April 16, 2024, 8:04 pm

Những bước đi trước của vùng đất mới

Lịch sử miền Nam khởi đi từ thời điểm chúa Nguyễn Hoàng mang quân bản bộ vào trấn nhậm đất Thuận Hóa, thoát khỏi sự kềm tỏa của phủ chúa Trịnh, và ngày càng lớn mạnh để trở thành một đối trọng về chính trị, quân sự với chính quyền ngoài Bắc. Lịch sử ấy được đánh dấu bằng một quá trình liên tục mở rộng cương vực về phía Nam, liên tục thu nạp những dòng người từ đất cũ phía Bắc đổ vào cũng như những khối cư dân Minh hương từ Trung Quốc chạy loạn sang.

Những tên gọi như Đàng Trong hay Nam Hà đều là để chỉ vùng đất mới này, nó đang chuyển động, đầy phấn khích trong sự tìm kiếm và chinh phục để khẳng định mình. Tên gọi Nam Kỳ (có lẽ) chỉ xuất hiện từ khi thực dân Pháp thâu tóm hoàn toàn sáu tỉnh miền Nam, biến nơi đây thành thuộc địa, phân biệt nó với hai xứ bảo hộ và trực trị là Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Và chính từ đó, cuộc va chạm với phương Tây cũng đánh dấu thời điểm nước Việt Nam bắt đầu đi vào quỹ đạo hiện đại hóa, với miền Nam như một sự lựa chọn tiên khởi của lịch sử.

Về văn hóa xã hội, tiến trình hiện đại hóa của miền Nam diễn ra trên nhiều phương diện, trong đó, có thể quan sát được khá rõ là hai khu vực: tiểu thuyết và báo chí chính trị.

 

Tiểu thuyết Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản đã xuất bản tại Sài Gòn, cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam.

 

Theo cái nhìn về lịch sử văn học Việt Nam như một lịch sử gối tiếp của hai thời kỳ: thời trung đại với văn học bằng chữ Hán/ Nôm, thời hiện đại với văn học bằng chữ quốc ngữ, thì văn học hiện đại miền Nam, mà cụ thể là tiểu thuyết miền Nam, được bắt đầu từ rất sớm, và rất đột ngột. Trong một thời gian dài người ta vẫn coi Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách, xuất bản năm 1925 tại Hà Nội, là cuốn tiểu thuyết quốc ngữ đầu tiên. Nhưng sự thực thì trước đó gần bốn mươi năm, năm 1887, tiểu thuyết Truyện thầy Lazaro Phiền của Nguyễn Trọng Quản đã xuất bản tại Sài Gòn. Viết bằng một ngôn ngữ văn xuôi không hề bị ảnh hưởng của Hán văn, lấy đời sống đương đại làm đề tài, lấy tội lỗi và sự sám hối làm chủ đề, lấy con người tầm thường làm nhân vật chính, kể chuyện bằng ngôi thứ nhất với phối cảnh điểm nhìn đồng trần thuật, khai thác sâu đời sống tâm lý nhân vật… với bấy nhiêu đặc điểm đó và trong một bối cảnh văn chương còn đậm đặc tính trung đại, Truyện thầy Lazaro Phiền đã thể hiện tính hiện đại và sự thành thục kỳ lạ của nó. Tác phẩm này rất có thể đã được tán thưởng lúc nó xuất hiện, nhưng chắc chắn là trong bầu khí quyển văn hóa/ văn học của miền Nam cuối thế kỷ XIX và những năm đầu thế kỷ XX, theo logic của sự tiếp nhận, nó không đủ sức làm thay đổi “tầm đón đợi” của công chúng, không tạo nên được một sự khuấy động khiến đời sống sáng tác chuyển mình. Có nhà nghiên cứu đã nhận định về tác phẩm: “Đi qua đời sống văn học Việt Nam như một ngôi sao băng với nguồn ánh sáng lạ”, chính là để nói tới sự thực là phải gần bốn mươi năm sau, cuốn tiểu thuyết tâm lý ấy của văn học miền Nam mới được nối mạch bằng Tố Tâm của văn học miền Bắc. Trong suốt quãng thời gian đó, tiểu thuyết miền Nam vẫn tiếp tục vận hành trong/ theo những quy luật tất yếu và lạnh lùng. Ta có thể quan sát thấy ở đây, tuần tự, một vài diễn biến: trước hết, với văn tự mới là chữ quốc ngữ, các tác giả miền Nam  đã lặp lại mô hình của những thể loại thuộc văn học truyền thống, là truyện thơ Nôm và tiểu thuyết chương hồi. Các tác phẩm như Ai làm được của Hồ Biểu Chánh, Phan Yên ngoại sử tiết phụ gian truân của Trương Duy Toản, Hoàng Tố Oanh hàm oan của Trần Chánh Chiếu, Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu, Vợ chồng nghĩa bộc của Thái Hữu Khuê v.v… đều sử dụng kết cấu tiểu thuyết chương hồi và cốt truyện theo kiểu truyện Nôm, trên cơ sở vật liệu là những chi tiết của đời sống đương thời. Tiếp đến, khi quán tính của văn học truyền thống đã giảm, sẽ là việc các nhà văn tập dượt với tiểu thuyết hiện đại qua thao tác phóng tác cốt truyện của tiểu thuyết phương Tây. Tác giả tiêu biểu nhất về mặt này là Hồ Biểu Chánh, với hàng loạt tác phẩm như Ngọn cỏ gió đùa, Cay đắng mùi đời, Chúa tàu Kim Quy v.v… Sau cùng mới là giai đoạn - có thể tính gọn trong những năm 1920 - của những sáng tác tiểu thuyết thực sự “trưởng thành”. Ở giai đoạn này, bên cạnh những tác giả mà nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch gọi là “làn sóng thứ nhất” (đã kể trên), tiểu thuyết miền Nam xuất hiện thêm nhiều tên tuổi mới, tạo thành “làn sóng thứ hai” đầy khí thế: Phạm Minh Kiên, Tân Dân Tử, Nguyễn Thế Phương, Ngô Khuyến Sanh, Liên Chiếu, Phú Đức, Bửu Đình v.v… Chữ “khí thế” ở đây là hoàn toàn chính xác: theo thống kê của nhà nghiên cứu Cao Xuân Mỹ, trong những năm 1920, trên cả nước có 290 tác giả tiểu thuyết với 491 đầu tác phẩm, thì riêng miền Nam đã chiếm tới 318 tác phẩm chỉ với 150 tác giả. (Thậm chí có những tác giả viết rất khỏe, như Hồ Biểu Chánh chẳng hạn: trong vòng mười năm ông đã viết đến gần hai mươi đầu tác phẩm tiểu thuyết). Các tác giả miền Nam cũng thúc đẩy tiểu thuyết phát triển theo nhiều loại hình đa dạng: tiểu thuyết hiện thực xã hội, tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết trinh thám (Tiểu thuyết trinh thám, có lẽ, chính là một đặc sản của miền Nam giai đoạn này. Nó pha trộn yếu tố diễm tình, câu chuyện tội ác và nhân vật hiệp khách theo một công thức rất riêng, tạo được sức hấp dẫn đặc biệt với độc giả bình dân. Có những tác giả miền Nam chuyên về tiểu thuyết trinh thám, như Bửu Đình và Phú Đức). Có thể khẳng định mà không sợ bị rơi vào võ đoán: chính cái ngọn triều tiểu thuyết miền Nam ào ạt ở bước đầu hiện đại hóa đã góp phần đáng kể để những kỹ thuật tiểu thuyết được mài giũa, tinh luyện, tư duy tiểu thuyết được nảy nở, tạo tiền đề quan trọng cho những thành tựu tiếp theo của tiểu thuyết Việt Nam nói chung.

Gia Định báo do Trương Vĩnh Ký thành lập, tờ báo đầu tiên, bằng chữ quốc ngữ tại Việt Nam

Thế nhưng, tác động thực sự sâu và rộng đến đời sống xã hội và tiến trình hiện đại hóa của miền Nam cũng như Việt Nam nói chung, thì không phải tiểu thuyết, mà chính là báo chí, đặc biệt là báo chí chính trị. Công trình mới được dịch ra tiếng Việt và xuất bản gần đây của nhà sử học Philippe M.F. Peycam, Làng báo Sài Gòn 1916-1930 (Trần Đức Tài dịch, Nxb Trẻ, 2015), đã cung cấp khá nhiều thông tin và nhận định có ý nghĩa về lĩnh vực này. Như đã biết, báo chí xuất hiện ở miền Nam rất sớm: ngay từ năm 1865 tờ Gia Định báo, tờ báo đầu tiên, bằng chữ quốc ngữ, đã ra đời, rồi tiếp đến là các tờ Thông loại khóa trình, Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh tân văn v.v… Tuy nhiên, không kể Gia Định báo vốn là tờ công báo, do chính quyền thuộc địa phát hành, thì những tờ báo tiếng Việt còn lại ban đầu cũng chỉ là những kênh thông tin xã hội đơn thuần, chủ yếu dành cho việc đăng tải thông cáo của chính quyền, bàn bạc về làm ăn buôn bán, dạy dỗ đạo lý, mở mang kiến thức, đồng thời là những “lò luyện” của văn chương quốc ngữ đang hồi phôi thai. Phải chờ tới năm 1917, với sự ra đời của tờ báo tiếng Pháp La Tribune Indigene do Bùi Quang Chiêu và Nguyễn Phú Khai điều hành, thì báo chí mới thực sự là diễn đàn chính trị, là môi trường đấu tranh chính trị công khai giữa giới ký giả/ trí thức người Việt với chính quyền thuộc địa (Ở đây cũng cần phải tính tới một yếu tố khách quan: khác với Bắc và Trung Kỳ, Nam Kỳ là xứ thuộc địa nên đương nhiên cũng được hưởng quy chế tự do báo chí mà chính phủ Pháp đã ban hành năm 1881. Hơn nữa, khi Albert Sarraut làm Toàn quyền Đông Dương (1911-1913 và 1917-1919) đã tiến hành việc thực thi chính sách “Pháp – Việt đề huề”, trong đó nhấn mạnh đến sự nới rộng một số quyền lợi chính trị của người dân xứ thuộc địa, nhất là lớp người đặc tuyển. Điều này tạo thuận lợi không ít cho sự xuất hiện và lên tiếng của báo chí chính trị miền Nam). Tiếp sau La Tribune Indigene là các tờ báo tiếng Pháp khác: L’ Echo Annamite, La Cloche Felee, La Tribune Indochinoise, L’Annam v.v… Bên cạnh đó, tất nhiên phải kể đến các tờ báo quốc ngữ: Đuốc nhà Nam, Công luận báo, Nam Kỳ kinh tế báo, Tân thế kỷ, Đông Pháp thời báo, Thần chung, Phụ nữ tân văn v.v… Trong khoảng từ 1917 đến 1930, dù là báo tiếng Pháp hay báo quốc ngữ, có thể quan sát thấy ở báo chí chính trị miền Nam một chuyển biến rõ rệt: từ đối thoại tới thách thức chính quyền thuộc địa. Thoạt tiên là một thái độ đấu tranh khá ôn hòa, một sự tự định vị theo chính sách cai trị thuộc địa của các ký giả người Việt. Cái gọi là hoạt động chính trị lúc này chỉ là những đòi hỏi về sự bình đẳng quyền lợi chính trị cho người dân thuộc địa, ví như quyền bầu cử, quyền ứng cử vào Hội đồng quản hạt Nam Kỳ v.v... Hoặc ở mức cực hạn, là vạch mặt thói nhũng lạm hoặc sự khuất tất của những người cầm quyền cụ thể, là phản đối những sắc lệnh đi ngược với những mỹ từ và tinh thần luật pháp của nền Cộng hòa (Pháp). Nhưng tiếp đến, là thái độ chống đối mạnh mẽ, thậm chí quyết liệt, không chỉ ở những vụ việc cụ thể, mà còn nhằm ngay vào chính sự tồn tại của chế độ cai trị thực dân trên xứ Nam Kỳ và trên toàn lãnh thổ Việt Nam nói chung, nhằm ngay vào bản chất của nó. Về thái độ chống đối này, có thể kể đến những tờ báo: La Cloche Felee, L’Annam, Đông Pháp thời báo, Tân thế kỷ, Thần chung… và những ký giả lừng danh: Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Cao Văn Chánh… Họ đã biến tờ báo thành một diễn đàn vận động, huấn luyện chính trị cho quần chúng, thành nơi kêu gọi tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, thành một mặt trận công khai chống chế độ thực dân. Những bài học vỡ lòng về chủ nghĩa Marx, những tư tưởng cộng sản về đấu tranh giai cấp và đấu tranh giải phóng thuộc địa, thậm chí cả “Tuyên ngôn Cộng sản” và những bài báo của Lênin cũng lần đầu tiên xuất hiện ở đây, trên báo chí chính trị miền Nam trước năm 1930. Nếu chúng ta nhớ rằng phải sau năm 1930, tức là sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập mới có báo chí chính trị đối lập hoạt động công khai ở Bắc và Trung Kỳ, thì quả thực, miền Nam đã lại đi bước trước. Kết quả đấu tranh trên thực tế có thể chưa như mong đợi, nhưng tư cách ký giả dấn thân trong đấu tranh của những tên tuổi kể trên thực sự đã trở thành biểu tượng. Tìm hiểu tờ La Cloche Felee (Quả chuông rè), khó có thể quên được những dòng đầy khí phách của Nguyễn An Ninh: “Quả chuông rè này xứng đáng bị đập tan và tác giả của nó bị tống vào tù… Chúng tôi dửng dưng trước mọi đe dọa. Chúng tôi đã hy sinh mọi thứ trong quá khứ. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh mọi thứ cho tương lai”.

Miền Nam đi trước về sau”, câu hát quen thuộc này vốn dĩ để nói về miền Nam trong chiến tranh và trong các hoạt động có tính cách “quân sự”. Nhưng, như đã thấy, miền Nam cũng còn đi trước ở nhiều mặt hoạt động thuần túy “dân sự” như sáng tác tiểu thuyết và làm báo chí chính trị công khai. Trong bối cảnh của một đất nước Việt Nam đang bước đầu bứt khỏi quỹ đạo Đông Á để gia nhập vào tiến trình của thế giới hiện đại – cuối thế kỷ XIX và những thập niên đầu thế kỷ XX - sự “đi trước” của miền Nam là sự “đi trước” mang một ý nghĩa lịch sử to lớn.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2020


Có thể bạn quan tâm