April 16, 2024, 3:12 pm

Những đề văn vượt khỏi lối mòn

Quảng Nghiêm thiền sư - bậc chân tu ở Việt Nam thời Lý từng dạy đệ tử “Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Làm trai phải tự mình có chí xông lên trời thẳm/ Đừng đi theo con đường mà Như Lai đã đi). Nhà thơ người Mỹ Robert Frost cũng viết “Trong rừng có nhiều lối đi/ Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người.

Tôi rất tâm đắc với triết lý của Quảng Nghiêm và Robert Frost ở chỗ hai ông đã đề cao sự tự do sáng tạo và độc lập tư duy, kêu gọi mỗi người nên tự tìm cho mình một con đường  đi riêng, thể hiện rõ dấu ấn cá tính; tránh lối sống dựa dẫm, phụ thuộc, đánh mất chính mình. Quả vậy, mỗi người là một tiểu vũ trụ, một bản thể chứa đựng những suy tư, khát vọng cũng như tiềm tàng những khả năng sáng tạo riêng. Một con người chân chính, kiêu hãnh phải là một con người giữ được cho mình bản sắc riêng đầy độc đáo. Tôi phải là chính tôi mà không phải là bất cứ ai khác. Tôi phải đi con đường do tôi chọn mà không phải là bất cứ lối mòn nào.  

Theo tôi tư tưởng ấy đặc biệt quan trọng trong giáo dục. Một nền giáo dục tiến bộ phải là một nền giáo dục khơi dậy được khả năng tư duy độc lập, phát huy cá tính sáng tạo của từng học sinh để mỗi em bước vào đời sẽ là một cá nhân dùng năng lực của mình đóng góp cho xã hội chứ không phải là một nền giáo dục áp đặt, đóng khung con người vào những khuôn mẫu nhất định để rồi cho ra hàng trăm, hàng nghìn người có một lối tư duy giống nhau; chen chúc trên những con đường mòn định sẵn mà không dám bứt phá, vượt thoát sang một hướng nào khác.

Nền giáo dục của ta hiện nay còn rất hạn chế trong việc phát triển năng lực sáng tạo cho học sinh. Chúng ta đào tạo ra những con người giỏi học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc theo kiểu “tầm chương trích cú” nhưng khi va chạm với thực tế công việc thì lại tỏ ra rất vụng về, yếu kém. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ thể hiện những trăn trở, suy tư của mình xung quanh vấn đề dạy – học văn trong nhà trường - lĩnh vực mà tôi trực tiếp tham gia và ít nhiều có trải nghiệm.

Thực tế dạy - học văn trong nhiều năm qua chỉ ra một vấn nạn đáng buồn là tình trạng học sinh học tủ, học vẹt, học văn mẫu tràn làn không thể nào kiểm soát được. Thành ra bài văn nào cũng na ná nhau theo những khuôn có sẵn được chép trong sách mẫu hay được thầy cô giáo ôn cho. Ngày càng hiếm những bài văn có chất được viết ra từ khả năng sáng tạo và sự tư duy tích cực của học sinh. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng một trong những nguyên nhân lớn theo tôi là do cách ra đề văn trong nhà trường. Chúng ta chừng như đã quá quen, thậm chí nhàm chán trước những cách ra đề ít nhiều mang tính công thức như: Phân tích một bài thơ, phân tích một nhân vật, chứng minh một câu tục ngữ, bình luận một ý kiến… Với những đề văn như thế, đáp án cũng buộc học sinh phải thể hiện được đầy đủ hệ thống ý, thiếu ý nào sẽ trừ điểm ý đó. Nhiều thầy cô giáo vì muốn học sinh đạt điểm cao trong các kì thi cũng đã gò các em vào những bài bản máy móc như phần mở bài thì giới thiệu như thế này, phần thân bài thì phải có những ý này… Cách ra đề văn như vậy sẽ đóng đinh suy nghĩ, cảm xúc của học sinh vào những ý mà người ra đề định hướng. Các em sẽ không thể thể hiện được những suy tư, cảm xúc riêng của mình. Từ đó bài của em nào cũng bấy nhiêu ý; cũng một cách lí giải, lập luận như nhau. Không thể có những bài văn sáng tạo, thể hiện được cá tính của người viết.

Yêu cầu bức thiết đặt ra là phải đổi mới cách ra đề văn theo định hướng phát triển năng lực, tôn trọng tiếng nói cá nhân, truyền cảm hứng sáng tạo và khơi gợi sự độc lập tư duy cho học sinh. Phải tiến tới một cách ra đề như thế nào để mỗi bài văn các em viết ra phải là sản phẩm của chính các em chứ không phải là một sự sao chép gần như nguyên vẹn những điều thầy cô giáo đã dạy hay được chép trong sách mẫu. Đó là những đề văn vượt khỏi lối mòn, chệch ra ngoài khuôn khổ, đem đến cho học sinh cơ hội thể hiện năng lực như: “Nếu chỉ còn một ngày để sống”, “Nếu được tham gia tranh luận trong diễn đàn: nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ, bạn hãy thể hiện quan điểm của mình”, “Nghĩ về những nếp nhăn trên trán mẹ”, “Nghĩ về điều kì diệu của tình thương”, “Nếu tham gia vào cuộc tranh luận giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh bạn sẽ chọn con đường nào?”, “Vì sao tôi sống?”, “Có phải cứng quá thì gãy?”, “Văn học với việc bồi dưỡng tâm hồn bạn?”, “Suy nghĩ về một ước mơ nhân dân gửi gắm trong truyện cổ tíchNhững cách hỏi như vậy sẽ bồi dưỡng, phát triển được sức nghĩ, sức viết của học sinh. Các em có thể tự do khám phá, sáng tạo; tự do thể hiện suy nghĩ, tâm tư, tình cảm của mình mà không phụ thuộc vào bất cứ ai và bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, với những đề văn như thế thì đáp án cũng phải hết sức linh hoạt. Không nên ràng buộc học sinh phải thể hiện được ý này, ý nọ; trái lại phải tạo ra một môi trường thực sự cởi mở, thông thoáng để các em tha hồ suy tư và sáng tạo. Miễn sao sự sáng tạo ấy hợp lí và có sức thuyết phục. Bản thân người chấm cũng phải tránh một cái nhìn máy móc, định kiến; phải tôn trọng tiếng nói cá nhân của mỗi học sinh, tránh áp đặt suy nghĩ của mình cho các em thì mới mong phát hiện được tài năng.

Ngẫm ra, muốn học sinh có những bài văn độc đáo thì người thầy phải ra được những đề văn độc đáo. Muốn hình thành năng lực sáng tạo cũng như khả năng tư duy độc lập của học sinh, người thầy không chỉ dạy tốt mà còn phải biết cách truyền cảm hứng, khơi dậy đam mê. Thế mới biết yếu tố người thầy quan trọng như thế nào trong sự thành công của một nền giáo dục. Bất chợt tôi nhớ tới lời của William A. Warrd “Người thầy trung bình chỉ biết nói/ Người thầy giỏi biết giải thích/ Người thầy xuất chúng biết minh họa/ Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng.

Nguồn Văn nghệ số 27/2020


Có thể bạn quan tâm