March 29, 2024, 1:10 am

Nhớ những người thắp lửa

Ở nhà máy lọc dầu Dung Quất có một ống khói rất cao, nơi ngọn lửa từ khí đốt cháy suốt ngày đêm, năm này qua năm khác. Cứ nhìn ngọn lửa trên ống khói cao ngất này là biết “sức khỏe” của nhà máy. Ngọn lửa cháy bình thường, là nhà máy hoạt động bình thường, dù chạy với 100% hay 105% công suất.

 

Tôi là nhà báo háo hức với dự án xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất từ độ nó được “khởi công lần thứ nhất”. Nhớ ngày đó, tôi đã viết cho báo Thanh Niên một phóng sự Nhà máy lọc dầu Dung Quất, 48 giờ trước lễ khởi công. Khi báo Thanh Niên in bài, thì tôi đi Hà Nội qua sân bay Đà Nẵng. Tại phòng chờ sân bay, tôi đã gặp những người đi đón phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc - người phụ trách trực tiếp dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất. Thấy không khí rộn ràng như vậy, mình yên tâm hẳn. Lúc bấy giờ, cứ nghĩ chỉ sau vài ba năm nữa, Quảng Ngãi sẽ có nhà máy lọc dầu đầu tiên của cả nước, chưa dám nghĩ nó sẽ thế nào, nhưng đọc báo xem ti-vi thì thấy toàn những triển vọng lớn lao.

Hóa ra, mọi điều không dễ dàng như tôi tưởng. Sau lễ khởi công “hoành tráng”, bãi đất giành cho mặt bằng xây dựng nhà máy lọc dầu trở thành…bãi chăn thả trâu bò. Trong vòng 7 năm, chỉ thấy trên bãi cỏ này những chú bò nhẩn nha gặm cỏ, thư thái với nhịp thời gian chậm rãi nơi vùng quê Bình Trị này. Những người dân nhường đất đai, nhà cửa của mình cho dự án xây dựng nhà máy lọc dầu đã được di dời về những khu tái định cư.

 

Tôi đã có nhiều lần đi cùng anh Võ Đoàn, lúc bấy giờ phụ trách việc tái định cư dân cho nhà máy lọc dầu Dung Quất, về những “làng mới” tái định cư. Phải nhìn tận mắt những ngôi nhà tái định cư xây cất khá đơn sơ, không có đất vườn và đất ruộng sản xuất, mới cảm nhận được sự hy sinh của nhân dân là to lớn nhường nào! Vì nhân dân ở đây là nông dân, họ không thể bỗng chốc thoát ly nghề nông đã gắn bó bao đời, thoát ly vuông vườn và mảnh ruộng đã làm nên những cuộc đời của họ.

Tôi lại viết phóng sự về chuyện tái định cư, chuyện buồn nhiều hơn chuyện vui. Còn nhớ, trong bài viết, tôi đã nhũn nhặn đề nghị với những người có trách nhiệm, khi xây dựng khu dân cư mới như những làng mới, thì nên xây dựng thêm… ngôi chùa, cho nhân dân đi lễ. Đó là nhu cầu tâm linh, mà người dân rất cần, nhưng lúc bấy giờ, mới về khu tái định cư, họ hoàn toàn không có khả năng góp tiền xây chùa. Dĩ nhiên, nhà nước thì không thể lấy tiền ngân sách ra xây chùa, nhưng tôi cứ đề nghị vậy, coi như đó cũng là một nguyện vọng.

Trong suốt thời gian 7 năm dự án nhà máy lọc dầu “đắp chiếu”, cánh nhà báo tại Quảng Ngãi chúng tôi rất ít có cơ hội tiếp xúc với Ban quản lý dự án. Phần vì lúc đó, dự án chưa thực sự khởi động, phần vì những người lãnh đạo tại Ban quản lý có vẻ “dị ứng” với báo chí. Khu nhà 208 Hùng Vương - TP Quảng Ngãi thường xuyên đóng cửa im ỉm với báo chí. Còn nhớ, dạo đó nhà báo Trần Đăng của báo Lao Động có phóng sự Thành phố trực thuộc… xã gây được tiếng vang. Nhưng đây là viết về “thành phố Vạn Tường” đang “đắp chiếu”, chỉ ghé qua khu “đắp chiếu” của nhà máy lọc dầu một đoạn, chủ yếu là bình tán về “bãi chăn thả trâu bò” ở Bình Trị.

Rồi đến một ngày, đột nhiên hai cánh cổng của khu nhà 208 Hùng Vương… mở rộng. Ban quản lý dự án chủ động mời các nhà báo trên địa bàn Quảng Ngãi về dự một cuộc gặp gỡ. Không phải để bia bọt hay chè chén gì, phong bì cũng không. Nhưng để Ban quản lý lắng nghe những tiếng nói từ các nhà báo về dự án nhà máy lọc dầu. Tôi cũng được dự cuộc họp có vẻ quan trọng này. Gọi “có vẻ” vì mình cũng không biết cuộc họp có gì quan trọng, cứ dự rồi sẽ biết.

Anh Trương Văn Tuyến, lúc ấy mới được điều về làm Trưởng ban quản lý dự án, chủ trì cuộc họp với phát biểu mở đầu rất khiêm nhường và cầu thị. Sau đó, các nhà báo được phát biểu khá thoải mái, dù chỉ là phát biểu… miệng, chưa đăng báo. Tôi cũng hăng hái xin phát biểu, và trái với bản tính ít nói của mình, tôi đã phát biểu hơi dài, nói hơi nhiều, có vẻ bức xúc cũng lắm. Có hai điều khiến tôi bức xúc: một, là tiến độ dự án vì sao chậm đến như vậy? Hai, có gì bí mật mà Ban quản lý dự án phải tránh mặt báo chí đến như vậy? Mọi chuyện ở đây đều có thể công khai cơ mà!

Tôi, nói thật, cũng chỉ là anh “viết nhật trình” kiếm sống, theo đúng truyền thống của các nhà văn nhà thơ Việt Nam ngày thuộc Pháp, viết để kiếm nhuận bút, nhưng viết bằng lương tâm của mình. Đơn giản như… đang giỡn, vậy thôi. Những ý kiến khá nặng nề cánh nhà báo chúng tôi phát biểu hôm ấy, lạ thay, không gặp bất cứ phản ứng nào từ Ban quản lý dự án. Các anh lặng lẽ lắng nghe, ghi chép, có nhiều anh dùng cả laptop - bấy giờ đang là “của hiếm”- để ghi lại những ý kiến không hẳn ca ngợi mình. Tôi nghĩ, vậy là họ cầu thị. Đúng như thế, kể từ buổi chiều có cuộc họp báo cởi mở đó, cánh cửa nhà 208 Hùng Vương bắt đầu… mở với cánh nhà báo chúng tôi. “Không có gì phải che giấu nữa” (thơ tôi), mà thực ra, đâu có gì phải che giấu cơ chứ! Nếu chúng ta có cùng khát vọng xây dựng một nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam mang tên Dung Quất, thì cớ gì chúng ta không là những người đồng hành, đồng chí với nhau? Tôi nghĩ vậy. Và có lẽ, các anh ở Ban quản lý dự án cũng nghĩ vậy. Những tình cảm giữa chúng tôi dần dần được xây dựng, những bài viết những bản tin về khả năng “khởi động lại” dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất xuất hiện nhiều hơn trên các trang báo. Cho tới một ngày…

Đó là một ngày của tháng Bảy năm 2005, dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất lại rầm rộ “khởi công lại”. Lần này thì khởi công thật. Hàng vạn công nhân, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài, cùng máy móc đã đổ bộ lên khoảng đất từng được dùng là nơi “chăn thả trâu bò” suốt 7 năm. Nhịp độ lao động hừng hực, căng thẳng chưa từng thấy ở Quảng Ngãi, đã diễn ra hàng ngày hàng đêm trên mặt bằng xây dựng nhà máy lọc dầu. Đã có những người lao động hy sinh khi đang lao động xây dựng nhà máy. Đã có những tấm gương lao động quên mình, lao động sáng tạo của rất nhiều kỹ sư và công nhân. Đã có hàng tỉ USD đổ vào đại công trường xây dựng này… Và chỉ sau hơn 3 năm, một nhà máy to lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam đã mọc lên sừng sững giữa nơi ngày xưa quân sĩ của Hoàng đế Lê Thánh Tông đã hô vang hai chữ “Vạn Tường!”.

Có thể nói, nền công nghiệp nặng Việt Nam đã được lật qua một trang mới. Khi được tham quan và tác nghiệp trong lòng nhà máy lọc dầu Dung Quất, tôi mới thấy được tầm lớn lao của công trình này… Sau 8 tháng chạy thử, nhà máy lọc dầu Dung Quất đã chính thức vận hành từ tháng 9 năm 2009.

 

Cảm thấy hứng khởi vì “đại công trình” này, tôi và nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha đã quyết định phải viết một tác phẩm gì đó về nhà máy. Chúng tôi nhờ xe của Đoàn quốc hội Quảng Ngãi đưa về thăm nhà máy lọc dầu, đi cả bên trong và bên ngoài nhà máy, gặp gỡ các kỹ sư và công nhân đang vận hành nhà máy, về lại những khu tái định cư gặp gỡ bà con Bình Trị đã nhường đất cho nhà máy xây dựng. Sau chuyến đi ấy, tôi viết ngay được phần lời. Đó là một bài thơ, mang tên Trái tim Dung Quất. Anh Thụy Kha đã dùng nguyên phần lời ấy cho hợp xướng Trái tim Dung Quất. Sau khi đã mời ca sĩ thể hiện và thu âm hoàn chỉnh, hợp xướng đã được gửi dự thi một cuộc thi sáng tác âm nhạc do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tổ chức. Hợp xướng này đã nhận được giải Nhất.             

            Nguyên văn bài thơ được sử dụng lamg lời cho hợp xướng Trái tim Dung Quất của nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha:

 

TRÁI TIM DUNG QUẤT

                      

cuồn cuộn những bức tường nước mặn

ngoan ngoan tan vào đê chắn sóng

 

ngọn lửa vĩnh cửu bầu trời chim én

sáng loá mạch máu ống dẫn dầu

 

“không một ai bị lãng quên, không một cái gì bị quên lãng”

trái tim Dung Quất

 

người mẹ nghèo gánh củi dương chiều xuống

bóng gầy gò thấm mờ cát bỏng

những nông dân xưa quần nhau với giặc

Vạn Tường Vạn Tường

giờ lặng lẽ rời ruộng vườn nhà cửa

nhường mênh mông nhà máy lọc dầu

nhường lòng sâu thì thào xương máu

sáu trăm năm ông cha mở đất

 

không một cái gì bị vùi lấp

trái tim Dung Quất

 

sừng sững hôm nay ba cao trình chất ngất

ba bước tới miền Trung khó nhọc

ba bước gió thênh thang trời xanh

 

không một ai bị lãng quên

trái tim Dung Quất

 

lưng tựa Trường Sơn thảng thốt

mắt đăm đắm Trường Sa muối xót

lòng rưng rưng những con tàu chở dầu

 

những hơi thở tìm nhau

sắt thép bừng bừng mở hội

giọt mồ hôi trong veo ngày mới

những mặt người căng gió nam non

những cánh tay xoè bật lửa hàn

xé toang bóng tối

 

trái tim Dung Quất

chuyển núi dời sông

lọc máu hồng

nuôi tươi thắm cầu vồng đất nước

 

cầu vồng hiện chân trời sáng rực

bắc qua nghìn giấc mơ

 

cuồn cuộn sóng đập nhừ bờ cát

nung khao khát trời trưa nắng rát

trăng lên mơ màng trăng lên

 

đê chắn sóng nghiêng nghiêng

sóng hiền ngoan đàn bò gặm cỏ

biển đầy ắp yêu thương lòng mẹ

những bể chứa dầu bầu sữa căng căng

 

không một cái gì bị lãng quên

trái tim Dung Quất

 

Tôi và Nguyễn Thụy Kha đều hài lòng vì tác phẩm sáng tác chung này. Riêng tôi còn phấn khởi vì nhận được một phần tiền giải thưởng, giá bằng khoảng… 20 bài báo.

Tôi chơi với anh Đặng Hồng Sơn từ khi chưa có nhà máy lọc dầu, nhưng khi nhà máy đã hoạt động ổn định rồi, tình anh em giữa chúng tôi càng ổn định hơn. Tôi lại còn quen và chơi với một số anh em kỹ sư nhà máy, chơi với anh Nguyễn Hoài Giang, bấy giờ đã là Chủ tịch Hội đồng Thành viên Bình Sơn, sau khi là Tổng giám đốc nhà máy lọc dầu; chơi với anh Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc, một người đồng điệu với tôi khi cùng yêu thiên nhiên, yêu cây xanh và các loài chim, cá… Anh Ngọc là người đã tổ chức thành công một “hệ sinh thái” trong lòng nhà máy lọc dầu, có đủ cả “chim kêu, cá lội” trên nền cây xanh vô cùng dịu mát. Không những thế, nhà máy lọc dầu còn xây dựng được một công viên cây xanh nhỏ ở trung tâm nhà máy để tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Với tôi, bên cạnh cái lớn lao của sắt thép và những ống dẫn dầu, thì thiên nhiên được xây dựng và bảo vệ trong nhà máy lọc dầu Dung Quất còn lớn lao hơn.

Những năm tháng nhà máy hoạt động yên bình sau đó, thỉnh thoảng tôi vẫn kêu anh Nguyễn Hoài Giang tới nhà tôi ăn cơm, vì biết anh “chuyên trị” món… mỳ tôm khi từ nhà máy về mỗi buổi chiều. Vợ tôi rất vui lòng khi nấu cơm đãi các em ở nhà máy lọc dầu, đơn giản, vì các em ăn rất… nhiệt tình. Với người nội trợ, đó là một niềm vui.

Bây giờ, đã chuẩn bị kỷ niệm 10 năm nhà máy lọc dầu Dung Quất chính thức đi vào hoạt động. 10 năm với bao thăng trầm, bao vật đổi sao dời, buồn vui lẫn lộn, nhưng có lẽ vì tôi là một nhà thơ, nên những kỷ niệm về những con người ở nhà máy lọc dầu Dung Quất của tôi đều là những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm bình dị nhưng rất khó quên.

 

Tôi phải nói ở đây lời cảm ơn, khi tôi xây dựng Quỹ mổ tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo Quảng Ngãi. Quỹ mang tên “Vì những trái tim bé bỏng” từ năm 2010, thì qua đồng chí Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam khi ấy, và qua các bạn lãnh đạo nhà máy lọc dầu Dung Quất, Quỹ “Vì những trái tim bé bỏng” đã nhận được sự ủng hộ rất vô tư, rất nhiệt tình. Tới nay, dù tiền Quỹ đã cạn, nhưng suốt 9 năm qua, Quỹ đã tài trợ miễn phí hoàn toàn để phẫu thuật tim bẩm sinh thành công cho hơn 200 cháu bé và một số bệnh nhân lớn tuổi ở Quảng Ngãi. Quỹ cũng đã tài trợ mổ tim cho 5 em bé ở Vĩnh Long, quê hương của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Cũng nhờ sự ủng hộ nhiệt tình của Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Việt Nam, tôi đề xuất và được nhà máy lọc dầu Dung Quất tài trợ trực tiếp cho trường Trung học phổ thông chuyên Lê Khiết một phòng thí nghiệm, dụng cụ thí nghiệm và học tập, cùng những suất học bổng dành cho học sinh giỏi của trường.

Đồng hành cùng anh em bạn bè làm việc ở nhà máy lọc dầu Dung Quất, tôi đã có thể làm được vài việc nhỏ nhoi cho quê hương mình, cho trẻ em Quảng Ngãi. Đối với tôi, đó là một điều lớn lao.

Chúng ta còn bao nhiêu tháng năm được sống trên cõi đời này? Không ai biết. Và cũng không cần biết. Chỉ mong chúng ta còn cất được tiếng hô, như cha ông chúng ta đã từng hô: “Vạn Tường!”. Cho quê hương mình. Cho nhân dân mình. Thế là đủ.   


Có thể bạn quan tâm