April 25, 2024, 10:01 pm

Như một “Cơn đau đẻ kéo dài”*

Trong lịch sử của bất cứ dân tộc nào, mỗi cuộc cách mạng vẫn luôn tồn tại hai mặt được và mất. Cũng như trong bất cứ thể chế chính trị nào, cũng có cái ưu việt và những điều chưa được. Đó chính là quá trình hoàn thiện theo quy luật xã hội. Và, trong quá trình tiến hành các cuộc cách mạng để đi lên của nước ta cũng có chung quy luật ấy. Chính vì thế, trong quá trình vận hành có thể phải trả giá cho những sai lầm nghiêm trọng. Đó chính là thời kỳ của những “cơn đau đẻ kéo dài”.

Tiểu thuyết Lốc xoáy của nhà văn cựu chiến binh Võ Minh là tác phẩm viết về một quãng thời gian với tất cả những sự kiện làm nên “dấu ấn lịch sử” từ khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đến giai đoạn đầu công cuộc Đổi mới toàn diện. Tác phẩm gồm 3 phần. Phần thứ nhất “Trời long đất lở” viết về cuộc Cải cách ruộng đất những năm giữa thập niên 50 của thế kỷ trước. Đây là một “khúc quăn thắt” của lịch sử dân tộc mà nhiều điều đến hôm nay vẫn được coi là “nhạy cảm”. Phần thứ hai “Ma quỷ cõi người” viết về cách mạng văn hóa, xây dựng mô hình hợp tác xã nông nghiệp, mua bán và tín dụng… trong giai đoạn đất nước phải dồn sức tất cả cho tiền tuyến, tất cả vì thống nhất đất nước, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Đây là giai đoạn “kinh tế thời chiến”, hành chính quan liêu bao cấp. Phần thứ ba “Luật đời nhân quả” là những trang viết về những tháng năm đất nước thống nhất, tiến hành công cuộc Đổi mới, chấp nhận kinh tế tư nhân. Một giai đoạn hậu chiến tranh cùng những tác động mặt trái của cơ chế thị trường…

Lốc xoáy là góc nhìn trực diện viết về cải cách ruộng đất và cuộc cách mạng văn hóa dưới hình thức “bài trừ mê tín dị đoan”, xây dựng mô hình hợp tác xã ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, cùng những hệ lụy của nó để lại và giai đoạn bắt đầu đổi mới, giai đoạn hậu chiến tranh… Có lẽ, từ độ lùi của thời gian, sự cởi mở trong sáng tác, Lốc xoáy đã dành trọn những trang viết về một sự kiện, về nỗi đau, về sai lầm của nhận thức trong ngay những chủ trương đường lối, chính sách của Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ trong bộ máy công quyền, “cái gốc của cách mạng” trong những năm đầu của công cuộc xây dựng chế độ mới…

 Lốc xoáy là câu chuyện trong một không gian hẹp, về một vùng quê “cuộc sống bà con nơi làng quê xóm Lộc Thọ bao đời nay luôn bình yên, dân tình ra ngõ gặp nhau là chào hỏi, về đến nhà ơi ới gọi láng giềng đến nhà, cùng uống chung ấm nước chè xanh vừa mới nấu, nói với nhau đủ thứ chuyện trên đời, râm ran cả xóm”. Cuộc sống của một làng quê nghèo đang thanh bình bỗng cơn lốc xoáy cải cách ruộng đất ập đến như trận cuồng phong trời long đất lở. Cơn lốc ấy đã là mảnh đất cho cái ác hoành hành, đánh sập tất cả, kéo sập tất cả tình làng nghĩa xóm “tay bầu tay bí” làm cho con người với con người trở thành ác thú.

Tiếp sau “trận cuồng phong” cải cách ruộng đất là “cuộc cách mạng văn hóa”, với ý nghĩa bài trừ mê tín dị đoan, đập phá chùa chiền, bàn thờ gia tiên, thậm chí đốt sách vì “chữ Tàu, chữ Tây” dẫu đấy là những cuốn gia phả dòng họ, những tác phẩm văn học của loài người. Đó cũng là thời kỳ xây dựng mô hình hợp tác xã “đại công trường”. Cơn lốc thứ 2 này đã đem đến “Xã Đức Lộc đang bình yên bao đời nay bỗng nhiên ồn ào xáo động, đêm đêm, từ đầu làng đến cuối xóm tiếng chó thi nhau sủa inh tai, nhức óc liên hồi”. Cái bả quan chức hàng xã, xóm; cái lợi cỏn con vật chất đã dìm chết tất cả cái gì thuộc bản thiện của người, để lộ nguyên hình phần con của lòng tham, sự ti tiện, ngu muội, vô liêm sỉ, vô ơn, lươn lẹo, xảo trá, tận cùng của sự khốn nạn.

Vừa trải qua 2 cơn lốc vùi dập, những con người vùng đất yên ả Lộc Thọ lại phải đương đầu với cơn lốc thứ 3, một cơn lốc của lòng tham làm giàu bằng mọi giá, bằng bất cứ giá nào, với bất cứ thủ đoạn nào, miễn là có tiền khi chúng ta “nhận thức lại”, chấp nhận cơ chế thị trường trong đời sống xã hội. Dưới tác động của cơ chế thị trường, đồng tiền là sức mạnh, là duy nhất đúng, mua quan bán tước, những phẩm hàm được định giá bằng tiền, bằng những mối quan hệ “cửa sau”, “chống lưng” của người có chức, có quyền. Một giai đoạn đảo điên, có tiền là có tất cả. Mọi giá trị đạo đức bị đảo lộn. “Cái gốc của cách mạng” lại là không ít những quan tham biến chất từ lý tưởng đến đạo đức, phong cách, lối sống, tìm mọi cách bòn rút, tham ô, tham nhũng, lôi bè kéo cánh để làm giàu. Niềm tin của nhân dân bị đánh cắp; uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng và chính quyền giảm sút trầm trọng.

Không chỉ là “tường trình” lại sự kiện mang tính lịch sử tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của xã hội, Lốc xoáy đã đề cập đến nhận thức ấu trĩ, xơ cứng trong nhận thức học thuyết mà Đảng lấy làm nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho hành động. Đó là nhận thức nóng vội, duy ý chí với tư tưởng là thống soái. Xuyên suốt quá trình lịch sử ấy, hiện lên chất lượng đội ngũ cán bộ “cái gốc của cách mạng” mà ở đó, đội ngũ cán bộ trưởng thành từ “rễ”, từ “cành” trong cải cách ruộng đất, biến chất với tất cả những gian manh, gian dối, lươn lẹo, trai gái, hủ hóa, trù dập, tham ô, lợi dụng vị trí có được để làm giàu…

Nếu ở phần “Trời long đất lở” là những câu chuyện, sự kiện đọc đến rợn người, kinh tởm về cái ác “thói đời” thì phần “Ma quỷ cõi người” làm cho ta ngột ngạt đến tức thở vì “người ăn thịt người”. Sang phần 3, “Luật đời nhân quả” là hệ quả của giai đoạn lịch sử trước để lại. Dường như ở giai đoạn này, tác giả đã giảm độ “căng” của sự kiện, cho ta thấy le lói của niềm tin vào “con đường đã lựa chọn”, vào những lớp cán bộ “mới”, song nó vẫn làm cho ta đau, ta sợ về “niềm tin liệu có bị đánh cắp”, lo lắng về chất lượng của đội ngũ cán bộ, “người đại diện” cho các tầng lớp, giai cấp, người lao động trong xã hội. Tất cả những kẻ mang danh cán bộ chính quyền, lũng đoạn, hãm hại, trù dập, tiếp tục là “cái gốc của công việc”, là “hạt nhân lãnh đạo” ở xã Đức Lộc và xóm Lộc Thọ. Một cán bộ Đội cải cách như Ngô Kiểm từng cho rằng “Đừng có chủ quan mà nghĩ: mình không có tội gì thì không sợ”. Không có tội thì họ gắn tội vào. “Họ thi nhau đi vận động những hộ nghèo đói trong làng tố giác những người trong làng có của hơn họ, bất kể quan hệ họ hàng máu mủ ruột thịt với mình”. Ông Đoàn trưởng, Chánh án Bường “Chẳng cần đọc để biết trong giấy ấy viết những gì, ông Chánh án cầm tờ giấy đặt lên chiếc cặp vừa kê trên chiếc yên xe, lăm lăm chiếc bút đã mở sẵn nắp trên tay, ký nhoằng nhoằng mấy vòng loằng ngoằng đen đậm, hằn rõ dưới khoảng trống của tờ giấy. Thời gian của ông Đoàn trưởng, Chánh án hoàn tất bốn bản án tử hình và các mức án khác có hiệu lực chỉ gói gọn độ mấy chục giây”. Họ coi mạng người như cỏ rác: “Cả xã đồng chí phụ trách mà chỉ có bốn tên tử hình thôi ư? Thôi được! Hôm nay tôi cho đồng chí nợ đấy! Nhưng sang đầu tháng sau phải có thêm một số tên địa chủ đưa ra xét xử tử hình nữa nhé!”.

Tuy nhiên, trong Lốc xoáy, Võ Minh cũng nâng niu cái truyền thống “tay bầu tay bí”, cái văn hóa làm nên một dân tộc chịu cả ngàn năm Bắc thuộc vẫn giữ được cốt cách lấy yêu thương và đùm bọc làm trọng của con người. Đó là những cán bộ, đảng viên trung kiên, những con người “mới” như ông Năm, Hoa, Quýnh, Minh Quang…

Ở mỗi giai đoạn, mỗi sự kiện lịch sử luôn là mảnh đất cho những người cầm bút lý giải thân phận con người trong giai đoạn ấy. Đó là một trong những chức năng của người viết. Qua những trang viết, từ tư tưởng, thân phận nhân vật trong tác phẩm, những tổ chức, cá nhân trong thể chế đó, nhận ra cái chưa được để điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách nhằm thực hiện mục tiêu “dĩ dân vi bản”; tránh đi lại những sai lầm trong quá khứ, để cắt “cơn đau đẻ không kéo dài” cùng những sự kiện đớn đau mỗi khi nhắc lại, kể lại.

Với câu chuyện diễn ra một thời gian dài trong không gian hẹp, Lốc xoáy ăm ắp những sự kiện làm cho người đọc có cảm tưởng các chi tiết, số phận nhân vật bị ép lại, chật cứng mà chưa thật được tác giả “phóng bút” đẩy đến tận cùng? Mong là thế, ước là thế, nhưng vẫn biết, Lốc xoáy cũng đã là quá trình “cơn đau đẻ kéo dài” mà Võ Minh trăn trở, đau đáu về nó để có được đến tay bạn đọc.

_______

* Tiểu thuyết Lốc Xoáy của Võ Minh, Nxb Phụ nữ, 2022

Hoàn Nguyễn

Nguồn Văn nghệ số 22/2023


Có thể bạn quan tâm