April 20, 2024, 1:30 am

Những con sáo lạc

Đã qua thanh minh mà trời vẫn u ám. Trên những mỏm đá núi vẩn lên một màu nâu xám, chẳng biết là rêu mốc hay là hơi nước đọng lại lâu ngày thành ra thế. Đá xám xịt bao nhiêu thì cỏ cây lại non mởn bấy nhiêu. Cái màu xanh được phủ một lớp màng nước mỏng, cứ loang mãi ra khắp những triền núi. Đã lâu lắm trời không có nắng. Người ta chờ đợi nắng lên, đến nhạt cả thịt da mình.

Minh họa của NGUYỄN ĐĂNG PHÚ

Trời như thế mà chợ vẫn đông. Chợ phiên mùa này người Sa Pàn rủ nhau đi sắm lưỡi cày, sắm cuốc mới để vào vụ ngô, đỗ xuân đang tới gần. Giữa tiếng qua lại ồn ào, vẫn thấy một người ngồi hé mắt nhìn qua hai đầu gối của mình. Phiên chợ nào cũng thấy ngồi như thế. Càng ngồi lâu cái đầu càng cúi thấp giữa hai mỏm gối nhô lên. Ánh mắt vì thế cũng lấp đi, chẳng biết là buồn hay vui.Trước mặt là hai khúc gỗ nghiến. Một con sáo đá đập cánh nhảy phày phày trong lồng mỗi lần có người đi qua. Nhìn kĩ mới nhận ra người ấy là Dảu, nhà ở cuối con đường đi lên Sa Pàn.

Cứ năm ngày một phiên Dảu đến ngồi ở cuối chợ, bày hai khúc gỗ và con sáo ra rồi bắt đầu ngồi bán. Phía trước là dãy hàng rượu ngô. Phía sau là hàng thuốc Bắc, sau nữa mới đến hàng phở lúc nào cũng ầm ĩ tiếng cười của đám đàn ông. Dảu kê đôi dép đã đứt mõm lên hòn đá lồi lên giữa khoảng đất trống rồi ngồi đấy. Ngồi bán hàng mà không thèm nhìn ai. Bán hàng mà cứ như ra chợ để ngồi chơi, hết buổi thì đi về. Đám người bên hàng rượu nhìn sang, bên hàng phở nhìn vào. Thấy thế hỏi vóng sang:

- Sao có hai khúc củi với con chim bán mãi không xong thế?

Dảu không đáp lại, cũng chẳng buồn nhìn xem người nói là ai. Người ta nói nhiều quá thì lôi con dao nhọn đeo bên sườn ra, chọc chọc xuống đám đất dưới chân. Đám người nói nhỏ dần rồi im bặt. Dảu vẫn không ngẩng đầu lên. Chỉ có con sáo nhảy đến mỏi chân trong lồng.

*

- Mày không phải người họ Nông Dảu à, Pa mày là... là người bên Kha... còn!

Bà Pén trước khi chết vẫn cố kéo tay con trai đặt lên ngực, nói được một câu như thế thì tắt hơi. Bà chết đã gần nửa năm rồi. Chết từ mùa đông năm ngoái. Dảu nhớ như in mùa đông năm trước, khắp Sa Pàn gió lạnh réo rít từng cơn. Chưa bao giờ nơi này mùa đông kéo dài và khắc nghiệt đến thế. Mỗi lần xuống thang đi ra ngoài đường lại thấy hơi lạnh cắn vào đầu ngón chân, ngón tay buốt nhức như kim châm. Bà Pén kêu đau buốt như có đàn sâu, đàn mọt đang đục ở trong ống xương đến không chịu được. Dảu nghĩ chắc mẹ già lạnh quá vội lấy than cho bà hơ chân. Bà Pén đặt cả hai bàn chân vào chậu than. Thịt cháy lèo xèo bốc khói khét đắng khắp nhà mà bà vẫn không thấy hết đau, hết ngứa trong xương của mình. Dảu nhìn mẹ già ứa nước mắt. Càng nghĩ càng thương mẹ, lại càng thấy giận chính mình. Dảu năm nay đã gần ba mươi tuổi mà chưa lấy vợ. Nếu có vợ thì mẹ già đâu khổ như thế. Nếu em Lèng còn ở nhà này thì mẹ cũng không khổ như bây giờ. Càng nghĩ Dảu càng bực, càng nghĩ càng thấy hơi giận từ đâu chạy về chảy ầm ầm trong ngực đến ngạt thở. Dảu đợi đến sáng thì dọn đồ đưa bà Pén đi bệnh viện. Xuống dưới huyện, lên tỉnh hay chỗ nào Dảu cũng sẽ đi. Trời vẫn lạnh, sương muối đóng thành từng lớp như bột đá trắng. Dảu cõng mẹ già trên lưng, từng bước đi qua con đường đá mà ngón chân bật máu vì vết khô nẻ vỡ ra. Bà Pén nằm trên lưng Dảu khóc, bà bảo Dảu đừng đưa bà đi đâu cả. Xương của bà sắp vụn ra thành từng nắm như đám ngô rang. Dảu vẫn lặng lẽ không nói lời nào cõng mẹ đi ra đường cái. Bóng hai người như con rùa đổ rạp giữa đám cỏ dại tiến ra đường lớn. Chuyến xe ô tô xuống huyện sẽ đi qua từ hướng ấy.

- Bà cụ ung thư phổi, nó di căn chạy vào xương nên mới thế.

Dảu ngẩn người khi nghe bác sĩ nói với mình như vậy. Dảu chưa thấy tận mắt ai bị bệnh này bao giờ. Chợt thấy hơi lạnh chạy lên thái dương.

- Có chữa được không bác sĩ?

Người bác sĩ trẻ có hàng lông mi dài như con gái khẽ chớp. Cũng còn trẻ hơn cả em Lèng hôm nào. Người trẻ thường không giấu được cái đầu mình nghĩ gì khi đứng trước việc lớn. Nó sẽ nổi ngay lên mặt như đám mây xám lừ đừ trên da trời xanh thẫm. Dảu đã thấy bác sĩ trẻ ấy khe khẽ lắc lư đầu mình. Nhưng nhìn cái lắc lư ấy chắc hẳn là cái lắc đầu. Dù bề ngoài nó không giống như thế. Cái lắc đầu ấy khiến người đối diện như ở dưới vực sâu nhìn vào sợi dây cuối cùng cứu mình bị cắt phăng đi mất. Cái lắc đầu ấy giống hệt lần Pa từ chối nhận em Lèng trở về. Dảu không nghĩ lại có những cái lắc đầu ở trên đời còn nặng hơn hất một quả núi đè lên người khác như thế.

*

Đã gần một tháng sau ngày bà Pén mất Dảu không ra khỏi nhà. Chẳng biết ngoài trời nắng hay mưa. Chú Làn bảo Dảu giống đá rồi. Giống mấy hòn đá mọc ngay bờ rào nhà chú. Thuê người về đánh mãi đi không hết. Mẹ mày có chết thì cũng vì cái số đến đấy thôi. Buồn mãi thì cũng phải đứng dậy thò cái đầu ra ngoài xem mặt trời còn mọc hay không chứ? Chú Làn sang nhà lôi Dảu từ đống chăn ra. Chú nói nhiều lắm nhưng Dảu chỉ nhớ được bằng ấy câu vào đầu. Nói rồi chú lại thở dài:

- Pa mày chết cũng không có con gái khóc, mẹ mày chết cũng không có đứa con gái bên cạnh...!

Dảu bước ra ngoài sàn, trời mùa đông tím ngắt cả một vùng dưới chân núi. Ánh nắng không đủ xua đi hơi lạnh đang lẩn khuất trong những bóng râm phả ra. Dảu thấy mình như không còn sức, thấy mình như con thú đứng chơ vơ giữa cái thân cây lớn đã khô mục. Cả cánh rừng lớn mà không có con đường nào để bước đi. Một thứ cảm giác bơ vơ, trống trải giữa nơi mình sống bấy lâu nay thật đáng sợ. Cái nỗi sợ khi thức dậy giữa đêm ngó quanh chẳng có ai ở cạnh mình, ánh sáng hắt từ bên ngoài vào làm căn nhà như phồng rộp lên, càng khiến người ta nghĩ nhiều hơn bao giờ hết.

“Mày không phải người họ Nông...”

Câu nói ấy của mẹ già cứ lởn vởn như bóng ma trong đầu Dảu. Ngôi nhà này mẹ già đã sinh ra anh em Dảu. Hai bàn mụ còn cắm những bông hoa tiền bạc phếch vẫn treo trên vách. Họ Nông này từ già đến trẻ Dảu đều không lạ mặt, cũng chẳng ai lạ gì Dảu. Vậy mà tại sao Dảu không phải người họ Nông. Nhưng người sắp chết sẽ không nói dối. Nhiều khi Dảu nghĩ mẹ già đã nói dối mình được một đời người thì tại sao không nói dối mãi mãi. Có khi như thế sẽ tốt hơn cho Dảu bây giờ. Nhưng như thế chắc mẹ không nhắm mắt mà chết được. Có lẽ cái gánh nặng ấy đè lên vai mẹ già đã phải bỏ xuống rồi. Không bỏ xuống làm sao đi gặp Pa được. Gặp rồi hai người có sống khác, khác hoàn toàn với những gì mà hai người đã từng sống với nhau.

Mọi thứ ở trong ngôi nhà này, có phải đều bắt đầu từ Dảu mà thành ra thế.

*

Mùa này ở vùng đất nhoi lên giữa bốn bề là núi, ánh nắng chỉ kịp lướt qua những cánh rừng, rồi chạy ào lên đỉnh núi cao nhất. Cái rét bị ánh mặt trời đuổi dạt vào vách đá, chẳng mấy chốc lại lừ đừ tiến ra mỗi khi hết ngày.                                      

Lại đêm. Bóng tối của mùa đông tràn từ phía ngoài ào đến như muốn nuốt chửng căn nhà vào trong im lặng. Dảu nằm nghe tiếng lá khô xào xạo trên mái nhà bị gió thổi xô đi từng đợt khô khốc. Hình như có tiếng người thì thào ở đâu đó như tiếng kể chuyện ngân lên, trầm buồn khe khẽ. Có phải tiếng Pa đấy không? Dảu chợt thấy mình nằm trên chiếc giường ngày trước của Pa. Trong căn buồng cũ, đã hai mấy năm Dảu mới đặt mình trên chiếc giường ấy thêm một lần. Ngày trước Dảu nằm trên chiếc giường này với Pa, vào đêm đầu tiên mẹ Pén sinh em Lèng. Ngủ một đêm rồi thôi đến bây giờ. Chẳng hiểu sao hôm nay bước chân Dảu lại đưa mình nằm ngủ trên chiếc giường ấy. Hơi rượu từ chiều bỗng cồn cào xối trong ruột gan. Dảu không thích uống rượu, ngày trước Pa cũng thế. Nhưng bây giờ rượu bỗng làm cho Dảu vùng vẫy trong căn nhà này. Hay Dảu đi tìm mọi thứ cất giấu bấy lâu nay, trong từng ngõ ngách trí nhớ mình cũng không rõ nữa.

Điều Dảu nghĩ như đang bủa vây chầm chậm từ mọi phía xung quanh. Những tiếng nói rỉ rả lại vang lên, lúc lại nghe như tiếng âm âm loãng dần ra. Chẳng biết là tỉnh hay mơ. Dảu nằm co người quay vào vách, mùi ẩm mốc từ ván giường bốc lên hăng hăng đến cay mũi. Từ phía ngoài, gió lọt qua kẽ ván như tiếng hú dài của người đi rừng vọng lại. Dảu nhớ những ngày còn bé nằm bên kia với mẹ. Chỉ cách Pa một bức vách ngăn, đã nhiều lần Dảu nghe thấy tiếng Pa thở dài như tiếng gió đêm nay. Dảu nhìn qua kẽ ván thấy Pa nằm co mình, gối đầu lên tay nhìn vào phía trong vách. Hình như Pa đang nói chuyện một mình. Bóng Pa lồng lộng phập phồng dưới ánh đèn mờ hắt từ giữa nhà vào. Bây giờ Dảu cũng nằm ở chỗ ấy, nhìn lên bức vách có những tấm ván vẹo vọ. Những tấm ván cùng bám vào nhau mà không chịu nằm sát lại. Lại nghe như tiếng trở mình, từ trên mái ngói, cả dưới ván giường mốc ẩm cũng đang rì rầm thay nhau réo lên trong khuya vắng. Những câu chuyện kéo Dảu đi theo dấu chân Pa lên những đỉnh núi lộng gió...

Ngày còn thành niên, đêm nào Pa cũng sang đất Kha Còn. Chẳng biết qua bao nhiêu năm mà không lấy được cô dâu về nhà. Mùa đông năm ấy Pa ốm nặng. Ốm mãi mà không dậy được. Hai má hóp sâu tưởng như lớp da trên má trũng xuống muốn chạm vào nhau. Người ta cũng bảo Pa ốm vì không lấy được người yêu trong lòng. Người ấy đã có người khác, mà không phải là Pa. Nhưng bỗng một ngày có người đánh tiếng bảo bà nội sang cắt cổ gà người đàn bà ấy cho Pa. Nghe tin thế, Pa vụt đứng dậy như người trúng ma. Ốm thế mà cứ phăng phăng vào rừng hái củi không thấy mệt. Hái củi xong lại mài cưa xẻ ván bưng lại vách buồng. Đi đâu Pa cũng cười một mình. Nhìn qua ai cũng đoán được vẻ mặt của một thằng trai sắp cưới vợ mới. Chỉ có thằng trai sắp cưới vợ, mới làm khỏe mà trên mặt lúc nào cũng vui như thế.

Cuối mùa đông năm ấy Pa cưới mẹ về nhà. Mẹ về để dập tắt những nụ cười trên khuôn mặt của Pa.

Có phải mẹ về làm dâu nhà họ Nông mang theo sự lừa dối. Có phải Pa đã biết từ ngày ấy. Vì thế Pa muốn mẹ thành cái cột biết đi trong nhà. Muốn mẹ già biến thành người có tai để nghe, có miệng nhưng không được cãi lại lời Pa nói. Phải nghe Pa chửi rủa ngày đêm. Không ai trên đời này hiểu được Pa đang nghĩ gì. Chưa ai biết đang có điều gì lớn dần trong người Pa. Mà chỉ thấy hai người làm vợ chồng nhưng chưa nói chuyện nhẹ nhàng với nhau bao giờ. Những điều mẹ làm đều như cái gai đâm vào mắt Pa. Mẹ xuống bếp thì Pa lên nhà, Pa lên nhà thì bước chận mẹ đã xuống thang, ra bãi. Hai người chỉ ở gần nhau vào mỗi bữa ăn. Chẳng ai buồn nói câu nào. Mẹ ngồi quay nửa người vào mâm. Hai bàn chân rón rén dẫm lên nhau, cố gắng thu mình vào nhỏ nhất. Hình như mẹ sợ ngồi thẳng người ra sẽ chạm vào ánh mắt, vào hơi thở của chồng. Pa ngồi như tượng gỗ, bữa ăn nào cũng nghẹn. Khi miếng cơm mắc trong cổ đến lần thứ ba thì buông bát đứng dậy ra ngoài sàn. Mọi thứ cứ như thế qua ngày qua tháng. Sự ngột ngạt như bóng ma lơ lửng trong căn nhà. Mùa hè cũng như mùa đông, cái lạnh lẽo luôn luôn lẩn khuất đâu đó. Họ hàng không ai biết, chỉ những người sống trong căn nhà này biết. Chỉ có gỗ đá bốn bề mới biết.

Có phải vì đứa con này mà Pa sống ác với mẹ thế không…?

Dảu bật dậy ôm đầu ngồi trên giường cất tiếng hỏi. Những tiếng ri ri kể chuyện từ bốn bề bỗng im bặt. Không có tiếng ai trả lời, chỉ có tiếng gió hú lên đều đều trên những ống tre bên hiên nhà. Chẳng rõ mình tỉnh hay mơ. Dảu ngoái đầu nhìn xuống cuối giường. Trong ánh sáng trắng như nước chảy qua kẽ ván hắt vào chiếc mũ nồi màu đỏ của Pa treo trên vách. Dảu chợt nhớ lần Pa đi chợ phiên ngày tết trở về. Pa đội chiếc mũ trên đầu, bước chân người đi đã say lắm. Pa chưa bao giờ say rượu khi đi chợ phiên, vậy mà lần ấy Pa say đến thế. Pa vịn cầu thang bước lên nhà, mới ngó đầu vào cửa bếp thấy mẹ ngồi nấu cám bên bếp lửa. Nghe tiếng bước chân lên nhà nhưng mẹ không quay lại nhìn. Pa cứ thế đến cạnh mẹ ngồi, ngồi gần lắm. Ngồi rất lâu mới đưa tay nắm lấy bàn tay mẹ đang cầm dao chẻ lạt buộc hàng rào. Mẹ giật mình hất tay Pa ra xa, nồi cám lợn xô nghiêng đổ cả ra sàn. Lưỡi dao chớp qua ánh lửa bén vào tay pa. Máu từ lòng bàn tay xối ra đỏ ối chảy lèo xèo xuống bếp lửa, đôi mắt Pa chợt vằn lên những đường gân đỏ. Đỏ hơn cả những viên than trong bếp, hơn chiếc mũ nồi mà Pa đang đội.

Mẹ quay đi không nhìn vào mặt Pa. Máu vẫn chảy từ kẽ tay Pa xuống bếp. Chiếc mũ nồi rung lên như treo trước gió. Đấy là lần đầu tiên Dảu thấy hai người chạm tay vào nhau. Chạm vào thì đổ máu, cũng là lần đầu tiên Dảu thấy mẹ ác với Pa đến thế.

*

Đã nhiều lần trộm nghĩ, tại sao người ta cứ tạo ra những cái vòng tròn luẩn quẩn. Rồi nhốt mình vào trong đó, ném cả những người xung quanh mình vào trong đó. Để đày ải nhau, làm khổ nhau như con thú chui vào cái hang chỉ vừa thân mình đi tìm lối thoát. Cứ chạy mãi, chạy mãi tới khi gục chết mà không thể quay đầu, không thể dừng lại.

Đêm nay trời lặng gió. Tiếng mọt nghiến răng trong những thớ gỗ từ đâu vọng lại kêu từng hồi. Dảu ngồi nhìn như muốn dán ánh mắt vào cửa căn buồng vắng. Chiếc màn gió đã cũ, ố vàng rủ xuống khi không có bàn tay người phơi giặt. Trong căn buồng ấy mẹ sinh ra em Lèng. Bà đỡ bế đứa bé ra ngoài từ khung cửa ấy đặt vào tay Pa. Cũng từ căn buồng đó đứa em gái ấy đã rời ngôi nhà này đi. Bước chân xuống thang rồi đi mãi đến bây giờ không quay lại.

Không ai nghĩ hai người như mẹ và Pa có thể tới gần nhau được hơn nữa. Vậy mà mẹ vẫn sinh ra em Lèng. Dảu nhớ như in nét mặt của Pa khi đón đứa con gái của mình. Nét mặt hiện lên sự hỉ hả của niềm vui. Dảu chưa thấy Pa nhìn mình bằng nét mặt ấy bao giờ. Pa nhìn Dảu bằng ánh mắt không buồn, không vui. Chẳng thù ghét cũng không yêu thương. Hình như trong mắt Pa, Dảu sinh ra, rồi lớn lên tự nhiên như cái măng trong rừng. Cái măng đã mọc ra, dù nhìn tới hay không thì nó cũng lớn thành cây tre, cây mai được.

Em Lèng càng lớn càng đẹp. Người ta bảo cái đẹp ấy giống hệt mẹ ngày còn trẻ. Pa nghe được thế bỗng nổi giận đùng đùng bảo “đàn bà đẹp thế để làm gì, để cho chó tha hay cho lợn ủi...” Pa chửi người đời mà như nói cho mẹ nghe. Mẹ biết nhưng không nói lại. Chỉ lặng lẽ nhìn sang bên kia dãy núi Sa Pàn sừng sững bốn mùa. Ánh mắt buồn và tiếc nuối. Vùng đất bên ấy là nơi mẹ sinh ra, nơi ấy mẹ có một thời con gái như cánh hoa rừng. 

Một lần Dảu đi chợ phiên. Lúc ấy đã gần tết lắm. Đám thanh niên kéo nhau đi chợ rồi ngồi tụm lại từng đám dọc con đường xuống chợ. Chỗ nào cũng vang lên tiếng nói cười, tiếng hát, tiếng chọc ghẹo nhau. Hai anh em Dảu dậy sớm gánh hương xuống chợ bán. Trời còn chưa sáng hẳn đã tới nơi. Chợt có một thằng trai cao lớn, khuôn mặt bừng sáng khi nhìn thấy anh em Dảu. Thằng trai lạ ấy đã tìm chỗ bán hàng rồi kê đá ở đó sẵn. Dảu thấy em gái nhìn người lạ mà mắt như có lửa, hai má đỏ hồng thì đoán được đôi phần. Suốt buổi chợ Dảu ngồi phía sau, nhìn thằng con trai lặng lẽ chăm chút cho em Lèng từng tí một. Dảu nhìn thấy chẳng biết mình buồn hay vui. Càng nhìn càng nghĩ đến mẹ. Lại thấy trong lòng như có những mảng đất vỡ, đổ ào ào vào lòng suối mùa lũ đêm đêm.

Chuyện ấy Dảu không nói với ai mà Pa vẫn biết. Pa cấm em Lèng gặp lại người lạ ấy. Pa bảo “Đàn bà đến tuổi lấy chồng thì cứ thế mà lấy. Biết một thằng đàn ông thì sẽ nghĩ về một thằng. Đàn bà quen lắm đàn ông đều là loại ném đi... ném hết...!” Pa nói thế rồi phừ phừ bước qua mặt mẹ, xuống thang bỏ đi. Pa đi rồi mẹ quay đi lau nước mắt. Nước mắt mẹ tưởng cạn khô rồi, nhưng vẫn chảy ra như cái cây bị chém vào giữa thân. Nhựa rỉ ra trong vắt mà đau buốt chẳng biết đến bao giờ.

*

Có lẽ suốt đời Dảu sẽ không quên được cái đêm hôm ấy. Một đêm mùa hè trời khô nóng mà không nổi gió. Tiếng sâu đất trong vườn đan vào nhau dày đặc như sao trên trời. Đêm đã khuya lắm, mà vẫn nghe tiếng bước chân ai đó rất khẽ trên sàn nhà. Bước chân ấy đi ra từ phía buồng của Pa. Bỗng ánh đuốc sáng bừng lên từ phía ngoài xích, rồi có tiếng quát như tiếng sấm nổ giữa trời:

- Cút!... Lũ chúng mày cút ngay...!

Dảu vùng dậy nhìn qua kẽ ván thấy có bóng người xốc áo, vội vã lẩn vào bóng đêm xuống con đường trước nhà. Dảu lao ra ngoài nhìn xuống cầu thang. Em Lèng vẫn ngồi trên thang, một ống quần đã cởi ra khỏi chân. Dưới ánh lửa da mặt Pa đã biến thành màu trắng, rồi chuyển sang màu tím đen. Pa đứng đó nhìn đứa con gái tội lỗi đang co rúm dưới chân mình. Bỗng ánh lửa hoa lên, tiếng ống đuốc trên tay vun vút quật xuống người em Lèng. Pa vừa đánh vừa rít qua kẽ răng từng tiếng như đá lở:

- Loại đàn bà khốn nạn! loại đàn bà đáng.... chết!... tao phải giết... mày!

Trong tàn lửa bay đỏ cả chân thang, chợt có bóng người từ phía sau nhào tới che lấy người em Lèng. Dảu nhận ra người ấy là mẹ. Mẹ già hướng ánh mắt như tia chớp về phía Pa:

- Ông giết hết đàn bà khốn nạn nhà này đi! Giết đi!

Không hiểu sao ánh mắt và giọng nói của mẹ khi ấy lại sắc lạnh đến thế. Nó như mũi tên bắn trúng tim con thú đang nhe nanh giơ vuốt chực ập xuống kiết liễu con mồi trong nháy mắt. Bàn tay Pa đang giơ lên, bỗng khựng lại giữa chừng. Pa cứ đứng yên như thế như người trúng gió, rất lâu rồi mới ném cây đuốc xuống đất lặng lẽ bước lên nhà. Bước chân người đi tưởng chừng như tất cả đá ở Sa Pàn này đã buộc vào đôi chân ấy. Pa bước vào rồi ngồi giữa nhà. Ngồi sừng sững như một cái cây, một hòn đá giữa đồng.

Em Lèng bước lên nhà quỳ trước mặt Pa. Trên khuôn mặt hằn lên những vết đỏ, còn cả bụi than. Nhưng em không khóc. Dảu không hiểu sao em gái mình lại không khóc. Vẻ mặt khô héo đến đau khổ. Thản nhiên quỳ trước mặt Pa như muốn nói gì đó. Pa không nhìn lại, chỉ liên tục lắc đầu. Những cái lắc đầu để chấm dứt mọi lời giải thích hay sự tha thứ của Pa. Dảu nhìn em gái trở vào buồng, rồi lặng lẽ quay ra xuống thang lẫn vào bóng đêm. Dảu cứ nghĩ mình nằm mơ, một giấc mơ chỉ có khuôn mặt của em Lèng. Một khuôn mặt ngây thơ, một ánh mắt đau khổ chất chứa vời vợi những điều mà chưa bao giờ Dảu hiểu được. Em Lèng đi rồi mẹ già mới bật khóc. Tiếng khóc từ trong buồng vọng ra, kìm nén như người ta thả những viên đá vào trong ống nứa xóc lên từng hồi.

Bước chân em Lèng đã rời căn nhà này đi thật. Cũng chẳng biết bao lâu thì trời sáng. Suốt đêm Pa không ngủ, vẫn ngồi một chỗ như hòn đá giữa đồng. Trời vừa kịp sáng Pa đã đứng dậy. Chầm chậm bước ra ngoài xích, lôi chiếc thang đêm trước em Lèng ngồi ra góc vườn như lôi một xác chết. Rồi cũng chầm chậm vung từng nhát rìu bổ xuống. Từng nhát, từng nhát một. Chiếc thang gỗ già bằng tuổi ngôi nhà, trong phút chốc đã nát vụn như đống củi ngổn ngang. Pa châm lửa đốt, rồi lặng lẽ ngồi nhìn đống lửa phừng phừng cháy. Dảu chưa thấy đám lửa nào cháy khó nhọc và dai dẳng đến thế. Chẳng biết đám lửa ấy có lớn bằng đám lửa đang bùng bùng trong lòng Pa ngày hôm ấy không, Dảu không biết rõ.

Mùa thu năm ấy gió khô tràn về sớm. Những đám cỏ tranh chuyển sang màu úa đỏ thì Pa mất. Người mất mà những con vía trong trong người đã bỏ đi. Chỉ còn lại hình hài người đàn ông héo úa có đôi mắt u buồn. Một đôi mắt chất chứa niềm khổ đau và đợi chờ đến tận cuối đời mình. Nhưng cuối cùng em Lèng vẫn không trở về.

*

Rốt cuộc ai là người đáng thương, là người đau khổ nhất dưới mái nhà này. Phải chăng sự đau khổ ấy đã chia đều cho mỗi người. Bởi tất cả đã đã bước vào cái vòng hận thù, oán trách nhau đến vô lý. Đã nhiều đêm Dảu nghĩ mình chính là kẻ có tội khi đã sinh ra trên đời này. Có tội khi Dảu không thuộc về dòng họ Nông. Nhưng em Lèng cũng đã không thoát khỏi chiếc khóa vô hình đã đóng sập vào đôi chân bất cứ người đàn bà có mặt nào trong căn nhà này.

Dảu đã nghĩ về người mẹ đau khổ của mình, về người đàn ông đã dựng nên hình hài của Dảu. Người đàn ông đã đẩy mẹ về phía Pa để gánh lấy mọi bất hạnh trong đời. Đúng rồi! Đó mới là kẻ mang tội ác. Đó mới là người xua giông bão đến tàn phá ngôi nhà của Dảu vốn bình yên như bao mái nhà khác trên đất Sa Pàn này.

Dảu chợt nhớ ngày còn bé có lần đi nương về cùng mẹ, bắt gặp người đàn ông đứng dưới con đường đá phía trước nhà. Ánh mắt mẹ như bừng lên một niềm vui rồi bỗng nhiên hốt hoảng đến lỡ nhịp cả bước chân đi. Bàn tay mẹ kéo Dảu đi ngang qua trước mặt người ấy mà ướt sũng mồ hôi. Hai người đi qua nhau mà không nói một lời nào. Người đàn ông lạ kê những khúc gỗ cong như bắp cày lên tảng đá. Rồi nhìn theo mẹ con Dảu bước lên nhà mà như muốn ngã nhào về phía trước. Dảu cứ nhìn mãi con sáo đá mỏ vàng, cánh trắng đang nhảy nhót trong lồng sau lưng người đàn ông. Đôi mắt người lạ như có bóng nước, Dảu nhìn vào thấy nó sâu hun hút và mênh mông như bóng đêm đang tràn tới.

Nhưng bây giờ trong trí nhớ non nớt của Dảu, khuôn mặt người lạ ấy đã phai mờ như màu xanh của đám rêu bám trên mặt đá cuối mùa. Dảu sẽ tìm người đàn ông ấy. Kẻ đã khoác lên người mẹ một cuộc đời ken đặc những nỗi buồn. Dảu muốn gặp lại người đáng lẽ ra mình sẽ gọi Pa trong một gia đình hoàn toàn khác lạ. Chỉ một lần thôi cũng được.

Dảu lang thang trên khắp đất Sa Pàn, sang phía bên kia Kha Còn tìm người đàn ông mang theo con chim sáo. Dảu bước những bước chân nặng nề đi tìm chính mình.

Dảu đi kiếm tìm khắp dải đất dưới chân những ngọn núi quen thuộc, trên cả những mảnh đất Dảu chưa đặt chân đến bao giờ. Người trẻ nhìn Dảu bằng ánh mắt dò xét, rồi lắc đầu nghi hoặc. Người già nhìn Dảu bằng đôi mắt xót thương rồi khẽ thở dài. Có người bảo đã lâu lắm không thấy người đàn ông ấy ở trên đất này. Người ta còn nhớ có một người sống cô độc một mình, hay tìm mua chim sáo đá về làm bạn. Đi khắp nơi làm nghề đẽo cày, đóng xe trâu thuê. Lại có người nói có lần gặp người đàn ông ấy uống rượu dưới chợ phiên. Uống đến nửa ngày rồi đi về đâu không ai rõ....

*

Hôm nay Dảu lại ngồi ở cuối chợ. Cũng chẳng buồn nhìn ai ở phía xung quanh mình. Người ở cái chợ này đã quá quen mắt với một gã đàn ông ngồi một mình với con chim và vài khúc gỗ. Người đi vội thì bước qua trước mặt, người thong thả thì bước tới sau lưng. Đã mấy tháng nay Dảu đến ngồi ở chỗ này mà chưa gặp được người đàn ông ấy. Người đàn ông thấy chim sáo đá trong lồng sẽ tìm đến ngay như người ta mách bảo. Hôm nay cũng thế, trời đã quá trưa mà không có nắng. Những đám mây trôi dạt về phía cuối trời. Trên đỉnh đầu mây như mỏng hơn và gợn trắng. Đám người trong chợ đã bắt đầu lục đục dọn hàng ra về. Chợt có tiếng nói ở phía sau Dảu vọng lại:

- Ô hô, lại có một lão Chiêng nữa cơ à?

Dảu giật mình quay lại. Người nói đứng ở phía sau. Thấy Dảu quay mặt lại thì nở nụ cười như xấu hổ vì lỡ lời. Dảu nhìn người đàn ông trung tuổi trên tay cầm cái cuốc mới mua. Dảu đứng dậy lao về phía người đàn ông cất tiếng hỏi như người mới leo dốc:

- Chú biết lão Chiêng phải không...?

Người đàn ông nheo nheo đôi mắt nhìn Dảu trên mặt đầy nghi hoặc:

- Biết chứ! Lão chết được ba năm rồi. Người chết mà không ai đến nhận. Nhà lão ở ngay cạnh đường lên bãi đá Hủng Đeng ấy. Trên mộ vẫn còn cái lồng chim đấy!

Nói rồi người đàn ông bỏ đi. Dảu thấy mình như người bị rút hết xương. Trời bỗng oi nóng đến lạ. Tiếng người giữa chợ tàn thưa dần. Một thứ cảm giác như tiếc nuối, hụt hẫng đến vô bờ dấy lên trong lòng. Những ý định về cuộc gặp mặt người đã sinh ra mình ấp ủ bấy lâu nay bỗng tan biến không còn dấu vết. Chỉ còn một cảm giác trống vắng và buồn thảm đang dâng lên như nước lũ.

*

Dảu đứng trước căn nhà lá đã mọc đầy cỏ dại. Căn nhà nhỏ nằm chênh vênh hoang vắng, những tấm ván trên cánh cửa đã rụng xuống dưới đất khô mục. Dảu bước vào trong nhà, trên chiếc giường cũ mọt còn sót lại những mẩu gỗ được đẽo gọt thành những đồ chơi trẻ con đẹp mắt, nằm ngổn ngang. Dảu chợt nhận ra bức tượng treo trên vách nứa, khắc hình người mẹ dắt tay đứa con đang lao về phía trước. Khuôn mặt người mẹ gục xuống như đang khóc. Nhưng đứa bé lại ngoái lại phía sau đang toe toét cười. Dảu đứng nhìn mà đôi chân không còn vững. Lại như có bàn tay ai đang nắm lấy tim mình mà siết lại.

Có tiếng chim hót từ phía sau nhà, Dảu đẩy cửa bước ra ngoài nhận ra một gò đất cao phủ đầy dây dại. Đàn chim sáo nghe bước chân người vụt bay lên cao. Chiếc lồng chim đặt trên ngôi mộ có những dây leo quấn quýt đã bung những cánh hoa vàng dìu dịu. Gió đã nổi lên từ phía bãi đá trắng phau phau phẳng như nền nhà nằm giữa lưng núi Éng. Trên ấy có những thân cây vẹo vọ đứng trơ trọi một mình giữa lồng lộng quanh năm gió núi xô nghiêng. Dảu ngồi xụp xuống trước ngôi mộ đất. Con sáo mang theo trong lồng bỗng đập cánh liên hồi. Dảu khẽ mở cửa lồng, bóng chim vút qua trước mặt lao về phía rừng cây. Dảu nhìn theo cánh chim đang chao lượn, một mùi thơm thoang thoảng dội về. Bỗng nhận ra những ngọn sau sau mọc quanh ngôi nhà đã bắt đầu vào mùa trổ lá. Những búp non mỡ màng thơm dìu dịu đến nao lòng.

Xích lại gần những bông hoa vàng, trong lòng Dảu bỗng thổn thức như ngày còn bé. Những bông hoa nở như một nụ cười. Bỗng nghe như có tiếng trẻ con gọi Pa... ơi! ở đâu đó vọng lại. Dảu giật mình nhìn quanh, không gian vẫn tĩnh lặng. Chỉ có nắng đã lên trên những ngọn sau sau thơm ngào ngạt. Những hạt sáng lấp lánh như ngọc giữa núi rừng mênh mông.

Nguồn Văn nghệ số 23/2020

 


Có thể bạn quan tâm