March 29, 2024, 7:15 pm

Những chuyện còn khuất lấp từ việc “xẻ thịt” ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu

 

Từ nhiều năm nay, ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu vẫn được xem là một địa chỉ tin cậy, ấm áp, bình yên của giới văn chương cả nước. Nhiều hoạt động, nhiều sự kiện văn học quan trọng, nhiều tác phẩm văn chương ghi dấu ấn trên văn đàn, góp phần tích cực vào sự phát triển văn hóa xã hội của đất nước, cũng được tổ chức hoặc ra đời từ đây. Tuy nhiên bạn đọc, và thậm chí là cả khá nhiều các nhà văn là hội viên của Hội, cũng chưa được biết rõ về lai lịch của ngôi nhà này, và lại càng ít người biết rằng từ hơn 10 năm nay, ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu đang ở trong tình trạng bị chiếm đoạt một phần, một việc làm ngang nhiên xâm phạm đến công sản của Nhà nước lại được che đậy, được hợp thức hóa bằng những quyết định hành chính tưởng chừng như rất minh bạch. Đối mặt với sự việc trên, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, những người vốn quen với những âm thầm của văn chương chữ nghĩa hơn là những khe khắt rạch ròi của công tác quản lý hành chính, lại càng xa lạ với những khuất tất của đời sống đang ngày càng được lượng hóa bằng những giá trị ít tính nhân văn; rõ ràng đã trở thành đối tượng yếu thế, bị chèn ép ngay cả trong các hoạt động tư pháp vốn vẫn được xem là đại diện của công lý này  
Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam - số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội

Lịch sử vấn đề

Tòa biệt thự số 9 Nguyễn Đình Chiểu, (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) nguyên là nhà ở của cố Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Huỳnh Tấn Phát. Tòa biệt thự bao gồm một nhà chính 3 tầng, một dãy nhà phụ cấp 4 và sân vườn, tổng diện tích rộng 700m2. Năm 1990, sau khi cố Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát nghỉ công tác, trở lại miền Nam, toàn bộ căn biệt thự và khu đất 700m này được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý và sử dụng làm Trụ sở cơ quan Hội. Văn bản 3379.QT do ông Nguyễn Quỳnh, Cục trưởng Cục quản trị 1 ký ngày 15/10/1990 ghi rõ:

Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã đồng ý giao Hội Nhà văn Việt Nam ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đầu tư xây dựng và quản lý (Công văn số 1131-QT ngày 14 tháng 4 năm 1990)

Nay Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng chuyển giao quyền sử dụng và quản lý ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội với diện tích

  1. Nhà chính cả 3 tầng          152m2
  2. Nhà phụ 1 tầng mái ngói    59m2
  3. Bếp và nhà ăn mái bằng     21m2

Cùng toàn bộ sân vườn tổng diện tích khu vực 700m2 cho Hội Nhà văn Việt Nam…”

Tuy nhiên trong thực tế, khi tiếp quản khối công sản này, tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu vẫn còn một số nhân viên từng phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát lưu cư lại tại khu nhà phía sau

Năm 1990, Hội Nhà văn Việt Nam lập Dự án xây dựng thư viện và nhà bảo tàng 5 tầng ở phía sau căn biệt thự. Dự án được nhà nước phê duyệt và cấp kinh phí. Để giải phóng mặt bằng, Hội Nhà văn đã đền bù cho một số nhân viên nói trên đi nơi khác. Riêng bà Nguyễn Thị Nhị dứt khoát ở lại, không nhận tiền đền bù cũng như nhà ở. Lý do bà Nhị đưa ra là từ năm 1984, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã đồng ý cho gia đình bà đến ở một căn hộ có diện tích 16m2 và diện tích phụ 14m2 tại dãy nhà cấp 4 phía sau căn biệt thự. Sau đó Ban Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ra Quyết định số 84/QĐ-MTTW (về việc bố trí chỗ ở cho cán bộ nhân viên) đồng ý để bà Nguyễn Thị Nhị đến ở tại căn hộ có tổng cộng diện tích 30m2 này. Nội dung quyết định của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi rõ: “… để tiện việc phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát”. Tuy nhiên trong công văn số 3379.QT chuyển quyền sử dụng ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu cho Hội Nhà văn Việt Nam của Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng không hề nhắc tới việc này

Như vậy đầu tiên có thể khẳng định ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu là “do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đầu tư xây dựng và quản lý”. Việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra quyết định “bố trí chỗ ở” cho bà Nguyễn Thị Nhị tại địa chỉ này chỉ là với mục đích “tiện việc phục vụ Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát”, khi đó ở cương vị là Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Không thể xem là quyết định phân nhà. Điều này được xác định thêm bằng việc năm 1990 toàn bộ diện tích này đã được Hội đồng Bộ trưởng “chuyển giao quyền sử dụng và quản lý” cho Hội Nhà văn Việt Nam, với “toàn bộ sân vườn tổng diện tích khu vực 700m2.

 

Những “khuất tất” của một cuốn “sổ đỏ”

Trở lại câu chuyện năm 1990. Để tiến hành thi công công trình, Hội Nhà văn Việt Nam đã thu xếp xây một căn hộ cấp 4, gồm 20m2 nhà ở và 6m2 diện tích phụ ở phần sân phía đường Nguyễn Đình Chiểu, bên cạnh tòa nhà chính để chuyển gia đình bà Nhị ra đó

Năm 2002, bà Nhị làm đơn xin phép Hội Nhà văn Việt Nam thay mặt ngói bằng mái bằng. Hội Nhà văn đồng ý để bà Nhị sửa chữa chống dột. Để có quyết định này, Thường trực Ban Chấp hành Hội Nhà văn khi đó đã có những cuộc họp bàn nghiêm túc, bởi lẽ trong thời gian này, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đang tìm những giải pháp để di chuyển gia đình bà Nhị ra khỏi khuôn viên trụ sở Hội. Việc chấp nhận yêu cầu của bà Nhị cũng còn do những áp lực khác từ một số cá nhân tại Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mà chúng tôi sẽ công bố trong một dịp khác. Tuy nhiên từ sự đồng ý này mà bà Nhị đã dần dần có những bước đi vượt quá giới hạn, như xây thêm tầng, rồi tiến hành các bước xâm lấm, cơi nới và cuối cùng là “hợp thức hóa” ngôi nhà trên đất của Nhà nước

*

Nhận thấy sự phức tạp của vấn đề, ngày 01/11/2010 Hội Nhà văn Việt Nam đã gửi công văn lên Bộ Tài Chính để hỏi về những cơ sở nhà đất liên quan đến trụ sở số 9 Nguyễn Đình Chiểu. Cũng trong tháng 11 năm 2010, Bộ Tài chính đã gửi công văn số 15726/BTC-QLCS, trả lời công văn của Hội Nhà văn Việt Nam, trong đó khẳng định khu đất số 9 Nguyễn Đình Chiểu, toàn bộ 700m2 là tài sản công, Nhà nước giao cho Hội Nhà văn Việt Nam quản lý và sử dụng. Trong đó có căn hộ của bà Nguyễn Thị Nhị tạm lưu cư. Hội Nhà văn Việt Nam có trách nhiệm thu hồi khu đất bà Nhị đang sử dụng, hỗ trợ chi phí di dời theo quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, cũng trong thời gian này, như một sự thách thức, gia đình bà Nhị khởi công xây dựng một ngôi nhà 4 tầng tại khu vực được Hội Nhà văn tạm bố trí. Khi ấy mọi người mới té ngửa ra rằng trong suốt mấy năm qua, đã có một “chiến dịch” âm thầm “hô biến” một phần đất công sản mà Hội đang quản lý thành đất tư, đất có “sổ đỏ chính chủ” mang tên hai vợ chồng ông Trần Duy Bình và bà Nguyễn Thị Nhị. Lộ trình của “chiến dịch” này có thể tạm tóm tắt theo hồ sơ như sau

Tháng 7 năm 2007, sau khi đã từng bước cơi nới thêm tầng trên diện tích 20m2 tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu mà Hội Nhà văn Việt Nam đã bố trí, bà Nhị đã làm động tác để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, gửi công văn số 2314/MTTW-BTT cho Sở Tài nguyên Môi trường và nhà đất ban 61/CP, đề nghị cho bà được ký hợp đồng thuê nhà, mua nhà theo Nghị định 61/CP của Thủ tướng Chính phủ.

Chẳng hiểu ông Chánh văn phòng Nguyễn Văn Pha, người ký công văn này, có nắm được việc bố trí chỗ ở cho cán bộ nhân viên (1984) và việc phân nhà (theo nội dung công văn 2007) là hai việc rất khác nhau hay không, đặc biệt là khi ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu vốn là “do Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng đầu tư xây dựng và quản lý”, chứ không thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, và đã được “chuyển giao quyền sử dụng và quản lý” cho Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1990. Vậy mà cho đến tận khi ông Pha ký công văn nói trên, Hội Nhà văn Việt Nam, chủ sở hữu khu đất, cũng không hề được biết.

Căn cứ vào công văn đề nghị nói trên, cộng thêm với một loạt các thủ tục “không thể thiếu” của quy trình “hóa giá”, đến tháng 12 năm 2007, Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng, mà trực tiếp là ông Lâm Anh Tuấn, Phó chủ tịch quận, đã ký cấp giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị và ông Trần Duy Bình tại thửa đất nói trên, với tổng diện tích 45,2m2. Theo cuốn “sổ đỏ” đầy khuất tất này thì diện tích mà ông Bình, bà Nhị được sở hữu vượt quá cả so với “quyết định” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 14,2m2, và so với thỏa thuận của Hội Nhà văn là 19,2m2.

 

Và một phiên tòa không thể thuyết phục

Cuốn “sổ đỏ” mang số 010701554000755 này cho đến tận khi xử lý việc xây dựng nhà của bà Nhị, Hội Nhà văn Việt Nam mới được được biết. Trước tình hình như vậy, Hội Nhà văn đã gửi nhiều công văn tới quận Hai Bà Trưng thành phố Hà Nội nhưng không được giải quyết. Do không được phúc đáp, Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định khởi kiện hành chính đối với Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng về việc vi phạm những quy định của pháp luật, cấp sổ đỏ cho bà Nguyễn Thị Nhị, trên thửa đất Chính phủ giao cho Hội Nhà văn quản lý và sử dụng.

Bởi lý do “các anh kiện chính thủ trưởng của chúng tôi nên không biết phải xử lý thế nào” mà đơn khởi kiện của Hội Nhà văn Việt Nam được tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng “nghiên cứu” đến tận… 8 năm. Đến ngày 26 tháng 11 năm 2018, sau hai lần nộp đơn và một số lần hoãn, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng mới đưa vụ kiện ra xét xử. Tại phiên tòa đầy khiên cưỡng này, Bản án số 03/2018/HCST được tuyên: Công nhận Quyết định hành chính số 234.61.QĐUB.2017 của UBND quận Hai Bà Trưng về việc cấp giấy Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và sử dụng đất ở số 010701554000755 cho gia đình bà Nguyễn Thị Nhị và ông Trần Duy Bình tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được ban hành đúng thẩm quyền và đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý. Bác yêu cầu khởi kiện của Hội Nhà văn Việt Nam

*

8 năm trời để có một phiên tòa, ấy là nói riêng về việc tố tụng, là một hành trình kéo dài đến gần 2 nhiệm kỳ Đại hội, để có một kết quả không hề thỏa đáng là điều không ai muốn. Nhìn từ góc độ pháp luật, rõ ràng hành trình để dẫn đến một cuốn “sổ đỏ” có thể là đầy đủ về các bước tiến hành, về văn bản và thủ tục, về căn cứ pháp lý. Đó có lẽ là cách nhìn của những người xử án. Song cuốn “sổ đỏ” ấy lại chồng lên trên một phần đất khác cũng có đầy đủ cơ sở pháp lý, thậm chí còn vững chắc và chặt chẽ hơn, thì rõ ràng phán quyết ấy của tòa (sơ thẩm) là điều cần phải xem lại từ đầu. Trong câu chuyện này, hiển hiện một vấn đề chưa rõ ràng là vai trò và quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của ông Chánh văn phòng Nguyễn Văn Pha khi ra những quyết định và văn bản pháp lý liên quan đến một phần ngôi nhà số 9 Nguyễn Đình Chiểu, công sản mà họ không hề có quyền quản lý, phân chia, chuyển nhượng. Tiếp đến là quá trình thẩm định hồ sơ của cơ quan quản lý Nhà nước, cụ thể ở đây là lãnh đạo quận Hai Bà Trưng, đương nhiên có nhiều sơ hở. Và cuối cùng là câu chuyện của tòa án… Chắc chắn sẽ có những phiên tòa tiếp theo để xem xét lại vụ án này, song những toan tính bất minh để vụ lợi trong câu chuyện này có lẽ vẫn còn là một đề tài thú vị

PV


Có thể bạn quan tâm