April 18, 2024, 12:04 pm

Như một cánh chim trời

 

Đậu Hải Nam cư ngụ ở Thành Vinh, nhưng gốc gác trên mạn Thanh Chương, Nghệ An. Nếu như với một người được học hành, đào tạo về văn chương thì chả nói làm gì, thế nên, điều khiến tôi ngạc nhiên là Nam học khóa 32 Đại học Thủy sản Nha Trang (1991-1995), nhưng lại theo nghề cầm bút. Nha Trang là nơi tôi gắn bố suốt một phần tư thế kỷ, ngần ấy năm sống và lập nghiệp ở đó, có biết bao chuyện vui buồn. Có lẽ vậy nên, giữa hai anh em ít nhiều có sự đồng điệu về xứ thùy dương cát trắng.

Cho đến một ngày tháng 5/2019, tôi sững người khi đọc trên dòng thời gian (FB) của nhà văn Đàm Quỳnh Ngọc, cho hay Nam đã mất tròn 10 năm. Và thế , chai anh em tôi xúm vào tập hợp, tuyển chọn, viết lời bạt và cùng lo cho cuốn sách đầu tay của Đậu Hải Nam.

Sinh trưởng trong một gia đình trí thức ở vùng quê đất cằn sỏi đá, ông Đậu Quang Hải, bố đẻ của Nam, là giảng viên Trường Đại học Thủy lợi Hà Nội, biết 5 ngoại ngữ. Là anh của hai đứa em (Hải Vân, Hải Giang), lớn lên trong nghèo khó, cơ cực, nhưng từ thuở nhỏ, Nam đã là một đứa con hiếu hạnh, giàu tình cảm, biết yêu kính bố mẹ và luôn tự hào về quê hương. Đặc biệt, Nam rất thông minh và hiếu học. Giỏi tiếng Anh, thông thạo tin học, Nam từng theo chân bố làm phiên dịch cho Dự án Đan Mạch, được các vị khách nước ngoài khen ngợi.

Với tầm hiểu biết khá rộng, luôn chịu khó đào sâu tìm tòi, đặc biệt yêu thích văn học, nên mặc dù đã tốt nghiệp Đại học Thủy sản, Nam vẫn không chịu khuôn mình vào biên chế một cơ quan, xí nghiệp nào. Giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, có được tấm bằng kỹ sư, thì kiếm việc làm không mấy khó khăn. Cái chính là Nam sợ bị “trói chân”, không được tự do bay nhảy. Nếu như cậu ấy thả mình theo “số phận”, thì chắc chắn bạn đọc sẽ không được biết đến một cây bút giàu nội lực đến thế! Dẫu có chút buồn lòng, nhưng gia đình Nam, đặc biệt là người cha, đã tôn trọng sự chọn lựa và những quyết định vẻ như “ngược đời” của con trai.

Thời gian nhận làm hợp đồng cho một số cơ quan, Nam đi được nhiều nơi, hiện thực cuộc sống ùa vào, thôi thúc anh cầm bút. Anh cộng tác với nhiều tờ báo, rồi tập tẹ viết văn. Truyện ngắn của Đậu Hải Nam được in rải rác trên các báo Tuổi trẻ TP. Hồ Chí Minh, Sinh viên; các Tạp chí Sông Lam, Non Nước, Văn nghệ Quân đội, báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam)… Và cái “gia tài” bé mọn mà chàng kỹ sư trẻ gầy dựng được là hàng trăm bài báo với nhiều thể tài khác nhau. Nhưng có lần, Nam giãi bày với người cha của mình, rằng “vì cơm áo, gạo tiền, con viết báo, nhưng tài mọn như mình, con sợ hư mất văn, mà con lại rất thích văn”. Và ngót nghét cả trăm truyện ngắn đã ra đời dưới ngòi bút của một chàng trai 7X. Điều đó khiến cho không chỉ mình tôi, và chắc hẳn nhiều người ngạc nhiên lắm chứ!

Xin hãy khoan nói đến dung lượng dày mỏng của tác phẩm, bởi con số không làm nên văn chương. Điều tôi muốn nói là phẩm chất văn xuôi trong các sáng tác của Đậu Hải Nam. Những trang viết của Nam đầy ắp tinh thần trách nhiệm của một công dân. Khai thác vốn sống ngồn ngộn, song ngòi bút của anh vẫn giữ được sự chừng mực, thể hiện sự tôn trọng quá khứ, biết đồng cảm và sẻ chia với nỗi đau của con người, cũng như hướng thiện; cùng sự nỗ lực khắc phục khó khăn, hướng tới tương lai tươi sáng, tốt đẹp!

Có thể nói những truyện ngắn in trong Nàng dâu xứ Nghệ là mt tp hp đa sc màu, phc điu, vi nhng thông đip rõ ràng. Điều đặc biệt là mi truyn ngn của Đậu Hải Nam (từ Một chuyện đám cưới, Quy luật muôn đời, đến Chuyến về quê bận rộn, Nhà có nhiều trẻ con, hay Gió mưa gửi lại, Câu chuyện tình yêu…) đều ít nhiều tạo được dấu ấn riêng, không bị “ảnh hưởng” bởi những “cây đa, cây đề”, hay bị cuốn vào các motip thời thượng. 

Nhưng khi mọi thứ hãy còn đương phơi phới ở phía trước, thì một ngày vào trung tuần tháng 10/2009, Nam đột ngột giã biệt cõi trần ở tuổi 35, để lại bao dự định văn chương hãy còn dang dở. Tiếc thay và xót xa thay! Cuốn sách này tựa như một lời khẳng định, rằng Đậu Hải Nam vẫn còn bận bịu đâu đó, vâng, có thể coi anh như một cánh chim trời đương mê mải bay đi tìm nguồn cảm hứng vô tận! Đâu đó, vẫn thấy thấp thoáng nụ cười an nhiên của một người cầm bút trẻ, đắm say cuộc sống hôm nay.

Nguồn Văn nghệ số 27/2020


Có thể bạn quan tâm