April 19, 2024, 9:40 am

Những câu lục bát không bao giờ ngừng chảy

 

Nhà Lê Đình Cánh nằm trên đường Trường Chinh, một đường phố lớn và đông đúc của Hà Nội. Ngôi nhà vốn là biệt thự cũ thời Tây, từ đưởng vào, mở cổng đã thấy một khu vườn xanh tốt bên trong. Vườn có rau đay, rau ngót, lá lốt, xương sông, có gốc bưởi bụi hồng. Một bể nước nhỏ với chiếc gầu bằng lốp ôtô quấn đặt trên thành. Với dáng cao gầy, gương mặt rắn rỏi, đặc biệt nước da ngăm ngăm, sau chuyển thành mai mái khi bị bệnh, Lê Đình Cánh giống như một lão nông thực thụ.

Mùa thu với chiếc bu-giông màu bã trầu, chiếc quần simili đen ông lại có vẻ một cán bộ Hợp tác xã. Vây mà cái ông nông dân hay cán bộ Hợp tác xã ấy có thể đọc sách nguyên bản tiếng Anh, đàm thoại tiếng Anh lưu loát và “ngốn” không biết bao nhiêu sách báo Đông Tây kim cổ, từ tờ Đông Pháp đến những tài liệu nội bộ, và cả sách tâm linh...

Lê Đình Cánh sinh năm 1941 (Tân Tỵ) tại Thọ Xuân, vùng núi phía tây Thanh Hoá, một vùng đất "địa linh nhân kiệt" có vị thế chiến lược trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước. Hồi phổ thông, ông là học sinh Lam Sơn, một trường cấp III nổi tiếng. Năm 1965, sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm môn Vật Lý ông tham gia TNXP và làm giáo viên cho các chiến sĩ mở đường. Sau này khi đã ra Hà Nôi về Nhà xuất bản Thanh Niên, rồi Đài TNVN ông còn tiếp tục theo học và tốt nghiệp Khoa văn Đaị học Tổng hợp, Khoa Tiếng Anh Sư phạm Ngoại ngữ… Suốt cuộc đời, Lê Đình Cánh thể hiện một tình yêu đặc biệt với quê hương xứ Thanh. Ông từng khoe cây hồng ngoài sân là giống hồng ông bứng từ quê ra. Loại hồng ta bông không to như hồng Pháp nhưng cực thơm. Đặc biệt, ông còn là người luôn tôn vinh Đại Việt. Nhiều lần, sau khi trò chuyện về lịch sử, văn hóa, ngoại giao, cốt cách con người… Lê Đình Cánh đều kết luận một câu xanh rờn “Đại Việt ghê thật!”. Ông tâm sự: “Văn thơ tôi thường hướng đến những người lao động. Bởi một lẽ, chính những người lao động, những công nhân nông dân ấy mới là lực lượng chính để xây dựng bảo vệ đất nước hôm nay, mới giữ gìn duy trì được và phát triển được nòi giống Đại Việt theo đúng quan niệm, truyền thống đạo lý cha ông. Mà nên nhớ truyền thống đạo lý Đại Việt chúng ta khác hẳn truyền thống và đạo lý Khổng giáo của người Hán…”. Trong bài thơ Mẹ ra Hà Nội, bài thơ ông được giải nhì cuộc thi thơ báo Văn nghệ hồi ấy, có hai câu  tả mẹ mình: Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào. Câu thơ hay không chỉ ở nét thật thà chất phác của bà mẹ nông thôn lần đầu ra thành phố, mà sâu sa hơn, nó còn là vẻ đẹp nhân hậu của người phụ nữ Việt Nam và cốt cách Đại Việt: Khiêm nhường, thân thiện.     

Là phóng viên nhà đài Lê Đình Cánh thường xuyên phải ứng chiến các chương trình nên ông đi nhiều, bám sát đời sống và đặc biệt viết nhanh. Bút ký ông sắc sảo, vừa có nhiều chi tiết độc đáo vừa có nét riêng lại giầu chất thơ. Chỉ nhìn vào số lượng đầu sách văn xuôi Lê Đình Cánh đã xuất bản các đồng nghiệp đã phải nể phục. Đi thực tế, Lê Đình Cánh không thích nhập vào các đoàn to, “trống chiêng” rộn rã, đón tiếp linh đình, mà ông chỉ thích đi nhỏ lẻ, hai ba người. Đến nơi, ông cũng chả bao giờ ngồi lâu nghe báo cáo mà nhanh chóng ra ngoài để tự tìm kiếm tư liệu và nhân vật cho bài viết. Khi là chỗ làm việc chật chội nóng nực của cô công nhân cầu đường, khi bên gốc hải đường với ông giám đốc từng nhiều năm tháng ở Trường Sơn… Bên cạnh con người, ông tìm đến thiên nhiên. Lần về Hưng Yên cuối năm 2017, ông rủ tôi ngủ đêm lại trên con phà đang neo đậu gần Tuần Vường. Lý do đơn giản là năm ấy, đã lâu lắm ở Tuần Vường lau trắng mới ra hoa, một loại hoa đẹp và linh thiêng mà ông rất mê. Ông bảo hoa ấy ngoài Tuần Vường giờ chỉ còn trên hồ Động Đình, nay thuộc đất Trung Quốc, nhưng xưa là thuộc Đại Việt. Lần ấy ông cũng đưa tôi đến thăm bia cụ Lê Đình Kiên mà ông là hậu duệ. Cụ Lê Đình Kiên làm trấn thủ Sơn Nam gần bốn mươi năm, từ 1664 đến 1704 và có nhiều công lao trong việc gây dựng nên phố Hiến. Ông kể cụ Kiên còn có công nữa là đưa giống nhãn Sơn Nam hạt trắng về quê Thanh. Giống nhãn này giờ đến Sơn Nam cũng mất mà chỉ còn ở Thanh…

Sông Cầu Chầy, con sông chảy qua vườn nhà ông ở Thọ Xuân là con sông lưu giữ nhiều truyền thuyết về cuộc khởi nghĩa Lê Lơi (Hình như trước khi mất Lê Đình Cánh cũng chưa kịp làm tuyển tập. Tập thơ cuối cùng ông là tập Sông Cầu Chầy, lấy tên dòng sông này, in năm 2015). Sau nhiều năm xa quê, khi già ông về quê bỏ tiền ra mua lại một phần vườn cũ của bố mẹ nay đã thuộc về chủ khác. Trên miếng đất mua lại ấy ông dựng ngôi nhà thờ tổ cho con cháu có nơi về thắp hương.

*

Ngoài bút ký thì nói đến sáng tác của Lê Đình Cánh không thể không nói đến thơ. Chính thơ mới là nơi ông gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm nhất. Ông ít làm thơ theo các thể loại khác mà chủ yếu là lục bát. Ông quan niệm “lục bát là thể loại xương sống” của thơ ca Việt Nam. Không “bẻ đôi câu thơ”, không phá cách bỏ vần  hoặc chạy theo cái “lạ”, lục bát Lê Đình Cánh, khi kín đáo, khi quyết liệt, nhưng luôn giản dị, giầu tình cảm, giầu hình ảnh và chịu nhiều ảnh hưởng của ca dao tục ngữ. Lục bát ông không mới, nhưng mang nhiều hơi thở mới của cuộc sống. Ông cũng có những câu thơ thật trẻ trung hiện đại kiểu Chợ Bắc Hà như nồi thắng cố/ Men rừng hừng hực sôi… và cả những câu có hơi hướng sex:      

Cõi tình hạn hán từ lâu

Nghe cau căng nhựa nghe trầu ứ men

Bãi bờ nén tiếng kìm hơi

Nghe bung giải yếm, nghe rời thắt lưng

Lục bát dân gian có điệu ngâm, điệu nói, điệu than. Lục bát Lê Đình Cánh thuộc điệu nói. Nhiều bài buồn nhưng không than vãn. Chơi với ông tôi được ông kể về dòng họ Lê Đình, về người bố lận đận trong cái thời mà ông cực đoan gọi là thời “sen giáng bèo thăng”. Phải chăng vì thế mà thơ Lê Đình Cánh thường quan tâm đến những số phận éo le, những cuộc đời khuất lấp, những con người thua thiệt.

Đó là cảnh:

Lỡ đò hết một thời trai

Thương đời con gái lỡ hai lần đò

 (Người về Bảo Lộc)

Là cô giáo vùng cao:

Mái trường lá mục phên thưa

Cạn đời cô giáo vẫn chưa lấy chồng

Là những thanh niên nông thôn thất nghiệp:

Phố làng lấn hết ruộng rồi

Cuốc cày rỗi việc đứng ngồi ngẩn ngơ

Là bà lão từng đi TNXP về già nghèo khó tới mức phải xem nhờ ti vi:

Tuổi xanh gửi lại chiến trường

Trời khuya chuyển gió vết thương trở mình

Là bà mẹ miền Nam có hai con đều chết trận trước 75 nhưng oái oăm ở chỗ  đứa đi “quân giải phóng” đứa vào “lính cộng hòa”:

Bàn thờ hai ngả khăn tang

Nửa đèn hương rạng nửa nhang khói mờ

V.v. và v.v…

Nói thế không phải là thơ ông không có những câu thơ “tích cực”, những câu thơ ca ngợi quê hương đất nước mang đầy vẻ đẹp nhân văn:

Làng Gồ có giếng đá ong

Giữa đời giông bão vẫn trong mạch ngầm

Nước thơm như thoảng hương thầm

Gầu va thành giếng ướt đầm ca dao

Bởi yêu quê hương, thương quê hương và cảm thông với nhân dân còn vất vả thơ ông luôn trăn trở những câu hỏi như “Đâu rồi chơ Mơ” xưa?  “Con sông Cầu ô nhiễm chảy về đâu?”, “Đất nghèo tấp tểnh giầu sang/ Cớ sao lại có thêm làng ung thư?”. Hay câu hỏi người quyền chức giàu có mà xa dân “Ơi người áo mão cân đai/ Nắm xương có xếp vào hai tiểu sành”... Và đứng trước con sông Cầu Chầy bên mảnh vườn xưa ông hỏi:

Người xưa gửi lại điều chi

Người nay kí thác những gì cho sau

*

Tôi mới đọc một tựa sách trong đó có ý kiến cho rằng với thể lục bát hoặc thơ tự do đều đặn bốn câu một khổ thì khó có thể có được cái mới mà dứt khoát phải đổi mới tư duy và thi pháp. Thực tình tôi chưa nắm bắt hết đươc nội hàm những “đổi mới” ấy nhưng ý kiến đó theo tôi mới chỉ đúng một nửa. Tôi cũng sẽ không đi sâu vào vấn đề này vì đó không phải là mục đích bài đang viết. Nhưng tôi nghĩ vẫn có những cách khác. Để tạo ra cái mới và làm nên sự độc đáo của riêng mình, Lê Đình Cánh đưa vào thơ những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, những ngôn ngữ hàng ngày mới xuất hiện cùng chất uy mua hiện đại. Cuộc sống nhiều áp lực hôm nay rất cần nhiều những tiếng cười sảng khoái và chất uy mua mạnh mẽ để xả stress. Nếu lục bát Huy Cận với điệu ngâm sang trọng như Đường Thi, lục bát Nguyễn Bính quê mùa và bản năng, lục bát Bùi Giáng phiêu bồng và hoài cổ với những mộng trường, bồ liễu, trùng quan… lục bát Nguyễn Duy gồng gánh cả thúng mủng dần sàng, lục bát Đồng Đức Bốn ngẫu hứng cùng quần bò mũ cối… thì lục bát Lê Đình Cánh lại đầy những hóm hỉnh hài hước bất ngờ với chợ tình, với tập dưỡng sinh và Karaoke:

Đèn mờ nửa đỏ nửa xanh

Để em đỡ trẻ để anh đỡ già

 

Ấy đừng gọi bố xưng con

Đôi hàm răng giả vẫn còn hát hay

Đèn mờ anh hát mỏi tay

Hát cho trục trặc gia đình

Hát cho hai đứa chúng mình cùng hư

Hay những tương phản trên “Tàu máy lạnh”:

Giường tầng bà lão nằm trên

Vừa kêu máy lạnh vừa rên tuổi già

Ngước nhìn sang phía giường bên

Thấy cô váy ngắn trèo lên giường nằm

Ngước trông mục kỉnh chằm chằm

Tay già ngứa ngáy vê cằm nhổ râu

Những “chiếu giường nhấp nhổm bình minh mỗi ngày” của các ông các bà đi tập dưỡng sinh cùng những vỡ hụi: “tình yêu như thể chơi đề /Đợi con độc đắc lại về trắng tay” ấy là những “đặc sản” của thơ Lê Đình Cánh, mà ai đã đọc rồi đều chắc sẽ khó quên…

Khi sức khỏe đã yếu nhiều, Lê Đình Cánh vẫn kiên trì chữa bệnh và thỉnh thoảng vẫn còn đùa đây là một cuộc “trường kỳ kháng chiến… nhất định thất bại!...”.  Đã biết mệnh của mình, nhưng ông vẫn đọc nhiều, nói chuyện nhiều, và còn giới thiệu với bạn bè những cuốn sách mà theo ông là “đáng đọc”, “cần đọc” đối với những người làm văn học…

Trọng bênh đã cướp đi của Lê Đình Cánh, một tâm hồn thật trẻ trung, lòng yêu quê hương lòng nhân hậu với con người và tài năng thi ca. Nhưng những câu lục bát của ông như một dòng sông, theo cách nói của nhà thơ Kim Chuông, mãi mãi còn ở lại với bè bạn người thân và cuộc đời như sông Cầu Chày, sông Mã, sông Hồng, sông Lô… không bao giờ ngừng chảy trên quê hương Đại Việt.

 

Nguồn Văn nghệ số 26/2010


Có thể bạn quan tâm