April 25, 2024, 8:01 am

Những câu thơ không bằng phẳng

 

Thanh Hoàng ra tập thơ Vết nứt tự vẽ mình được kể là tập thứ ba. Cách đặt tên cho một tập thơ vừa mang hơi hướng của một người viết trẻ, vừa như một lời tự giới thiệu: Đó là thơ bật lên từ những vết nứt sâu, giống như vết nứt của chính đồng đất xứ Quảng Nam quê anh trong mùa khô vậy.

Như hầu hết những người làm thơ, mảng thơ tình luôn được coi là không thể thiếu. Cách nói hoặc diễn tả về tình yêu với nhớ nhung, với những vui buồn kỉ niệm, với những run rẩy đầu đời thì hầu như đã có rất nhiều người viết. Thanh Hoàng không phải ngoại lệ. Nhưng điều khác biệt ở anh đó là cách chọn tứ và dựng tứ.

Miệng cười ta phơi dây đau/ một bên em níu một đầu đời căng./ ... Em về chiều/ em nghiêng gánh qua mưa/ chân còn núi lòng đã lo bếp lạnh./ ... Em có nghe tiếng thở dài của gió/ hình như ta chiều hôm ấy rất buồn./ Áo xưa trăng giấu ngực yêu sao được/ màu của nắng hoà môi em mọng ướt/ Gieo lòng anh/ ngăn nhớ bắt đầu xanh./ Nhưng vòng xe xưa đã/ cuốn vào anh/ ngăn nhớ đã dần rêu!

Chủ đề cũ nhưng ngôn ngữ và hình ảnh thể hiện sự trẻ trung.

Thanh Hoàng tuy cũng viết về nỗi buồn, sự cô đơn... nhưng không bao giờ anh để sa vào bi lụy. Nỗi buồn trong thơ anh rất thật, những cảm xúc được tái hiện từ cái chất liệu đời thường, ngay từ những câu thơ đầu tiên anh viết về mẹ: Mấy vòng trang rũ mây nhàu/ Quấn quanh đồng vắng một màu tang bay/ Gần người chỉ một sải tay/ Mà nghe lạnh lắm đất này, mẹ ơi!

Hình ảnh sử dụng không cầu kỳ, nhưng luôn gây bất ngờ: Cầm con ở tiệm trần gian/ Mẹ buôn thương nhớ, chuyến hàng biệt ly/ Lãi ngày từ lúc mẹ đi/ Tháng năm dồn mãi, mơ gì chuộc con.

Tự trào cũng đặc biệt, khác người: Sửa hoài miệng không cười được/ Nửa đêm ngồi vẽ mặt mình/ Mắt - còn một bên - màu hết/ Nhìn vào thấy trống chênh vênh./ Tóc thì đâu cần phải vẽ/ Màu y giấy trắng cả rồi/ Xưa ngoại khen mình tai Phật/ Giờ phàm phu quá - nên thôi.

Không gì quá mới về câu chữ. Nhưng lay động và đụng chạm. Những vần thơ giản dị, nhưng đầy ám ảnh về những điều vĩnh cửu, muôn thuở của con người cùng sự chân thành đã định hướng giúp Thanh Hoàng tìm đường đến với trái tim ngày càng trở nên khó tính, khó chiều của bạn đọc

Bài Mùa khát là một ví dụ. Nhìn tổng thể, bài thơ không có gì quá độc đáo, tứ thơ cũng bình thường, chuyện mưa nắng, chuyện hai người yêu nhau, gặp gỡ và chia tay, rồi có thể lại gặp và lại xa... Nhưng cách diễn đạt làm người đọc bất ngờ và thích thú rồi đồng cảm: Anh đón em vào nhà/ nắng dừng lại chờ em ngoài cửa/ Sài Gòn lâu lắm không mưa/ Em vất vội lên anh/ chiếc áo thơm mùi nắng/ nụ hôn như muốn lấp đầy chuỗi ngày xa nhớ/ Căn phòng - anh - ngập em/...

Thanh Hoàng làm thơ về quê hương, nhưng khác với nhiều người, anh không tụng ca. Thơ anh là thơ của người đã từ quê mà đi bây giờ quay lại đứng chân trên chính những thửa ruộng khô cằn đã nuôi dưỡng tươi thơ mình, nhặt lên những kí ức: Trong ta lắng vết bùn/ Trâu lăn sình vũng cạn/ Tiếng ruồi ve mê sảng/ Bay vù trong giấc mơ.

Một âu lo không phải vô cớ. Bởi như một vòng tròn nghiệt ngã của tạo hóa, số phận vẫn cứ đưa đẩy để đối diện trong cuộc sống thường nhật vẫn là những cảnh đời: Bán - mua mãi chẳng bớt nghèo/ còn thêm/ Sang tay nhúm bạc cũ mèm/ vuốt bao chừ thẳng/ lòng em rối bời!

Dấn thân - chọn một cách tiếp cận thực tế thiết thực - Thanh Hoàng thể hiện một cách khá riết róng những mặt trái của đời sống, những thay đổi các thang bậc giá trị và không né tránh việc nói đến những bất công xã hội.

Thằng bé cùng với ruồi và chuột/ kiếm ăn bên rác/ ... những mẩu bánh mì lên xanh/ như da em xanh.../ Gom gió vào nghiêng nón/ chị ru con bên hè/ phố chìm trong nắng đốt/ bụi quay tròn khói xe.

Sự dấn thân còn thể hiện bằng nỗi niềm nhân thế: Cạn anh/ là để em đầy/ cạn em/ em để tình say với đời/ Dốc anh/ đáy chạm lưng trời/ nghiêng em/ từng giọt mềm rơi mắt nhìn/ Ta mang cầm cố niềm tin...

Sự buông thả, mặc kệ sự đời khi nỗi buồn chán xâm lấn: Nên lâu rồi ta không đợi ngày xuân/ hoa thành rác là khi ta tỉnh lại/ vẫn áo cũ với nhọc nhằn bươn chải/ dòng người dưng ta lẫn đấy, tìm quên!

Dẫu vậy một dự cảm yếm thế và bất lực vẫn tồn tại khiến đôi khi anh tự trách: Trước bão đời, ta ngã/ theo lũ dữ về sông/ em đá núi xót lòng?/ đừng rêu xanh chờ đợi/ …/ Những nhát rìu kể chuyện:/ ta vướng lại bên bờ/ hoá thân thành củi mục/ khói mỗi chiều bơ vơ!

Mang đậm hơi thở của cuộc sống với sự đa dạng về nhiều thể loại và trường phố hiện được mở rộng với nhiều chủ đề, Thanh Hoàng không cố giải thoát mình khỏi sự bộn bề của cuộc sống đương đại mà bám lấy, thậm chí đắm vào, đi sâu khai phá những đề tài mới đầy biến động của đời sống, những va đập của đời thường, những vui buồn thường trực của con người, cũng như niềm khát khao cái mới. Chính vì thế thơ anh luôn mang tính thời đại đồng thời biểu lộ năng lực cảm nhận chiều sâu: Người đi chùa phóng sinh cầu tài lộc, sống lâu/ chim bị nhốt trong lồng mong nhanh được chết/ chúng sợ cảnh còn sống mà ly biệt/ bao chim non khát mẹ đói mồi.

Để rồi tiếng kêu cảm thán đôi khi cũng trở nên bất lực trước sự mê muội của lòng người, sự tha hóa của ải nhân sinh: Tôi bất lực đứng nhìn/ hàng trăm con chim nhỏ/ rớt ngang qua ngàn lời mô Phật./ còn thêm bao nhiêu mùa mùa chim khóc?/ Tôi rơi...

*

Thanh Hoàng luôn có ý thức về sự đổi mới. Đổi mới về cách lựa chọn chủ đề, cách xây dựng tứ, sử dụng hình tượng, cách bày biện và lựa chọn câu chữ v.v... Ví như chủ đề nói về tình cảm dành cho mẹ mà hầu hết người làm thơ đều ít nhiều đề cập và khá phổ biến là nói lên nỗi nhớ thương, tình cảm bao la của mẹ dành cho mình, cuộc sống nghèo khó mà mẹ đã cả đời gánh chịu, tự hi sinh cho con v.v... Thanh Hoàng cũng thế, nhưng hình ảnh mà anh chọn lại là chiếc lư nhang: Lư nhang gió đổ hay còn. Hình tượng đắc địa, chí ít là với dải nghĩa trang ở một vùng đất cao, trống trải, nhiều nắng gió. ít người dùng hình tượng này. Cả mối lo, quan tâm này cũng ít người nghĩ đến.

Nhìn sâu vào sự vật, sự việc, phát hiện bản chất, Thanh Hoàng đã cố gắng đổi mới tư duy. Với những câu thơ không chịu bằng phẳng, Thanh Hoàng đã tự tìm cho mình một hình thể mới, một nhịp vận động riêng.

Nguồn Văn nghệ số 12/2021


Có thể bạn quan tâm