April 19, 2024, 12:05 pm

Những chiều kích khác của hiện thực

 

Trần Quang Lộc, trước sau từ Trăng mười sáu, Một thoáng bông hồng đỏ, Làng ven sông ngày ấy đến Làng Krona đều trung thành với bút pháp hiện thực khi hình thành, xây dựng một câu chuyện: nó lớp lang, có lai lịch, gốc tích, diễn biến từ A đến Z…, đầy đặn, có tình có lý. Nhưng so với các tập sách trước, các ảnh chiếu hiện thực trong Làng Krona nhiều chiều kích hơn, văn chương hơn, tức đa sắc diện hơn chứ không đơn điệu “sắp sáng thì nghe có tiếng gà”.

Đề tài của tập truyện khá phong phú: về chiến tranh và hậu chiến: Dọc đường chiến tranh, Tường vi đỏ, Ngôi nhà hoang; đề tài lịch sử: Nghi án 700 năm, Thầy Chu về làng; những cung bậc, xúc cảm trữ tình: Người đàn bà đêm thị trấn vùng cao, Đồi sim, một thời nông nổi; thế giới người và ma: Làng Krona, Phận người…; đời sống gia đình, xã hội: Phận người, Khen đểu, Lão thợ liệm tài hoa, Mai nữ hoàng… Nhưng các quy nhóm đề tài trên chỉ gọi chung cái lõi chính, mỗi truyện đều có sự hòa trộn nhiều mảng và thường được dẫn dắt bằng những quan hệ tình cảm, một ít lịch sử, một phần nhân tình thế thái, thời cuộc: những Thời đã xa, Tường vi đỏ, Mai nữ hoàng, Người đàn bà đêm thị trấn vùng cao, Làng Krona, v.v…, và luôn có những biến hóa bất ngờ. Các dẫn dắt như chuyện thật người thật về vấn đề này bỗng rẽ ngoặc sang hướng khác.

Như, lai lịch cây mai Nữ hoàng dính dáng tới lịch sử thời Tây Sơn trên “Đất vua”, ông tướng và giấc mơ ông Đạo trụ trì một chùa Miền Tây huyền hoặc lịch sử… bỗng vỡ òa cuối truyện cái đích nhắm tới về thói ba hoa, “nổ văng miểng” của giới chơi cây cảnh (Mai nữ hoàng). Như, khi người đọc hút theo chuyện gã nhà văn tán tỉnh cây bút nữ cá tính, xinh đẹp, trong chuyến đi thực tế sáng tác đêm thị trấn hữu tình; hình dung chuyện tình giới chữ nghĩa vừa sến súa vừa thi vị thì hóa ra chỉ một giấc mơ. Vấn đề là, không phải mơ ước yêu đương gì, truyện chỉ lật tẩy máu bẻm gái, tưởng bở, tự huyễn của đám võ vẽ dăm ba chữ! (Người đàn bà đêm thị trấn vùng cao). Hay Làng Krona, trên nền một chuyện tình của người và ma khá ấn tượng, truyện lại day dưa trong ta vẻ đẹp hồn hậu, chí tình của con người vùng cao... Truyện khơi gợi để rồi tiếc nuối những vẻ đẹp đang mất đi khó thể níu giữ. Dường như trong mỗi người miền xuôi chúng ta đều gợn một cảm giác áy náy như đã lợi dụng, lạm dụng, thậm chí lừa dối con người và thiên nhiên tuyệt diệu dường kia!

Trần Quang Lộc không thiên hẳn lựa chọn nào ở tập truyện này. Nhưng phần nhiều là những quan sát, xây dựng bằng chất liệu trực diện đời sống như: Thời đã xa, Lão thợ liệm tài hoa, Vượt ngục, Ngôi nhà hoang,… Nếu Thời đã xa có hòa trộn dư vị lịch sử, thời cuộc thì Vượt ngục dàn dựng có màu sắc võ hiệp, trinh thám; nếu Lão thợ liệm tài hoa có chi tiết liệm gã quan chức chết vì “thượng mã phong” để cái quan định luận, bày tỏ thái độ người dân đối với nhân cách kẻ lúc sống đầy quyền lực, thì cách dàn dựng ma trong Ngôi nhà hoang tạo nên sự cuốn hút. Nghĩa là, Trần Quang Lộc không nhiều dụng ý kỹ thuật trong lựa chọn cách tiếp cận hiện thực, chỉ dàn dựng, cài đặt cho nó có màu sắc, hấp dẫn. Chính thực tế cuộc sống sinh động đã lựa chọn cách xuất hiện trong truyện ông. Và Trần Quang Lộc đã hoàn thiện hơn từ những sinh động ấy trong trang viết của mình.

Có điểm khá nhất quán: thế giới truyện ngắn Trần Quang Lộc thường là những hồi ức, hoài niệm, đầy tiếc nuối và nó lung linh, có khi chỉ khoảnh khắc. Đó là tuổi học trò hồn nhiên cùng câu chuyện kể của người ông trong Thời đã xa; là ánh mắt của khách và cô giao liên trong ánh lửa Trường Sơn đầy xao xuyến, bối rối vài câu mơ ngày đất nước yên bình được sống bên nhau trong Dọc đường chiến tranh; là xúc cảm tình đầu đẹp, nghiệt ngã, vừa kịp nhận biết cũng là mãi mãi chia lìa trong Tường vi đỏ. Có chi tiết giống nhau thú vị: công nương Vũ Thu Hương tài sắc vẹn toàn phẫn uất cha mình là Đại tư đồ Vũ Tuấn giữ thành Qui Nhơn đầu hàng quân Nguyễn đã trầm mình, xác cô mấy ngày trôi sông vẫn “cứ tươi roi rói, nét mặt thanh tú hồn nhiên y như nàng đang thiêm thiếp giấc nồng” (Thời đã xa) và cô sơn nữ Y Muôn đẹp người đẹp nết, “nước cuốn đã ba ngày nhưng khi vớt lên thi thể vẫn cứ hồng hào, mắt nhắm nghiền như đang say giấc” (Làng Krona). Cái đẹp, cụ thể là ngọc nữ những nhân cách và tài hoa không thể tàn phai chăng? Cũng như, làm bạn, làm tình với ma trong Phận người, Làng Krona chỉ thấy đẹp, gần gũi như những mơ ước chính đáng của con người. Vẻ đẹp lung linh trong truyện Trần Quang Lộc thường là những khoảnh khắc đã xa khuất hoặc pha chút huyền hồ nhưng thật cần thiết.

Không chỉ để thăng bằng với thế giới trần trụi ô trọc như những điểm sáng thiện lương chưa bao giờ mất đi, mà chính là cần cho tác giả vin tựa như một niềm an ủi. Cho đến khi, chính ông mạnh dạn đi qua cái hiện thực “mắt thấy tai nghe” hay không lụy nhiều vào nó trong ý đồ nghệ thuật, những vẻ đẹp văn chương khác sẽ hiện lên. Và hẳn nhiên khi ấy, Trần Quang Lộc sẽ không tốn nhiều thời gian cho những lai lịch, chi tiết dẫn dắt có đầu có đuôi một tuyến truyện khiến nhiều khi khá trì; hiện thực cuộc sống và những vấn đề đặt ra sẽ mang chiều kích mới, hiện đại và lan tỏa mạnh hơn.

Đến tập truyện này, nhà văn Trần Quang Lộc đã có những tìm tòi mới về tứ truyện, về các vấn đề đặt ra, về một số thủ pháp. Đáng chú ý là tiếng cười giễu ý nhị (Mai nữ hoàng, Người đàn bà đêm thị trấn vùng cao). Nhưng ông chưa thật dụng công tìm tòi về kỹ thuật thể hiện mà còn nặng kể tả, hư cấu, lắp ghép cho đầy đặn.

Sẽ có phản bác rằng, cái tạng văn mỗi người mỗi khác. Vấn đề không phải tạng. Mà tạng cũng có thể thay đổi, nếu tin rằng thay đổi sẽ hiệu quả hơn. Người cầm bút nào cũng vậy thôi mà. Tập truyện Làng Krona đang có dấu hiệu chuyển tiếp của Trần Quang Lộc. Rất hy vọng những bứt phá mạnh mẽ hơn và chờ đón thành công mới của ông.

Nguồn Văn nghệ số 44/2020


Có thể bạn quan tâm