April 25, 2024, 2:37 pm

Những “CÁI SAI” trong việc dạy và học môn Ngữ văn hiện nay

 

 Đối với nền văn hóa của bất kỳ dân tộc nào trên thế giới văn chương nghệ thuật cũng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng. Văn học là sản phẩm của trí tuệ, của tâm hồn, là loại văn hóa tinh thần – vật chất, mang tính nghệ thuật, sử dụng ngôn ngữ để phản ánh hiện thực cuộc sống. Vì thế, văn học chính là gương mặt tiêu biểu cho văn hóa tinh thần của mỗi một dân tộc, một quốc gia, vĩnh viễn không gì thay thế hay xóa nhòa được.

            Từ xưa, môn Ngữ văn trong nhà trường không còn là môn học ép buộc nữa. Ý thức được vai trò của văn học trong việc bồi dưỡng đạo đức, phản ánh quá trình phát triển của lịch sử, của đất nước, văn học lưu giữ những tinh hoa văn hóa tốt đẹp của dân tộc, “một thứ khí giới thanh cao” khiến lòng người thêm trong sáng hơn. Môn Ngữ văn trở thành môn học chính được ngành giáo dục chú trọng và nỗ lực thúc đẩy niềm say mê văn học của đông đảo học sinh.

ảnh minh hoạ

           Tuy nhiên, trong thời buổi hiện nay, một bộ phận thầy cô lẫn học sinh trong ngành giáo dục đã dần đánh mất “chất văn” vốn có trong quá trình dạy học và tiếp thu tinh hoa văn chương. “Cái sai” trong việc dạy và học môn Ngữ văn trước hết nằm ở khâu chuẩn bị bài vở trước khi lên lớp của giáo viên. Mỗi giờ lên lớp, giáo viên buộc phải soạn kĩ giáo án, tìm tòi kiến thức xoay quanh bài học để giờ dạy được hiệu quả. Ấy vậy mà có những thầy cô bao nhiêu năm trôi qua vẫn chỉ sử dụng một mẫu giáo án duy nhất, liệu chăng là thói lười biếng lẫn chủ quan? Những tác phẩm văn chương chân chính khi được tuyển chọn đưa vào chương trình học đều là những tác phẩm có ý nghĩa, có giá trị vượt thời gian, phản ánh hiện thực xã hội và con người, đồng thời thể hiện một tư tưởng đặc sắc, tiến bộ. Tuy nhiên, ở mỗi thời điểm, góc nhìn của người đọc đối với tác phẩm có sự thay đổi rõ rệt. Bởi thế, đâu thể đem cách tiếp cận văn học đã cũ kĩ, lỗi thời để dạy học sinh trong khi xã hội đang quay cuồng như vũ bão.

            Lười đọc tác phẩm cũng là vấn đề đáng nói của cả học sinh và giáo viên trong khi tiếp cận môn Ngữ văn. Thông thường, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh đọc tác phẩm ở nhà để khi đến lớp không phải mất quá nhiều thời gian cho việc đọc tác phẩm dài có khi lên tới mươi trang. Qúa trình đọc văn vốn có vai trò quan trọng, là ý niệm ban đầu của mỗi người khi tiếp xúc với tác phẩm. Vậy mà học sinh lười đọc đã đành, một bộ phận giáo viên Ngữ văn cũng có biểu hiện lười đọc tác phẩm. Rất nhiều tác phẩm văn học khi đưa vào chương trình học bị lược bỏ một số đoạn chứ không đưa vào nguyên văn. Tuy nhiên, muốn tiếp nhận tác phẩm ấy một cách khách quan và sâu sắc, cả giáo viên lẫn học sinh phải tìm đọc trọn vẹn tác phẩm từ nhiều nguồn khác nhau (sách, báo, internet,…). Trong thời đại mạng xã hội phát triển như ngày nay, đó không phải là một công việc hóc búa. Đọc trọn vẹn tác phẩm ta mới nắm được rõ ràng những chặng đường đời của nhân vật, tư tưởng của nhà văn, đôi khi mạnh dạn chỉ ra những mặt hạn chế của nhà văn trong quá trình thể hiện chủ đề, tư tưởng. Nhưng mấy ai làm được điều đó? Có mấy ai dạy và học Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài lại siêng năng tìm đọc cả tập Truyện Tây Bắc? Có mấy ai tìm hiểu Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng lại bỏ công ngồi đọc cả tiểu thuyết Số đỏ để nắm trọn vẹn cuộc đời Xuân Tóc Đỏ mà có cái nhìn công phu, khách quan. Nhiều thầy cô giáo chỉ đọc qua loa, hoặc đọc mấy bài bình luận về tác phẩm, những đoạn tóm tắt ngắn ngủn rồi lên lớp mà chế biến thêm rồi kể lại cho học sinh nghe trong tâm thế một – người – đã – đọc. Tìm hiểu phong trào Thơ mới (1932-1945), nhiều thầy cô vốn kiến thức không được sâu rộng chỉ nắm được “loe hoe” mấy tác giả trong chương trình Ngữ văn THCS, THPT, với mỗi tác giả thì người dạy chỉ biết được một vài bài thơ ít ỏi, đôi khi còn không thuộc trọn vẹn, bỏ lửng giữa chừng, thật đáng buồn!

            Làm sao chấp nhận được khi học xong chương trình Ngữ văn 12, học sinh chẳng thuộc nổi một đoạn thơ hay một bài thơ trọn vẹn. Đồng ý là đề thi của Bộ giáo dục trong những năm gần đây trích sẵn ngữ liệu đoạn văn, đoạn thơ, nên việc học dẫn chứng của học sinh sẽ nhẹ nhàng hẳn đi. Nhưng hãy nghĩ thử xem khi phân tích một tác phẩm văn học mà cứ lăm lăm nhìn vào sách giáo khoa, dò từng câu thơ, câu văn, từng con chữ… mạch cảm xúc bị đứt quãng thì bài văn làm sao “có hồn” cho được? Tôi không cổ xúy chuyện học thuộc lòng tác phẩm văn, thơ. Nhưng chúng ta cũng nên có thái độ tự nguyện tìm hiểu, gieo xúc cảm để văn thơ tự dưng đi vào lòng người. Bởi những tác phẩm được tuyển chọn có sức sống mãnh liệt với thời gian, hơn nửa thế kỷ vẫn giữ nguyên giá trị của nó.

            Chuyện dạy văn – học văn nếu kể ra thì có lẽ còn rất nhiều vấn đề xoay quanh khác. Văn học có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của một quốc gia. Hy vọng giáo viên lẫn học sinh khi tiếp cận môn Ngữ văn cần có thái độ nghiêm túc, tìm tòi, học hỏi và thay đổi chính mình. Hãy nhớ rằng: “mỗi sai lầm trong giáo dục sẽ ảnh hưởng đến cả một thế hệ mai sau, và sai lầm một li có thể đưa thế hệ ấy đi chệch cả hàng dặm sau này” (Lí Lan).

Nguồn Văn nghệ số 30/2019

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm