April 25, 2024, 2:11 am

Những bản nháp

Quang đang giải bài toán của đời mình. Đây là lần thứ mấy anh xé nháp? Chỉ biết không phải lần đầu. Anh có quá nhiều thứ phải nhận ra rằng mình đã có một phép tính sai. Trừ nhầm nụ cười dành cho sếp sáng nay, khiến ông đột nhiên bực bội và thêm vào bảng lương anh một dấu trừ. Cộng nhầm tiếng kêu cơm, thành ra anh phải ráng ngồi ăn cho hết hai dĩa cơm sườn y hệt vì tiếc tiền mà bà chủ thì nhất định không chịu cho hồi lại. Để cho chắc chắn, anh bắt đầu làm nháp. Sai thì xé nháp. Sai nữa lại xé. Để chuẩn bị cho một bản chính thật sẵn sàng và hoàn hảo.

 Quang muốn một đám cưới hoàn hảo. Với cô con gái trưởng phòng kinh doanh công ty anh. May mắn là cả hai cũng thương nhau. Vừa đẹp. Không phải cắn rứt khi có ai đó xầm xì anh ham cái ghế cao nên mon men làm rể nhà quan. Anh và cô ấy thương nhau, tình yêu sẽ đạp qua dư luận. San bằng hết gai góc mọc lên từ miệng lưỡi ghen ghét. Và trải nhựa, lót thảm đỏ phẳng phiu khi có sự hỗ trợ của đồng tiền.

Để chuẩn bị cho đám cưới trong mơ, Quang phải có một tình yêu trong mơ. Dĩ nhiên, anh phải nháp nhiều thứ. Như một nhà hùng biện, đêm nào anh cũng tập nói trước gương sao cho cuốn hút, để có thể dễ dàng tiếp chuyện với người yêu. Và mục đích chính là với cả ba của người yêu. Anh cũng thử biết bao bộ đồ để chọn ra bộ nào hợp đi ăn, đi xem phim, đi mua sắm, và đi gặp khách hàng tiềm năng với ba vợ tương lai. Với anh, những việc như thế là nháp.

 Quang bận rộn đến mức sở thích vẽ vời bị bắt đứng vô xếp hàng chờ tới lượt, sau ba vợ tương lai, vợ tương lai, công việc. Bản phác chì và màu nguệch ngoạc ngày một dày thêm, mà anh vẫn chưa bắt đầu nét thứ nhất của bức tranh mong muốn. Anh cầu toàn, muốn bức tranh phải thật đẹp. Vì anh vẽ cho chính anh. Để thỏa mãn bản thân, đôi khi đó là lý do khiến người ta tâm huyết nhất khi làm. Chắc sau đám cưới anh mới vẽ được. Sau một đám cưới hoàn hảo. Khi anh đã yên tâm.

*

Mọi thứ có vẻ đã ổn với những đường phác kĩ càng, cho tới khi Quang gặp lại Xuyến. Cô bạn thân hồi xưa lắc xưa lơ, thuở còn giận hờn lấy phấn kẽ bàn làm đôi giờ đột nhiên xuất hiện. Cô bạn mà hồi xưa anh thầm thương. Trong đám giấy tờ bừa bộn để ở góc phòng anh còn nguyên bài thơ viết tặng cô mà không dám đưa.

 Xuyến lên thành phố nộp đơn xin việc. Tình cờ gặp Quang, cô mừng lắm. Lạ nước lạ cái, có người quen chỉ đường cũng đỡ. Sẵn, cô gửi anh tờ thiệp mời đám cưới luôn. Cô mới lấy thiệp về, đem theo một mớ để sẵn nhớ ra ai ở thành phố thì ghi tên rồi tiện chạy đi gửi. Thấy anh thì mời anh.  Nhìn chữ Quang nắn nót những nét cong uốn lượn kiểu con gái, anh chợt hẫng người một chút. Như cảm giác con nhện bị rút tơ chứ không phải tự nhả. Lẹ dữ thần, đám học trò ngày xưa giờ sắp thành vợ thành chồng người ta hết rồi.

Nể tình bạn, Quang sẵn sàng giúp đỡ Xuyến khi cô loay hoay tìm công việc. Nể mối tình học trò chưa nói ngày nào, anh nhín chút thời gian cho cô. Anh hỏi thăm nhiều thứ. Về quê cũ, bạn cũ. Một vài thứ cũ. Xuyến vừa nhấm nháp ly hột é mủ gòn vừa chê dở hơn quán bà Hai Mập dưới mình, vừa từ tốn trả lời anh từng chút. Câu chuyện như những mắt xích, nối nhau dài ra. Anh thấy mình cũng thành một mắt xích. Chiếc ghế anh đang ngồi như biến mất, anh lọt xuống đại dương ngập những kí ức cũ bơi lội tựa bầy cá đủ màu. Hết chuyện, anh hỏi về chồng cô.

 Xuyến có vẻ ngại. Cô cúi xuống ly nước, tay khuấy muỗng vô thức. Tiếng kim loại va vô thủy tinh lanh canh như sắp vỡ. Nắng thì đã vỡ rồi, nhểu trên tóc Xuyến lốm đốm. Cô ngẩng lên nhìn anh, mím môi:

 - Em không biết nhiều về anh ấy. Mới gặp được một lần. Cưới theo ý ba má.

 Vậy là thêm một đám cưới không có tình yêu. Đám cưới bởi sự sắp đặt của người lớn, không phải sự rung động của tụi nhỏ. Không hiểu sao Quang thấy có chút vui. Một chút thôi. Anh cầm ly phê đá, uống ừng ực như dập cái sự vui đó xuống. Để có thể chép miệng, chia sẻ với Xuyến về hạnh phúc của đời mình mà không phải do mình quyết định.

 Xuyến có vẻ không buồn. Cô bình thản chấp nhận. Cô như con chim đã quen lồng, có bay đi ngủ một đêm trên đọt nhãn, bẹ dừa thì ngày mai cũng biết quay lại lồng. Nhất là khi chủ cái lồng đã già và thèm tiếng chim chiếp của chim non; khi đã ngán tiếng hót vui tươi của con chim đủ lông cánh. Hệt như hồi xưa cô chịu thôi học khi tương lai đang mở ra cánh cửa đầy ánh sáng, theo lời ba con gái học nhiều chỉ được cái cứng đầu.

 Hệt như khi Xuyến để thằng Hiền nắm đôi tay mảnh dẻ của mình, chỉ vì ba má cô ước giá được thằng đó làm rể.

 Quang thấy như vậy cũng tốt. Khỏi phải tốn công nháp trước. Người lớn đã dày công sắp xếp, cứ việc làm theo thôi, không sợ lạc. Lỡ có lạc cũng đã có lý do để lòng khỏi dằn vặt “tại mình”. Anh nhìn Xuyến, nửa như thương hại, nửa như chua xót. Giá ngày ấy anh ngỏ lời với cô, mọi chuyện sẽ thế nào?

 Xuyến ốm quá. Cổ tay mong manh như bông lúa, gió chút cũng đổ rạp. Những đường gân xanh lờ mờ vẽ trên da những loằn ngoằn cam chịu. Quang thấy thương vẻ mềm mỏng đó quá. Sao cô không khác đi chút nào mà vẫn y hệt ngày xưa. Để những kí ức cũ nhận ra tín hiệu quen, ùa về như lũ. Đê chắn vỡ rồi, anh thèm say. Anh tạm biệt Xuyến, hẹn khi khác dẫn cô đi nộp hồ sơ vào công ty người quen anh. Vừa kịp ba vợ gọi kêu đi nhậu để ký hợp đồng. Hợp đồng hay kí trên bàn nhậu, có khi nào vì khi đó người ta dễ tính? Cũng dễ quên.

*

 Bữa nay Quang sao mà dễ say. Uống chưa bằng một nửa mọi khi đã thấy ngà ngà. Chắc say từ trước. Cảm thấy sắp gục, anh xin về trước. Thà chịu cái nhìn cau có của ba vợ còn hơn để ruột gan mình phọt ra, theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

 Quang không nhớ anh đã về đến phòng như thế nào. Khi để thân thể rơi xuống giường, anh nghe tiếng chuông điện thoại. Số lạ. Anh bắt máy, lè nhè. Giọng cô gái bên kia có vẻ lo lắng khi đọc được sự bất ổn trong giọng anh. Anh ngẩn ra chút. À, số Xuyến. Lúc nãy vội quá chưa kịp lưu. Cũng không biết lưu tên gì cho mình dễ nhớ và cô vợ tương lai không ghen.

 Lát sau có tiếng gõ cửa. Quang mệt mỏi nhấc cơ thể nặng trịch dậy. Cố sắp xếp những cơ mặt vào vị trí sẵn sàng cho những biểu cảm cần có, anh lầm bầm rủa thầm ai tới lúc này trong khi tay mở cửa. Xuyến đứng đó. Lo âu nhìn anh. Cầm theo lỉnh kỉnh đồ. Hình như có cháo, và thuốc. Mùi ấm nồng bay lên làm anh ngây ngất. Hình như có cả mùi con gái, thoang thoảng thơm. Anh mệt nhoài quay vào trả cơ thể lại cho cái giường, sau khi hỏi Xuyến làm sao mà biết chỗ anh ở.

 - Lúc chiều anh có nói với em mà. Anh mau quên ghê.

 Vậy sao? Có lẽ Quang mau quên thật. Anh có quá nhiều thứ để nhớ. Những bản chính. Nên anh không thể kiểm soát hết sự sắp đặt mình tạo ra trong lúc nháp.

 Quang thấy chóng mặt quá. Đứng lên nằm xuống làm mọi thứ đảo lộn trong anh. Cơn say trào lên, vắt anh mềm nhũn. Xuyến đằng kia, lăng xăng kiếm tô đổ cháo ra. Mùi hành ngò và tiêu thơm quá. Giống cái mùi của má, mỗi khi bếp nhà đỏ lửa. Giống mùi bữa liên hoan cuối năm. Bao lâu rồi anh chưa ăn một bữa cơm đầy người thân thuộc? Thân thuộc, chứ không phải thân để xã giao. Hơi ấm theo mũi xoa xoa đầu cơn say đang cuộn tròn lại ngoan ngoãn như con chó con.

 Xuyến tới gần Quang. Có thứ gì ấm nóng đặt lên trán anh. Khăn. Cô lau mặt cho anh. Gần quá. Bộ ngực cô căng tròn, dù cô không hay, trong lúc rướn người chạm vào anh nóng rẫy. Và êm dịu. Anh thấy cơn say ngút lên. Anh nghe hơi thở của cô bò trên thịt da mình. Rần rần, như đàn kiến. Đầu óc anh mụ mẫm. Sợi tóc cô lòa xòa chạm mặt anh nhồn nhột. Anh đờ đẫn đưa tay gạt nó đi. Tay vô tình chạm vào người Xuyến. Có điện. Rung rung.

 Những xúc cảm bị nén bùng lên trào bọt như khi đám trẻ con bỏ viên kẹo mentos vào chai nước ngọt. Phựt lên hơn lửa, đốt cháy người. Tay siết bóng hình, ôm ấp. Những tiếng kêu khẽ. Va chạm. Riết rống. Ngây dại.

 Quang tưởng mình trẻ lại. Anh và Xuyến như đứng giữa sân trường đang mùa phượng đỏ. Anh đưa Xuyến bài thơ mình viết, mặt đỏ bừng:

 - Anh yêu Xuyến.

 Phượng ở đâu túa ra, đỏ rực. Đỏ cả mắt người. Đỏ da thịt. Đỏ cả không gian rưng rức.

*

 Xuyến về rồi. Sau khi Quang viết cho cô địa chỉ công ty người quen. Sau cái buổi hai người tần ngần ngồi cạnh nhau. Sau khi mặc quần áo. Sau khi chỉnh lại tóc tai và khẽ lau mồ hôi nhớp nháp không phải của riêng ai.

 Quang nhớ, lúc đó Xuyến thật khác lạ. Con chim đã thèm khát sổ lồng. Mắt cô ánh lên cái muốn mong, không còn cam chịu. Cái nhìn lần đầu tiên anh thấy. Cái nhìn cho anh.

 Xuyến ngồi yên. Hiền dịu. Trông chờ. Đôi mắt như đứa trẻ đợi quà. Đợi chứ không đòi. Cô ngồi như một ngọn rau, xanh thơ thẩn. Tự nhiên như thể chẳng cần gì. Nhưng ai biết được chỉ ngày mai thôi, đơm nụ. Ai biết được chỉ ngày mai thôi, gẫy ngang. Ai biết được chỉ ngày mai thôi, úa tàn. Xuyến ngồi như trăm năm ngưng tụ. Dáng gầy yếu sao mà thương.

 Quang thấy như đám giấy tờ góc phòng nhốn nháo. Ở đó, có bài thơ còn chưa gửi. Anh nghĩ nhiều. Anh nửa muốn cùng con chim sổ lồng về vùng trời mới. Bay có đôi. Anh đủ điều kiện để nhà Xuyến ưng bụng, dù sẽ bị đàm tiếu ít nhiều. Anh nửa dè dặt nghĩ về cái đám cưới hoàn hảo và chiếc ghế mới ở bậc thang công danh tiếp theo. Có cả tình cảm anh dành cho cô vợ chưa cưới nữa. Tất cả làm thành sợi dây căng ngang hai tòa nhà. Anh đang đứng ở trên đó. Lơ lửng, hụt chân là cầm chắc chết. Đi về phía nào? Đứng yên cũng chết.

 Quang thấy khó xử. Lúc này, anh muốn vẽ. Những cảm xúc lẫn lộn đòi tượng hình. Anh nhấc cơ thể còn choáng váng dậy, lấy giấy và cọ. Anh vẽ như thể lần cuối. Vẽ Xuyến. Những nét ray rứt. Mảng màu rứt từ da thịt, bầm lên. Xuyến dần hiện trên nền trắng ngà, cô độc và đẹp. Như đóa hoa dại, nở chẳng vì ai.

 Quang chấm nét cuối cùng mà như ngưng thở. Vệt màu lem ra chỗ vẽ tay Xuyến, tưởng như hình một cái còng. Anh tặng nó cho Xuyến, như thể tặng luôn những dư âm cũ xốn xang một thời. Tất cả chất trong đó. Giữ trong đó. Kèm câu “anh xin lỗi”. Xuyến cầm mà thấy nặng quá. Hai người chỉ nói với nhau một lời mà sao như đã nói trăm ngàn lời. Hai người ngồi kề nhau mà như ngồi giữa một bữa tiệc với đậm đặc những gương mặt. Bữa tiệc cưới với cô là cô dâu, anh là chú rể, nhưng họ không phải là cô dâu và chú rể của nhau. Họ thuộc về những ràng buộc vô hình khác.

 Xuyến đứng dậy, cầm bức tranh trân trọng, nói cảm ơn và từ giã. Quang cũng đứng dậy tiễn cô. Cả hai cử động sượng sùng như thể chỉ là hai con rối, bị vô số sợi dây giật. Bàn tay nào đã điều khiển, khiến mọi thứ cứng nhắc và lạnh lùng như vậy? Có khi là tay của một trong hai người.

 Xuyến về. Quang buông người xuống giường, trống rỗng. Anh thấy mình như quả bong bóng, nhìn căng tròn mà thật chất bên trong cũng chỉ là thứ không khí vốn đã thừa thãi bên ngoài. Có tất cả mà như không có gì cả. Anh và Xuyến có lẽ phải xem những gì đã có như tờ nháp, xé đôi.

 Xé luôn câu nói Xuyến gửi lại. Câu nói mà cậu thanh niên trong Quang đã mong chờ biết bao năm. Xuyến nói như thể nụ đã đủ ngày thì bung cánh, tự nhiên vô cùng. “Em cũng yêu Quang”.

 Vậy đó, một tờ nháp. Mà đôi khi, bản chính lại không thể vẽ lại những thứ trên bản nháp thể hiện. Dù là bản phác, nó cũng ghi dấu một thời gian duy nhất. Một kỉ niệm. Như bây giờ.

*

 Quang về quê, ghé qua chỗ Xuyến. Đám cưới cô qua rồi, anh không dự. Cô đã về nhà chồng, mở quán nước. Hôm đó, cô mang hồ sơ về quê luôn, không nộp nữa. Vừa hay hợp ý chồng, dễ quấn quít gần nhau.

 Quán nhỏ, chỉ có xe nước mía và vài cái bàn kê trước sân. Nhà hình như đang dọn dẹp, có chỗ còn trùm vải. Quang đậu xe, ngó vô kiếm Xuyến. Cô đang tính tiền hay lúi húi gì đó chỗ cái bàn học chắc là của đứa cháu.

 Quang kêu một ly nước mía. Anh biết Xuyến đã thấy anh. Cô không làm mà nhờ đứa cháu. Chắc cô sợ run tay, lỡ hậu đậu có gì thì khổ chồng mà mình cũng khó ăn nói. Thằng cháu vui vẻ mở nắp thùng lấy mía đã róc sẵn, bỏ vô máy ép, bật công tắc. Tiếng máy nghiến mía như nghiến luôn lòng, nghe xao xác. Thằng nhỏ rút mía ra, bỏ vô trái hạnh đã cắt sẵn bỏ hột, gấp lại ép lần hai. Thành ra lòng đau hai lần.

 Xuyến múc nước mía vô ly đá, cắm ống hút, bưng ra cho Quang. Cô kéo ghế ngồi xuống, rất thản nhiên. Như thể chẳng có chuyện gì cả.

 Quang không biết nói gì, miệng ngậm ống nhựa hút một hơi cho đỡ trống. Thằng nhỏ bỏ nhiều hạnh quá hay sao mà chua lè. Không chua ở đầu lưỡi, chua từ bụng thấm lên. Sao mà anh ghét cái bình thản của Xuyến. Cũng phải mà, cô đã vẽ xong bức tranh đời mình, cần chi nhớ những nét phác vụng về không màu.

 Xuyến tự rót cho mình ly nước trà loãng từ cái bình hay dùng cho khách uống thêm. Cô nhấp môi, cười tươi chúc mừng anh. Mừng anh tháng sau đám cưới, với con gái ông sếp lớn. Cô có đi ngang nhà anh, má anh níu cô lại khoe, như đã níu bất kì ai quen mặt bước qua. Bà đâu hay niềm vui xởi lởi của bà rắc muối vào những vết thương chưa lành miệng.

 Quang thấy giận ghê gớm. Anh nhai muốn nát cái ống hút. Vậy là Xuyến chấp nhận quên rồi. Cô không một mai lo nghĩ, một mai tránh né như anh. Cô bình thản để tất cả chảy qua, cuốn theo mình trôi. Cô quên nên mới tự nhiên chúc mừng anh như thế. Anh nghĩ, chắc tại vì lời yêu đó cũng chỉ là lời yêu nháp. Anh đã muốn xé bỏ, mà sao không nỡ. Anh nghĩ hoài về cánh chim đã ở yên trong lồng dù cửa lồng có mở. Anh nghĩ hoài. Nghĩ hoài. Nên anh về đây, dù không biết để làm gì nữa. Chắc để ngắm nhìn người cũ. Hoặc để xem người ta đã làm gì với bản nháp cả hai đã cùng nguệch ngoạc.

 Đã có lúc, như tia lửa xẹt lên không đủ lớn để sáng nhưng lại vừa hay đặt ngay dưới tim, Quang muốn mặc kệ tất cả. Bỏ hết những dự định, những kế hoạch. Bỏ luôn cả suy nghĩ về ngày mai, về thứ gì đó hoàn hảo. Anh sẽ thây kệ luôn cơn thịnh nộ của ba vợ tương lai. Anh sẽ chịu sự trách hờn của cô vợ tương lai. Chấp nhận tất cả, anh muốn một lần được đưa cánh chim bay đi. Anh muốn đập bẹp sự giam cầm, như thể nó đã giam cầm chính anh vậy. Là thương, hay là khó chịu, ai mà biết được.

 Thấy thái độ của anh, Xuyến làm như không thấy. Tự dưng, cô kêu thằng cháu đi đổ rác. Thằng nhỏ cũng ngoan, le te xách thùng xác mía khô kiệt đi. Cô kêu quày vô nhà, kêu lấy thùng giấy vụn chỗ cái bàn đổ luôn đi. Thằng nhỏ hỏi, ủa không để bán ve chai hả cô Xuyến. Xuyến cười, nói mấy cái đó người ta chê không mua đâu.

 Thằng nhỏ khệ nệ bưng thùng giấy ve chai chê ra. Quang bàng hoàng. Phía trên mặt, những mảnh giấy xé vụn có những đốm màu. Chỗ màu đỏ bầm lên như máu. Anh chết sững. Bức tranh anh tặng cô đã bị xé thành rác. Anh thấy mình cũng bị xé vụn, rời rạc. Những kí ức đang bị thằng nhỏ bưng đi bỏ, ngay trước mặt anh. Anh chỉ có thể ngồi im. Như đã từng ngồi im để nhiều thứ bay vuột khỏi tay, vì một ngày hoàn hảo. Bây giờ anh mới cảm thấy trong những bản nháp anh vứt đi có cả mất mát. Có cả những thứ không phải là phác thảo, mà đã là một tác phẩm nguyên vẹn, chỉ tại anh nhầm. Có cả một cánh chim trời không bay nữa.

 Quang đứng lên trả tiền nước. Xuyến từ chối, nói bạn cũ lâu lâu ghé chơi đãi một ly có sao. Anh gượng nói cảm ơn, cắm cúi đi lấy xe. Trước khi rời khỏi, anh bỏ lại một câu. Không biết Xuyến có nghe không, mà cô bình thản quá. Anh nói, em vô tâm vậy sao Xuyến?

*

 Quang đi rồi. Xuyến chà nụ cười xuống mặt đường, tắt ngúm. Chồng cô về tới, trách, bầu bì mà em cứ ra bán hoài, anh đã kêu để tụi nhỏ làm cho khỏe.

 Xuyến giật mình, hoảng hốt nhìn quanh, như sợ ai nghe thấy. Mà không, người ta đi rồi. Cô quay sang mồi lại nụ cười với chồng, nói em quen cực rồi. Loay hoay vậy mà vui. Ở không chán chết.

 Chồng Xuyến cũng cười. Hối cô dọn cơm. Trưa rồi, vậy mà cô đâu có hay. Đi ngang chỗ trùm vải, chồng quay qua hỏi, ủa bức tranh đẹp vậy sao tự nhiên che lại vậy em? Xuyến đáp nhẹ hững, nãy em kêu tụi nhỏ quét trần nhà, sợ bụi nên che. Chồng cô ừ ừ, huýt sáo bước vô phòng lấy đồ đi tắm, vô tâm không nhớ nhà mới quét váng nhện hôm qua. Vô tâm vậy cũng tốt, khỏi ai khó xử.

 Xuyến kéo miếng vải. Sự che đậy tuột xuống, để lộ một Xuyến đẹp cô độc trong tranh với cái còng ở tay. Mọi thứ vậy là xong, cô khỏi phải lo chuẩn bị sẵn bản sao để xé bỏ sọt rác mỗi ngày nữa. Cô xé, xé luôn lòng mình. Vừa để nhắc nhở bản thân vứt bỏ, vừa như muốn xé bỏ chiếc còng bằng màu vô ý. Dù vì đâu đi nữa, đó cũng chỉ là bản nháp thôi. Nhưng sẽ đủ để người ta an tâm mà bước tiếp.

 Xuyến tự dưng thấy vết mực nơi cổ tay chẳng qua chỉ là một thứ trang sức. Không còn cửa lồng, không còn song chắn, không còn thứ gì vây hãm nữa. Vì con chim đã cắt cánh cho người, đâu có màng bay. Được làm bản nháp cho hạnh phúc của người mình thương, với Xuyến đã là hạnh phúc.

Nguồn Văn nghệ số 37/2018


Có thể bạn quan tâm