April 25, 2024, 5:19 pm

Những ấn tượng về thiên nhiên và con người

 

Có bao nhiêu nhà thơ thì có bấy nhiêu cảm hứng sáng tạo, phong cách phản ánh. Trong thơ của Nguyễn Ngọc Tung qua tập thơ Góc ruộng Nhân gian người ta nhận thấy những hiện tượng kỳ vĩ của thiên nhiên và những con người sáng tạo ra tất cả những gì được gọi là văn hóa ở một vùng đất trung du Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc giàu truyền thống nông nghiệp và nghệ thuật truyền thống.

Thiên nhiên trong thơ Nguyễn Ngọc Tung thật giản dị và thân thương giữa cảnh quan sông nước quê hương với những nỗi niềm tâm sự của nhà thơ. Bài thơ mở đầu tập thơ là Về quê: Về quê mút mắt cánh đồng/gửi cái nắng lại sau thành phố/gặp dấu chân tươi bùn lấm cỏ, ngõ rơm nghèo chạnh nhớ mẹ cha- Hình tượng người cha, người mẹ trong thơ ông thật sâu đậm nhớ nhung, da diết. Đặc biệt hình tượng Người Mẹ thường xuất hiện nhièu nơi, nhiều lúc trong thơ ông. Cảnh quan trời, biển cũng được nhà thơ khắc họa bằng những câu thơ hào hoa, có sức ảnh hưởng người đọc. Con đê trước biển, Hồ Mây, Gặp em ở Vũng Tàu v.v... là những ví dụ: Hồ Mây hay chốn tiên bồng/ mây lồng đáy nước, nước lồng bóng mây/ tiên sa dạo gót trăng gầy/lòng chưa gặp, đã vơi đầy nhớ thương.

Hay: Vũng Tàu gặp em mùa trăng/một thoáng gần và xa nhau ngàn dặm/ con sóng đến, con sóng buồn thăm thẳm/ ngỡ trăng tròn, trăng lại khuyết miền nhau.

Là một kỹ sư xây dựng gắn với nghiệp thơ, Nguyễn Ngọc Tung được đi nhiều nơi, từng trải nghiệm, hoài niệm những vùng đất, con người, nhiều cảnh quan đẹp, hùng vĩ, những tấm lòng yêu thương, với những tâm sự chân thật bằng những khổ thơ trữ tình, lai láng, siêu thực, trực giác. Viết về thi hứng, thi tài của đại thi hào Nguyễn Du, ông có bài thơ ngắn Trước biển. Nói chuyện biển, cái hào phòng của biển mà nghĩ đến chuyện đời éo le, ngang trái của người đời (mà lại là gười đẹp, tài sắc vẹn toàn) như nhân vật chính trong Truyện Kiều là một thách thức văn bút của nhà thơ đời sau: Đời là bề khổ, tình là dây oan: Người với người bằng mặt, sao không bằng lòng?/ Đêm biển hát, hay biển khóc?/ Nguyễn Du khóc Kiều hơn 3000 câu lục bát/ Bao giờ đủ nước mắt kiếp người?

Thơ Nguyễn Ngọc Tung có đặc điểm là ngắn. Ngắn có cái lợi là dễ đọc, dễ thuộc, nhớ lâu. Người xưa nói: “Đoản thi tối hảo phá” (thơ ngắn có sức truyền cảm lớn). Trong tập Góc ruộng Nhân gian, chúng ta đọc những khổ thơ ngắn, kiệm lời, tự do, có vần, nhịp điệu trong Thu đi, Mắt thu, Chợ quê, Chị tôi, Con đê, Chiều chiều,... Đọc bài sau cùng, người đọc dễ liên tưởng ca khúc dân gian: Bèo dạt mây trôi: Chiều chiều chim thiên di/ đời người mây trôi nước chảy/ quặn lòng nhớ cha, héo lòng nhớ mẹ/tuổi thơ trần trụi ngõ lầy/ dòng sông, con đò, đìu hiu bến vắng/ nửa đời lội gió, lội nắng/ Câu hỏi đường về bao ngả?/ đến giờ tôi vẫn nợ em!

*

Thơ Nguyễn Ngọc Tung dễ đọc, dễ thuộc, dễ xúc động là nhờ cảm hứng phản xạ của nhà thơ gần gũi với ngôn ngữ ca dao, tục ngữ. Bài thơ Nhớ là ví dụ: Nhớ biển/ biển đã chia tay mùa đông/ Nhớ sông/ sông đã thay dòng, rẽ lối/ Nhớ núi, núi đã lùi vào trong mây/ Nhớ cây, cây đang rụng lá/ Nhớ phố, phố phai màu mái xưa/ Nhớ thu, thu đi không trở lại....

Một vài nhà nghiên cứu văn học dân gian thường cho rằng, thơ hay hiện đại là nhờ các nhà thơ ảnh hưởng ca dao, tục ngữ, phong dao về mặt thi pháp trữ tình, về ngôn ngữ phóng dụ (nói bóng, ám chỉ) để lại những câu ca dao nhớ đời… Trở lại với Góc ruộng Nhân gian, chúng ta đọc những bài thơ: Cái kim, Tâm - Đức, Thương nhớ Dã Quỳ, Nhớ Phan Rang,... là những bài hay, ở đây tác giả đã mượn các tiểu tiết để nói cái lớn lao, mượn cái thường nhật để diễn tả cái cao thượng của con người: Thôi anh về, em ở lại Phan Rang/ vắng con mưa cho mùa muối trắng/ mắm thơm ngậy, tay em rót nắng/ vương mãi chiều anh đến phương Nam/ anh mang về nắng gió Phan Rang...

Có một nhà triết học cổ điển nói: Thiên nhiên, năm tháng con người là ba bậc thầy của nhân loại. Ngày nay, khoa học, lịch sử đã gắn kết thiên nhiên với con người bằng thuật ngữ: Thiên - Nhân hợp nhất. Đó là sự thống nhất hài hòa giữa trời và người, giữa tự nhiên và xã hội. Cha ông ta thường nói về kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp: Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa, chỉ là khát vọng là triết lý của một nước thuần nông, ngày nay đang trên đà công nghiệp hòa, hiện đại hóa, công nghệ thông tin, đang và sẽ là những đề tài cho nghệ thuật, cho thơ ca. Làm thơ là sáng tạo, khi làm thơ nhà thờ khó phân biệt đâu là trí tuệ, đâu là cảm xúc, đâu là hữu lý, đâu là phi lý tượng trưng cho cái mới, lạ, tình cảm nhà thơ thăng hoa, nặng tương – tinh – khí - thần của bài thơ tỏa sáng, có ích cho đời.

Nguồn Văn nghệ số 14/2021


Có thể bạn quan tâm