March 28, 2024, 4:01 pm

Nhớ “Sĩ phu” dưới chân động Tù Và

 

Cũng mùa hè này,cách đây ít lâu,tại trường PTTH  Phan Thúc Trực, nằm dưới chân động Tù Và (Yên Thành – Nghệ An) ; đã diễn ra một sự kiện cảm động: nhà giáo Đoàn Hồng Minh; nguyên quán: Tiên Lãng (Hải Phòng) sau gần 40 năm vật lộn, phấn đấu, chịu đựng bao nỗi vất vả, gian truân, cẫn mẫn như một người chèo đò giữa cơn giông… đã nghỉ hưu. Tin ấy như một tia chớp, loang nhanh trong ký ức học trò; chúng tôi sắp phải chia tay một người thầy, một “Sĩ phu thời hiện đại”

Quê thầy ở ngoài Bắc; ấy vậy mà sau khi tốt nghiệp khoa Địa, trường đại học sư phạm Hà Nội I năm 1997 ông đã đi vào vùng gió lào cát trắng để lập nghiệp; trong đời ông những khởi đầu hình như “vô tiền” nhưng kết thúc lại thường có hậu“có hậu” nghe kể lại thì ở quê, ngày trước ông cũng con nhà gia thế, nay còn giữ lại được một ngôi nhà cổ khá đẹp; vùng quê ấy có món thuốc lào non nổi tiếng… Ông học giỏi; thi vào tổng hợp lý, thế nào mà lại lệch sang sư phạm; cái rủi của đời ông, lại là cái may cho lũ học trò. Cái ấn tượng đầu tiên khi ông xuất hiện, dáng thư sinh, tóc tốt, ánh mắt sắc sảo với gọng nói truyền cảm, đều, nhẹ, âm sắc chuẩn như phát thanh viên trên đài; cả lớp im lặng rồi phá lên cười, khi ông đá vài câu xứ Nghệ, Địa lý vốn là môn khô khan, khó nhớ; vậy mà ông dạy cứ như bình văn, học đâu, nhớ đấy, hay đến lạ! ông lên lớp; không sách vở, giáo án soạn kỹ (đến lúc có lần một chuyên viên Sở đã từng nói; tôi chưa thấy ai soạn bài kỹ như anh); ông thuộc lòng cả sách giáo khoa giống như một viên tướng chủ động điều quân trên chiến trường, theo những mệnh lệnh đầy biểu cảm. Ông có lẽ là người đầu tiên trong giai đoạn ấy, sử dụng một cách linh hoạt trong việc dạy tích hợp; dạy kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp lồng vào trong giờ học. Những vấp ngã trong cuộc đời, những rủi ro trong số phận, đã được ông đem ra chia xẻ, tâm sự qua bài giảng, ông như muốn vũ trang cho lũ cho thế hệ chúng tôi những kinh nghiệm để vững bước vào đời với những hành trang và kiến thức.

Ở ông, toát ra một vẻ uy lực sau thân hình mảnh khảnh hồi trẻ: “thầy Đoàn Minh đến”… cả một lớp học đang náo loạn bỗng im bặt; ông cầm Micro trong buổi nhận xét văn nghệ hay chào cờ; cả đám đông nghìn học trò im phắc; giờ học của ông có sức thanh tịnh lạ.

Hồi đó ông làm chủ nhiệm lớp nào là lớp ấy tốt hẳn lên; và ở các lớp ông dạy: ông thuộc hết tên học trò, con ai, gia cảnh thế nào; tài hơn nữa, dù không biết đi xe đạp quanh năm giam mình trong căn phòng nhỏ của ký túc xá giáo viên; nhưng với ông một khả năng quan sát, nghe, nhìn kỳ lạ, ông hiểu hết gần như mọi biến động xẩy ra xung quanh; thành ra trước ông lũ học trò chúng tôi có cảm giác như  cầu thủ bị phơi áo trước trọng tài, chỉ có điều gì dấu nổi thầy; và nhờ đó ông đã tham mưu, chỉ bày cho nhiều giải pháp có lợi…

Khi chuẩn bị tốt nghiệp chúng tôi còn phải lo cả chuyện thi đại học, cao đẳng, hỏi ông bí quyết làm thế nào để thi đậu; ông bảo “Học thuộc sách giáo khoa”, trời ơi! Nếu thi khối C thì phải thuộc cả mấy cuốn văn, sử, địa ư? Ông cười “chứ sao”, và còn “bật mí” thêm; muốn mình buộc phải thuộc thì học đến đâu xé sách đến đó; dĩ nhiên chúng tôi không học được đến mức “xé sách”, nhưng đã thuộc lòng thì các số liệu, sự kiện địa lý, lịch sử và thuộc lòng thơ văn lớp cuối cấp; khiến bạn bè phải nể, và đúng là cách đó rất có lợi vì mấy chục năm sau; khi đi dạy rồi kiến thức ấy vẫn còn nhớ được khá nhiều!

Có hôm tôi hỏi ông; nguyên nhân nào khiến thầy được học trò và phụ huynh tôn trọng vậy” ông cười đáp: “Sự nghiêm khắc đi liền với tình thương” và cũng thường nhắc học trò một câu: “không ai thương mình bằng mình tự thương mình” các em có phải lo cho chính mình, đó là sự tôn trọng vậy”…

Vậy mà có lần tôi thấy ông ngồi trầm tư bên cửa sổ, khi tôi cầm bài tập xuống nhờ ông xem hộ! lòng tôi bổng se lại, khi nhìn thấy gương mặt thầy như già hẳn đi, hình như ai đó nói một điều gì hơi phạm đến chuyện riêng tư, nghe nói hôm trước đứa con được vợ ông đưa vào thăm cha, nó lạ lẫm rồi khóc… hình như ông chạnh lòng ; cả đời ông, mấy chục năm “an bần lạc đạo” sống chết vì nghề đi dạy, đời riêng ông se lạnh, để đời chung ấm áp; ông chỉ còn biết chỉ cần mẫn từng ngày cho mái trường này…

Giờ thì quỹ thời gian khép lại! ông phải trở về quê, nghe tin thầy nghỉ hưu, rất nhiều lớp học trò đã họp lớp chia tay với thầy, giữa lúc giáo dục đang thời kỳ thăng trầm này mà việc trò xúm lại để đưa thầy về quê như thế cũng là chuyện khiến người ta nghe được cũng ấm lòng…

Viết những dòng này lòng tôi bỗng nghe dội lên đâu đây, câu thơ trong bài hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương: thiếu tiểu ly gia lão đại hồi/ hương âm vô cải mấn mao tồi (Khi đi trẻ lúc về già/Giọng quê vẫn thế tóc đà khác bao)… Cả một đời ông nhiều thua thiệt, nhưng khi ông nghỉ hưu rồi, chúng tôi lũ học trò nghịch ngợm ngày xưa ấy, vẫn ấm lòng khi nhớ tới người chèo đò vất vả năm xưa với những lời biết ơn chân thành nhất.

 Nguồn Văn nghệ số 50/2019


Có thể bạn quan tâm