April 26, 2024, 4:30 am

Những cột mốc văn hóa ở miền biên cương

Tôi ngẫu nhiên có được chuyến đi khảo sát rất thú vị về văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng tại các huyện miền Đông tỉnh Quảng Ninh. Những ngôi đình làng và những câu hát được các ngư dân, nông dân đã lưu giữ vài trăm năm qua theo những làng xóm dọc bờ biển, dọc các bản làng trên rẻo cao, những câu hát mang theo nguồn cội sâu xa… Những ngôi đình làng như những cột mốc văn hóa đặc biệt ở miền biên cương Đông Bắc của Tổ quốc!

Lễ nghinh thần (rước các vị thành hoàng) trong Lễ hội đình Trà Cổ.

Những ngôi đình và câu chuyện về nguồn cội

Vùng đất các huyện miền Đông tỉnh Quảng Ninh luôn là những vỉa trầm tích về văn hóa nói chung và văn hóa dân gian đậm đặc của bà con đồng bào các dân tộc anh cùng chung sống ở nơi đây. Tôi ngẫu nhiên có được chuyến đi khảo sát về văn hóa nói chung và văn hóa dân gian nói riêng tại các huyện miền Đông tỉnh Quảng Ninh rất thú vị. Những ngôi đình làng và những câu hát được những người ngư dân, nông dân lưu giữ đã vài trăm năm qua theo những làng xóm dọc bờ biển, dọc các bản làng trên rẻo cao, những câu hát mang theo nguồn cội sâu sa. Và đặc biệt là những ngôi đình làng như những cột mốc văn hóa đặc biệt ở miền biên cương Đông Bắc của Tổ quốc!                                       

Trong chuỗi ngày chúng tôi len lỏi đến các vùng miền từ làng ven biển đến làng trên núi cao, là ăm ắp những vỉa trầm tích của văn hóa Việt đã bén rễ nơi đây từ một trăm đến vài trăm năm, thậm chí xa hơn thế. Trường hợp thú vị nhất là khi chúng tôi gặp và trao đổi với ông Trần Vĩnh An, thôn Liên Tân, xã Quảng Tân huyện Đầm Hà. Năm nay ông An đã 75 tuổi, phát âm tiếng Kinh còn đôi khi ngọng nghịu, nhưng thông tin ông đưa ra khiến chúng tôi thật sự sửng sốt. Ông kể, gia đình ông là người Tày, di chuyển từ xã Hoành Mô thuộc huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) xuống đất Đầm Hà này đã mấy chục năm, nhưng tổ tiên nhà ông là ở tỉnh Thái Bình đã lập nghiệp ở Hoành Mô, huyện Bình Liêu. Chúng tôi cùng ồ lên và hỏi lại, ông căn cứ vào đâu để xác nhận ông từ Thái Bình đến, ông có gia phả không, ông có những gì để xác định ông là người gốc Thái Bình ạ?… Không cần nghĩ ngợi ông trả lời luôn: Tôi đã tuổi này, tôi đã nghe bố tôi nói thế, từ trên bố tôi cũng nói thế. Không có gia phả, nhưng trong dòng họ đều biết tổ tiên đến Hoành Mô - Bình Liêu từ Thái Bình. Văn cúng nhà tôi giống nhà người Tày, nhưng lại không giống hết. Đó là khi làm cơm cúng, nhà tôi thường cúng một bát tiết canh lợn. Chúng tôi ồ lên, món tiết canh lợn chắc chắn không phải của người Tày rồi. Ông cười đáp, không biết thế nào, nhưng nhà ông cúng lễ đều theo như người dưới xuôi, ngày xa xưa các cụ bà, các cô gái đều mặc quần hai ống, không mặc váy, ở trên này mặc váy là người… dân tộc!... Thật thú vị khi nghe đến chi tiết này. Có lẽ vì vậy, tôi bất giác đặt câu hỏi tại sao ở Bình Liêu có đến 7 cái đình làng, trong đó đình làng Lục Nà được cho là to nhất. Lệ ở Bình Liêu là sau khi các làng lễ đình làng mình xong thì tất cả đều tụ về đình Lục Nà làm lễ lớn. Vậy là thiết chế văn hóa đình của người Kinh đã có mặt trong cộng đồng rẻo cao này có từ đâu? Trả lời câu hỏi này có thể đặt ra giả thiết có cơ sở rằng, người Tày đã tiếp nhận sự giao thoa văn hóa vài trăm năm qua với người Kinh mà họ có đình làng (!). Và tôi cũng đã từng nghe một bạn sinh viên người Thái ở huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An, nói rằng em chỉ biết em là người Thái, nhưng ông ngoại em bảo ông quê gốc Nam Định. Ông họ Trần, nhưng cộng đồng họ hàng nhà ông ngoại em đều là người Thái! Cũng tương tự như thế, chúng tôi đã đi tiếp theo cách tiếp cận về đình làng ở vùng rẻo cao miền Đông Bắc này với những khám phá thú vị khác.

Giống như đình Đồng Đình ở thôn Đồng Đình của huyện Tiên Yên, theo các cụ trong làng nói, đình có từ lâu rồi và thờ Thành Hoàng làng là một tướng quân họ Lê; Ở Ba Chẽ có đình ở xã Lương Mông (nay chỉ còn phế tích). Theo ông Khúc Hùng Vỹ, sinh năm 1943, đình Lương Mông thờ Thành Hoàng làng là ông họ Phạm. Theo truyền thuyết tổ tiên để lại, ông Phạm Bá là một chiến binh đi theo tướng quân Phạm Ngũ Lão đánh giặc nơi này, khi yên hàn thì ông ở lại lập làng, lập xã. Hiện nay ở Ba Chẽ chỉ còn đình làng Dạ đã được khôi phục và phát huy giá trị văn hóa rất tốt. Ở Lương Mông, theo ông Khúc Hùng Vỹ, tổ tiên ông di cư từ huyện Ninh Giang thuộc tỉnh Hải Dương lên. Nếu tính tướng quân Phạm Ngũ Lão thì là vào đời Trần, và họ, những người Kinh đầu tiên, đã dừng chân nơi này hơn 600 năm qua. Riêng về lệ thờ đình, thì ở Lương Mông đã từng có đình, nhưng rồi năm tháng chiến tranh, thiên tai… nên giờ không còn đình nữa, nhưng làng vẫn duy trì lệ cúng đình đầu năm, cuối năm vào tầm giữa tháng Giêng và giữa tháng Chạp âm lịch. Trong dịp lễ hội đình làng có cả hát chèo, hát đúm và hát đối. Cộng đồng người Tày áo nâu và áo chàm đều đi lễ đình. Văn cúng có cả lời Tày, có cả lời Kinh, lễ vật cũng thế, tất cả đều giao thoa. Không chỉ có thế, ở Ba Chẽ còn có người Tày áo nâu và Tày áo chàm, là một chi tiết thú vị về cách lưu truyền lại bản sắc của người Kinh ở nơi này.

Ở Đầm Hà, đình làng ngày xưa từng được xây dựng nguy nga, giờ thì không còn như thế nữa. Đình cũng thờ các vị Thành Hoàng là người đến đây lập làng, gốc gác từ vùng Hải Dương. Hiện đình Đầm Hà thờ 12 vị tiên công của dòng họ Hoàng, họ Phan sinh sống lâu năm ở đây, và 14 vị Hậu Thần. Lễ hội Đình Đầm Hà mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân đồng bằng Bắc bộ, nhưng vẫn có những nét riêng độc đáo. Đình được phục dựng lại năm 2008. Hay như đình Dân Tiến xã Quảng Tiến, đình Bầu xã Quảng Nghĩa (thành phố Móng Cái), theo các cụ bô lão trong làng nói, thì đình Bầu thờ thành hoàng làng họ Lê, họ Phạm, họ Đặng. Cư dân phải Hải Hà, Đầm Hà đều xác nhận tổ tiên của họ đến từ tỉnh Hải Dương và đã cư ngụ ở vùng đất ven biển này ít nhất 200 năm. Các bô lão ở xã Quảng Tiến và Quảng Nghĩa thuộc thành phố Móng Cái xác nhận tổ tiên họ di cư đến vùng này từ Thanh - Nghệ - Tĩnh... Và như nhiều người đã biết, đình Trà Cổ, đình Vạn Ninh, đình Vĩnh Thực… đều có nguồn gốc từ những người dân Đồ Sơn, Hải Phòng, từ Thanh - Nghệ… đến đây lập làng mà dựng lên. Những ngôi đình này cùng với những ngôi đình làng ở các đảo như Quan Lạn, Cái Chiên… bao đời này đã trở thành những cột mốc văn hóa đặc biệt quý giá của người Việt ở vùng phên giậu Đông Bắc Tổ quốc này!

Suốt chuyến đi, chúng tôi đã thu thập được nhiều tài liệu quý giá, dù đôi khi chỉ là những lát cắt mỏng, nhưng đó là nhưng giá trị văn hóa có sức sống mãnh liệt. Nó giúp ta chạm đến những bước chân của cha ông được triều đình cử đi, hoặc là di cư tự do, nhưng đi đến đâu, các bậc tiền nhân đều cố gắng giữ được và truyền lại cho con cháu những giá trị văn hóa của mình. Từ một lễ cúng đình hay từ một câu hát đối, hát đúm… tất cả đều trở thành những chiếc neo bám vào nguồn cội.

Từ những biểu hiện của tín ngưỡng thờ đình của người Kinh hiện diện ở vùng ven biển, vùng miền núi phía Đông Bắc Tổ quốc, chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa sẽ có thêm những kiến giải về văn hóa đình làng của cư dân Việt trong nền tảng và dòng chảy văn hóa Việt nói chung, cũng như trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của ông cha. Và cũng từ những thực tế diễn ra là tại sao người Tày lại chọn đình mà không chọn miếu để thờ như người Hoa hoặc như các dân tộc khác trong bối cảnh giao lưu văn hóa hết sức đa dạng và sôi nổi ở vùng này; một giả thiết đặt ra là phải chăng đã có một bộ phận người Kinh tự chuyển đổi thành người Tày, và chuyển hóa những tập tục văn hóa, tín ngưỡng của mình sang làm giàu có thêm cho văn hóa Tày một cách tự nhiên như cuộc sống bình thường đã và đang diễn ra… Nếu giả thiết này chính xác, thì đúng như các nhà nghiên cứu văn hóa đã từng chỉ ra: Dân tộc Việt là dân tộc rất biết thích nghi, thích nghi để tồn tại và bảo tồn nòi giống Việt…

Những khúc hát của cư dân trong lễ hội đình làng

Đình làng và văn hóa thờ Thành Hoàng tại đình làng đã trở thành những giá trị trường tồn trong văn hóa Việt, bền bỉ với thời gian, là biểu hiện quan trọng trong dòng chảy văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung. Trong đời sống cộng đồng, đình làng đã trở thành trung tâm của mọi hoạt động văn hóa, tín ngưỡng và những gì thân thuộc bình dị của cư dân. Nó là một thực thể văn hóa vật thể và phi văn thể vô cùng giá trị. Cũng tại đây, những câu hát, bài dân ca của các dân tộc Kinh, Tày, Sán Chỉ, Hoa… có sự giao thoa, tiếp nhận và tiếp biến rất rõ. Tuy nhiên, sự xâm nhập mạnh mẽ của công nghệ, của các loại hình văn hóa mới đang len lỏi và can thiệp sâu vào đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc ít người ở khu vực miền Đông tỉnh Quảng Ninh, miền đất còn ẩn giấu những bí ẩn về các dân tộc anh em đã đến, đã ở lại và đã lập nên những giá trị văn hóa trong chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên dù bị xâm thực mạnh bởi văn hóa hiện đại, nhưng những khúc hát về cội nguồn vẫn đang hiện diện một cách sống động, góp vào đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc anh em ở vùng đất này những giá trị mang dấu ấn và bản sắc văn hóa độc đáo. Vẫn là các lối hát đối, hát giao duyên, hát nhà tơ, hát cửa đình, hát đúm… Vẫn là những những tâm sự trao duyên, những khát vọng về cuộc sống tươi đẹp ngàn năm qua của người dân lao động, nhưng ở đây còn có thêm chút gì đó đau đáu, khát khao…

Đến vùng Đông Bắc, ai cũng biết các dân tộc nơi đây có những hội hát đến bây giờ vẫn còn được bảo tồn và phát huy, như Soóng cọ của người Sán Chỉ, Then của người Tày… Bà con các huyện Bình Liêu, Tiên Yên, thì có hát Nhà tơ; rồi hát múa Cửa đình của bà con ven biển từ Đầm Hà đến Móng Cái… Những tập tục đó đã và đang được phát huy giá trị. Địa phương cũng chú trọng đưa văn hóa bản địa vào để làm nên những sản phẩm du lịch văn hóa rất hiệu quả… Khi đến Đầm Hà, chúng tôi gặp được cụ bà Đặng Thị Tự, 101 tuổi, nghệ nhân dân gian, một “báu vật dân gian” sống ở vùng này. Cụ Tự là Nghệ nhân hát Nhà tơ, hát Cửa đình, danh hiệu được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng, là Nghệ nhân Ưu tú được Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch phong tặng. Có thể nói cụ là một ca nương đặc biệt ở giữa đồng quê. Những bài hát của cụ đã đi hết chiều dài lịch sử dân tộc cả trăm năm qua và thấm được chất trữ tình của dân gian đầy mê hoặc. Bây giờ lớp kế cận cụ cũng là các bác, các cô trên dưới bảy mươi tuổi, và những câu hát vẫn như dòng sông không có điểm kết thúc đang len lỏi trong đời sống cộng đồng bà con các dân tộc nơi đây.

Không phải chỉ có cụ Tự ở Đầm Hà. Tại các vùng chúng tôi đi qua, từ cửa biển Vạn Ninh về đến Hải Hà, Vân Đồn… các loại hình hát dân ca Bắc bộ vẫn được bà con lưu giữ song hành cùng với các loại hình hát giao duyên của người bản địa. Nhưng ở mỗi nơi, dấu ấn của sự giao thoa hiện ra rất rõ. Ở xã Quảng Nghĩa, thành phố Móng Cái, các làn điệu nghe mênh mang bay bổng hơn hát đúm, hát nhà tơ, vì theo các cụ già thì họ là người gốc miền Trung Trung bộ ra, nên có thể ông cha họ đã mang theo tiếng hò sông Mã, tiếng hò Ví dặm mà về đến cửa biển vùng Đông Bắc này nó đã mang một sắc thái khác, phù hợp với đồng đất, sóng gió nơi đây. Còn loại hình hát đúm ở phía các làng ven biển được hòa hợp cùng các làn điệu của vùng đất mới khá mạnh, có nơi bà con vẫn bảo là làng tôi có hát đối giao duyên trong các dịp lễ hội đình, nhưng khi các cụ cất giọng lên thì vẫn mang âm hưởng hát đúm của vùng Thủy Nguyên (Hải Phòng) và Quảng Yên (Quảng Ninh). Khi hỏi về nguồn gốc di cư thì các cụ xác nhận mấy đời ra đây lập nghiệp đúng là từ phía Hải Phòng ra và Quảng Yên đến!...

Và như vậy các câu hát, lời ca cũng đã theo chân những cư dân từ mọi vùng miền đất khác nhau, trong chiếc “túi văn hóa dân gian” lèn chặt những giá trị riêng có của các dân tộc, trong hành trang của những cuộc di dân nhiều thế kỷ vô cùng giá trị để đến nơi cư ngụ mới, làm nên một thứ tài sản phong phú mà độc đáo hiện diện trong đời sống văn hóa tinh thần của cư dân nơi này cho đến ngày hôm nay. Đây là vốn văn hóa cần được bảo tồn và quan tâm để nó mãi là một giá trị của đồng bào các dân tộc anh em ở phía Đông Bắc của Tổ quốc này.

Từ những ngôi đình đến những câu hát và những cư dân suốt từ rẻo cao đến vùng biển biên giới phía Đông Bắc Tổ quốc, đã thực sự trở thành những cột mốc văn hóa đắc địa mà cha ông ta đã chú trọng xây nên trên vùng đất đai trời biển cương thổ của đất nước. Những thiết chế từ đình làng, thông qua những câu hát ở lễ hội của các dân tộc anh em ở vùng đất phên giậu này đã và đang có vai trò đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam bằng văn hóa hôm nay.

Nguồn Văn nghệ số 23/2021


Có thể bạn quan tâm