỗ là chúng ta nói là làm. Chúng ta có một đặc tính khoan dung của một dân tộc rất hòa hiếu. Nếu chúng ta đảm bảo được tin cậy như vậy thì nó là nền móng cho tất cả các lĩnh vực hợp tác khác và chúng ta nhận thức rằng chúng ta không muốn đối đầu với nhau nữa, chúng ta muốn hợp tác”.   

Trong bài phát biểu của mình, Thượng Nghị sỹ Patrick Leahy khẳng định, chính phủ và quốc hội Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện các cam kết đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất, đồng thời thông báo Mỹ sẽ hỗ trợ ngân sách dành cho người nhiễm chất độc dioxin tại Việt Nam. Ông Leahy cũng cho biết phái đoàn quốc hội Mỹ do ông dẫn đầu sẽ sang thăm Việt Nam vào đầu tháng 4 tới đây để tham dự Lễ khởi công Dự án “Tẩy độc môi trường nhiễm chất độc dioxin tại sân bay Biên Hoà”, cũng như dự Lễ ký kết “Bản ghi nhớ về triển khai Quỹ hỗ trợ này với Ban Chỉ đạo 701”. Ông Leahy phát biểu: “Chúng ta không thể chạy trốn sự thật rằng chiến tranh là một thảm họa đối với nhiều thế hệ người dân Việt Nam và Mỹ. Mỗi chúng ta, những người từng trải qua thời kỳ đó, đều có những ký ức, những cảm xúc và ý kiến riêng của mình. Đối với tôi, không gì có thể biện minh cho cuộc chiến vô nghĩa đó cũng như sự tàn phá và chịu đựng mà nó gây ra. Nhưng chúng ta có thể tự hào về cách mà hai nước đã cùng nhau vượt qua hậu quả bi đát đó. Chúng ta cần phải tiếp bước trên một chặng đường nữa và chúng ta sẽ đi cùng nhau”./.

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm