April 26, 2024, 5:53 am

Những con chó với phẩm chất người…

Hình tượng chó xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác văn học ở Việt Nam. Đó là Con chó xấu xí trong truyện ngắn của Kim Lân; là con Bec giê no đủ, như ông chủ văn sĩ Hoàng của nó trong tác phẩm Đôi mắt hay “cậu vàng” trong tác phẩm Lão Hạc của Nam Cao; là con chó vàng (thực ra là con Mực) trong bài thơ Sao không về Vàng ơi của nhà thơ Trần Đăng Khoa; là con chó đá ở cổng những ngôi làng Bắc Bộ thấm đẫm chất văn hoa tâm linh trong thơ Nguyễn Quang Thiều… Nhưng trong các sáng tác của nhà văn Nguyễn Văn Thọ, hình tượng chó xuất hiện không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần (cả văn và thơ). Điều đó chứng tỏ rằng “nhân vật đặc biệt” này chính là một ám ảnh nghệ thuật trong tác phẩm của ông và đã khiến độc giả buộc phải lưu tâm, để ý. Truyện nào của ông có “nhân vật” chó cũng cảm động, giàu tính nhân văn; để lại ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Con vật này đã trở thành một “nhân vật đặc biệt” tử tế, trung thành và được nhân hóa nâng lên với những phẩm chất người đáng trọng.

Một serri chó đủ loại với ám ảnh của đôi mắt và tiếng tru

 “Gia đình chó”, tác phẩm của Nguyễn Tư Nghiêm.

Tôi chưa thấy một nhà văn nào ở Việt Nam viết nhiều về chó và những thành ngữ, câu nói ví von liên quan đến chó nhiều như Nguyễn Văn Thọ. Tác phẩm của ông có cả một series chó đủ loại, được miêu tả với đủ các hình dáng, cách thức biểu hiện: chó tây, chó ta; chó già – chó trẻ; chó to - chó nhỏ; chó khỏe - chó ốm; chó lúc dữ - chó lúc hiền; chó đực - chó cái; chó vàng - chó mực; chó no – chó đói; chó xấu - chó đẹp…; rồi còn có  chó Béc giê, chó lai sói, chó lạc vào nhà, chó nhặt được, chó nhà và thậm chí còn có cả chó rừng (sói)… Chúng có thể là con chó Đức nòi của ông bạn già tên Hans; là con chó lai giữa chó nhà và chó sói tên là Hansi to khỏe và dũng mãnh, dữ tợn để bảo vệ chủ khỏi sự tấn công của bọn cướp, nó là Schaefehund - loại chó chăn cừu Đức; là con chó đực Luca già nua, ốm yếu, bị liệt hai chân; là con chó cái Vàng Tơ lạc tới nhà ông Thiều trong bộ dạng đói khát nhưng rồi có tình yêu của đồng loại và con người mà trổ mã xinh đẹp; là con chó ta xấu xí, “đã bé lại còm nhom”, “toàn da và xương”, “lông vàng xơ xác, tanh tưởi”, “có ba đốm rất đen” trên trán, nhặt được từ trong tay đứa bé chết bom… Nhưng tất cả những con chó này đều rất thông minh, tử tế, trung thành và có năng lực vượt trội. Chúng đã trở thành loại nhân vật đặc biệt trong nhiều truyện ngắn và thơ của Nguyễn Văn Thọ như: Sương đêm, Lá bùa, Một người Đức, Yêu sống, Vàng xưa, Ám ảnh, Làng ven sông, Người Hà Nội, Vô danh trận mạc, Mắt chó buồn

Đặc biệt, đôi mắt chótiếng chó tru là những ám ảnh sâu đậm trong sáng tác của nhà văn Nguyễn Văn Thọ. Tôi đã từng chứng kiến sự xúc động, nghẹn ngào khi ông đọc bài thơ Mắt chó buồn; điều đó đã khiến tôi xác quyết rằng chó là một trong những loài vật mà ông yêu quý nhất. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn, nhìn vào mắt nhau có thể đo được tình cảm. Biết bao lần nhà văn đã nhìn vào đôi mắt chó để thấu hiểu và cảm nhận: mắt chó khi buồn, mắt chó khi khóc “đăm đăm đôi mắt đầy lệ”; “nước mắt chảy ròng ròng” (23); mắt chó khi “không còn hai tròng đen tuyền và long lanh nữa! Hai hốc mờ, đục luôn luôn nhễu ra một dòng nhựa…” (183); mắt chó khi nghi ngờ: “nhìn trân trân không chớp mắt thăm dò” (44); mắt chó khi nhìn kẻ thù “long lên đầy lửa” (185); mắt chó khi phán xét: “Ánh mắt ấy, nếu là của con người, chắc hẳn để phán xét người khác” (392); mắt chó “đăm đăm, trìu mến”; mắt chó khi lo lắng; mắt chó khi hoang mang; mắt chó khi cầu cứu; mắt chó khi trách móc người, v.v. và v.v..

Đó là hình ảnh “đôi mắt đen, lấp láy dưới ánh đèn pin” của một con chó nhỏ đang cố giãy giụa hòng thoát khỏi đôi tay của thằng bé chết bom. “Khi không nhoi ra được, nó nghển đầu, mắt tha thiết cầu khẩn”. Đó là, ánh mắt trong đêm của con Lu “xanh mơ màu ánh trăng, đăm đăm lo lắng nhìn” (386) người lính - người được giao nhiệm vụ trông rẫy tăng gia của quân đội cùng với nó - khi anh đang sức cùng lúc kiệt chờ chết vì sốt rét. Đó là đôi mắt của người bạn chó khiến người lính cảm thấy áy náy, day dứt, ám ảnh: Lu bỗng dừng chân và ngoái đầu nhìn lại. Cái nhìn đầy trách móc như muốn nói với tôi: “Đồ phản bạn” (390). Đó là cái nhìn biết ơn của con Lu khi được cứu, trước khi thoát thân, con vật tình nghĩa còn: “Chần chừ một lát. Nó ngước mắt nhìn tôi lần cuối rồi chạy đi. (391). Đó là “đôi mắt ngước vô cùng trìu mến, tựa hồ an ủi” (58) người chủ ốm của con Hansi trong suốt ba ngày liền. Và vẫn là Hasi với đôi mắt mừng rỡ, chua xót khi thấy ông chủ của nó thoát khỏi tay bọn cướp một cách may mắn. Đôi mắt ấy đã khiến ông chủ của nó phải thốt lên tự đáy lòng: “Đôi mắt chó khi ấy cho tôi thêm một cảm nhận mới. Tha thiết và quý giá thế! (38).

Cái ám ảnh nhà văn không chỉ có đôi mắt chó mà còn có tiếng tru của chó. Tôi đọc sách khoa học thì được biết khi chó rít hoặc tru khác thường là sự biểu cảm của cảm xúc mãnh liệt, còn đọc sách tâm linh thì biết được rằng tiếng chó tru có thể báo hiệu một điềm xấu. Nhà văn Nguyễn Văn Thọ là người giỏi xây dựng tình huống truyện, mỗi lần ông để cho chó cất tiếng tru là một lần chắc chắn có sự kiện lớn, rất đặc biệt xảy ra. Khi con Luca “rít lên cuống cuồng” (192) thì đấy là khi nó phát hiện bạn gái bị ngộ độc thức ăn và khi nó cất “tiếng tru lên thảm thiết” (194) là lúc Vàng tơ - người yêu của nó chết. Khi con chó nòi Đức trung thành cất tiếng tru là lúc đó ông chủ của nó – một người Đức già cô độc vẫn ngồi trên chiếc ghế bành ngoài vườn nhưng đã về với đất. Khi con Lu “bất ngờ nghển cổ tru một tiếng tru dài” (386) như tiếng chó sói trong đêm trăng suông là lúc người lính, bạn tri âm của nó sắp chết vì sốt rét giữa rừng mà không có đồng đội. Khi tiếng chó tru như sói “miết lên thảm rừng, xa xôi vọng lên”, thì người lính ấy có cảm giác “như là mê ngủ”, như “hương hồn của đồng đội cũ gọi về”, bởi ngày xưa họ “hay gọi nhau bằng tiếng tru của chó sói”. (310). Còn khi “tiếng tru chó sói thảng thốt rúc lên rất dài từ sau tảng đá, nơi có mũi súng thấp thoáng” là báo hiệu một điều khủng khiếp sắp xảy ra trong truyện ngắn Vàng xưa

Trong văn của ông, những câu khẩu ngữ, ví von, so sánh có liên quan đến chó cũng được dùng khá nhiều:  “Trời ơi, (…) bảnh mắt rồi mà bố con còn ôm nhau ngủ như chó thế kia” (170); “Chúng nó, sau khi ngủ với em, tất cả đều lăn ra ngủ như chó”(190); “Úp mặt vào đấy, hít cuống quýt, tựa như chó con khát sữa bú ti mẹ” (326); “Nhưng khi leo dốc, lên lên xuống xuống, thở gấp như chó…” (369), “Thở như chó chạy” (306); Con Lu lông không còn xác xơ nữa, đã “nhanh nhẹn ra hồn chó” (379); Một bữa, Phạn sang tôi bảo, sao vợ chồng cậu không thêm một nhau. Cho chó có đàn! Tre ấm bụi!” (171); “Ê cái con mẹ mày, đừng chó ám!” (184); “Vợ con chó gì, ngủ với cả bố chồng” (263); “Tiền đâu? Thằng chó già!” (27). Những kẻ “đột vòm” thì gọi là “bọn chó hoang” (90). Còn cảnh sát thì bọn cướp gọi là “chó Bullen Những cách nói khẩu ngữ, thành ngữ, ví von, so sánh đó đã phản ánh đúng quan niệm về chó trong văn hóa Việt. Người Việt vừa yêu vừa ghét chó. Vừa coi chó là con vật đem lại may mắn, vừa coi chó là con vật bị khinh rẻ coi thường.

Tuy nhiên, hình tượng chó trong sáng tác của Nguyễn Văn Thọ được hiện lên với toàn những điều tốt đẹp tử tế; rất cảm động và giàu tính nhân văn. Có truyện miêu tả tình yêu đẹp đẽ, hi sinh, dâng hiến, thủy chung giữa chó với đồng loại của nó. Có truyện nói về tình cảm giữa chó với người giống như đôi bạn tri âm tri kỉ, nghĩa tình; người yêu quý chó còn chó thì trung thành, hết lòng với người; người từng cứu chó, chó từng cứu người. Thậm chí có truyện, chó còn được miêu tả giống như một người hùng hoặc như một người lính xung kích lập nhiều chiến công, dũng mãnh và hi sinh thầm lặng. Tất nhiên, ở ngoài đời, trung thành, tận tụy là bản năng của loài chó nhưng chỉ có trong tác phẩm của ông, chó mới có thể bộc lộ hết phẩm chất tốt đẹp ấy vì nó đã được đặt trong những tình huống cực kì bất ngờ, kịch tính. Giọng văn của ông trong những truyện có nhân vật đặc biệt chó, bao giờ cũng là giọng tình cảm, chiêm nghiệm, triết lí chứ không riết róng, sát sạt như các truyện có nhân vật khác.

Chó đã được nhân hóa với tư cách người và phẩm chất người

Chó trong tác phẩm của Nguyễn Văn Thọ không còn là chó với nghĩa vật nuôi mà đã được nâng lên với tư cách người, phẩm chất người.

Chó được nhân hóa với những danh từ, đại từ chỉ người: “nàng chó”, “chàng chó”, bạn chó, em chó ơi, cu cậu, chú mày, chiến hữu, bạn gái nó, con bạn nó; chó còn được gọi bằng tên riêng (không kèm chữ con), coi chó như môt thành viên của tiểu đoàn khi giao nhiệm vụ trông rẫy để chống đói cho đại đội: Cậu với Lu hợp nhau, bảo được nó. Thôi ở lại! Đấy là mệnh lệnh! Chó còn được miêu tả với những động từ của người khi ông dùng những từ ngữ như: biết “thành khẩn sửa chữa” khuyết điểm; “Lu rất có kỉ luật”; “có hành vi không nghiêm túc chút nào”, “thè lưỡi liếm nịnh vào tay tôi”, “đang bày tỏ sự ân hận”…

Tình cảm giữa chó và người được thể hiện qua nhiều đoạn văn miêu tả cảm động. Chẳng hạn, sau mấy hôm xa cách: “Tôi ôm xiết nó vào lòng. Cọ má vào đám lông nhẫy đen pha chút màu nâu lửa của nó. Hansi cuống quýt, hai chân nó bới như điên lên khắp người tôi, lưỡi dài đỏ hồng thè ra liếm láp cả mặt cả tay chủ của nó…”. Nhà văn để cho chó và người có sự tương giao, thấu hiểu nhau đến tận cùng: “Đêm ấy tôi kể cho nó nghe việc xảy ra. Nó nằm cạnh tôi ngỏng cổ lên. Nghiêng nghiêng, ngó ngó như hiểu cả. Mà ai dám chắc Hansi của tôi không hiểu tiếng người?” (38). Người tâm sự với chó và chó như hiểu hết người, giống như một cặp tri âm tri kỉ. Chó đã chia sẻ với người về mặt tinh thần: “Từ ngày có nó, tôi vơi đi nhiều sự lo lắng và buồn phiền” (23). Người cũng sẻ chia với chó về vật chất, coi nó bình đẳng như người bạn chứ không phải là loài động vật ăn tạp khi nhân vật tôi ý thức: “Từ nay, tao thề không cho mày ăn tạp! - Tôi quay nghiêng người sang Hansi, âu yếm vỗ bàn tay vào lưng bạn chó” (38). Sự chăm sóc của người với chó được miêu tả chi tiết qua từng hành động nhỏ. Chẳng hạn, trong hoàn cảnh thời chiến, thực phẩm cho người còn hiếm nhưng anh lính đã “nghiền nhỏ cơm hòa nước thành thứ cháo hạng nhất” cho con chó nhỏ liếm để qua cơn nguy kịch (378), “tóm được ít cá về kho với me rừng, tôi lén tiểu đội chan cho nó tí nước hiếm hoi” (378); “dù tụi tôi thiếu đói mà keo kiệt, vẫn phải để nó xơi nguyên một con cá (383)…

Tình yêu của chó với đồng loại cũng được miêu tả bằng những trường đoạn rất cảm động. Tình yêu có thể làm hồi sinh cái chết và ngược lại. Con chó Luca 15 tuổi quá già nên bị ốm, trông “nhếch nhác, xơ xác, bất động’ bị liệt cả hai chân, sắp mù đã yêu thương một con chó cái đói khát run rẩy lạc tới trong một đêm mưa nặng hạt. Con Luca đã cố sức trườn “đẩy đĩa thức ăn ra tận nơi con chó cái” cách chỗ nó nằm 6 mét. Ông Thiều quan sát đôi chó, còn độc giả quan sát ông. Cái tình của ông Thiều với con vật thật đáng quý, ông đã tạo điều kiện để hai con vật được gần nhau, chăm sóc nhau, âu yếm nhau. Ông đã nấu cơm nát trộn thịt cho hai con vật ăn chung và thật sự kinh ngạc trước sự khó hiểu của tạo hóa: con Vàng tơ thì trổ mã đẹp lên, còn con Luca thì khỏe dần lên. Bao nhiêu là cung bậc tình cảm của ông được nhà văn kể lại: Ông thốt lên trong lòng: “thương lắm”, “ông vui”, “ông tủm tỉm, hóm hỉnh” nhìn chúng âu yếm nhau và “bật cười” nhìn chúng yêu nhau. Nhưng rồi, con vàng tơ bị dịch, ông hấp tấp gọi điện cho bác sĩ, ông: “hốt hoảng” bế nó đặt bên con Luca, ông nhìn đôi chó “tim nhói lên”. Khi con Vàng tơ, bạn gái của Luca chết, Luca tru lên thảm thiết và buồn rầu liếm láp bộ lông xác xơ của Vàng tơ. Nó được ông Thiều chôn dưới gốc hồng trong vườn. Một chi tiết rất cảm động là gần sáng con “Luca lòa và liệt đã vượt qua hơn ba trăm mét. Qua đêm, qua sương, qua những bụi gai dứa… tới mộ của Vàng tơ”. Và Luca cũng chết theo: “Luca mãi thinh lặng. Luca mãi không trả lời. Luca mãi mãi không ve vẩy đuôi, thè lưỡi liếm…”.

Trong truyện Vô danh trận mạc, tư tưởng triết lý dân gian cứu vật, vật trả ân một lần nữa đã trở lại trong truyện ngắn đặc sắc này. Người cứu chó hai lần, chó cũng cứu người hai lần. Lần thứ nhất người lính ấy đã cứu con chó nhỏ bẩn thỉu, “toàn da và xương, lông vàng xơ xác, tanh tưởi. Trên trán có ba cái đốm rất đen” khi nó đang cố giãy giụa để thoát khỏi cảnh bị ôm chặt trong đôi bàn tay cứng ngắc của đứa bé chết bom. Lần thứ hai, người cứu chó khi đại đội phải chấp hành lệnh chiến trường, giết tất cả các thú vật không trừ ngoại lệ bởi “Đây là trận đánh lớn. Có tính quyết định như tổng tấn công. Tuyệt đối giữ bí mật khi áp sát địch”. Nó bị trói lại và anh nuôi chuẩn bị làm thịt. Người bạn lính tri âm tri kỉ đã bí mật “rút nhanh con dao găm cắt đứt sợi dây rừng đã trói nó và hạ lệnh: “Lu. Chạy! Chạy ngay”. (Câu giục “Chạy đi!” này khiến tôi liên tưởng tới câu giục “Nhỉ đay!” trong một truyện cổ tích). Sau này, chính con Lu cũng đã cứu người lính ấy hai lần: Lần thứ nhất khi anh sắp chết vì sốt rét trong rừng, nó đã gọi 3 người Thượng đến ứng cứu. Lần thứ hai khi anh bị người lính đối phương đè ngửa xuống đất và mũi lê AR 15 bắt đầu chuẩn bị vung lên thì nó bỗng “từ đâu vụt lao tới húc thẳng vào đối thủ, đẩy bật hắn bằng sức mạnh gia tốc của loài chó”.

Trong truyện Một người Đức, con chó của ông Hans cực khôn và trung thành. Khi lâu không thấy Hans - người bạn Đức đến chơi, hai vợ chồng người Việt đã quyết định đến nhà để xem anh ấy có chuyện gì không. Đến nơi, họ gọi to nhưng không thấy trả lời, lại thấy cảnh cửa khép hờ nên đoán Hans chỉ quanh quẩn đâu đây thôi nên họ đẩy cửa bước vào. Con chó ấy “tỏ ra đặc biệt quý hai vợ chồng”, nó “rối rít, tít mù” và xô vị khách quen “rõ mạnh”, “kêu lên chin chít, rồi càm chặt ống quần” kéo đi đến góc vườn chỗ ông chủ của nó đang ngồi. Tuy nhiên, Hans đã chết trong tư thế vẫn ngồi trên cái ghế bành to cũ nơi gốc thông già. Và con chó trung thành ấy đã “phủ phục dưới chân Hans, cái lưỡi đỏ thè dài liếm liếm mãi chiếc giày to, đen, nhàu cũ, đăm đăm đôi mắt đầy lệ và thi thoảng tru lên thảm thiết”.

Trong truyện ngắn Yêu sống, con chó nòi Đức cũng rất khôn và trung thành tên là Luca được miêu tả như một chiến binh, như một người hùng uy quyền, kiêu hãnh. Nó được ông Thiều nuôi từ khi ba bốn tháng tuổi để ông không đơn độc, có nó như là có “đồng đội, có bạn” để cùng “ra trận” chăm sóc mảnh vườn vài ngàn mét đất ven sông. Luca “thực sự là một chàng chó dũng mãnh”, “Luca tia chớp”, cường tráng, phi như gió, là chiến binh cần mẫn”. Nó đã từng lập nhiều chiến công, đặc biệt là đã cứu chủ thoát khỏi cú mổ của con rắn hổ dài hơn hai mét nặng hơn 3 cân: “Luca từ phía sau, bất ngờ xông tới trước, phát hiện ra kẻ thù, gầm gừ, mắt long lên đầy lửa. Mươi phút gì đó, cắn vòng, tránh né, hăm dọa, nó lừa miếng, ngoạm ngang cổ địch thủ. Kẻ chiến thắng chồm hai chân lên đối thủ nguy hiểm đã chết, uy quyền, đầy kiêu hãnh, không một tiếng sủa.

Con Hansi trong truyện Lá bùa cũng có hành động dũng mãnh khi tấn công tên cướp để bảo vệ chủ: “Nó nhanh như tia chớp, hộc lên một tiếng rồi lao như chớp trong đêm đen, trúng tắp lự, đè nghiến cái bóng đang loạng choạng trên tuyết lạnh…”.

Còn con chó của đại đội trong truyện ngắn Vàng xưa đã giúp mọi người tìm thấy người lính tên là Sáu, sau khi mãi không thấy dấu vết gì. Anh ấy bị con voi một ngà lèn đất chôn sống (vì đã bắn nó 13 phát không chết). “Con chó đại đội cứ cắn nhặng trên mảnh đất ấy. Đào lên, thấy Sáu chết ngồi.” 

Đặc biệt, con Lu trong truyện Vô danh trận mạc còn được vinh danh như một người lính đặc công, cứu bộ đội, cứu dân. Nó và “con bạn nó” đã giúp những người lính tìm được nguồn thức ăn dồi dào ở rừng trong hoàn cảnh đói khát. Lu đã “tìm được 16 trẻ, tám chín người lớn thoi thóp chờ chết trong rừng”. Lu đã hi sinh khi “nó phải chậm chạp bò lùi, kéo đứa trẻ khoảng 4 tuổi xuống rãnh sâu bên đường” để tránh làn đạn, chứ bình thường nó “di chuyển lắt léo hơn cả đạn”. “Để đứa trẻ có thể sống. Lu đã chết”. Chi tiết xác của Lu đã được chôn cất cùng các chiến sĩ của đoàn trên một khu đất cao là một chi tiết đắt. Con chó đó đã được tác giả gọi bằng cái tên âu yếm: “Lu” mà không kèm chữ “con”. Con chó ấy đã thực sự được nhà văn tôn vinh “giống như các chiến sĩ đặc công, những người đã ngã xuống đầu tiên vào đêm đầu tiên mở màn cho chiến công Buôn Mê Thuột”. Trên mộ của nó được cắm một tấm biển gỗ có dòng chữ: “Lu. Tiểu đội Ba. Đoàn Bảy Hai. Đã hi sinh ngày 16 tháng 4 năm 1975”. Chúng ta hãy để ý cách dàn dựng truyện của Nguyễn Văn Thọ trong truyện ngắn này. Khi mở đầu truyện, tác giả tả Lu như một con vật bình thường nhưng đến cuối truyện, rất nhiều từ ngữ của người đã được chuyển sang cho Lu bằng sự nhân hóa. Đó là khi chú chó đã thể hiện quá nhiều phẩm cách ưu việt: dũng cảm, trung thành và hi sinh cả tính mạng để hoàn thành nhiệm vụ…

*

Có thể nói, trong mắt tôi, Nguyễn Văn Thọ là nhà văn Việt Nam viết nhiều về hình tượng chó với những ám ảnh về đôi mắt chó, tiếng chó tru và những thành ngữ, câu nói ví von liên quan đến chó nhiều nhất. Những tác phẩm hay nhất của ông thường có nhân vật đặc biệt này. Ông đã xây dựng những tình huống điển hình để chó không còn là loại vật nuôi mà đã được nâng lên thành tư cách người, phẩm chất người với những hành động việc làm, thật đáng trân trọng. Tư tưởng triết lí dân gian cứu vật vật trả ân, gieo gì gặt nấy luôn được nhấn mạnh trong các tác phẩm của ông. Từ những điều tưởng như vụn vặt, nhỏ bé xoay quanh một giống loài bình thường ấy, nhà văn đã nói được những điều rất lớn lao, rất đặc biệt đó là quan niệm sống, những vấn đề nhân sinh với những “nỗi người” của cả một thời đại.

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm