April 19, 2024, 12:38 pm

Những cử tri đặc biệt nơi biên giới Việt – Lào

MỪNG NGÀY BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

Những ngày cả nước nô nức trong niềm vui hướng tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, có niềm vui lớn của những công dân mới vốn là người di cư tự do, kết hôn không giá thú từ các tỉnh nước bạn Lào, qua cư trú 36 huyện thuộc 10 tỉnh của Việt Nam, tiếp giáp với đường biên giới quốc gia Việt - Lào. Tất cả đã sẵn sàng cho ngày hội non sông, đã sẵn sàng để những cử tri “đặc biệt” đang sống lầm lũi, thiện lành nơi biên viễn xa xôi thực hiện quyền công dân của mình như 90 triệu người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Niềm vui của người dân thôn A Dơi Đớ, huyện Đăk rông, tỉnh Quảng Trị khi được nhập quốc tịch Việt Nam

“Tôi là người Việt Nam”

Quyền có quốc tịch là một quyền quan trọng của con người. Việc Chủ tịch nước ta cho phép những người Lào di cư tự do được nhập quốc tịch Việt Nam theo Thỏa thuận giữa hai Đảng, hai Nhà nước có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với người Lào di cư, mà còn ghi dấu ấn quan trọng đối với quan hệ truyền thống đặc biệt, hữu nghị lâu đời giữa hai nước Việt Nam và Lào. Mặt khác, việc cho phép người Lào di cư tự do và kết hôn không giá thú được nhập quốc tịch Việt Nam còn thể hiện tinh thần nhân văn, thái độ thực hiện nghiêm cam kết quốc tế của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Kể từ năm 2017 đến nay, đã có 1.157 người thuộc các dân tộc Lào, Thái, Khơ Mú, Pa Ko, Stieng, Jrai.... được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam, hiện đang sống tại 36 huyện biên giới thuộc 10 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới với các tỉnh nước bạn Lào. Đây là kết quả đáng trân trọng của Chính phủ hai nước Việt Nam - Lào trong việc giải quyết vấn đề người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới hai nước. Sau nhiều năm sống mặc cảm, không hợp pháp trên đất Việt, giờ đây, họ chính thức có quyền công dân, được sinh sống và lao động, sản xuất một cách “danh chính ngôn thuận” với gia đình, làng bản.

Chúng tôi theo chân cán bộ Đồn biên phòng Ba Tầng, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đến tuyên truyền vận động bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại xã A Dơi huyện Đak rông, tỉnh Quảng Trị. Sau hai tiếng vượt đèo dốc cuối cùng chúng tôi cũng đến được thôn A Dơi Dớ để kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại thôn biên giới đặc biệt này. Nói là đặc biệt, bởi từ trước năm 2019, những công dân ở đây được gọi bằng một cái tên rất buồn là “bản xâm cư” từ năm 1998.

Người dân ở bản này vốn sinh sống nhiều đời ở đây, nhưng thời kỳ chiến tranh, họ lùi sâu hơn vào rừng. Khu vực đó khi hoạch định biên giới quy thuộc thành lãnh thổ của Lào, vì thế cả bản trở thành công dân Lào. Ở trên đất Lào, nhưng nương rẫy, mồ mả tổ tiên của những hộ dân này chủ yếu ở đất Việt, nên từ năm 1995 đến năm 2000, họ lần lượt bảo nhau tìm về quê cha đất tổ. Và suốt 20 năm qua, những con người này sống không quốc tịch, không hộ khẩu, bởi vậy không có bất cứ quyền công dân nào. Họ không được tiếp cận với những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không được đầu tư cơ sở hạ tầng. Trẻ em ở “bản xâm cư” thì đi học “chui”, đi học “nợ” vì không có giấy khai sinh, không có học bạ nên chỉ có thể theo cái chữ đến hết cấp 2.

Nhưng kể từ tháng 4 năm 2019, 41 hộ với gần 300 nhân khẩu người Vân Kiều ở đây đã chính thức được nhập quốc tịch Việt Nam. Và mới đây, công an xã đã cùng với cơ quan tư pháp xã rà soát dân cư, tiến hành lên danh sách, làm thẻ cử tri cho gần 192 người trong độ tuổi và đủ điều kiện tham gia bầu cử đợt này. Trong câu chuyện của mình, già làng Hồ Văn Kía nhắc đến khoảnh khắc ông Hồ Văn Tháo, Trưởng công an xã A Dơi trước đây (nay là cán bộ Tư pháp xã) cùng với đoàn cán bộ đến thông báo tin vui trong một ngày xuân năm 2019. Lúc ấy cả bản mừng hơn ngày hội A-riêu-ping năm năm chỉ tổ chức có một lần.

Mừng đến mức ngày nào cũng mang Quyết định của Chủ tịch nước ra ngắm là cảm xúc của bà Un Lợ, sinh năm 1950, trú tại thôn Đắc Ro, xã Đắc Tôi, H. Nam Giang, Quảng Nam. Bà Lợ vốn là người Việt lấy chồng Lào, rồi chuyển về xã Đăk Tôi sinh sống từ năm 1993 cùng với một số hộ dân khác. Từ đó, những người này không được công nhận quốc tịch Việt Nam vì thuộc diện di cư tự do nên chỉ được chính quyền cho đăng ký tạm trú, không được vay vốn sản xuất, đứng tên sở hữu nhà cửa, ruộng đất vì không hộ khẩu.

“Tôi phải mang phận xâm cư ngay trên mảnh đất quê hương. Con cái đi học không được hỗ trợ tiền, gạo, bảo hiểm y tế. Nay tôi đã thỏa tâm nguyện được là người Việt Nam, con cháu tôi đã được cấp giấy khai sinh, được công an xã làm hộ khẩu, chứng minh nhân dân để yên tâm sinh sống” – bà Un Lợ bùi ngùi. Bà cũng cho chúng tôi hay, bà già rồi, sức khỏe cũng yếu nhưng ngày chủ nhật tới sẽ bảo con cháu chở ra khu vực bầu cử để bỏ phiếu, coi như một đời lang bạt đầu rừng xó núi cũng được một lần vui, được đại diện cho chính mình.

Ở thị trấn Mường Lát, chúng tôi gặp cặp vợ chồng đã có tuổi hiện đang sống ở bản Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát. Ông Lam Phon sinh năm 1959 bén duyên với cô gái Việt Hà Thị Thiên, sinh năm 1955 kể từ năm 1994. Thấm thoát đã 25 năm chung sống, sinh con đẻ cái, cần cù làm ăn trên đất Việt, Lam Phon rưng rưng cho chúng tôi xem đăng ký kết hôn còn thơm mùi giấy mực, bảo: “Cái giấy này xác nhận tôi chính thức được là công dân Việt Nam mang tên Hà Văn Mồn, là chồng hợp pháp của bà Hà Thị Thiên. Có cái giấy này, bà nhà tôi mỗi khi cúng ma cho tổ tiên bên Lào cũng không còn e ngại bởi luật tục nữa. Con trai chúng tôi cũng vui khi bố mẹ đã là “vợ chồng hợp pháp”. Huyện cũng đã hỗ trợ cho chúng tôi có đất sản xuất, có con giống để lập đàn, chúng tôi yên tâm hưởng tuổi già rồi”.

 

Sẵn sàng cho ngày hội vui

Những ngày này, Ủy ban bầu cử của các xã biên giới bao gồm nhiều lực lượng tư pháp, công an, bộ đội biên phòng... đã và đang tích cực triển khai công tác bầu cử, thành lập các điểm bầu cử và tổ bầu cử phù hợp với địa bàn, đảm bảo chặt chẽ, chu đáo và an toàn cho bầu cử... Nhất là đặc biệt chú trọng đến việc quản lý hành chính dân cư và tuyên truyền bầu cử cho những công dân mới vừa được cấp quốc tịch trên địa bàn xã mình. Thượng tá Đỗ Ngọc Sơn, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, BĐBP tỉnh Thanh Hóa chia sẻ rằng, đối với những công dân mới nhập quốc tịch, các đơn vị cử cán bộ xuống tận nhà để phát tờ rơi, tuyên truyền để họ hiểu hơn về công tác bầu cử của Việt Nam. Hầu hết các công dân này để rất nghiêm túc lắng nghe, tìm hiểu và cảm thấy vinh dự khi được tham gia sự kiện trọng đại của cả nước.

Tham gia phục vụ trang trí tại điểm bầu cử của xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, anh Lương Văn Ke, sinh năm 1972 (tên tiếng Lào là Say Phon, đến từ bản Piềng Khạy, huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, Lào) cho biết, sau khi vợ đầu mất, năm 2003, anh lấy vợ Việt Nam là chị Lộc Thị Yến, sinh năm 1975, người Khơ Mú ở xã Quang Chiểu. Sau 2 năm sống ở Lào, do bố vợ già yếu, nên hai vợ chồng anh ở lại Mường Lát để tiện chăm sóc bố. Anh cũng mang theo hai đứa con của vợ trước về Việt Nam. Năm 2019, gia đình anh thực sự đã có một cuộc sống mới khi chính quyền đã tạo điều kiện để anh và cùng 2 người con của người vợ trước được nhập quốc tịch Việt Nam. Vậy là đợt bầu cử năm nay, ba bố con anh lần đầu tiên tham gia bầu cử.

Trên miền Tây Quảng Trị, từ năm 2016 đến nay, tại hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông đã có 756/855 người Lào được nhập quốc tịch Việt Nam, cư trú tại các xã Ba Tầng, A Túc, Xy, Thanh, Thuận, A Xing, Hướng Phùng, Hướng Việt, Hướng Lập... Những người này được các cơ quan chức năng hướng dẫn, hỗ trợ để hoàn thiện các giấy tờ cần thiết như: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn, chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… Hầu hết các cư dân tự do biên giới đã được nhập quốc tịch Việt Nam đều trong độ tuổi đảm bảo quyền công dân đi bầu cử theo luật pháp Việt Nam. Bà con vô cùng phấn khởi khi lần đầu tiên được thực hiện quyền và nghĩa vụ cử tri.

Ông Hồ Văn Tiêng ở xã A Dơi, huyện Hướng Hóa cho biết: “Tôi sống ở Việt Nam khi còn là thanh niên, giờ đã có cháu gọi bằng ông nội nhưng chưa tham gia bầu cử lần nào. Năm 2018, 119 người của xã A Dơi được nhập quốc tịch nên năm nay là lần đầu tiên cả thôn chúng tôi được đi bầu cử. Phấn khởi và tò mò nên khi rảnh rỗi, bà con đến Đồn biên phòng Ba Tầng và Ủy ban xã A Dơi để nghe nhạc, nghe loa tuyên truyền và xem ảnh của các đại biểu. Vui lắm!”

Trên vùng biên giới tỉnh Kon Tum, kể từ năm 2015 đến nay, đã có trên 100 cư dân tự do biên giới của Kon Tum đã được nhập quốc tịch Việt Nam, trong đó, có 81 người trong độ tuổi đảm bảo quyền công dân đi bẩu cử theo luật pháp Việt Nam. Tuy chưa hiểu hết ý nghĩa của bầu cử, song ai cũng rất vui bởi lần đầu tiên trong đời, họ cùng với gần 2000 người khác sinh sống trên dọc nẻo biên cường Việt Nam - Lào chính thức được thừa nhận là công dân của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được đại diện cho chính mình, cầm lá phiếu bầu người đại biểu cho chính mình tại nghị trường Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Do đó, các ngành chức năng của tỉnh Kon Tum cũng phát huy hết trách nhiệm của mình, đảm bảo để người dân thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình.

Đến thăm gia đình chị Y Ngin, sinh năm 1970 tại Lào, hiện làm dâu tại thôn Đắk Ba, xã Đắk Dục, Ngọc Hồi, Kon Tum, chúng tôi thấy chị đang ngồi bên hiên nhà miệt mài “phắn phải” - có nghĩa là se sợi. Chỉ khung dệt đang gần hoàn thiện, màu sắc của những sợi vải đan quyện vào nhau thành những hoa văn sặc sỡ, Y Nghin bảo chị chuẩn bị trang phục dân tộc để mình và con trai đi bầu cử vào ngày 23/5 tới đây. “20 năm sang Việt Nam làm dâu, tôi và con lầm lũi như con thú hoang trên rừng, lúc nào cũng thấp thỏm sợ bị đuổi về Lào, phải chia cắt gia đình. Tôi cũng chưa được bầu cử lần nào, nhưng năm nay, nhân dân ở đây rất phấn khởi và tự hào bởi vì được nhập quốc tịch và cũng là lần đầu tiên cả thôn ở đây được bầu cử. Chúng tôi được chọn các cán bộ có khả năng, có năng lực để làm việc cho nhân dân, hướng dẫn nhân dân lao động, sản xuất để phát triển thêm cuộc sống của mình.”

Những ngày này, cả nước cờ sao rạng rỡ, mọi công dân Việt Nam đều hân hoan chào đón ngày hội non sông, bầu người có đức, có tài. Và trong thời khắc này, tôi rất nhớ những gương mặt lam lũ, hồn hậu của những cử tri “đặc biệt” mà tôi đã gặp trên dọc đường biên cương, nhớ ánh mắt sáng và đôi tay sần chai lao động của họ run run nhận những tấm thẻ cử tri nhỏ bé - nhưng với họ thật sự là niềm mong đợi của cả đời người.

Nguồn Văn nghệ số 21/2021


Có thể bạn quan tâm