April 25, 2024, 8:17 am

Những cực hạn trong truyện ngắn Ngô Phan Lưu

Ngay sau đoạt Giải Nhất truyện ngắn báo Văn nghệ, cuộc thi 2006-2007, Ngô Phan Lưu trả lời một cuộc phỏng vấn, nôm na ý: “Tôi cày ruộng mỏi thì… viết văn”. Và ông in kìn kìn những tập truyện ngắn, tạp bút: Cơm chiều, Xoa tay và cười, Con lươn chép miệng… Phần nhiều truyện ngắn, tạp bút của ông lấy bối cảnh làng quê Phú Yên nơi ông sống nên nhiều bài viết, nghiên cứu về truyện ngắn họ Ngô kết luận dứt khoát, ông là “nhà văn nông dân”, nông dân đặc hiệu xứ Nam Trung bộ.

Thì đúng ông cày ruộng rồi viết văn. Và những làng quê có tên Thạch Thổ, Cổ Trạch, Xóm Ao, Cư An, Trạch Thắng… gợi đất, đá, ao, đầm. Còn tên nhân vật cũng nôm na nông thôn: thím Xanh, bà Mển, lão Sùng, chị Bọn, cu Còm, gái Tý, thằng Sồ, anh Phách, Bẫm, Tư Cua, Mọn, lão Mồm… Cũng chuyện làng trên xóm dưới, chuyện sợ ma, gái góa, chuyện con mèo chụp gà con, những cắn đắn nhau vì khổ nghèo, nước lụt trôi nhà, kẻ ba sốc khích bác, kẻ đạo đức giả, những bé mọn xu phụ… Nhưng cảnh và người, sự việc sống động như thật không phải là văn chương phong tục bởi nó chỉ là tầng nổi, là bề mặt thoạt nhìn, ai đọc cũng hiểu cũng thấy. Và nếu chỉ vậy, văn chương Ngô Phan Lưu là tạng văn chương bình dân?

Tuyệt không phải. Cảnh và người, sự việc được sử dụng đơn giản vì ông sống với nó, và am tường. Tất cả đều là chất liệu. Thậm chí những chất liệu này càng đơn giản, quen thuộc chừng nào tốt chừng nấy: đích đến của Ngô Phan Lưu là viết cái thăm thẳm nhân tính. Dùng cái nhỏ nhất, thường ngày, quen thuộc nhất để nói cái sâu xa, lớn lao, là những giá trị cực hạn trong truyện ngắn Ngô Phan Lưu.

*

Lòng thiện thường phô phang nên dễ thấy. Còn cái ác, sự suy đồi đạo đức của con người, trừ những hiển lộ kiểu giết người cướp của, con cái hành xách cha mẹ tuổi già…, phần lớn cái ác thường ngụy trang kín đáo hơn. Không nói chuyện con người cố tình ngụy trang che giấu để thủ ác, mà là cái ác tự nhiên, vốn sẵn, chỉ cần tình huống phù hợp, nó trỗi lên. Ngô Phan Lưu đã cảm thấu vô vàn tình huống ấy trong đời sống.

 Như chuyện chú Khiêu, bà Mển ung thư gan giai đoạn cuối, ruộng rẫy bò trâu bán sạch, gia cảnh kiệt cùng. Sức chịu đựng của con người, người bệnh và người thân, cũng kiệt cùng. Cuộc viếng thăm “tình làng nghĩa xóm” của Thuấn với túi cam, sữa dù người bệnh chỉ có thể “ăn bằng mắt” cũng để trọn cái tình nghĩa này. Thuấn đã chứng kiến sự trơ lì, bình thản dửng dưng của những người thân chú Khiêu. Cái cách thím Xanh nhanh chóng nhận túi quà, tuôn một tràng bực bõ nhằm vào chồng, hay việc ném chai dầu gió xanh chưa bóc nhãn; anh y tá tới tiêm mũi moocphin giảm đau cũng huỵch toẹt vào người bệnh “vợ con chú ấy đã nói vào tai chú ấy, gan ông đã nát rồi”; và anh con trai vác bao lúa vừa về - có thể mới vay mượn đâu đó - đáp lời hỏi thăm của Thuấn về tình hình cha mình: “Như chiếc xe trành! Chế chút xăng vào, lại rống lên! Chờ ra bãi thải!”. Trong không gian lạnh băng mùi tử khí và tình người ấy, chú Khiêu còn nỗ lực phản bác trong tuyệt vọng: “Sống mà đòi chết… là người ngu! Sắp chết mà đòi sống… là ngu hơn! Chú không phải người ngu!”. Thuấn, trong vài chục phút chứng kiến, đã đi từ sửng sốt này đến phẫn nộ khác, và nội tâm anh chuyển động loạt nhận thức: “Có lẽ, cạnh những chân lý tháng năm dài hạn, còn có chân lý phút giây ngắn hạn. Mà cái chân lý phút giây ngắn hạn ấy lại có thể là chân lý vĩnh hằng!”, rồi: “Làm gì có chân lý ngắn ngày, dài ngày, làm gì có vĩnh hằng, giây phút, có lẽ chỉ có chân lý riêng tư mà thôi!” và cuối cùng là: “anh vụt đứng dậy, quăng chai dầu gió xanh lại cho thím Xanh, bước nhanh ra khỏi nhà, mang theo một lòng thương kỳ lạ đến ác độc, là thương… tại sao chú Khiêu không chết đi, để được ra khỏi nhà!” (Buổi sáng biến mất).

Thêm truyện ngắn khác chủ đề này, truyện Cơm chiều. Ngôi nhà có cụ ông suy kiệt suốt ngày ngồi thần người cuối hiên nhà; cụ bà nhỏ thó, tinh tướng; vợ chồng anh Lân và 2 đứa cháu nội. Mâm ăn đơn giản “một đĩa rau dền luộc, một tô xác đậu xào giá, hai chén xì dầu: một ớt, một không” - là rằm, cả nhà ăn chay theo cụ ông cho tiện. Anh Lân về, làu bàu chuyện con nghé lang đi lạc; chị vợ nhắc gái Tý, rồi cu Còm mời ông nội ăn cơm, hai đứa nhỏ đùn đẩy nhau. Cụ bà bảo anh Lân đi mời, vậy là bùng nổ, anh Lân ném con trai, đạp con gái, mâm cơm tung tóe. “Lân vụt đứng phắt dậy, vớ cái chổi nắm chặt, mắt lia nhanh về phía cụ ông, tiếp đến xẹt sang cụ bà… Chị Thùy sững người. Chị điếng người. Chị vừa gặp ánh mắt chồng. Một ánh mắt rực lửa căm ghét, sắc như dao cạo”. Cụ bà tru tréo, cụ ông chết sững tê tái. Bữa cơm chiều tan hoang, lòng người vỡ vụn những căm giận, tổn thương, bất an, hoảng sợ.

Hai truyện ngắn đoạt giải thưởng này đưa tên tuổi Ngô Phan Lưu đến với rộng rãi bạn đọc. Bối cảnh nông thôn chỉ để hình thành câu chuyện. Nhà văn hướng ngòi bút mình đến vấn đề sâu xa hơn nhiều. Rằng, cái ác có gương mặt thế nào? Khổ nghèo bào mòn thiện lương chăng? Hay con người, cả người thân thiết, máu thịt, tình cảm cũng được đong đếm bằng giá trị sử dụng và đó là cái bản năng vụ lợi, vị kỷ muôn thuở?

Lùi xa hơn chút, trước khi nổi danh, nhà văn đã in tập truyện ngắn Người không giăng câu Kiều - Ngô Phan Lưu vẫn viết như thế… Cái lõi tư tưởng căn bản trong truyện ngắn Ngô Phan Lưu là những hình, dạng của sự ác. Tất nhiên, trong thăm thẳm nhân tính này vẫn luôn song hành bóng dáng của thiện lương. Như sự vùng dậy “ưỡn ngực, nhìn thẳng vào mặt chồng, đôi mắt nẹt lửa” của chị Thùy làm chùn tay Lân, gã chồng xóa tan mâm cơm chiều đang lên cơn điên. Như con Ki già tấn công chủ để giành cái roi cày cứu con bò Bĩnh, và chị vợ đã bẻ gãy cái roi từng đoạn (Sự việc trong vài phút). Như nỗ lực “giải cứu” mấy đứa cháu khỏi cảnh con trăn sẽ nuốt con thỏ sợ thất thần của người ông (Thăm thẳm trưa). Như Lãm chụp con “gà cò” đập chết khi nó đá con gà chị “hột dầu” điên cuồng, tàn độc, con gà chị từng thay mẹ gà chăm nó, cứu nó (Câu hỏi vô vọng). Như nỗ lực cứu con Mướp của cụ Phiệt (Trắng đêm để gặp nỗi buồn). Như anh Khâu, sau khi lỡ tay cuốc chết con vịt con đã đào lỗ chôn thay vì bỏ vào nồi cháo heo. “Trước khi làm việc này, anh cẩn thận kéo nhẹ con giun còn sống ra khỏi mỏ của xác chú vịt. Anh thả con giun ra đất. Nó nằm bất động một chặp, rồi bò đi chậm chạp… Bọn vịt con cứ ngơ ngác nhìn con giun bò đi. Tiếp, chúng ngơ ngác nhìn anh. Anh quay mắt nhìn chỗ khác!” (Soi qua nhánh lá)…

Thiện lương luôn còn, mãi còn như điều kỳ diệu của sự sống, nhưng thường mong manh, bất lực. Những đốm sáng trong trời đêm nhân gian này, dù không thể ngăn chặn cái ác nhưng nó luôn xuất hiện, như một phản kháng, một ân hận, hãi sợ. Cảnh đám đông chứng kiến con cua đinh xe tăng lão Tư Cua bắt sống bị bắn, lão bị bắt giải đi: “Trông họ nhợt nhạt vô hồn” chắc chắn không phải tâm trạng hả hê mà là sự hoảng sợ trước điều nghiêm trọng họ góp phần gây ra. Thiện lương mãi còn như hy vọng. Như nỗi buồn của hy vọng.

*

Nhưng vậy thì buồn và căng thẳng quá, những sâu xa này. Ngô Phan Lưu đã tự “điều tiết” bằng 2 cách: những truyện ngắn phả cái cười nhẹ nhàng ý nhị về các thói tật, tâm lý con người trong cuộc sống, và bút pháp cô đọng, khơi gợi hay đúc kết có màu sắc triết lý.

Nhẹ nhàng cười cái thói đạo đức giả mua chim cuốc “phóng sinh” tích đức của cụ Thám “già chín mươi… đất sắp ăn” lại ưa được “mụ Tám heo nái” đấm lưng “cứ trong háng ông cụ mà đấm… nên lòi tiền nhiều đến thế” (Chiếc còi trúc). Hay cảnh gái góa vay tiền anh Sĩ “cày máy” và “trả” bằng kiểu “cày” khác, vui anh vui ả (Một lát trưa). Hay chuyện người ta vừa sợ ma vừa thích nghe kể chuyện ma, càng rùng rợn càng sợ, càng thích, kể láo cũng cứ thích (Con kỳ nhông nhựa). Cái hài hước xóm nói ngược và bẽ bàng của ông bảy mươi sa bẫy bà bán quán đưa đẩy, ỡm ờ (Bộ răng của ông Răng)… Nhưng thực chất, như nhà văn tự thú: “Tôi vẫn hài hước để đậy che chua xót, tôi cố bông đùa để lấp đi cay nghiệt, để tôi được sống mà nuôi khao khát…”

Những cái cười nhẹ nhàng này, dù như một sự tự điều tiết cho thăng bằng tâm hồn, nuôi dưỡng khao khát sáng tạo, vẫn nằm trong “trường” chung truyện ngắn Ngô Phan Lưu. Đó là, sự thấu tỏ về con người của một bậc trí giả. Và bằng bút pháp, văn phong riêng không trộn lẫn.

Ngô Phan Lưu không thuộc tạng chăm chắm chuyện kể tả, bày biện chu đáo những món ngon trên bàn tiệc để chiều nịnh cái vị giác thói quen, kiểu văn đẹp, thấm đẫm cảm xúc, mơn man những tiết tấu, nhịp điệu. Lạ là, mọi người khá đồng thuận khi đánh giá thế nào là một truyện ngắn hay bằng chữ “ám ảnh”, từ ngôn ngữ, chi tiết đến các hình tượng nghệ thuật. Nhưng cũng nhiều người trong số này, rất dễ bị ngôn ngữ đèm đẹp dẫn dụ mà quên đi chuyện tác phẩm ấy cạn veo ý tưởng.

Nhiều người có cảm giác hụt hụt khi truyện ngắn Ngô Phan Lưu đã kết thúc. Có thể họ muốn biết thêm số phận các nhân vật, ví như, sau bữa cơm chiều tan hoang, câu kết: “Còn, anh Lân chủ hộ, bước nhanh ra cổng, đi đâu? Đi đâu?... Giờ này ở đâu?”. Hoặc sau khi bẻ vụn cái roi cày thả trôi mương, liệu anh Phách sẽ xử lý ra sao chuyện vợ, chuyện bữa cơm trưa mời thằng Rao, chuyện con Ki già dám tấn công chủ giật cái roi cứu con Bĩnh? Đó là chuyện khác. Mọi thứ cần nói, nhà văn đã giải quyết rốt ráo trong truyện. Cái khoảnh khắc đã bùng nổ, đã âm vang. Còn nghĩ tiếp, viết tiếp, âu lo về số phận, tình thế các nhân vật, bạn đọc hãy tự làm lấy. Văn Ngô Phan Lưu, đúng nghĩa là thứ văn chương hiện đại: ngắn, hoạt, tốc độ cực đại, biên độ, liên tưởng rộng, người đọc thích thì cứ dự phần tiếp nối.

Về văn, đọc thử một đoạn: “Xóm Rọ Hươu có lão Lú. Nay lão bảy mươi. Lão đen sì, khẳng khiu như que sắt. Lưng, cổ và mông thẳng đét. Trông cứng ngắc. Người ta cứ nghĩ dại, nếu cọp cắn phải lão, cọp sẽ gãy răng, còn lão không trầy da đất. Không thấy lão đau bệnh bao giờ. Đau bệnh cũng né lão. Đặc biệt, lão ưa kể chuyện ma. Chuyện ma của lão dứt khoát là ma láo. Có lẽ do sự hiển nhiên ấy, gặp lão người ta vừa sợ vừa vui. Không phải sợ ma mà sợ lão. Không phải vui lão mà vui ma. Thế nên khi lão kể chuyện ma láo, người ta cứ lấm lét nhìn lão đề phòng. Một sự đề phòng có lý do vô lý: “Nếu lão biến thành ma thật thì sao?”. Chỉ đề phòng có vậy. Đề phòng, vẫn cứ đề phòng. Nghe vẫn cứ nghe, dù biết đó là láo. Vừa nghe láo vừa đề phòng thật. Ôi, quái quỷ. Cứ lung tung cả lên. Vừa sợ ma vừa thích nghe chuyện ma, con người lại thích nghe chuyện láo, chuyện giả hơn chuyện thật. Xuất phát vậy để nhà văn viết truyện này. Nhưng, điều quan trọng là, trong cái tếu táo thật giả lẫn lộn của câu chuyện, của đám đông, của ma - người, ông hạ bút: “Ma thích nghe chuyện của chúng nó hơn cả chúng ta. Nghe xong, chúng nó lại sợ chúng ta hơn sợ chúng nó” (Con kỳ nhông nhựa). Mấy đoạn văn truyện ngắn, vừa tả người vừa tả tâm lý đám đông, có thể sánh với những áng văn hay của thế giới!

Đâu đó từng viết rằng con người là sinh vật đáng sợ nhất. Ngô Phan Lưu diễn trình ý này bằng văn chương, nhẹ như không. Đúng là kỳ tài!

Ý tưởng này, trong một truyện ngắn khác kể chuyện ngài cọp “dữ dằn kinh thiên động địa ở xứ hòn Hèo”, một hôm vì đói quá, men ra bìa rừng tính bắt trâu bò, nhưng sợ bị lộ nên bẻ nhánh lá che mặt, theo dõi: “Nhưng… lạ lùng thay, khi soi qua nhánh lá, ngài cọp hòn Hèo thấy bò trâu vẫn là bò trâu, riêng con người chăn giữ, không phải con người mà là quỉ sứ! Một con quỉ gớm ghiếc, nanh vuốt lòng thòng, máu tanh rỉ khóe miệng, bụng lòi tua tủa dao nhọn, tiếng nói xịt ám khí đất bằng nổi sóng gió! Loại “quỉ người” này, ngài cọp chưa từng nom thấy, nay diện kiến ngài lạnh toát xương sống. Ngài hoảng sợ, cong đuôi phóng tuốt vào rừng sâu trốn biệt!” (Soi qua nhánh lá). Nhân vật được nghe kể chuyện này, cuối truyện cuốc đất đào giun cho vịt con ăn, sơ ý cuốc đứt đôi con vịt, bầy vịt con ngơ ngác, “có mấy chú vịt con nấp trong bụi rào, đang run sợ, soi qua nhánh lá, nhìn anh…”

Rất nhiều những chi tiết nhỏ đầy ám vọng như thế trong văn ông.

Ngô Phan Lưu là nhà văn rất giỏi viết lời thoại, việc không nhiều cây bút văn xuôi làm được. Không cần dẫn chứng ra đây. Lời thoại trong truyện ngắn của ông góp phần tạo nên văn phong kiệm lời, cô đọng, nhanh, hoạt, biến hóa. Nó thú vị, cuốn hút.

Tiết giản tối đa ngôn từ mà chuyển tải được những nội dung, ý tưởng sâu xa cũng là giá trị cực hạn của truyện ngắn Ngô Phan Lưu.

*

Mấy năm gần đây vì sức khỏe yếu, Ngô Phan Lưu gần như không viết nữa. Ông là nhà văn góp mặt muộn trên văn đàn nhưng lập tức để lại dấu ấn độc đáo, sâu đậm. Nhiều đồng thuận về đánh giá văn tài Ngô Phan Lưu từ những nghiên cứu phê bình, báo chí, những luận văn… Nhưng, với tôi, ông quyết không phải là “nhà văn nông dân.”

Một lần gặp nhau, tôi thán phục khen cái truyện ngắn “đình đám” của ông trên báo văn, và có liên tưởng tới truyện dài Lâu đài của F. Kafka, nhà văn lẫy lừng ảnh hưởng văn chương thế giới thế kỷ XX, ông bảo, “giờ viết như Kafka ai đọc em!”. Tôi phản đối bảo, giờ đọc ông nhà văn Tiệp này vẫn hay, Ngô Phan Lưu im lặng không tranh luận.

Ngồi viết những dòng này tôi hiểu cái im lặng tôn trọng mọi lựa chọn, sở thích của người khác, nhất là “gu” thưởng thức. Và hiểu, ông đã nghiền ngẫm thấu đáo văn chương thế giới trong điều kiện có thể, từ học hành trước 1975, từ đọc sách. Và lựa chọn cho mình lối đi riêng. Như dẫn chứng ở trên, trước khi nổi tiếng ông đã in tập truyện ngắn, và đã viết như thế, đã lựa chọn như thế.

Người cầm bút nào cũng khao khát viết được những vấn đề lớn lao. Ngô Phan Lưu, đàng sau những câu chuyện đơn giản nhất kiểu chuyện làng chuyện xóm, chuyện dắt cháu đi chơi công viên, chuyện uống rượu “ba say chưa chai”, chuyện gái góa, hoặc khổ nghèo bẩn chật ý nghĩ, tâm tính, chuyện sợ ma… đã chuyển tải những điều thật thẳm sâu của nhân tính. Chuyển tải nhẹ nhàng như không. Ông là nhà văn có biệt tài những cực hạn này. Ông lựa chọn lối viết này, chắc chắn, nhưng đó là một quá trình “khổ luyện” dài, mới có “võ công thượng thừa” như vậy.

Ông biết “cười” để giấu “đau”- nỗi nhân thế những “bầy người bé nhỏ”. Tôi không biết ông có lúc rơi nước mắt từ những trang viết của mình nhưng văn ông bao giờ cũng đẩy tới tận cùng, tới rốt ráo. Và có thể dùng liệu pháp tâm lý “nỗi đau quá ngưỡng”, như cảnh sau đây chăng? Trận lụt kinh hoàng, nước lên ngập cái giường kê hết cỡ, anh Quyết để mẹ và vợ bám trụ, cõng ba đứa con, Tý, Còm, bé Hoa lội nước tới ngực định sang nhà chú Bảy hàng xóm, vòng về sẽ lo tiếp mẹ, vợ. Giữa đường, đống rơm quấn người, dòng nước dữ nhấn chìm trôi mất 3 con, anh cố tìm xác con trong tuyệt vọng. Lại về nhà, nước đã lên cao, cố bứt mái tranh may ra còn cứu được người còn lại. Mái tranh lắt lay. Nỗi sợ đã lên đến óc. Xin khép bài viết bằng cái liệu pháp tinh tường, quá ngưỡng cho nhân vật mà cũng là của Ngô Phan Lưu- với nỗi đau cực hạn: “Ngồi trên mái nhà, bên cạnh mẹ và vợ, anh quét mắt nhìn biển lũ mênh mông. Đột nhiên, anh thấy chúng thật tầm thường. Cái sợ đã ra khỏi con người anh. Cái sợ không dám vào con người anh. Trí óc anh bỗng nhiên tỉnh táo và bình thản lạ thường. Chắc chắn, lũ sẽ quật anh chết ngay, nhưng anh vẫn thấy chúng thật tầm thường. Anh đang khinh bỉ cơn lũ. Không những khinh bỉ nó, mà anh còn khinh bỉ cả cái vũ trụ to lớn này. Anh biết rằng, ngay cái khinh bỉ của anh, cũng bị trận lũ giết ngay, anh vẫn cứ khinh bỉ chúng như thường. Giờ này, trong anh không còn căm thù, không có uất hận, chỉ có khinh bỉ tràn ngập./…/ Anh quay nhìn mẹ và vợ. Đó là hai con người đã quá tải khổ đau, quá tải sợ hãi, đã bỏ kiếp người mà thành tượng cả rồi. Cả anh cũng thế. Ba pho tượng trên nóc nhà. Một nóc nhà đang vặn mình răng rắc giữa biển lũ mênh mông” (Bầy người bé nhỏ).

Nguồn Văn nghệ số 5/2021


Có thể bạn quan tâm