April 19, 2024, 5:25 am

Như thể “vịn câu thơ mà đứng dậy”…

 

 

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 65 NĂM HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM 

Đã có rất nhiều các nhà nghiên cứu, nhà hoạt động chính trị, xã hội và những người cầm bút viết rất nhiều, rất hay về nghề cầm bút và trách nhiệm xã hội của nhà văn. Và sẽ còn rất nhiều công trình nghiên cứu về công việc nặng nhọc này khi con người vẫn còn tồn tại với những quan niệm khác nhau, thậm chí trái chiều về vai trò của nhà văn không chỉ vào thời họ sống mà còn ở cả các đời sau. Đó cũng là điều hiển nhiên khi mà mỗi xã hội lựa chọn những góc nhìn khác nhau về nhà văn và công việc của họ.

Tuy vậy vẫn có không ít điều giống nhau vượt ra ngoài giới hạn của thời đại, quan điểm xã hội… Bởi vì, suy từ bản chất, thì văn chương là khuôn mặt tinh thần của con người mà ở thời nào cũng cần phải giúp con người vươn tới sự hoàn thiện cá nhân, hướng tới một xã hội tiến bộ và văn minh. Vì vậy nhà văn phải là người chịu trách nhiệm trước xã hội về tất cả những gì viết ra bởi sản phẩm của họ là loại hàng hóa đặc biệt, có tính xã hội rất cao và gây ra những tác động xã hội vào loại mạnh mẽ nhất.

1. 
Vào thời mà quan niệm về văn nghệ chưa phát triển và phân tách ra thành những loại hình chuyên biệt như bây giờ, khi mà mọi thứ viết ra đều được coi như có phần của văn chương, có tính văn chương… thì người xưa đã coi văn chương như một loại tri thức tổng hợp, có thể dạy cho người ta sống để “cúi không thẹn đất, ngẩng không thẹn trời”. 
Các nhà nghiên cứu về tư tưởng văn nghệ kinh điển đã cắt nghĩa, biện luận, chứng minh… về điều vừa nêu trên rất nhiều, có những cách giải thích khác nhau, nhưng đều có điểm chung là văn nghệ chính thống giúp cho cả xã hội chứ không riêng loại người nào, từ vua chúa đến thứ dân biết sống và hành xử phù hợp với thân phận của họ. Đồng thời người cầm bút chân chính luôn có một thân phận đặc biệt dù không được ai giao nhưng họ luôn nhận lấy trọng trách đi trước mở đường, xé rào, vượt thoát… khỏi những ràng buộc của thời đại mình để kêu gọi, thúc giục xã hội tiến về phía trước, bất chấp những ngăn trở của cả giới cầm quyền và đồng loại. Nói một cách ngắn gọn thì vai trò “giáo hóa” của văn nghệ là điều không cần bàn cãi. Và người đọc chẳng khó khăn gì khi nhận thấy trong tác phẩm của họ diện mạo tinh thần của thời họ sống, những tư tưởng của họ. Chả thế mà A.Puskin đã ngạo nghễ tuyên bố dựng một đài kỷ niệm cho riêng mình bằng cuộc đời và những tác phẩm của chính ông vì “trong thuở bạo tàn ta đã ca ngợi tự do và gợi từ tâm với những kẻ sa cơ”, không kể nhọc nhằn, không màng danh vọng, không vướng bận vì những khen chê của người đời.
2.
Trong một thời gian khá dài, ở nước ta câu chuyện về trách nhiệm xã hội của người cầm bút được bàn đến nhiều đến mức các công trình nghiên cứu về vấn đề này còn dài hơn nhiều lần cổ nhân và những nhà hoạt động chính trị, xã hội, nghệ thuật thời hiện đại bàn về nó. Những nội dung quan trọng nhất trong hệ vấn đề này là nhà văn (nghệ sĩ nói chung cũng vậy) có trách nhiệm xã hội gì?, họ thực hiện điều đó theo cơ chế nào (tự giác hay có những chế tài ràng buộc) và người đọc đánh giá về trách nhiệm xã hội của họ ra sao? 
Tất cả những vấn đề trên đây được lý giải rất cao siêu, sâu sắc, thực chứng, được nhấn mạnh theo từng yêu cầu ở những thời điểm khác nhau và từ tư tưởng này đã “đẻ ra” nhiều vấn đề khác liên quan đến lao động nghề nghiệp của họ, thậm chí cả vấn đề về phương thức thể hiện. Dường như có thời kỳ nội hàm trách nhiệm xã hội của nhà văn được đóng khung trong những giới hạn tư tưởng xã hội, chính trị, đạo đức… phù hợp với yêu cầu của thể chế và họ đã thực hiện nghĩa vụ công dân của người người cầm bút một cách tự nguyện, hăng say. Thực ra lúc đó cũng có người cho rằng quan niệm đó có phần đơn giản, cứng nhắc nhưng do hoàn cảnh thực tiễn lúc đó chưa thể nói ra, sau này trong các trao đổi hay di cảo của mình, những ý nghĩ ấy mới được thể hiện ra nhưng dường như những tư tưởng này lạc điệu với tiếng nói của số đông. Trách nhiệm chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ giống người đi tiên phong, là kỹ sư tâm hồn không thuần túy là những danh xưng nghiêng về ý nghĩa tôn vinh mà trên thực tế, họ được giao những chức năng xã hội khi mang trên mình danh hiệu nghệ sỹ. 
3. 
Câu hỏi về trách nhiệm xã hội của người cầm bút tuy đã “cũ”, nhưng vẫn cần nhắc lại là vì vẫn có một số người ngộ nhận khi gán tinh thần chiến sĩ, đề cao ý thức công dân chỉ có trong văn nghệ vô sản. Nếu xem xét khái niệm nhà văn chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ như phẩm chất của những người đi tiên phong đấu tranh chống lại cường quyền, bạo lực, cái ác, cổ súy cho cái mới vì sự hoàn thiện nhân cách con người, để xã hội giữa người với người tốt đẹp hơn… thì ở bất cứ nhà văn nào cũng có phẩm chất chiến sỹ. Bằng Việt viết về bốn tiếng đập cửa của số phận trong nhạc của L. Beethoven không thuần túy là âm nhạc. Nó là lời kêu gọi chiến đấu chống cường quyền, bạo lực, là khao khát của tình yêu con người. Các nhà nghiên cứu âm nhạc cũng cho rằng âm nhạc của L. Beethoven cũng là những đột phá đã phá vỡ giới hạn của âm nhạc cổ điển để bước sang thời kỳ âm nhạc lãng mạn. Như vậy cả về phương diện chuyên môn và tư tưởng, nhà soạn nhạc người Đức đều đã thể hiện tinh thần chiến sĩ. 
Trên thực tế, rất khó phân tách ra như trên, nhưng ở đây tạm chia ra như thế để nói về một hiện tượng cho cụ thể hơn thôi. Cũng như vậy W.Shakespeare mang đầy đủ phẩm chất của người chiến sĩ ở thời kỳ Phục hưng, thời đại có “những người khổng lồ dùng đầu để đứng”, đã viết ra những tác phẩm “làm quằn quại cả một thời đại” (F.Ăng ghen). Ông viết cả hài kịch vui vẻ, cả bi kịch anh hùng và ở thể loại nào ông cũng như người đi tiên phong về hướng đề cao con người. Ngay ở thời kỳ giai cấp tư sản đang lên, mang theo nhiều tư tưởng tiến bộ chống lại xã hội Trung cổ, nhưng ông đã sớm nhận ra những tội ác của nó và dự báo cho nhân loại: chủ nghĩa cá nhân cực đoan như là một sản phẩm của chủ nghĩa tư bản sẽ hủy hoại xã hội, tàn phá mọi quan hệ xã hội và gia đình, làm lụi tàn những khát vọng đẹp đẽ của con người. Ông mượn những câu chuyện cổ, những sự kiện lịch sử nhưng thổi vào đó tinh thần của thời đại và những dự báo của mình về con người, xã hội và nỗi khắc khoải về nhân tính bị hủy hoại, cái xấu, cái ác không được chế ngự sẽ tiêu diệt tất cả. Ông đi tiên phong so với thời đại mình như một nhà tư tưởng. Thậm chí câu hỏi Sống hay chỉ tồn tại? đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Ít ai phê phán cái xấu, cái ác ở tầm cao và chiều sâu cuộc sống được như ông. Và cũng ít người thể hiện khát vọng vì con người có sức sống lâu bền như tác phẩm của ông. 
Còn nhiều ví dụ nữa để khẳng định mệnh đề nhà văn chiến sĩ là không có gì đáng phê phán cả. Cái đáng phê phán là ở chỗ họ đã không làm tròn trách nhiệm xã hội ấy, hoặc khi họ làm vai trò chiến sĩ thì lại không còn là nhà văn nữa. Lỗi này ở họ chứ không nằm ở danh hiệu!
4. 
Nhiều thế hệ các văn nghệ sĩ Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay đã thấm đẫm tinh thần chiến sĩ từ trước khi họ được giao nhiệm vụ là chiến sĩ trên mặt trận văn nghệ. Không ở lĩnh vực tư tưởng thì lĩnh vực nghệ thuật hoặc cả hai. Các nhà văn thuộc xu hướng lãng mạn giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX hay nhóm Tự lực văn đoàn cũng là những người đi đầu trong việc đổi mới sứ mệnh của văn chương đối với đời sống xã hội, trong việc đưa văn nghệ nước nhà vượt thoát khỏi những ràng buộc của quan niệm văn học cũ, trong quá trình hiện đại hóa văn nghệ nước nhà… Vậy những người chủ xướng và thực hiện điều đó không được gọi là những người đi tiên phong dám đi trước thời đại sao? Các nhà văn hiện thực đề cao trách nhiệm nói sự thật, “chỉ có sự thật” để “phụng sự xã hội” không phải là những người đi đầu trong việc kéo văn nghệ sát với những vấn đề của đời sống hay sao? Mà nội dung của những điều đó là gì, họ đứng về phía nào, tự bản thân tác phẩm và thái độ xã hội của họ không cần đến bất cứ sự tuyên truyền thêm thắt nào. 
Năm 1942, ông Trường Chinh với vai trò Tổng Bí thư của Đảng đã xác định trách nhiệm xã hội cho nhà thơ phải là hồn cao khiết/ Chí kiên cường và sứ mệnh cao siêu/ Ca tự do, tiến bộ với tình yêu/ Yêu nhân loại, hòa bình và công lý… mỗi vần thơ: bom đạn phá cường quyền... Trách nhiệm ấy cũng không khác với yêu cầu vai trò chiến sỹ ở những văn nghệ sỹ chân chính. Chỉ có điều ông nói trực tiếp ra yêu cầu đó, nhấn mạnh hơn nghĩa vụ của họ trước xã hội và coi đó là thái độ tiến bộ nhất. Từ thời điểm này, dường như trách nhiệm xã hội của văn nghệ sỹ với vận mệnh dân tộc được đặt ra trực tiếp và với yêu cầu cao hơn, mang tính bắt buộc hơn. Nó như đòi hỏi của thời đại và những nhiệm vụ gắn với cuộc đấu tranh giải phóng đất nước suốt gần nửa thế kỷ. Ở đây có cả yêu cầu của tổ chức và sự tự nguyện của người cầm bút bởi họ thấy trong những yêu cầu đó có nhu cầu của mỗi cá nhân. Xét về phương diện nào cũng thấy điều ấy không phải là “khoác vào cổ nghệ sỹ cái trách nhiệm to tướng khiến họ loay hoay trong sứ mệnh ảo”, làm họ chỉ còn biết “viết theo mệnh lệnh” như một số người đã nói(!)
Có một thực tế không thể phủ nhận là ngay sau cuộc cách mạng giành độc lập cho nước nhà năm 1945, gần như tuyệt đại bộ phận các văn nghệ sỹ của đất nước đã về “đứng dưới lá cờ nghĩa của cách mạng” (Nguyễn Tuân). Họ nhìn thấy cuộc cách mạng ấy là một cơ hội để ngòi bút của họ được thỏa sức tung hoành trong bầu không khí mới cho dù lựa chọn “dấn thân” này buộc họ phải từ bỏ không ít điều trước đó được cho rằng bất di bất dịch, là một phần máu thịt của họ. Lần đầu tiên trong đời họ phải nhìn lại mình, nhìn lại công việc họ đang làm, tìm kiếm ý nghĩa của việc làm xưa nay vốn được cho là lãnh địa riêng bất khả xâm phạm và thấy rằng cần phải thay đổi. Một cuộc nhận đường mới bắt đầu từ ý thức, tình cảm, cách tiếp cận đời sống, cách viết thực sự bắt đầu. Có cả đổ vỡ, mất mát, cả những dằn vặt, lưỡng lự và cũng có cả sự từ bỏ lựa chọn ban đầu. Đó cũng là một thực tế và cũng là chuyện bình thường mà bây giờ nhìn lại những hiện tượng ấy, thời kỳ ấy, chúng ta có cách đánh giá khách quan hơn. Ở đây có cả sự không hòa hợp được với những cái mới, sự không chấp nhận những cái khác lẫn sự từ bỏ lựa chọn mới… Tất cả đều bộc lộ thái độ xã hội của người cầm bút ở những tầng bậc khác nhau. Phần lớn nghệ sỹ đều thừa nhận cần có một đôi mắt khác để hiểu cuộc sống nhưng quan trọng hơn là phải có tấm lòng. Không phải ngẫu nhiên mà Nam Cao tự nhủ “sống đã rồi hãy viết” và Nguyễn Tuân đòi “đem những đứa con tinh thần” trước đó của mình “tàn sát” cả đi để đến với những cái mới. Ở người này là sự đổi thay, ở người khác là sự đoạn tuyệt rồi sau đó lại có sự trở về mang tính điều chỉnh. Cũng có người không viết được về cuộc sống và con người mới hoặc viết rất nhợt nhạt, bởi những hiểu biết và tình yêu mới ở họ chưa đủ sức để hoài thai những điều lớn lao. Đó cũng là một thực tế phải ghi nhận.
Rồi qua giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội và cuộc chiến tranh giải phóng, một thế hệ văn nghệ sỹ đã xác định được chỗ đứng của mình ở tuyến đầu của cuộc đấu tranh này. Những vấn đề nảy sinh thời kỳ Nhân văn Giai phẩm bên cạnh nhiều vấn đề khác cũng có những tranh cãi về trách nhiệm xã hội của nhà văn. Nhìn lại những tranh luận thời kỳ này, bên cạnh nhiều ý kiến đúng đắn cũng có cả những sai lầm khi thổi phồng trách nhiệm công dân, trách nhiệm xã hội của nghệ sỹ, nhưng lại hạ thấp vai trò chủ thể cá tính sáng tạo của họ. Cả hai cách này đều sai về nhận thức khoa học chứ không phải do bản thân vấn đề ấy có những nội dung không khoa học. 
Không phải ngẫu nhiên Đảng đánh giá nền văn nghệ cách mạng là một trong những “nền văn nghệ tiên phong chống chủ nghĩa đế quốc” vì các nghệ sỹ đã xác định vị trí “cùng xương cùng thịt với nhân dân của tôi” (Xuân Diệu), “bay theo đường dân tộc đang bay” (Chế Lan Viên). Đến thời Đổi Mới, văn chương đã góp nhiều tiếng nói mang tính dự báo, phản tỉnh, nhận thức lại nhiều vấn đề của đời sống xã hội, trong đó hai vấn đề lớn nhất là hệ giá trị xã hội và con người bản thể; đồng thời cũng góp phần nhận thức lại nhiều vấn đề của đời sống xã hội. Một lần nữa văn nghệ lại tham gia tích cực vào vai trò đi trước, mở đường; nghệ sỹ lại làm một cuộc dấn thân mới để góp vào những thành tựu của Đổi Mới được đánh giá là một “thành tựu mang tính lịch sử”. Đảng, Nhà nước đã ghi công trạng cho văn học giai đoạn Đổi Mới và nếu nói theo cách của văn chương thì văn học trước và trong thời kỳ Đổi Mới giữ vai trò đi trước, tìm đường, gợi mở rất nhiều vấn đề, tạo ra những tiền đề để cả nước dần trở lại nhịp sống bình thường sau chiến tranh, vượt qua những khủng hoảng của những năm 80 của thế kỷ trước. Đó cũng là một sự thực và là bài học lịch sử cần ghi nhận.
5.
Trong khoảng hai thập niên gần đây, văn nghệ đã góp phần mở rộng đời sống dân chủ xã hội, nhưng cũng ít nhiều nhạt nhòa trách nhiệm xã hội. Có nhà văn tuyên bố thoát ly khỏi những ràng buộc về trách nhiệm xã hội, chính trị… mà chỉ còn viết theo nhu cầu của cá nhân, là sản phẩm của cá nhân, không gắn với với trách nhiệm xã hội. Nói như thế là không đúng với bản chất của nghề viết, với quan hệ máu thịt giữa văn nghệ với đời sống, giữa nhà văn với cộng đồng. Không có bất kỳ vấn đề nào của đời sống và văn chương lại có thể tách khỏi những liên hệ với chính trị. Thái độ ứng xử của phương Tây xung quanh những vấn đề dân tộc, con người và văn hóa của nước Nga vì cuộc xung đột Nga-Ucraina hiện nay càng khẳng định điều đó. Do vậy vấn đề trách nhiệm xã hội của văn nghệ sỹ lại càng cần được đề cao bởi tiếng nói của văn nghệ góp phần điều tiết, cân bằng tâm thế xã hội. Đó là một phần của hiện thực không thể nói khác! 
Trở lại với vấn đề của chúng ta: có thể nói văn nghệ hiện nay đã gần đời sống hơn ở tinh thần dân chủ, đã phá bỏ mọi điều cấm kỵ, đã đổi mới phương thức thể hiện, đã có nhiều thành tựu hơn trong tìm tòi thể nghiệm bút pháp… nhưng lại thiếu tầm tư tưởng, không rõ trách nhiệm xã hội của người viết, thiên về xu hướng giải trí. Xu hướng này không tạo những tiền đề cho xuất hiện những nhà văn lớn, có tác phẩm đỉnh cao. Đặc biệt, văn nghệ hiện nay thiếu nhân vật thời đại, gần như vắng bóng những nhân vật có tầm vóc tư tưởng và vẻ đẹp nhân cách có khả năng xốc cả xã hội dậy đi theo mình hướng về phía trước như văn học trong thời kỳ chiến tranh. Ở đây có cả nguyên nhân là xã hội cũng vắng bóng những nhân vật của thời đại mình, nhưng có một thực tế là văn nghệ sỹ cũng chưa ý thức đầy đủ về điều này, chưa có tâm thế đứng ở những vị trí hàng đầu để sống và viết vì những vấn đề nóng bỏng của đời sống. 
Các nhà văn lớn dù viết về những điều tồi tệ, xấu xa, ác độc nhất thì trang viết của họ vẫn ánh lên những tia sáng của lương tri, những khát vọng tư tưởng, nhân sinh mang tầm vóc nhân loại. Còn các nhà văn của chúng ta hiện nay vẫn mới chỉ dừng lại ở tầm mô phỏng, kể lại, diễn giải vấn đề của đời sống mà chưa vươn tới tầm tư tưởng lớn, sâu sắc, mang ý nghĩa phổ quát. Thêm nữa, các cơ quan quản lý, cơ quan tuyên truyền ở ta vài chục năm gần đây nói nhiều, làm nhiều việc để nâng cao nhận thức về trách nhiệm xã hội của nghệ sỹ, nhưng lại ít hiệu quả, thậm chí có giai đoạn còn chưa chú ý đúng mức tới vấn đề này. Trong tổ chức thực hiện thường nói những điều to tát nhưng lại thiếu một kế hoạch và hành động hiệu quả để bồi đắp điều đó, làm cho nó thấm vào tư tưởng và tình cảm của người cầm bút, biến thành nhu cầu tự thân ở họ. 
Xã hội luôn cần ở nhà văn tinh thần dấn thân, mở đường, dự báo… chứ không chỉ cần văn nghệ ở tầm giải trí, dù giải trí cũng cần thiết. Nhưng văn chương giải trí chỉ có thể đem lại những niềm vui chốc lát chứ không thể nâng con người dậy, thúc đẩy họ vươn tới những điều lớn lao, tốt đẹp, hạnh phúc… như cách nói của một nhà thơ là “vịn câu thơ mà đứng dậy” (Phùng Quán). Một đời sống xã hội lành mạnh rất cần đến thái độ tích cực của những người cầm bút, ở cả tài năng và trách nhiệm công dân của họ.

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022


Có thể bạn quan tâm