April 25, 2024, 3:34 pm

Những danh sĩ đã từng gắn bó với đất Phan Long

Quê tôi là ngôi làng nhỏ ven bờ bắc sông Gianh, trên đường thiên lý Bắc - Nam, xưa gọi là làng Phan Long. Cuối thế kỷ 18, Chúa Trịnh cho đóng đồn Tam Hiệu (三校 ba đồn) ngay đất làng, từ đó mới có tên là Ba Đồn. Chợ Phan Long thành chợ Ba Đồn, gọi tắt là Chợ Đồn.

Vốn là sở lỵ châu Bố Chính rồi châu Bắc Bố Chính (nay là tỉnh Quảng Bình), phủ lỵ phủ Quảng Trạch, huyện lỵ huyện Bình Chính rồi huyện Quảng Trạch; nhờ có cái Chợ Đồn to nhất miền Trung từ thế kỷ 18, làng Phan Long đã đón nhiều danh sĩ nước Nam. Xa xưa thì có Lê Thánh Tông, Dương Văn An, Lê Quí Đôn… Cách nay vài trăm năm thì có Ngô Thời Nhậm, Nguyễn Du, Cao Bá Quát… Chưa kể Nguyễn Hàm Ninh là người gần làng. Không ít thì nhiều họ đã từng đi chợ Ba Đồn, uống rượu Phan Long, nhất là Cao Bá Quát và Nguyễn Du.

Hồ Sĩ Tạo Đào Tấn

Phan Bội Châu

Những già làng cao tuổi nhất vừa khuất bóng đã kể cho chúng tôi bốn danh sĩ đã từng gắn bó với đất Phan Long, đó là: Đào Tấn, Hồ Sĩ Tạo, Phan Bội Châu và Khương Hữu Dụng.Hồ Sĩ Tạo và Đào Tấn là tri phủ huyện Quảng Trạch. Hồ Sĩ Tạo đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) thời Tự Đức, năm 1868 được bổ làm tri phủ Quảng Trạch, sau bị biếm chức xuống làm giáo thụ, phụ trách việc học ở phủ. Tuy mắc tội bị biếm chức nhưng Hồ Sĩ Tạo rất được dân Ba Đồn yêu quí, nhất là tài học, tài thơ của ông. Không ít người còn nhớ đến tập thơ Tiểu Khê thi tập của ông và truyền ngôn từ xứ Nghệ: “Văn Giao (Nguyễn Văn Giao), phú Tạo (Hồ Sĩ Tạo), thơ Thành (Nguyễn Văn Thành)”. Tương truyền có lần thấy học trò tỏ ý muốn học thầy Hồ Sĩ Tạo, Phan Bội Châu trả lời: “Tôi là con rắn, Hồ Sĩ Tạo là con rồng, học với tôi còn chẳng xong sao học được với Hồ Sĩ Tạo”. Một ông tri phủ hay chữ lại gần gũi dân thì sự hay chữ sẽ được lan toả, nhất là khi ông hay chữ phụ trách luôn việc học. Đất quê tôi được gọi là đất học, có lẽ kể từ khi Hồ Sĩ Tạo làm giáo thụ cho phủ Quảng Trạch.

Đào Tấn tên thật là Đào Đăng Tấn, huý chữ Đăng nên gọi là Đào Tấn. Ông đỗ cử nhân năm 1867 nhưng mãi đến 1874 mới được vua Tự Đức bổ làm tri phủ Quảng Trạch. Đào Tấn là lương quan, nổi tiếng thanh liêm cương trực, rất được dân Ba Đồn kính nể yêu quí, nhất là khi biết ông vừa hay chữ vừa giỏi tuồng. Với dân Ba Đồn, Đào Tấn được trọng vọng vì là nhà soạn tuồng hơn vì ông là tri phủ. Ông đã mở những gánh hát bộ gọi là “Đào bộ đình”. Mới biết vì sao dân Quảng Bình rất mê diễn tuồng hát bội. Nhiều làng đến nay hãy còn lưu giữ. Như các làng Đông Dương, Mỹ Cương, Khương Hà…Riêng dân Ba Đồn đã từng có một đoàn tuồng chuyên nghiệp lưu diễn nhiều nơi trong vùng, một thời rất nổi tiếng. Một làng có cả một đoàn văn công, quả thật hiếm có. Âu cũng là ơn hạnh ngộ với sư phụ Đào Tấn.Phan Bội Châu đến Ba Đồn những ba lần.

 Khương Hữu Dụng

Hai lần vào tháng 6 và tháng 10 năm 1904 để tuyên truyền phát triển Hội Duy Tân. Dù bị Chính quyền thực dân Pháp ngăn chặn, dân Ba Đồn, đặc biệt là các đồ nho và sĩ phu yêu nước, vẫn âm thầm tiếp xúc với cụ. Họ nhận từ cụ các tác phẩm yêu nước và lắng nghe từ cụ những lời chỉ bảo. Lần thứ ba vào tháng 6 năm 1926. Lúc này Phan Bội Châu bị đưa về Huế an trí, nhân được Chính quyền Pháp cho ra Bắc, cụ ghé qua Ba Đồn theo lời mời của họ trò cụ là ông Thuận Phát. Nhà Thuận Phát là nơi cụ Phan dừng chân, đông nghịt vòng trong vòng ngoài. Mọi người háo hức nghe cụ nói chuyện và truyền tay nhau các tác phẩm của cụ như Hải ngoại huyết thư, Đề tỉnh quốc dân hồn rồi chép thành nhiều bản, phổ biến rộng rãi. Sức hút của Phan Bội Châu là vô cùng to lớn, xưa nay hiếm. Phong trào yêu nước đã nhen nhúm từ khi có phong trào Duy Tân 1904-1905, đến khi cụ Phan công khai gặp gỡ dân chúng tại Ba Đồn, phong trào ấy mới thực sực  bùng nổ.

Người thứ tư là nhà thơ Khương Hữu Dụng. Ông quê ở Hội An - Quảng Nam. Năm 1926 tốt nghiệp Quốc học Huế, vì thông thạo Hán ngữ ông được mời ra Ba Đồn dạy tại trường tiểu học Hoa Kiều. Là đệ tử của Phan Bội Châu, sau ngày Phan Bội Châu về thăm Ba Đồn, ông đã cùng các thầy giáo làng dấy lên phong trào đọc sách báo tiến bộ thời bấy giờ: Người cùng khổ, Việt Nam hồn, Bản án chế độ thực dân Pháp, Việt Nam quốc sử… Cả làng Phan Long nô nức theo Khương Hữu Dụng, chia thành từng nhóm nhỏ đọc và thảo luận rất sôi nổi kéo dài cả năm trời. Phong trào đọc sách ở Ba Đồn không chỉ là phong trào yêu nước, nó còn là cuộc cách mạng văn hoá của làng tôi, giúp cho đời sống tinh thần của làng từ đó có nhiều khác biệt và vượt trội so với các làng khác trong vùng. Khương Hữu Dụng được dân Ba Đồn yêu mến, coi như người làng. Tên ông còn truyền đến ngày nay, dân làng nhiều người hãy còn nhớ.

Cách mạng tháng 8, khởi nghĩa ở làng tôi xảy ra rất nhanh chóng, chỉ trong buổi sáng là xong. Chỉ cần có hiệu lệnh là cả làng đứng lên, tuyệt không một ai chần chừ. “Còn khoẻ và vui hơn đi chợ phiên”, dân làng tôi nói thế. Có được như vậy cũng nhờ các danh sĩ nước Nam nói trên đã gây dựng phông văn hoá và hun đúc đắp bồi lòng yêu nước cho dân làng tôi từ hơn 70 năm trước đó.

Có phải thế chăng?

Nguồn Văn nghệ số 36+37/2022

   

Có thể bạn quan tâm