March 29, 2024, 8:57 am

Những cuộc tình có đủ nụ cười và nước mắt

 

Do ngẫu hứng, tôi đọc Mặt trời và những cơn mưa bằng cách đọc khá kỳ cục, thông thường người ta lần lượt từ trang đầu tiên đến khi kết thúc. Còn tôi lật ngay truyện ngắn thứ 12 cuối cùng đọc trước.

Truyện có tựa Biển thì mênh mông. Chàng trai trong truyện, nhân vật yêu mến sự hiền hòa khi biển êm đềm nhưng không lên án mà nhìn bao dung cái dữ dằn lúc biển động, gào thét, phủ chụp, dày xéo sự sống làng biển. "Anh ở biển, ra biển dài ngày theo mùa biển êm, nơi đất liền ngắm mùa biển động sóng xô đập bờ hay từng đợt triều cường phá tung các làng chài áp biển" (Tr.158). Cuộc tình trong truyện này đã nảy nở giữa anh chàng ngư dân bản địa và cô gái từ phương xa đến, hai tính cách ban đầu khác nhau, người quê kẻ phố, chàng độ lượng nàng kiêu sa. Vậy mà sự rung động con tim đã làm thay đổi hai tâm hồn, từ xa lạ nghi ngại đến hòa hợp, gắn bó...

Cùng nhân vật nữ, nhưng Thu trong truyện trung tâm tập sách, Mặt trời và những cơn mưa, là cô gái từng trải, thích xâm nhập thực tế, sẵn sàng lao vào sự việc mình muốn. "Có người bảo cô như một nhà 'chung cư' vì vừa nhà báo, nhà văn, nhà viết kịch bản, đạo diễn... Và những việc ấy rất cần cho các chuyến đi, để dung nạp những hình ảnh của cuộc sống bao miền" (Tr.74)… Cuối truyện, Huỳnh Thạch Thảo lại tạo cho cuộc tình lãng mạn này theo hướng: Thơ viết đừng xong, thuyền trôi chớ đỗ! "Nam và Thu cũng đứng lên, nàng khẽ đưa mắt nhìn anh, đưa tay anh nắm, bàn tay ấm mềm và cả hai biết rằng, những giờ phút cuối cùng hôm nay để mỗi người đi về một hướng" (Tr.78).

Trở lại với truyện đầu tiên tập sách, có tên Người về trong sương, là tình cảm lãng đãng của cô gái công chức tên Nga với hai anh em sinh đôi, người còn sống kẻ đã mất… Rồi truyện Chân mây cuối trời, tác giả gợi lên những kỷ niệm quá khứ nhưng giấc mơ "song hỷ" cuộc tình vẫn còn xa ngái phía trước. "Chân mây cuối trời là hạnh phúc muôn đời bên nhau, là nơi ta mong mỏi khát khao kiếm tìm và đạt đến" (Tr.22). Có ai đã ví tình yêu như chiếc bóng. Khi ta quay lưng bóng đuổi theo, lúc ta muốn nắm bắt, bóng chập chờn phía trước. Với sự từng trải của mình, Huỳnh Thạch Thảo đã cho người đọc cảm nhận điều này nơi truyện Chiều bên kia sông: "Với một người bao lần Hoàng tự dối lòng là không yêu, mà mỗi lần về lại nơi này thì luôn mong ngóng, luôn có ý nghĩ sẽ được trông thấy đôi mắt ấy cho dù gần 20 năm trôi qua" (Tr.31). Ở truyện Người về thả khói tìm xưa là sự hòa trộn giữa tình yêu và tình đất bao đời trên quê hương làng cát Phú Yên từ thế hệ ông bà, cha mẹ nối tiếp đến con cái. Dẫu cuộc sống muôn vàn gian khổ do chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt gây nên nhưng con người nơi đây dù mưu sinh trên mọi nẻo đường đất nước vẫn một lòng tha thiết gắn bó vùng đất mà máu, nước mắt của cha mẹ, bạn bè, người yêu đổ xuống trong những tình huống khác nhau thuở chiến chinh lẫn thời bình; để rồi: “Cả ba đã về nằm kề bên nhau để đón nhận từng mùa hoa lá rợp vàng bên mộ chí, từng mùa gió nam non, nam cồ, nam mái se sắt trôi qua vùng cát tĩnh lặng" (Tr.100). Đến Nhịp cầu trong sương thì lại như một kết nối hiện tại với quá khứ của chàng Thạch mồ côi cả cha lẫn mẹ, vượt qua số phận vươn lên học hành thành đạt, nay tìm cơ hội trở về góp phần xây dựng quê hương, gặp lại Kim, cô bạn thời thơ ấu nơi miền quê nghèo khó, giờ là một thiếu nữ xinh đẹp. Và tình yêu chung, riêng đã nảy sinh... Còn truyện Nơi khoảng không bao la gồm những công nhân từ mọi miền đất nước quy tụ chung trong công việc lao động đặc thù của nghề ẩn chứa lắm rủi ro, hiểm nguy nhưng làm sạch đẹp các chung cư, địa ốc cao tầng nơi thành phố lớn. Tất cả đều mang tâm trạng: "là năm hết Tết đến, không biết quê nhà ngoài ấy đã chuẩn bị đến đâu trước ngày cả bọn mang tiền về" (Tr.123).

Tác phẩm Nắng trên đồi xanh có đến 38 trang, là truyện ngắn dài nhất trong tập. Huỳnh Thạch Thảo viết chung với nhà văn NTP. Khác với những cô gái ở các truyện đã nêu, H khá bướng bỉnh, ngang ngạnh. Trên một chuyến tàu về miền Trung, T tình cờ quen H. Nhưng một cô gái hơn lần đò dang dở, tan vỡ hạnh phúc với chồng cũ, đang tâm trạng "chim bị đạn thấy cây cong thì sợ", vì thế H luôn cảnh giác với mọi đàn ông. Nhất cử nhất động của T đều bị cô xét nét, nghi ngại. Anh chàng phải vượt qua bao thách thức của H, gần như bị dày xéo, chịu tổn thương để cuối cùng cô thay đổi cách nhìn từ anh chàng đáng ghét đến đáng yêu...

Trong tập có lẽ Quê nhà là truyện viết về phụ nữ nhân văn nhất, thuần hậu nhất với đầy đủ đức tính công dung ngôn hạnh, chịu thương chịu khó, luôn lo cho gia đình, bà con láng giềng dù ở quê hay phố. Cũng phải thôi, tác giả bảo truyện này viết dành cho người mẹ thân yêu lúc bà còn trên cõi đời. "Vâng, tôi biết mẹ nhớ quê nhiều lắm! Ngày nào bà chẳng lên sân thượng lộng gió để nhìn về phía quê nhà" (Tr.125). Thế nhưng đến truyện Đàn bà, nhà văn lại lột tả tính cách số phụ nữ trong đời dễ có mấy tay! Cô gái vừa mới lớn đã trợ thủ đắc lực cho cha thao túng cả một vùng núi rừng đại ngàn mênh mông với các nghề phá sơn lâm, buôn gỗ lậu, động vật hoang dã, thu gom các bãi đào đãi vàng và cả thuốc phiện. Thiếu nữ này tự thú: "Tất cả miệt rừng này ai cũng nhìn tôi như kẻ hoang đàng không chừa một thủ đoạn nào...", nhưng mưu chước hơn Thùy gấp bội là "Loan đầu bò", vợ hai của một tên trùm khác, gian manh khủng khiếp, đánh sập cơ nghiệp đồ sộ của cha con Thùy không còn manh giáp…

Ở truyện Quán mèo rừng, tác giả tạo nên một bức tranh hiện thực đầy kịch tính nơi cửa rừng Tây nguyên. Quán chỉ là hình thức của điểm tụ tập những hoạt động ngoài vòng pháp luật trong giới giang hồ… Được biết trước đây Huỳnh Thạch Thảo từng tham gia phim Những người lính biển của đạo diễn Trần Vịnh, anh đóng vai thuyền trưởng Xuân chỉ huy tàu không số trong kháng chiến chống Mỹ nơi vùng biển quê nhà. Phải chăng hoạt động điện ảnh của anh ít nhiều ảnh hưởng tính cách phim khi viết truyện ngắn này. Cuối cùng cái xấu, cái tệ nạn nơi "quán Mèo rừng" đã bị pháp luật xử trị.

12 truyện ngắn trong Mặt trời và những cơn mưa của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, hầu hết là viết về tình yêu, về những cuộc tình có đủ hương vị, nụ cười và nước mắt, hy vọng và thất vọng, ngọt bùi và đắng cay nhưng kết thúc đều có hậu. Mỗi truyện ngắn khép lại chính là mở ra lối mới cho bạn đọc "tự viết tiếp"!

Nguồn Văn nghệ số 52/2019


Có thể bạn quan tâm