April 24, 2024, 12:30 am

Những bước chân đời doanh nhân

 

Tầng lớp doanh nhân mới ở Việt Nam được hình thành trong chừng độ vài chục năm nay. Họ là những người đi tiên phong, làm nên những thay đổi lớn lao, đầy ấn tượng trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Bây giờ, đi đến các vùng miền, ta đều nhận thấy những công trình, những dáng vóc mới mẻ và đẹp đẽ gắn với tên tuổi doanh nhân cụ thể nào đó. Để ghi nhận và tôn vinh doanh nhân, Việt Nam đã có Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10. Ngày này được đặt ra từ năm 2004. Từ đó, hình ảnh người doanh nhân cũng sáng lên cùng với những con người đáng tôn vinh khác trong xã hội với những ngày “lễ nghề” như: Ngày Thầy thuốc, Ngày Nhà giáo, Ngày Thể thao, Ngày Báo chí…

Tôi chưa gặp được nhiều những doanh nhân có sự nghiệp ở Việt Nam thật sự cởi mở. Họ thường kín tiếng, ít khi nói, đặc biệt là viết về mình… Trong những dịp ngồi với các doanh nhân, khi hứng thú lên, tôi thường được nghe họ hát. Những khi ấy, thể nào cũng có bài Đời doanh nhân của nhạc sỹ Trần Tiến. Những câu hát trong bài hát ấy cứ ám ảnh tôi: “Một đời doanh nhân bước chân về muôn trùng/ Lạnh lùng hào hòa giấu đi niềm sâu kín”, rồi: “Một đời cười vui mỹ nhân bạn bè/ Đêm đêm bước về, bóng ta lại với ta”… Ôi chao, những bước chân của đời doanh nhân, khi bước tới muôn trùng hay lúc bước về “bóng ta lại với ta”, sao mà bí ẩn và đầy hấp dẫn, cứ gợi dẫn, thôi thúc tôi tìm hiểu và chia sẻ như vậy chứ!

Và rồi, trong tay tôi bây giờ là một cuốn sách dầy dặn của một doanh nhân. Cuốn sách mang tên Đường trần, tác giả John Nguyễn, là một doanh nhân đích thực, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành vào đầu năn 2022. Một cuốn sách tập hợp những ghi chép, chủ yếu là thể loại tản văn, rồi những suy ngẫm về thiền định và nhiều những dòng thơ.

Những tản văn, tôi đọc, nhận ra đấy là những bước chân của tác giả trên đường trần. Có những bước chân đi tới “muôn trùng” mà ta nhận ra những “niềm sâu kín”. Có những bước chân bước về trong “bóng ta lại với ta”. Trong bóng dáng một doanh nhân lạnh lùng, hào hoa ấy, ta được gặp những thổ lộ, những suy ngẫm trên đường. Những suy ngẫm chân thành, sâu sắc về cha mẹ, về anh em, về vợ, về bạn gái, về những đứa con, cả về những đồng nghiệp, đối tác, về người thân và kẻ sơ…. Những suy ngẫm về lẽ sống, ân tình, và những thúc ép trước ngổn ngang biết bao nhiêu hối thúc của công việc, đời sống… Có những bước chân rời cuộc vui, trở về với cô đơn, thanh vắng, lặng đi trước trang sách hay thả mình trong giai điệu âm nhạc vang lên làm bạn bầu…

“Cuộc đời là một hành trình, anh là người lữ khách, đường dài làm nhiều lúc anh mỏi mệt, chán chường, thất vọng, nhọc nhằn, buông thả, hoang mang”. “Giống như một nhà hóa học, anh phải học hỏi tìm ra công thức đúng, pha chế, kết hợp các yếu tố khác nhau, trong và ngoài, để tạo ta hợp chất anh mong muốn – sự thành công” (ĐẠO VÀ ĐỜI). Nhưng đến khi thành công rồi, tác giả John Nguyễn lại suy ngẫm: “Trăm năm trước ai lãnh đạo quốc gia, ai xây cơ đồ kia, ai mở cõi này, ai điều binh khiển tướng một thời oanh liệt? Thì nay ta đâu có biết hết. Vậy nói gì trăm năm sau ai nhắc đến ta, ngay người thân của ta ly tán về đâu, ai còn thắp hương trên bàn thờ ta nữa không, mộ ta có ai chăm sóc, dâng hoa dâng nước, hay là nấm mồ vô danh trong buổi loạn lạc. Mà kể cả nếu gặp thời thái bình thì cháu chắt ta còn ai nhớ đến cụ tổ nội năm bảy đời của chúng”, suy ngẫm thế là bắt đầu gặp vô thường, mà tự nhủ với mình: “Vậy thôi, đừng tham vọng, ước muốn quá nhiều. Làm trăm việc không bằng làm được vài việc thích. Biết ngàn vạn người không bằng thân tình với đôi ba người. Lo toan mưu tính bề bộn làm chi nữa” (GIÃI BÀY). Cái giây phút tự nhủ này chính là khoảnh khắc con người bươn trải đường trần ấy ngộ ra cái đạo sống của mình, lại thấy cuộc đời như chén rượu ngon: “Tiệc vui sẽ tàn. Hoa tươi rồi héo. Đâu có gì dài lâu, nên đừng níu kéo điều gì. Mọi sự đến đi vô thường như nước chảy. Vì biết không thể giữ nổi ước hẹn, thì cũng chớ nên thề nguyền. Dù theo năm tháng, tóc điểm bạc, ta vẫn có thể thưởng thức chén rượu ngon thấm đẫm những niềm vui và ưu tư của năm tháng đã qua” (RƯỢU NGON).

Tác giả John Nguyễn là người sống trải sâu sắc. Bước chân ông đã đặt đến rất nhiều các quốc gia, đã từng chứng kiến nhiều sự kiện, tận mắt với những hưng phế. Ông đã thấy bức tường Berlin sụp đổ, đã từng sải những bước chân trên núi Bhutan, đã đi khắp châu Âu, châu Mỹ… Ông lại là một người có sức đọc bền bỉ, đã thấm sâu nghĩa lý từ rất nhiều trang sách cổ kim, đông tây. Ông yêu âm nhạc, am hiểu thơ ca. Ông hiểu biết sâu sắc giáo lý đạo Phật và cả những tôn giáo khác nữa. Những điều này không phải rút ra từ tiểu sử, mà tôi nhận ra từ những tản văn ông viết trong tập sách này. John Nguyễn là một dạng người “sống hơn một đời người”. Ông ghi lại những tản văn như những bước chân của mình bằng con chữ bật ra từ tâm thức. Những con chữ không lấp lánh mà thân gần. Thân gần để chia sẻ với mọi người: “Và với rất nhiều người đã gặp, tình cờ đi qua ngang đời bạn, hãy chú tâm để mỗi lần gặp là một tiếp xúc sâu sắc trong sự tinh tế, nhẹ nhàng, coi như lần cuối gặp” (QUAN HỆ SÂU SẮC).

Tôi mới chỉ lẩy ra một vài ý tứ trong cả ngàn trang sách có tới 386 tiêu để, kể cả Phi lộVĩ thanh, được chia thành 6 chủ đề lớn: Độc hành, Dấn thân, Tìm kiếm, Suy tưởng, Vượt quaLãng du. Tôi tin là mỗi người sẽ có những cảm nhận cho riêng mình khi đọc từng tản văn rất thú vị của tác giả.

Một tầng nữa tiếp đến trong cuốn Đường trần này là những suy nghiệm về Phật pháp và những đoạn ghi chú về thiền định. Phần này lại cho người đọc những chiêm bái khác. Nhân vật tác giả John Nguyễn kia đang bước đi, nhiều khi hối hả khẩn trương lắm, mà lại đang rất thiền, rất tĩnh tại đấy. Phẩm chất thiền đạt tới ở đây là trạng thái tĩnh tâm nằm ở giữa những chuyển động, trồi sụt và cả những khi đối diện với tráo trở, quay quắt và thị phi trong đời sống và con đường dựng nghiệp. Thiền là một trạng thái mà con người phải có căn số và hành trình tu tập mới đạt tới. Vẻ đẹp của thiền định không phải ở chỗ trạng thái đạt tới mà nằm ở hành trình đạt tới trạng thái ấy. Với tầng mức này, trong Đường trần, John Nguyễn như mang đến cho người đọc những bài học để tự tạo lập lấy cân bằng trong tâm thế giữa cõi đời còn đầy hỗn mang này.

Có một đoạn tạp văn, tác giả John Nguyễn viết: “Cuộc sống có nhiều sắc thái, hình hài, như vở kịch nhiều lớp trong vai diễn... Thậm chí nhiều vở kịch diễn ra, đan chéo nhau. Một con người có nhiều vai trò, vị trí, diễn tấu”. “Bạn vẫn phải tìm ra một con người khác, con người đích thực của bạn, bên trong bạn, thế giới nội tâm của bạn”. “Bạn phải đi tìm ra con người đích thực bên trong bạn, và cũng là lúc bạn tìm ra con đường của bạn, nhận biết ý nghĩa đời bạn” (CON NGƯỜI BÊN TRONG). Đoạn này không phải là ghi chú về thiền định theo nghĩa truyền thống, nhưng nó lại tỏa sáng một tinh thần thiền định mới rất hiện đại để dẫn dắt con người tìm ra được sự tĩnh tâm mà vượt qua những xáo trộn, bươn trải mà đi đến cái đích đích thực của hành trình sống trải của con người.

Trong Đường trần còn có nhiều bài thơ. Những bài thơ, câu thơ giản dị như tác giả đang bày một một cuộc chơi chữ nghĩa và xúc cảm, rất nhẹ nhàng, để tâm tình với bạn bè, anh em, người thân… Bên cạnh những dòng văn đầy ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm, thì thơ ấy như những lời thủ thỉ ý vị, bổ sung, để vẽ nên tấm chân dung đa diện và đằm thắm của vị doanh nhân này.

Tôi không biết, cũng không quan tâm lắm việc doanh nhân John Nguyễn đã làm ra bao nhiêu tiền bạc và để lại những của cải gì cho đời, cho tổ chức mà ông tạo dựng nên. Nhưng tôi hết sức thú vị với cuốn sách Đường trần của ông để lại cho đời. Một cuốn sách thật dầy dặn mà nhẹ nhàng, giúp tôi hiểu sâu hơn về thế giới tinh thần của những doanh nhân đang lặn lội trên đường trần để tạo dựng nên những biến chuyển, đóng góp vào sự phát triển chung. Không những thế, nó còn giúp ích cho nhiều người đọc có thể rút ra những chiêm nghiệm có ích riêng trong hành trình sống của mình!

Đường trần trước khi in ra thành sách, đã gặp được nhiều đồng cảm của các “bạn đọc đặc biệt” khi họ tiếp cận với bản thảo. Một phần những đồng cảm ấy đã được chia sẻ khi in vào sách, qua lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều hay trích các ý kiến của các văn nhân như Phạm Xuân Nguyên, Hồng Thanh Quang… và cả một chuyên gia kinh tế rất nổi tiếng, là TS Lê Xuân Nghĩa.

Đọc Đường trần của Jhon Nguyễn là để hiểu thêm về thế giới tinh thần rất đa diện, phong phú, phức tạp của doanh nhân, nhưng cũng chính là để hiểu thêm về chính mình, mang thêm đến cho mình những chiêm nghiệm mà tiếp tục mạnh bước trên đường trần của mỗi chúng ta.

Nguồn Văn nghệ số 10/2022


Có thể bạn quan tâm