April 23, 2024, 1:10 pm

Những chuyển động văn học trẻ 2018

 

Năm 2018 ghi nhận sự phát triển tương đối “ổn định” và có phần phẳng lặng trong đời sống văn học trẻ: các tác giả trẻ rộn ràng ra mắt tác phẩm mới, tích cực tham gia các cuộc thi văn học và không ngừng nỗ lực khẳng định bản thân. Tuy nhiên những yếu tố mang tính đột phá của văn học trẻ trong năm 2018 vẫn không xuất hiện.

Những nỗ lực để tự khẳng định

Về những đầu sách đáng chú ý trong năm của tác giả trẻ, có thể điểm qua một số tác phẩm nổi bật: tập truyện ngắn Cố định một đám mây (Nguyễn Ngọc Tư), Một cảnh không có trên phim (Hồ Huy Sơn), Sa lan đỏ bãi Xanh (Văn Thành Lê); ký sự Về từ hành tinh ký ức (Võ Diệu Thanh), Nở tàn biên niên ký (Lê Vũ Trường Giang); tập tùy bút Tôi đã trở về trên núi cao (Đỗ Bích Thúy), Trường ca Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật), tiểu luận và phê bình Tự sự về chiến tranh trong văn học Việt Nam đương đại (Đỗ Hải Ninh chủ biên), tập phê bình văn học Song hành và đối thoại (Hoàng Đăng Khoa), tản văn Hà Nội quán xá phố phường (Uông Triều),... “Hiện tượng thơ mạng” Nguyễn Phong Việt tiếp tục làm “nóng” thị trường sách bằng tập thơ Chỉ cần tin mình là duy nhất.  Các tác phẩm được xuất bản trong năm phần nào cho thấy nỗ lực đổi mới của các tác giả nhằm đưa đến công chúng những sản phẩm có chất lượng.

Đồng thời các cuộc thi văn học đang diễn ra như: cuộc thi truyện ngắn 2017-2019 mang tên Lửa Mới của Tạp chí Văn nghệ quân đội, cuộc thi truyện ngắn 2018-2020 của Tạp chí Nhà văn & Tác phẩm (Hội Nhà văn Việt Nam), tổ chức Cuộc thi Cây bút vàng lần thứ 4 (2018-2020) của Chi hội Nhà văn Công an và Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức... có thể được ví như những cuộc “quần hùng” của giới sáng tác, và sự góp mặt tích cực của người trẻ đang tạo kỳ vọng sẽ tạo nên “làn gió mới cho những cuộc thi này.

 

Dấu ấn “Văn học tuổi 20”

Nhiều năm qua, cuộc thi Văn học tuổi 20 đã xác lập được vị trí của mình trong đời sống văn học nước nhà bởi từ đây đã phát hiện và khẳng định những tên tuổi mới như Nguyên Hương (giải nhất Văn học tuổi 20 lần I), Nguyễn Ngọc Tư (giải nhất Văn học tuổi 20 lần II), Phan Việt (giải nhất Văn học tuổi 20 lần III), Trương Anh Quốc (giải nhất Văn học tuổi 20 lần IV), Nhật Phi (giải nhất Văn học tuổi 20 lần V)...

Năm 2018 cũng là năm khép lại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI và tiếp tục được nhiều người trông đợi, cũng như kỳ vọng sự tỏa sáng của những tên tuổi mới. Kéo dài từ 24/12/2015 đến 31/5/2018, cuộc thi đã thu hút được 458 tác phẩm dự thi, gồm 347 truyện dài và 111 tập truyện ngắn. Như vậy so với cuộc thi lần thứ V với 328 tác phẩm dự thi, số lượng tác phẩm tham dự cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI có gia tăng rất đáng kể (tăng 130 tác phẩm). Đúng như tên gọi, cuộc thi là cuộc quy tụ các tác giả trẻ trong cả nước, tác giả nhỏ tuổi nhất chỉ mới đang học lớp 4! Các tác giả 9x chiếm một nửa các tác giả dự thi. Với 20 tác giả vào chung khảo, có tới hơn một nửa tác giả thuộc thế hệ 9X (13 tác giả), nhiều người đang là sinh viên đại học.

Với chủ đề của cuộc thi lần này: “Viết về tuổi hai mươi hôm nay với những suy nghĩ, ước mơ, hành động” – điều độc giả chờ đợi đó là bằng chính tác phẩm của mình, những người viết, đặc biệt là các tác giả trẻ đã viết gì về thế hệ của mình? Theo đánh giá của Ban giám khảo, đến với cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI, các tác giả đã thẳng thắn trực diện với những vấn đề đương đại, huy động tài năng, độ mẫn cảm và cả niềm yêu thích các thể loại văn học mới như một dịp thử nghiệm... Cụ thể, với thể loại kỳ ảo – vốn là dòng văn học được người trẻ ưa chuộng hiện nay, có sự xuất hiện đầy hứa hẹn của Đinh Phương với Chuyến tàu nhật thực với nỗi ám ảnh của các nhân vật về một chuyến tầu không có thực, Bùi Cẩm Linh với Chuyện bên rìa thế giới đưa ra một cách lý giải mới thế thế giới vô cùng độc đáo và đầy mầu sắc lãng mạn,  Nguyễn Đinh Khoa với Độc hành kể về những người mang trong mình năng lực kỳ lạ, nhờ đó có thể du hành qua các quỹ đạo. Đáng chú ý, sự gặp gỡ tình cờ của lối viết xuyên không của hai tác giả Đặng Hằng với Nhân gian nằm nghiêng và Bạch Đằng với Những đứa con cổ tích. Bên cạnh đó, là sự góp mặt không thể thiếu của những tác phẩm mang hơi thở của đời sống đương đại, tiêu biểu là  Sau những ngày mưa của Phạm Thu Hà kể về câu chuyện của một cô gái trẻ chất chứa trong mình những tổn thương, lưu lạc qua nhiều vùng miền để rồi tự học cách tha thứ và sống an vui; Tự nhiên say của Phát Dương lấy bối cảnh cuộc sống và con người miền Tây Nam Bộ dù số phận kém may mắn nhưng vẫn tràn đầy tình yêu thương; Nguyện của đêm của Cao Nguyệt Nguyên với những trăn trở trước cơn lốc đô thị hóa đang biến đổi diện mạo của nhiều làng quê; Những câu chuyện trong thành phố của Vũ Tùng Lâm ngổn ngang những trăn trở của người trẻ tại đô thị...

Nhằm “đo” phản hồi của công chúng, sau 23 năm tổ chức, cuộc thi Văn học tuổi 20 lần VI có riêng một giải dành cho tác phẩm được bạn đọc bình chọn nhiều nhất. Đây cũng là một sự soi chiếu thú vị giữa thang điểm chấm của Ban giám khảo gồm các nhà văn có uy tín và độc giả. Bởi xét đến cùng, đích hướng tới của mỗi tác phẩm là nhằm phục vụ độc giả. Chỉ khi tác phẩm được độc giả đón nhận, yêu mến, tác phẩm mới có sức sống lâu bền.

 

Cuộc hội tụ của những người trẻ

Trong năm 2018, Ban Nhà văn Trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam, phối hợp với báo Thời Nay (thuộc báo Nhân Dân) tổ chức ra mắt hai ấn phẩm: Nơi ta đã qua người ta đã gặp (tản văn), Giấc mơ trên những cánh rừng (tập truyện ngắn). Hai tập sách đã quy tụ gần 100 cây bút đang sinh sống và làm việc trên mọi miền tổ quốc, trong đó phần lớn là các tác giả trẻ. Rất nhiều người trong số đó là đại biểu chính thức của Hội nghị viết văn trẻ lần thứ VIII tại Tuyên Quang năm 2011 và lần thứ IX tại Hà Nội năm 2016. Trở về từ Hội nghị họ đã đóng góp tác phẩm của mình cho nhiều báo và tạp chí trong cả nước, trong đó có báo Thời Nay.

Cuộc hội ngộ của các tác giả trẻ trong hai tập sách này nhắc chúng ta nhớ đến hơn mười năm trước, văn học trẻ chứng kiến sự “trỗi dậy” của một một số người viết trẻ, quyết khước từ “cái cũ”, mong muốn cất lên một tiếng nói mới trong văn chương. Cùng với đó là sự xuất hiện những tác phẩm, những tuyển tập truyện ngắn chọn lọc của một số tác giả trẻ cho thấy xu hướng đào sâu cái Tôi hoang mang, cô đơn, bế tắc trước thời cuộc. Điều này khiến không ít người lo ngại về một thế hệ trẻ mất phương hướng, xa rời các vấn đề của xã hội, của thời đại.

Nhưng những truyện ngắn, tản văn được chọn lọc in trong hai tập sách trên đã đưa ra một diện mạo thật khác, góp phần định vị thật chính xác về một dòng chảy đa dạng của văn trẻ. Thực tế, vẫn có rất nhiều tác giả trăn trở trước những vấn đề của đời sống và âm thầm viết, không cần tuyên ngôn, không gây ồn ào. Tác phẩm của họ cho thấy một thái độ làm việc nghiêm túc của người cầm bút, ở đó các đề tài được đề cập hết sức đa dạng: từ các vấn đề có tính thời đại như lao động, việc làm, nạn ô nhiễm môi trường, trách nhiệm với quá khứ… cho đến sự trăn trở về các vấn đề mang tính cá nhân như hạnh phúc gia đình, tình yêu, tình bạn, tình thầy trò… Xuất hiện ở tập truyện ngắn và tập tản văn này, các tác giả trẻ đã cho thấy niềm đam mê và sự nghiêm túc trong sáng tạo. Thiết nghĩ, đó mới là lao động thực sự của văn chương nói riêng, hoạt động sáng tạo nói chung. Điều đó rất đáng trân trọng. Chính các tác giả trẻ tạo cho độc giả niềm tin ở chặng đường phía trước của văn chương.

 

Văn chương và công nghệ

Trong cơn lốc của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, trong thưởng thức và sáng tác văn chương cũng đã và đang có những sự chuyển động đáng kể. Về phía độc giả, giờ đây bên cạnh việc đọc các tác phẩm văn học theo lối truyền thống, họ còn có thể trải nghiệm tác phẩm thông qua các hình thức mới như sách điện tử (ebook), sách nói,... Về phía các tác giả, việc công bố tác phẩm cũng không gặp trở ngại: bên cạnh việc gửi tác phẩm đến các nhà xuất bản, các báo, tạp chí, người viết hoàn toàn có thể chủ động đăng tải những sáng tác mới trên các trang cá nhân. Không ít tác giả trẻ đã vụt trở thành hiện tượng nhờ mạng xã hội.

Chính vì vậy sự xuất hiện của nhóm sáng tác có cái tên 4.0 khiến không ít người lạ lẫm song đó dường như cũng là một xu hướng mới nhằm thích ứng với thời đại hiện nay. Cụ thể nhóm 4.0 thực hành sáng tác theo kiểu “dây chuyền”, mỗi tác giả sẽ đảm nhận một phần trong tác phẩm thay vì việc các tác giả làm việc cá nhân, đơn lẻ như thông thường. Đối tượng mà các sáng tác của nhóm 4.0 hướng tới đó là thị trường văn học mạng, bởi vậy nhóm tập trung viết các truyện dài kỳ và khai thác những đề tài phù hợp với độc giả trẻ. Theo đánh giá của nhóm, đây là mảng thị trường tiềm năng, hứa hẹn có đông độc giả, nhờ vậy hoạt động sáng tác sẽ trở thành một hình thức làm việc chuyên nghiệp cho thu nhập ổn định, thậm chí là ở mức cao. Năm 2018, sau một năm hoạt động nhóm 4.0 đã có 5 tác phẩm được giới thiệu đến bạn đọc, đó là: Không thể chạm vào em (về cộng đồng LGBT), Nơi giấc mơ em thuộc về, Cái chết ảo, Kết giới (bộ truyện dã sử, giả tưởng), Nàng Lọ Lem và chàng hoàng tử béo. Vì đang ở giai đoạn thăm dò nên các tác phẩm được phát hành miễn phí.

Tuy nhiên trên thực tế, “công nghệ sản xuất” văn chương mà nhóm 4.0 đang thực hành chưa tạo được nhiều dấn ấn. Thậm chí có tác phẩm bị nhầm với ngôn tình Trung Quốc. Hiện nhóm vẫn đang tích cực kết nối với nhiều tác giả trẻ để phát triển dự án của mình có hiệu quả hơn. Song phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, dù công nghệ có phát triển đến đâu thì cũng không thể thay thế con người trong hoạt động sáng tạo. Và dù hoạt động sáng tác theo nhóm hay đơn lẻ thì chất lượng của tác phẩm văn học vẫn phải là yếu tố cần được quan tâm hàng đầu, nếu muốn muốn có chỗ đứng thực sự trong lòng độc giả. Việc chạy theo thị hiếu nhất thời của một bộ phận độc giả có thể tạo ra “hiện tượng” song cũng có thể bị chính độc giả lãng quên rất nhanh.

 

Và đôi điều suy ngẫm

Sự nỗ lực và tham gia tích cực của các tác giả trẻ vào đời sống văn học nước nhà trong năm 2018 là tín hiệu đáng mừng. Điều ấy cho thấy chỗ đứng bền vững của văn học trong đời sống, dù các phương tiện nghe nhìn, giải trí ngày càng phát triển, có phần lấn át văn hóa đọc. Sự rộn ràng của các cuộc ra mắt sách khắp trong Nam ngoài Bắc, thu hút sự quan tâm của độc giả và người trong giới hẳn sẽ giúp người viết có thêm động lực để sáng tạo. Song trước đòi hỏi của thời cuộc cũng đang đặt ra những yêu cầu mới khắt khe hơn với mỗi người viết. Không thể bằng lòng với những gì mình đã làm được, nỗ lực học hỏi, miệt mài sáng tạo,... là điều nhà văn cần phải chú tâm để thực hiện. Bởi thực tế hiện nay, sự xuất hiện của những tác phẩm tầm cỡ mang dấu ấn thời đại vẫn còn là câu hỏi bỏ ngỏ mà nhà văn còn nợ độc giả.

Nguồn Văn nghệ số 4+5+6/2019


Có thể bạn quan tâm