April 24, 2024, 9:15 pm

Những cái tết trong văn xuôi đô thị miền Nam thời chiến

 

Mỗi năm, vào dịp xuân về, văn chương Việt Nam có thêm nhiều tác phẩm mới viết về niềm vui ngày tết cổ truyền của dân tộc. Nhưng phần lớn những tác phẩm này viết về cái tết trong cảnh thanh bình. Văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1955–1975 đã cung cấp cho chúng ta một bức tranh đa dạng về ngày tết. Trong đó, có cả những cái tết thanh bình và chiến tranh, ở nông thôn và thành thị, miền Bắc và miền Nam, tết của người giàu và người nghèo…

Ta hiểu “tết” ở đây bao hàm cả thời gian chuẩn bị trước tết cho đến lúc hạ nêu sau tết. Trước tết, người ta phải làm rất nhiều công việc: dọn dẹp nhà cửa, mua sắm và làm việc cật lực để kiếm tiền chi tiêu trong dịp tết. Lúc này, cũng dễ nảy sinh các lục đục trong gia đình. Trong truyện Bão rớt, Nguyễn Mộng Giác kể lại chuyện một cặp vợ chồng cãi cọ nhau trong lúc chuẩn bị đón tết ở Sài Gòn. Ông Tâm bực mình gắt gỏng với vợ: “Chỉ còn mấy giờ nữa là giao thừa. Nhưng đã biết vậy thì sao không lo mua sắm mọi thứ cho xong hôm qua hôm kia đi. Chờ cho đến phút chót, lúc người ta đóng cửa dẹp hàng, mới chụp giật hối hả rước toàn đồ dư đồ thừa về…”. Bà Tâm cãi lại: “Mình không có tiền thì chờ chợ tàn đi mua đồ thừa, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. (…) Ai cằn nhằn càm ràm từ chiều đến giờ? Mình nghèo thì chịu ở chật. Nhà chật thì phải khéo xếp đặt…”. Tuy nhiên, những chuyện bực bội của năm cũ đã nhanh chóng bị dẹp đi. Đến lúc giao thừa, vợ chồng ông Tâm bỗng vui vẻ, ăn nói nhỏ nhẹ: “- Còn bao lâu nữa mình?/ Ông Tâm xem đồng hồ bảo: - Còn mười phút nữa/ - Có nên thức ba dậy cho ba cúng giao thừa không?/ Ông Tâm suy nghĩ một lúc rồi trả lời: - Thôi. Khỏi cần. Để cho ba nghỉ”. Thông thường, người lớn tuổi nhất trong nhà phải làm lễ cúng. Nhưng năm nay, ông cụ yếu, nên ông Tâm trở thành người đại diện gia đình cúng trước bàn thờ tổ tiên.

Đêm giao thừa không chỉ có việc cúng kiếng mà còn có nhiều công việc khác. Trong bài ký Đêm giao thừa đốt lói trộm, Nguyễn Đình Tư có kể chuyện kỳ thú về phong tục chơi nổ ống lói (ống pháo tự chế) ở Nghệ An trước 1945: “Đốt lói trộm là một hình thức đạp đất xông nhà đầu năm, nhưng có vẻ tài tử trinh thám hơn, là phải làm sao cho chủ nhà không biết, phải làm sao cho chủ nhà giật mình khi tiếng nổ phát ra mới là tốt, là hên và mới được thưởng nhiều tiền, sau khi đã được mời vào nhà đánh chén”. Nhưng có lẽ hoạt động phổ biến hơn cả trong lúc giao thừa là bói đầu năm. Hồ Hữu Tường có hẳn một bài tạp văn dài nói về các phong tục Bói đầu năm ở Nam Bộ. Giới có chữ nghĩa, rành chữ Hán thì lấy các sách xưa ra mà bói: Binh thư yếu lược (Trần Quốc Tuấn), Thái Ất thần kinh (Nguyễn Bỉnh Khiêm), Gia Cát thần toán (Khổng Minh)… Còn giới bình dân cũng có cách bói riêng của mỗi người. Lúc giao thừa, bà Hương hào Hưng lấy sách Kiều ra bói. Thím Phương lấy Lục Vân Tiên ra bói. Chú An ngồi trong bóng tối, lắng nghe con gì kêu trước thì sẽ đoán năm mới làm ăn dễ hay khó. Thím An chờ tới mùng ba, luộc gà cúng tổ, coi chân gà để biết. Còn con Bảy bẻ một nhánh lộc ra mà bói… Tác giả kết luận: “Lúc tôi còn nhỏ, tôi thấy chung quanh tôi, ở nơi làng quê mùa, người ta bói đầu năm như vậy” (Bói đầu năm).

Sáng mùng một, người ta đốt pháo tưng bừng và mặc áo mới đi chúc tết. Nhưng khung cảnh đón tết của người giàu và người nghèo có khác nhau. Chuyện tết của Nguyễn Thị Vinh kể về cái tết của một gia đình nghèo ở miền Bắc trước 1955. Ba của Hà vừa mới mất, gia đình gặp cảnh khó khăn, không sắm sửa gì. Sáng mùng một, Bé Hà thắc mắc: “Sao nhà ta không đốt pháo hở u?”. Hà cùng bà và mẹ đi chúc tết. Nhưng cái việc lì xì mừng tuổi trong lúc túng thiếu cũng không vui vẻ mấy. Người mẹ lấy tiền lì xì của con mình để lì xì lại cho con người khác: “Bác Lý đông con quá, lố nhố đến bảy tám đứa mà mẹ Hà lại gọi tất cả đến trước mặt để bà mừng tuổi cho mỗi đứa đến năm tờ chứ không ít (…) Ra khỏi nhà bác Lý, Hà òa lên vừa khóc vừa nói: - Con bắt đền mẹ đấy nào, mẹ lấy tiền của con cho con bác Lý hết rồi”. Dù khó khăn, mọi người cũng cố gắng làm vui lòng nhau. Một cái tết vui nhưng cũng mang âm hưởng ngậm ngùi…

Cũng có cái tết rất giàu sang trong tiểu thuyết Khung rêu của Nguyễn Thị Thụy Vũ. Tác giả dành đến 1/3 dung lượng cuốn sách để miêu tả công việc chuẩn bị đón tết trong gia đình giàu có ở miền Tây Nam Bộ. Trước tết, cả nhà nhộn nhịp chuẩn bị làm các loại bánh, cắt may quần áo, trang hoàng nhà cửa... Đến tết, mọi người trong đại gia đình ông Phủ làm các thủ tục cúng kiếng, chúc tết, lì xì, thăm viếng, ăn uống linh đình, hả hê. Đến giữa cuốn tiểu thuyết, tác giả tả cảnh hạ nêu: “Lão Tự đang hì hục hạ cây nêu trước nhà. Những ngày tết trôi qua êm đềm. Dấu vết tết còn lưu lại trên những tấm giấy vàng bạc dán trên các thân cây quanh nhà”.

Trong bối cảnh chiến tranh, cái tết ở miền Nam cũng có những đặc trưng riêng. Truyện Dì mơ (Đỗ Thúc Vịnh) kể về cái tết Đinh Hợi 1947 ở vùng kháng chiến Nam Bộ: Giặc Pháp càn, máy bay ném bom nhưng dân làng vẫn lo chuẩn bị cái tết: “Làng đã sửa soạn ăn tết. Có tiếng lợn kêu eng éc từ sớm, có những xấp lá dong xanh mướt đã tước cuộng, bó lấy cột nhà cho thẳng thắn; và trong xóm, khói đã phơ phất tỏa từ các mái tranh lẻ tẻ, đem lại không khí ấm cúng cho vài ngày cuối năm còn giá lạnh và lo âu”. Những người dân tản cư và các chiến sĩ cùng ăn tết với người dân địa phương: “Chảo mỡ sôi trên bếp, nổ lép bép, rộn ràng như lòng người ngày xuân. Họ đã quên hết, quên hết mọi lo âu (…) Miếng bánh khoai cuối cùng đã hết thì không khí tết cũng tàn”. Đó là cảnh đón tết ở vùng quê Nam Bộ thời chống Pháp. Còn trong truyện Mùa xuân qua đèo, Y Uyên kể về chuyện đón tết ở thị xã Tuy Hòa thời gian 1955–1975: “Tới gần giao thừa, mọi người ra cả ngoài sân. Hỏa châu bắn rực trời để soi rõ bóng người ngoài ngõ (…) Ngoài đường người đi lại rầm rập. Chuông chùa, chuông nhà thờ đổ dồn, ngân nga, Hòa chạy vào trong nhà khoác thêm một manh áo ấm./ Suốt ngày mồng một tết, Hồ hết ngồi ở bàn bên này cắn hạt dưa, ăn mứt lang, mứt me, mứt bí nói chuyện với Hòa, lại lên nhà trên chơi các tê với đám thằng Tước. Bà má đi chúc tết mọi người, kéo Hà đi theo”. Sáng mùng hai, nhiều người bắt đầu đi thăm họ hàng ở xa nhưng đường đi cũng gặp nhiều khó khăn do chiến tranh: “Người tài xế xe Hồ dừng lại, chặn hai chiếc xe ngược chiều: “Có chi trên đó không?”. “Đánh lớn bên kia đèo”. “Còn không?”. “Hồi nãy về súng còn nổ dữ. Đường chân đèo bên này hư rồi” (…) Hành khách trong xe nhốn nháo, thi nhau quay sang xe bên kia hỏi (…) Người tài xế bên kia vọng sang: “Bà con chớ hãi. Mình là dân mà. Khách của tôi xuống đi bộ gần hết”. Người lơ xe nhìn ông già cười: “Năm mới quay về xui xẻo thấy cha”. “Không lộn lại, theo mấy người bộ hên sao chớ? Lấy giùm mấy cành mai trên nóc xe cho tôi sang xe”.

Và ông lão đã quay về, chấp nhận xui xẻo đầu năm. Chiến tranh thì làm sao hên được!

Đầu năm, kể lại những câu chuyện đón tết thời chiến tranh để hiểu thêm cái giá trị của hòa bình. Kể những chuyện đón tết thuở đói nghèo để hiểu thêm cái giá trị của cuộc sống no đủ hiện nay. Và nếu có ai chưa hài lòng với cái tết hôm nay thì hãy soi mình vào quá khứ dân tộc để phấn đấu cho những cái tết tốt đẹp hơn trong tương lai.

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm