April 25, 2024, 4:21 am

Những cuộc “phản pháo” ở Liên Hợp Quốc

Ngày 1/10/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên án hành động của Trung Quốc và yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Kể từ đầu tuần qua, Bắc Kinh đã tiến hành 5 cuộc tập trận đồng thời trên vùng biển bao quanh Trung Quốc, trong đó có hai cuộc gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Như vậy là Việt Nam đã chính thức phản đối và cho rằng hành động tập trận của Bắc Kinh gây tổn hại cho các đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về một Bộ Quy tắc Ứng xử trên Biển Đông (COC). Trước đó, trong tuần lễ cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2020 này, tại Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh đã phải liên tiếp hứng chịu các ngón đòn đến từ Philippines và các nước châu Âu về Biển Đông, đặc biệt trên phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (PCA) bác bỏ yêu sách về chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

 

Phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc hôm 22.9.2020, ông Rodrigo Duterte đã lên tiếng công khai bảo vệ cho bản phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực

 

Trái với tinh thần COC

Đối với người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, các cuộc tập trận của Trung Quốc ở Hoàng Sa không những trái với tinh thần của bản Tuyên bố về cách Ứng xử của các bên tại Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc (DOC), mà còn “không có lợi cho đàm phán COC”, tức Bộ Quy tắc Ứng xử về Biển Đông. Bà Lê Thị Thu Hằng nhắc lại rằng việc khởi động lại các cuộc đàm phán về COC, sau một thời gian dài bị đình chỉ vì dịch Covid-19, đang là ưu tiên của khối ASEAN và Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, COC là một mục tiêu mà cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều nêu lên từ gần hai chục năm  nay, nhưng giới chuyên gia an ninh khu vực đã đặt nghi vấn về dã tâm của Trung Quốc, cũng như rất hoài nghi về việc các bên có thể đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý.

Trước đó, ngày 28/9/2020, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị phát biểu tại lễ khai mạc diễn đàn LanTing về “Trật tự quốc tế và quản trị toàn cầu thời kỳ hậu dịch bệnh” rằng, xã hội quốc tế cần kiên trì chủ nghĩa đa phương và những nhận thức chung đạt được trên nguyên tắc tôn chỉ của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Lặp lại phát biểu của ông Tập Cận Bình tại Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh: “Nước lớn không thể thông qua các biện pháp bắt nạt để tước đi quyền lợi phát triển của nước khác. Trung Quốc là cái khiên hậu thuẫn kiên cường của công bằng chính nghĩa nhân loại…”.  Điều mỉa mai là trong cùng ngày 28/9 ấy, Reuters tái khẳng định: Quân đội Trung Quốc tổ chức 5 cuộc tập trận tại 4 vùng biển: (i) 2 cuộc tập trận ở gần Hoàng Sa tại Biển Đông; (ii) 1 cuộc tập trận tại Biển Hoa Đông; (iii) 1 cuộc tập trận tại Vịnh Bột Hải; (iv) 1 cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Hoàng Hải. Mặc dù Trung Quốc thường kỳ tập trận trên biển, nhưng hiếm khi cùng lúc tổ chức tập trận tại các vùng biển.

Trong những tháng gần đây, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình các láng giềng phải lo chống dịch Covid-19 để tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông và liên tục tổ chức các cuộc tập trận tại các khu vực mà họ đòi chủ quyền. Hoa Kỳ đã cáo buộc Trung Quốc bắt nạt các nước lân bang, trong khi Bắc Kinh đổ thừa cho Washington và đồng minh phương Tây đe dọa an ninh khi gửi tàu hải quân đến khu vực. Về phần mình, tháng 8 vừa qua, Việt Nam đã tố cáo sự hiện diện của oanh tạc cơ Trung Quốc ở Hoàng Sa, xem đấy là điều “gây nguy hiểm cho hòa bình”. Trong cuộc họp báo hôm 1/10/2020, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố hoan nghênh lập trường của Anh, Đức, Pháp, thể hiện trong công hàm gửi lên Liên Hợp Quốc ngày 16/9 vừa qua, bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.

Một “quả bom” bất ngờ

Tháng trước Trung Quốc cũng thông báo 4 cuộc tập trận trải dài từ Vịnh Bột Hải tới Biển Hoa Đông, từ Biển Hoàng Hải tới Biển Đông mà giới chuyên gia đánh giá là động thái hiếm thấy. Có thể do thái độ hung hăng thái quá này mà những tuần lễ cuối của tháng 9 năm 2020, tại Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh đã phải liên tiếp hứng chịu hai ngón đòn đến từ Philippines và các nước châu Âu về Biển Đông, đặc biệt trên vấn đề bản phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (CPA), bác bỏ yêu sách chủ quyền biển đảo của Trung Quốc.

Trong một diễn biến được giới quan sát đánh giá là khá bất ngờ, đến từ tổng thống Philippines, một người cho đến nay không che giấu chủ trương tạm gác chiến thắng pháp lý quốc tế mà Manila giành được trên vấn đề Biển Đông để đánh đổi lấy tài trợ từ Trung Quốc. Phát biểu trước Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc hôm 22/9/2020, ông Rodrigo Duterte đã lên tiếng công khai bảo vệ cho bản phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực mà theo ông “đại diện cho chiến thắng của lẽ phải trước sự thiếu suy nghĩ, của luật pháp trước sự vô trật tự, của tình thân hữu trước tham vọng”, đồng thời khẳng định rằng Philippines “kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết”. Dù không nêu đích danh ai là kẻ phá hoại, nhưng rõ ràng đây là một tuyên bố nhắm vào Trung Quốc, nước cho đến nay vẫn luôn luôn phủ nhận giá trị của bản phán quyết của Tòa Trọng tài được thành lập trong khuôn khổ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển UNCLOS.

Trả lời phỏng vấn của truyền thông quốc tế qua thư điện tử ngay sau phát biểu của tổng thống Philippines, giáo sư Carlyle A. Thayer thuộc Học Viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales cho rằng tuyên bố của ông Duterte là “một quả bom bất ngờ”, một lời “khẳng định táo bạo nhất” của một quan chức Philippines trên vấn đề này. Theo GS. Carl Thayer, khi Tổng thống Duterte nhậm chức vào năm 2016, ông đã gác qua một bên Phán quyết của CPA La Haye năm 2016 về vụ Philippines kiện Trung Quốc, với ý đồ có thể thúc đẩy quan hệ tốt đẹp hơn với Bắc Kinh. Trong suốt thời gian làm tổng thống, ông chỉ một đôi lần nhắc đến phán quyết này như vào tháng 8 năm 2019 khi nêu vấn đề Biển Đông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bài phát biểu của ông Duterte trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 22/9 là một bước đột phá khi ông đề cập thẳng thắn đến Phán Quyết của CPA. Đó là một quả bom bất ngờ. Tổng thống Rodrigo Duterte khẳng định rằng “hành động của Philippines ở Biển Đông phù hợp với UNCLOS và Phán quyết Trọng tài năm 2016”.

Trong một lời khẳng định táo bạo nhất từ một chính khách hàng đầu Philippines, Tổng thống Duterte tuyên bố: “Phán quyết này giờ đây là một phần của luật pháp quốc tế, vượt ra ngoài mọi thỏa hiệp và vượt ra ngoài tầm với của các chính phủ khác nhau để có thể bị xóa mờ, giảm thiểu giá trị hay từ bỏ... Chúng tôi kiên quyết phản đối những nỗ lực nhằm phá hoại phán quyết này”. Các phát biểu này của Tổng thống Duterte trước Liên Hiệp Quốc xuất phát từ sự thất vọng ngày càng tăng của các quan chức cấp cao chính phủ Philippines trước việc Trung Quốc liên tục hù dọa và bắt nạt ngư dân cũng như tàu và máy bay quân sự của Philippines ở Biển Đông. Philippines cũng thất vọng trước việc các chính sách thân thiện với Trung Quốc của họ đã không dẫn đến việc cung cấp các khoản đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng như Bắc Kinh đã hứa. Cuối cùng, giới lãnh đạo cấp cao của Philippines đã trở nên bạo dạn hơn sau lời khẳng định của ngoại trưởng Mike Pompeo rằng Hiệp ước Phòng thủ Hỗ tương năm 1951 bao trùm cả Biển Đông.

Buộc Bắc Kinh phải chống đỡ

Cùng lúc phải đối phó với bài phát biểu của Tổng thống Philippines tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đã buộc phải chống đỡ một “ngón đòn” khác trên vấn đề Biển Đông tại Liên Hợp Quốc. Đòn này cũng rất bất ngờ, vì đến từ ba nước châu Âu rất xa Biển Đông là Anh, Đức và Pháp. Trong một công hàm chung gởi đến Ủy Ban Ranh giới Thềm Lục địa của Liên Hợp Quốc (CLCS) ngày 16/9 và nêu đích danh Trung Quốc, ba cường quốc châu Âu được gọi chung là nhóm E3 đã nhấn mạnh rằng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là “khuôn khổ pháp lý cho mọi hoạt động trên biển và đại dương”, đồng thời khẳng định rằng tính toàn vẹn của Công ước cần được duy trì. Điểm đáng chú ý là ba nước đã bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông, xác định rằng khái niệm “quyền lịch sử” (mà Bắc Kinh đưa ra để đòi yêu sách với phần lớn Biển Đông) không tuân thủ luật pháp quốc tế, cũng không phù hợp với UNCLOS, đồng thời nhắc lại rằng “Phán quyết Trọng tài (của PCA, La Haye, Hà Lan) ngày 12/7/2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã xác nhận rõ ràng điểm này”.

Ngày 18/9/2020, Bắc Kinh đã đáp trả công hàm chung của nhóm nước E3. Theo giáo sư Carl Thayer, công hàm chung của nhóm E3 mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Công hàm của nhóm E3 báo hiệu rằng ba trong số các quốc gia quan trọng nhất ở châu Âu, trong đó có hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có lợi ích quốc gia trong việc dấn thân cùng các nước vào vùng Ấn Thái Dương để đảm bảo tương lai kinh tế của châu Âu. Năm nay, cả Pháp lẫn Đức đều đã công bố văn kiện chính thức nêu bật tầm quan trọng của không gian Ấn Thái Dương đối với trật tự toàn cầu dựa trên luật pháp và sự thịnh vượng kinh tế của họ. Biển Đông là trung tâm địa-chiến lược của khu vực hàng hải, đó do tầm quan trọng của các tuyến hàng hải phục vụ chuỗi cung ứng toàn cầu nối liền châu Âu với các nền kinh tế lớn của vùng Ấn Thái Dương, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và ASEAN. Các nhân tố tương tự cũng chi phối Vương quốc Anh khi nước này bước vào thời kỳ hậu Brexit.

Cũng theo GS. Carle Thayer, trong phản ứng lần này của mình, Trung Quốc đã đưa ra một số lập luận gay gắt hơn so với bình thường. Phản ứng của Trung Quốc trước công hàm chung của nhóm E3 khác với các phản ứng trước đó của Trung Quốc đối với công hàm do các quốc gia Đông Nam Á, Hoa Kỳ và Úc đệ trình, vì các nước E3 đặt ra những vấn đề pháp lý khác. Phản ứng của Trung Quốc cũng gay gắt và có giọng điệu gây tranh luận nhiều hơn. Chẳng hạn họ “phản đối việc sử dụng UNCLOS như một công cụ chính trị để tấn công các nước khác. UNCLOS không bao trùm mọi vấn đề về trật tự trên biển” và “mọi hình thức giải thích và áp dụng một cách thiên vị UNCLOS đều bất công, bất hợp pháp và có động cơ mờ ám”. Để nhấn mạnh lập luận trên, Trung Quốc một mình một kiểu tuyên bố rằng “chủ quyền lãnh thổ và các quyền lợi hàng hải (của Bắc Kinh) ở Biển Đông… trong mọi trường hợp, sẽ không bị Phán quyết của Trọng tài phi pháp về Biển Đông gây tổn hại”.

Nguồn Văn nghệ số 41/2020


Có thể bạn quan tâm