April 18, 2024, 5:29 pm

Như đợi dó thành hương

Trong giấc mơ về những ngày cũ yên bình và thơ đẹp, khoảnh khắc thường trở lại nhiều lần luôn là hình ảnh con bé tôi ngồi một mình xa xôi trong những buổi êm ắng nắng vàng trước cươi nhà.

Ở đó có tia sáng ban chiều xuyên qua mái tôn lô nhô chấm nhỏ, lọt xuống thành khe, rọi phủ bàn cờ ngổn ngang xe pháo, tỏa lên những vệt đất vẽ hình ô ăn quan, hòa lẫn trong ánh nhìn thơ dại màu hổ phách mà mãi về sau, thứ nắng của ngày áo mới, của khăn vừa thêu ấy đã trở thành miền kí ức lung linh hằn in trong tâm trí rất khó phai mờ. Tôi không giống cô gái mười sáu tuổi có đôi mắt u buồn băn khoăn, cô độc ngóng trông kì thủ của đời mình trong gió mưa hay tuyết lạnh mà người ta biết đến ở tiểu thuyết Sơn Táp. Nhưng cươi nhà rong rêu thuở ấy cũng tựa hồ như quảng trường Thiên Phong của tôi, chỗ tôi biện bày ra biết bao nhiêu pháo đài quân tướng bằng đá sỏi, nơi tôi quan sát nhìn ngắm, để hễ có ai đó thân quen ngang qua là nỗi mong mỏi, kì vọng cho một cuộc cờ lại nhen lên. Hình như, trong giây phút hoài hóng niềm chơi thơ ấu ấy, dẫu mơ hồ nhỏ nhoi nhưng đủ khiến tôi nhận ra, đó là thời khắc tôi bắt đầu biết ngẫm ngợi suy tư và điềm tĩnh đợi chờ. 

Những ngày mưa dài ở Huế một năm nào đó, trong một buổi tối quạnh hiu đạp xe từ bờ bên này sông Hương qua phía bên kia là thành nội để đến quán cà phê Hà Miên Xưa đối diện hồ Tịnh Tâm, băng qua con đường u hoài Đoàn Thị Điểm, một phụ nữ xứ thần kinh đôn hậu trong câu chuyện vu vơ của hai người qua đường bảo tôi rằng: “Con đường ni còn gọi là Phượng Bay… Đường Phượng Bay mù không lối vào trong bài hát Mưa hồng đó con”. Tôi cười, lòng trìu mến hàm ơn. Chẳng biết tên gọi đó có phải gợi lên từ hàng phượng vĩ lá li ti xanh mướt đan cài vào nhau lấp lối chân người? Hay bởi nỗi hoài niệm huyền thoại tháng ba, về một “vương giả chi hoa” được vua chúa triều Nguyễn nâng niu khắc hình lên Cửu Đỉnh? Đó là loài cây được ngài Minh Mạng phái người vượt biên giới Đại Nam băng sang Quảng Đông Trung Quốc đưa về trồng trong khuôn viên điện Thái Hòa, Cần Chánh, để cứ mỗi độ tiết trời mùa xuân ấm áp, chim phượng lại tự phương nào bay về rợp cả trời đất mênh mông, tìm đậu lên những nhánh cây có tên gọi ngô đồng? Tôi chỉ biết, cách cắt nghĩa, khơi nhớ từ tích cũ chuyện xưa huyền diệu và đẹp đẽ ấy khiến tôi vương vấn biết bao lời Đỗ Phủ năm nào: Hương đạo trắc dư anh vũ lạp/ Bích ngô thê lão phượng hoàng chi. Từ trong truyền thuyết về vua Phục Hy, ngô đồng xuất hiện như loài gỗ quý hấp thụ tinh hoa đất trời, vừa cao khiết tao nhã lại vừa bất khuất lẫm liệt giữa muôn loài. Thân cây ngô đồng vươn thẳng, chạm đến thiên thanh và tán cây vượt hẳn khỏi tầm mắt người. Hình như, đó là cách mà loài thảo mộc ấy kiêu hãnh khước từ bao nhiêu rộn rã bên ngoài, để chỉ đợi ngày cánh chim phượng hoàng của non cao núi bạc, của những thần thoại sự sống - cái chết, hủy diệt - tái sinh tìm về. Cuộc kiếm tìm, gặp gỡ từ nghìn trùng, từ muôn kiếp ấy khiến tôi nhận ra, mỗi người hiện hữu trên đời cũng là một cây ngô đồng đẹp để đợi loài phượng quý. Có những chờ đợi trong ngái xa vời vợi, trong cách biệt mù khơi, trong nhung nhớ tơi bời, trong thiết tha, trong khổ đau, trong tuyệt vọng…, nhưng đó là niềm đợi chờ dành cho điều xứng đáng của riêng mình. Giống như lời nhi nữ trong dân gian xưa từng một dạ đinh ninh: Phượng còn đậu nhánh ngô đồng/ Thuyền quyên chỉ đợi anh hùng mà thôi

Tháng năm của tôi, có những ngày chỉ lặng yên nghe thời gian trôi hòa lẫn trong lời hát: Có một mùa hoa cải/ Nở vàng bên bến sông/ Em đương thì con gái/ Đợi anh chưa lấy chồng… Chẳng hiểu tại sao, tuyệt nhiên chối bỏ những mặc định thông thường người ta dành cho màu sắc khi tương ứng cùng tính cách, với tôi màu những bông cải tha thiết tần ngần bên những biền bãi bao giờ cũng là màu của niềm như nhất thủy chung. Không phải cho đến nỗi hoài cảm tự thuở chúa Nguyễn Hoàng mang gươm mở mang bờ cõi, người ta mới biết kinh thành Thăng Long đau đáu nhớ thương. Có lẽ, trước cả các cuộc chinh phạt hay viễn du muôn phương, những bến đợi thuyền, những vợ đợi chồng, những người yêu đợi người yêu đã sớm ghi dấu tên mình lên bao huyền tích huyền thoại về vọng phu hóa đá. Có lẽ vì thế mà khắp nơi đâu giữa không gian xứ sở này, thi thoảng người ta vẫn thấy có một đá trông chồng đứng sừng sững chờ mong. Tôi hiểu, chờ đợi một điều gì đó trong bền bỉ kiên tâm, chắc hẳn phải là điều quý giá thiêng liêng nhất. Nhưng tôi cũng biết, đó là điều khiến người ta chịu nhiều giày vò khổ sở không cảm giác nào bằng. Bởi có đợi chờ vụng dại, có đợi chờ khôn ngoan, có đợi chờ hi vọng rộn ràng, có đợi chờ tái tê vô vọng. Có phải vì thế không mà khi nhớ người con gái Huế đã định cư ở Ottawa, trong một chiều mưa Đà Lạt nhạt nhòa, gửi bức thư tình bằng giai điệu, Trịnh Công Sơn viết: Lá khô vì đợi chờ/ Cũng như đời người mãi âm u… Mỗi lần nghe câu hát này ở phòng trà hay đâu đó vang lên, tôi nhớ chị Nhu. Vì một người đi Nam biền biệt không về mà mỏi mòn khô héo. Tôi chợt nghĩ, chờ đợi khiến người ta trưởng thành hơn, lớn lên, già đi, đôi khi có thể chết. Nhưng sự sống hay cái chết không đáng sợ bằng sự tàn phai. Biến mất không đáng sợ bằng hiện hữu mà không biết được ngày mai… Trên đời này, có những đại lượng - như thời gian đông hạ xuân thu, nhiều khi chỉ cần đo lường bằng tâm lí. Và cũng có những đại lượng chỉ thuộc về cảm giác, như là đợi chờ. Người ta không đo định được chờ trong bao lâu là ngắn - dài, đợi tới lúc nào là phút chốc - mãi mãi, nhưng tôi tin mỗi giây của một người đi tìm một người, một người đợi một người, là dài như vĩnh viễn như trăm năm.

Bất giác, tôi nghĩ đến cây dó bầu và hương trầm thơm tho đốt trong những ngày mùa đông. Như bóng đêm phải ngủ rất dài để chờ khi bừng thức ánh sáng, như mưa chờ nắng, như phải đi qua tháng chạp mới đến được tháng giêng, cây dó bầu cũng phải trải nghiệm niềm cắt cứa riêng: chịu tổn thương và chờ đợi. Từ những vết thương trên mình, sau khi đọng nước, tự trong nội lực bản năng, dó tiết chất nhựa để tự vệ, ôm lấy cành thân. Thời gian chờ đợi càng lâu, thứ nhựa tưởng chừng ứa ra vì đớn đau ấy lại càng trở nên lành lặn, đậm đặc, lan tỏa mùi thơm. Nhân gian gọi đó là trầm hương. Và cây dó có sức sống mãnh liệt bao nhiêu thì mùi thơm lại nồng nàn bấy nhiêu. Giống với mỗi người, dù là đợi bất kì điều gì trong đời, chỉ cần đủ thiết tha nồng nhiệt, đủ chân thành mê say, đủ trải qua ngọt ngào, buồn tủi, đắng cay thì điều mong chờ sẽ đến. Em sẽ chờ như lúa đợi sấm tháng ba/ Như vạt cải vội đơm hoa đợi ngày chia cánh bướm/ Như cô Tấm thương chồng từ kiếp trước/ Lộn lại kiếp này từ quả thị nhận ra nhau. Và đợi, để gió thành bão, để dó thành hương.

Nguồn Văn nghệ số 11/2022


Có thể bạn quan tâm