April 25, 2024, 11:48 pm

Những bức tranh thiếu nhi khiến người lớn phải suy nghĩ

Nếu cho trẻ một mảnh giấy trắng và cây bút màu, trẻ sẽ vẽ gì? Câu trả lời là: Cây xanh. Hơn ai hết, phụ huynh và giáo viên hiểu trẻ thích đề tài hội họa gì. Nhiều năm liền dạy Tiểu học, rồi Trung học cơ sở, tôi nhận ra rằng con nít rất thích thiên nhiên, môi trường: cây trái, hoa cỏ, chim thú và cả những dòng sông, con suối, đồi núi, thác nước gập ghềnh... Tại sao lại như thế? Bởi trong mắt chúng, bao giờ thiên nhiên cũng đẹp, hiền hòa, dễ chịu, dịu dàng. Thiên nhiên tạo nên một cảm giác thư thái, khoan khoái với đa sắc màu lấp lánh thu hút cặp mắt trẻ thơ.

Bằng chứng cho thấy, những lần được dẫn đi công viên, tham quan cây cảnh,... hầu hết tất cả trẻ em đều thích thú, bị mê hoặc đến quên lối về. Và đó cũng là những đề tài thú vị để những đứa trẻ có năng khiếu thi ca, hội họa sáng tác. Có lần tôi hỏi những học trò của mình, rằng: “Tại sao các con lại thích vẽ cây xanh?”. Không chần chừ, không suy nghĩ, chúng đều nhất trí rằng: vì thích. Có lẽ trí não non nớt của trẻ chưa giải thích được tại sao chúng thích, hoặc thích ở điểm nào. Đơn giản là thiên nhiên có sức quyến rũ với trẻ em đặc biệt hơn bất kỳ đề tài khác.

Tôi còn nhớ, cuối năm 2017, theo đề nghị của học sinh, trường có tổ chức cho học sinh khối Tiểu học, Trung học cơ sở và phụ huynh tham quan Đà Lạt nhân dịp Festival Hoa tại đây. Lần ấy, tại quảng trường Lâm Viên, người ta cho dựng những cây thông mô hình được làm từ những bức tranh của học sinh toàn tỉnh Lâm Đồng vẽ về thiên nhiên. Phải nói thật là mê ly. Những em học sinh trong đoàn tôi chăm chú xem và trầm trồ. Có những bức tranh được vẽ từ những bé chỉ mới 6,7 tuổi thôi, nhưng rất đẹp, ý nghĩa. Tất cả đều vẽ về thiên nhiên, cây xanh, hoa cỏ... Khi xem tỉ mỉ từng bức tranh, phụ huynh trong đoàn, thậm chí là nhiều đoàn khác, du khách đơn lẻ, cũng phải trầm trồ, thán phục khi thế hệ trụ cột, tương lai của địa phương, của đất nước, đã biết nghĩ cho môi trường sống. Việc dựng mô hình thế này vừa mang tính biểu trưng nghệ thuật, vừa khéo léo tuyên truyền bảo vệ môi trường đến mọi du khách. Lúc ấy tôi thấy có người đã thốt lên một câu, rằng: “Trẻ em còn biết bảo vệ môi trường, yêu quý thiên nhiên, vậy sao người lớn chúng ta lại ra tay tàn phá?...”. Nghe câu đó, tất cả những người lớn ở quanh đó, ai cũng lắc đầu lặng lẽ nhìn nhau…

Trong nhiều năm trở lại đây, thực tế đã cho thấy môi trường của nước ta bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng hơn. Những con sông, dòng kênh không còn trong xanh như trước nữa. Ngày trước ở quê, đám trẻ con chúng tôi còn dám lội xuống tắm, giờ thì đen ngòm, mùi xú uế bốc lên từ rác thật kinh khủng… Rừng bị tàn phá rất nhiều, cây con không kịp lớn cho lâm tặc đốn hạ. Nhìn những cánh rừng chảy máu mà đau lòng… Thiếu bóng dáng rừng đồng nghĩa với việc khă năng ngăn cản bão lũ, ngăn chặn xói mòn cũng bị hạn chế... Nhiều thú rừng quý hiếm bị săn bắt trái phép, giết vô tội vạ, khiến quần thể sinh vật bị đảo lộn, hệ thống lưới thức ăn bị phá vỡ.... Thiên nhiên đang ngày một nổi giận.

Trẻ con còn biết nghĩ cho đại cuộc thì mong rằng tự lương tâm người lớn của chúng cũng nên là công dân có trách nhiệm với thiên nhiên, với đất nước. Phải làm gương trước con trẻ, để mai sau, khi trẻ trưởng thành, sẽ duy trì nếp quen yêu thiên nhiên và bảo vệ môi trường đúng mực.

NGUYỄN THANH VŨ

20/130/1A Đường Bờ Bao Tân Thắng, P. Sơn Kỳ, Q. Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh

Nguồn Văn nghệ số 52/2020

 


Có thể bạn quan tâm