April 24, 2024, 12:14 am

Những con đường đã chọn: Cuộc đổi mới phim tài liệu

Tháng 7 về không chỉ nhắc nhớ về những hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” mà còn là tháng để những người đang sống noi gương sáng của cha anh tiếp tục cống hiến cho nước nhà ngày càng phát triển. Ngoài những hoạt động thiết thực tri ân những anh hùng và thân nhân của họ bằng hiện vật, tinh thần, của Đảng, Nhà nước, nhiều đơn vị nghệ thuật cũng chọn cách tri ân thông qua những tác phẩm nghệ thuật, những bộ phim truyền hình tái hiện lại những trận đánh cam go của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ giành độc lập, tự do cho dân tộc. 5 phim tài liệu nằm trong dự án phim tài liệu dài 22 tập “Những con đường đã chọn” của Điện ảnh Quân đội Nhân dân, về hành trình đất nước từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đến hiện nay là những thước phim giúp nối gần hơn quá khứ với hiện tại.

Cảnh trích trong phim Những con đường đã chọn

KỂ CHUYỆN LỊCH SỬ BẰNG CÁI NHÌN ĐA CHIỀU

Con đường đã chọn là bộ phim nhiều tập do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Thông qua cách kể chuyện lịch sử motip khách quan, đa chiều, ekip làm phim đã tái hiện đầy đủ không chỉ trực diện về cuộc chiến tranh không cân sức giữa quân đội nhân dân Việt Nam và quân đội Mỹ, mà còn giúp vén bức màn bí mật về những góc khuất của cuộc chiến. Tổng đạo diễn, NSND Lê Thi khi chia sẻ về 5 tập phim trước khi được phát sóng vào dịp 30/4 cho biết, mỗi tập phim đều là sự khái quát từng giai đoạn lịch sử của những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngoài ra, 5 tập phim còn cho người xem thấy được tiến trình lịch sử Chiến dịch Hồ Chí Minh - từ trận đánh thăm dò Phước Long đến trận đánh Buôn Ma Thuột; sau Buôn Ma Thuột là kế hoạch 2 năm của Bộ Chính trị và tiếp tục là chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn.

Xâu chuỗi các sự kiện lịch sử theo một tiến trình thời gian cụ thể, rồi tái hiện lại cuộc chiến bằng góc nhìn của ngày hôm nay là điều không dễ đối với bất kỳ một bộ phim tài liệu lịch sử nào, nhất là khi cuộc chiến đã có một khoảng cách khá xa với cuộc sống đương đại và những nhân chứng lịch sử đã không còn nhiều do tuổi cao, thậm chí đang phải gánh chịu những di chứng của cuộc chiến khiến sức khỏe yếu và kém minh mẫn. Nhưng vượt lên những khó khăn đó, đoàn làm phim vẫn quyết tâm đem đến cho công chúng các tập phim đầy đặn nhất, chân thực nhất. Xem Những con đường đã chọn, chúng ta cảm nhận rất rõ cái tâm của nhà sản xuất. Công phu, kỹ lưỡng, trong dàn dựng và những chuyến đi gặp những nhân chứng lịch sử mới thấy hết sự chỉn chu để đạt đến độ chính xác cao về tư liệu hình ảnh lịch sử của ekip sản xuất.

Ngay tại thời điểm Những con đường đã chọn được công chiếu, giới phê bình đã đánh gia cao Điện ảnh Quân đội khi sử dụng hình ảnh tư liệu 16 mm thu được của quân đội Sài Gòn do Điện ảnh Quân đội nhân dân quản lý, lưu trữ, giải mã và lần đầu được công bố. Ở những tư liệu quý này, những góc khuất của cuộc chiến chính thức được đưa ra ánh sáng, khiến người xem thực sự bị chinh phục.

Nhà biên kịch Lại Văn Sinh đã không giấu được sự bất ngờ trước Những con đường đã chọn, ông cho rằng, trước đây đã có nhiều phim về đề tài chiến tranh nhưng đó chỉ là những phim lẻ về một trận đánh hay nhiều lắm thì cũng chỉ 3-4 tập về một chiến dịch chứ chưa phản ánh được toàn diện cuộc chiến tranh trường kỳ và vĩ đại của dân tộc ta. Bởi vậy, việc thực hiện đề án này là nỗ lực rất lớn, đáng ghi nhận của Điện ảnh Quân đội. 

Trên thực tế, điện ảnh Việt Nam trong khoảng chục năm vừa qua nói chung và dòng phim tài liệu lịch sử nói riêng đã có nhiều khởi sắc. Nhiều ý kiến đánh giá cho rằng cả hai đang phát triển, do nhu cầu tiếp nhận văn hóa, thưởng thức nghệ thuật của người dân đang lên. Sự tác động và biểu hiện rõ nhất chính là việc sản xuất phim chiếu rạp tăng mạnh, có những bộ phim có doanh thu rất cao, ngay cả khi đó là phim tài liệu lịch sử.

 

NHỮNG TƯỢNG ĐÀI KỶ NIỆM

Dường như chiến tranh buộc con người ta phải sống chậm. Và quả đúng như vậy, 5 bộ phim trong chuỗi Những con đường đã chọn đều có thời lượng từ 30 phút đến 31 phút/tập. Trong đó, phải kể đến tập 15 với tựa đề Tiến công chiến lược lấy bối cảnh năm 1972 khi lực lượng trên chiến trường miền Nam có nhiều thay đổi thì ở Hội nghị Paris, Mỹ vẫn chủ trương đàm phán trên thế mạnh. Tập 16 tựa đề Đòn thăm dò, tập trung vào chiến dịch Đường 14 - Phước Long, tỉnh đầu tiên ở miền Nam được giải phóng. Tập 17 Điểm huyệt Tây Nguyên với điểm nhấn chính là Chiến dịch Buôn Ma Thuột. Tập 18 có tựa đề Đánh trong hành tiến, quân và dân ta đã tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng rồi tới toàn bộ các tỉnh miền Trung và các đảo do quân đội Sài Gòn chiếm giữ, chuẩn bị cơ sở vật chất để bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng. Tập 19 Thống nhất đất nước, quân giải phóng đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến công thẳng vào Sài Gòn - Gia Định. Chiến thắng cuối cùng được xác lập vào 11h30 ngày 30/4/1975, đều để lại những xúc cảm khó quên cho người xem. Song có lẽ, ấn tượng lớn nhất trong quá trình làm phim đến từ các nhân chứng. Từ những người chỉ huy cho đến những người lính của thời đó, đến bây giờ đều đã vào độ tuổi “xưa nay hiếm” song họ vẫn hào sảng, vẫn rưng rưng với những câu chuyện nhường cơm sẻ áo, những trận đánh đã làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975, đưa non sông thu về một mối. Điều đó không chỉ cho thấy những giá trị trân quý không thể phủ nhận của lịch sử mà còn là những tác động to lớn của lịch sử đối với cuộc sống hiện nay. Cùng với Những con đường đã chọn, chúng ta còn có Những lá thư thời chiến; Mãi mãi tuổi hai mươi và gần đây nhất phải kể đến Những cánh én đầu tiên do xưởng phim Én Bạc (Silver Swallows Studio) thuộc Trường Đại học Duy Tân thực hiện đã làm mưa làm gió không ít rạp chiếu phim trên toàn quốc. Dự án ra đời với mục tiêu tái hiện trận chiến trên Hàm Rồng ngày 4/4/1965, giữa lực lượng Không quân Nhân dân Việt Nam với lực lượng Không quân và Hải quân Mỹ. Để có được cơn sốt phòng vé, biên tập và quay phim Thái Bảo Long chia sẻ, thay cho những phòng quay cho buồng lái phi công chuyên nghiệp như ở Mỹ, đoàn phim phải dùng bìa carton tạm bợ, có lúc phải bê cả “buồng lái” ra ngoài trời giữa cái nắng 40 độ C của miền Trung để lấy ánh sáng tự nhiên. Song cái khó của bộ phim còn ở việc diễn hoạt sao cho đúng với lịch sử. Đoàn phim đã tham khảo tài liệu của Việt Nam (trong đó có cuốn Những trận không chiến trên bầu trời Việt Nam (1965-1975) nhìn từ hai phía của tác giả Nguyễn Sỹ Hưng và Nguyễn Nam Liên) và của phía Mỹ với những lời kể của phi công Mỹ.

Tái hiện lịch sử một cách chân thực vốn rất khó, bởi chiến tranh và những nhân chứng đang ngày một rời xa chúng ta, nên việc dựng bối cảnh, công tác hậu kỳ trở nên vô cùng khó khăn với phim tài liệu lịch sử nói chung, từng bộ phim khai thác đề tài lịch sử chiến tranh nói riêng. Do đó, trên khía cạnh nghệ thuật, cũng nhiều nhà phê bình chỉ ra sự không tương xứng giữa việc phát triển về số lượng phim điện ảnh với phim tài liệu. Những đầu phim có thể tạo nên cơn sốt cho dòng phim tài liệu lịch sử vẫn còn quá ít.

Hiện, chiến tranh đã lùi xa, hai nước Việt Nam - Mỹ đã bước sang năm thứ 25 trên con đường bang giao bình thường hóa quan hệ. Tuổi trẻ Việt Nam đã có thể sang Mỹ học tập và trở thành công dân Mỹ và ngược lại. Cả hai đất nước đang trên con đường mới, ở đó không có vũ khí, mà thay vào đó là đối thoại, hòa bình cùng phát triển. Sẽ là thiếu sót nếu không có Những con đường đã chọn hay trước đó là Những lá thư thời chiến, Mãi mãi tuổi hai mươi để hậu thế có thể soi chiếu và tiếp bước truyền thống cha anh, viết tiếp những bài ca chiến thắng trong quá trình chiếm lĩnh đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, xây dựng đất nước Việt Nam. Và quá trình bước về phía trước ấy, luôn có lịch sử dõi theo. Chính vì vậy, lịch sử không bao giờ được tô vẽ, làm phim lịch sử cũng chính là trung thực với chính mình, làm sao để khách quan nhất. Và nếu vì một lý do nào đó, làm sai sẽ thấy mắc tội với lịch sử. Có lẽ bài học nằm lòng này đã giúp cho e kip Những con đường đã chọn hay những bộ phim tài liệu lịch sử trước đó gặt hái thành công, không chỉ làm tròn sứ mệnh tri ân với tiền nhân mà còn góp phần giáo dục hậu thế.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm