March 28, 2024, 4:24 pm

Nhớ màu bằng lăng tím

 

Trường Cao Đẳng sư phạm Nghệ An, mùa thu 1991!

Tôi ứa nước mắt, vì thi cử không toại nguyện; hết vào Huế, lại ra Vinh, cuối cùng về học một lớp văn của trường Cao đẳng Sư phạm Tỉnh. Khoảng thời gian ấy, giáo dục khủng hoảng nặng, học sinh phổ thông bỏ học quá nhiều, trường lớp teo lại; cho nên mục tiêu đào tạo còn lại quá ít; cả hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh khóa ấy chỉ có 58 sinh viên miền xuôi; và 34 sinh viên miền núi; chúng tôi phải chủ công 3 môn: Văn – Sử  - Công dân; nghĩa là trường anh phải dạy được 3 môn ấy và gọi là khoa xã hội; cho nên toàn những bậc “cao thủ” dồn lại học ở đây; đến lúc ấy mới hoảng hồn vì phần đông sinh viên rất giỏi (có những người đậu Đại học này nọ không đi mà về học lớp này, mong sao ra kiếm được chút việc làm vì đã học ở đây là yên tâm có sự phân công công tác của sở giáo dục tỉnh).

Học được một dạo; tôi ốm nặng, đi viện cả tháng, cả lớp nữ sinh ấy nháo lên, cùng với hội đồng hương, họ góp tiền cứu tôi qua khỏi cửa tử thần…

Tôi tiếp tục theo học nhưng đau ốm cứ dai dẳng…

Và tất cả những bơ vơ thất vọng ấy đã khiến tôi trút cả vào thơ; rồi cả một bận; lấy hết can đảm tôi chép ra 15 bài…đạp xe lên tòa soạn báo Nghệ An xin nộp bảo thảo…tuần sau rồi trở lại…nhà báo Văn Hiền; thư ký tòa soạn báo; lật đật đi trái cả dép ra đón tôi, ông cười rạng rỡ, sau cặp kính trắng lóa…Chúc mừng cậu…tôi đã chọn và in của cậu được… một bài! Tôi cầm tờ báo mới ra; còn thơm mùi mực in; tìm thấy bài 4 câu thơ của mình; mà bị sửa mất 3 câu mới ra hồn vía thi ca…mà ngượng chín cả người! Nhuận bút bài thơ ấy được 15 nghìn đồng (mà trong khi mỗi bữa chúng tôi chỉ ăn có 300 đồng bạc cơm và hai trăm đồng thức ăn); cả lớp xôn xao lên vì có người được thơ đăng báo; và tất nhiên rủ nhau ra quán bà Ngọc ăn kẹo lạc, khao nhau…Sau thấy tôi có chút khiếu viết; các thầy, các bạn động viên thế là tôi lại hăm hở đạp xe lên nộp bài. Thấy tôi ham quá, nhà báo Vân Sơn ở báo Nghệ An tập cho tôi viết tin bài. Nhà báo Cao Đăng Nghĩa (báo công an Nghệ An) động viên viết tiểu phẩm. Các anh Bá Minh, Việt Long ở báo này cũng ủng hộ… Thế là tôi vừa học vừa viết được đôi bài…

 

Thực ra hồi ấy, tôi chỉ thích một số giảng viên lên lớp thôi, còn phần đông cứ dạy như trong sách; chán; chả trách sau này giáo dục phải đổi mới phương pháp tôi thích thầy Nguyễn Tường Lân dạy kịch sech xipia, Molie hay lắm; dạy say mê đến mức; thầy ngã từ từ trên bục giảng…may quá; thầy bị nhồi máu cơ tim mà vẫn làm việc quá sức; hú vía may đưa lên viện kịp; sau thầy trúng phiếu cao lên làm chủ tịch hội văn nghệ tỉnh. Rồi thầy Trần Ninh, dạy văn giọng Quảng Bình, thầy Nguyễn Thanh Tùng dạy văn học hiện đại, hóa ra ba vị này đều là nhà viết kịch, nhà thơ, nhà phê bình văn học cả…

Sau đến thầy Dương Thanh Kỳ dạy văn học Trung Quốc, cô Nguyệt dạy thơ hiện đại. Thi thoảng nhà trường mời một số chuyên gia về giảng bài cho sinh viên; có hôm chúng tôi tập trung lên hội trường, nghe nói chuyện thời sự biên giới, biển đảo, tình hình đông dương do một phó giáo sư ở trường Nguyễn Ái Quốc thiết giảng; Thầy chẳng thấy đâu, chỉ thấy một cái băng đài cát xéc lắp vào mở to cho sinh viên nghe, ấy vậy mà ngồi im nghe và cười đến chảy cả nước mắt, lại mời thầy Lê Thanh Tùng ở đại học Vinh về nói về thơ Nguyễn Khuyến. Lần đầu tiên tôi mới hiểu thế nào là phong cách nghiên cứu, sau này gặp lại thầy ở hội văn nghệ tỉnh, thầy cười kiểu “Hổ phụ sinh hổ tử” bắt tay tôi vui vẻ…

Nhưng ấn tượng nhất là ngày giáo sư Phan Ngọc về nói chuyện văn hóa, thầy giảng hay đến nỗi cây bút trong tay tôi rớt lúc nào không biết. Tôi nhìn ra cửa sổ thấy mấy ngọn phi lao đã ngập nắng, ba tiếng đồng hồ đi qua không ai hay… tôi nhớ, thầy bảo, có một nữ tiến sĩ người Pháp có hỏi; thưa ngài: Logic tư tưởng của người Việt Nam như thế nào? Thầy nói “Logic tư tưởng của người Việt Nam là logic ngược”; ví dụ câu ca dao: “sinh con rồi mới sinh cha/sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”; bà ấy bắt tay thán phục. Thầy nói; cái giở nhất của người Việt Nam là coi thường chuyện buôn bán “sĩ, nông, công, thương” sao “thương” lại đặt sau cùng. Người Trung Quốc họ coi trọng buôn bán (cũng như người phương tây); Trung Quốc bằng chứng là họ có rất sớm “con đường tơ lụa” nổi tiếng…phương tây họ gọi người đi buôn là “thương gia” (nhà buôn; ta gọi người đi buôn là gì là “con buôn”. Trời ạ bên gọi “nhà”, bên gọi “con”, sau miệt thị nhau quá vậy (phi thương bất phú); cả một dân tộc miệt thị chuyên đi buôn thì nghèo là đúng vậy. Các anh ra dạy học trò cũng phải nói rõ, chính là định hướng tư tưởng vậy…rồi thầy lại bảo, ngày xưa làm quan từ tri huyện trở lên người ta cho đi nơi khác cả, thậm chí đi xa như vậy tránh được nạn chia bè kéo cánh… Những ông quan tốt thì khi mất đem về quê chôn, dân lập đền thờ, vừa giáo dục con dân, vừa ấm cúng, bây giờ quan chức cao cấp khi mất cho vào mai dịch cả, sao lạ vậy… ngày xưa cha thầy (cụ Phan Võ – thượng thư triều đình Huế, cũng như các bậc đại khoa; thường lúc rỗi là đưa con về quê; cho nó tiếp xúc với họ hàng, tổ tiên, lưu giữ huyết mạch muôn đời; bây giờ làm quan, tếch ra thành phố nhiều kẻ đi đến già, con cháu thất cước với tổ tông, thử hỏi làm sao nó yêu nước được; đừng coi thường cái làng quê bé nhỏ, giữ được quốc gia này là nhờ nó cả đấy, chứ không phải cái phố xá đường nhựa bê tông này đâu… đúng là những sự tưởng lạ, hồi đó những câu nói như vậy, khiến người nghe phải sửng sốt… Sau đó ít lâu, chúng tôi được đi thăm quê cụ Nguyễn Du, đi bằng xe đạp, vào một buổi sáng xuân thấm lạnh, bãng lãng khói sương, đất Nghi Xuân sao lắm cát, cát trắng đến lạ lùng; mộ cụ Nguyễn Du nằm ở cánh đồng Cùng, khu tưởng niệm hồi đó cũng đơn giản; chúng tôi thắp hương, chợt thấy nao lòng.

Có cái gì đó lặng lẽ theo kiểu: “đánh tranh chụm nóc thảo đường/ một gian nước biếc mây vàng chia đôi”. Tôi đại diện cho lớp ghi cảm nghĩ vào quyển sổ lưu niệm màu vàng; và có ngờ đâu sau này đời tôi cũng: “bẽ bàng mây sớm đèn khuya/ Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”. Sau hôm đi tham quan ấy, tôi có viết được mấy bài thơ; và những trăn trở về số phận, dần hình thành trong tôi, nhất là khi nghe thầy Nguyễn Thanh Tùng bảo, truyện Kiều mỗi thời cảm nhận một khác, 20 tuổi đọc khác, 40 tuổi đọc lại Kiều thấy khác hơn nhiều; nhất là sau này, chính lúc bi đát nhất cả cuộc đời, tôi lại nhờ một ông cụ bói Kiều; lại bắt chính đoạn: “Hãy đem dây xích buộc chân nàng về/ Làm cho cho mệt cho mê/ Làm cho đau đớn ê chề cho coi/ Trước cho tỏ mặt mọi người/ Sau cho để một trò cười về sau”.

Giờ nghĩ lại tôi cứ ớn lạnh; văn chương sao như có máu huyết cuộc đời. Sau đọc tiểu thuyết “Nguyễn Du” của nhà văn Nguyễn Thế Quang buông sách ra tôi cứ ngồi lặng lẽ cả buổi chiều.

Những kỷ niệm thời học cao đẳng sư phạm ấy; đôi khi có hiện rõ trong tôi, có đêm ngủ cứ mơ về vùng đất Hưng Lộc (nơi trường đóng) có những con đường um tùm cây cối, hoa dẻ thơm lừng, khi tôi ra ngoại trú, ở nhà o dượng, ngày mấy lượt đi trong cây lá như vậy, thành phố thời ấy bình yên như một thị trấn miền núi xa xôi.

Những gương mặt thân quen của thầy Đào Khang (sau là phó giáo sư chủ nhiệm khoa địa đại học Vinh); cô Sen, thầy Linh, thầy Phước, thầy Lý, thầy Thành, cô Thu, cô Hà… và cứ day dứt hình ảnh ông chú Trần Duy Phúc, ông từng đỗ đầu cán bộ công đoàn giỏi tỉnh Nghệ An, ham học hỏi, đa tài, vợ mất sớm, gà trống nuôi 3 con dại, lúc ấy vừa cha vừa mẹ. Lắm lúc buồn ông rủ tôi lên ăn cơm, rồi có đêm mưa lạnh, thấy ông ôm ghi ta bập bùng “Từ trận tuyến tôi về thăm căn nhà ngoại ô, thấy tình thương vô bờ, cũng con đường này đây, cũng phố phường hàng cây, mà sao nhớ thương nhiều. Ca từ rất lạ (nhất là hồi đó); tôi hỏi ông thở dài kể; Đại khái hồi ấy đơn vị ông vào trận choảng nhau với quân ngụy bên cạnh một bờ sông, bỗng dưng có lệnh ngừng bắn (1973); cả ta và địch đều reo hò vì mấy mươi năm bom lửa, bây giờ mới được hòa bình; Đêm đến lính của ta vác đàn ra bờ sông ngồi hát: “Bên kia cầu hiền lương, chiều nay ra đứng trông về…Bên kia địch cũng không ngủ được, cũng ra sông nghe, rồi mạnh dạn lên tiếng: “Quý ông giải phóng ơi! hát to lên cho bọn tôi nghe với…”, “Quý ông ơi ra dạy cho bọn em hát với” ra thì ra, sợ gì, hòa bình rồi; không ra nó cho là mình nhát; ông bảo lính lên bè chèo ra sông; tất nhiên không quên đem theo mấy khẩu súng; Cuộc tao ngộ vỡ ra trong cảm động. Mấy thằng ngụy ấy đều là bọn có học; buộc phải ra chiến trường, nghe những bài hát nói lên nỗi đau chia cắt hai miền, chúng nó chảy nước mắt, bộ đội ta cũng ngậm ngùi; rồi nó dạy lại cho anh em mình bài hát ông vừa ngâm nga trên…Chuyện kéo dài được mấy hôm; lại đánh nhau trở lại, chiến tranh là thế…Trong một trận tấn công nào mà quân ta lại túm được mấy thằng lính trong nhóm hát hò hôm trước. Thôi thì cực chẳng đã ông lệnh cho trói tạm chúng vào cọc rồi bày bàn cờ ra đánh cãi nhau chí chóe… đang lúc núp thế, bỗng một thằng to, đen đứng ở cọc nói… anh Phúc; lên xe… lên xe… thế đánh đi! a mày cũng biết đánh cờ hả? Dạ biết. Cởi trói cho chúng nó… thế cãi nhau lại ầm ỉ cả lên…! Quá khuya chợt nghe tiếng mìn nổ, cả bọn vùng dậy, thôi chết mấy thằng ngụy trói tạm ấy bỏ trốn cả rồi, may mà…chứ nó bớp khẩu súng kéo cò một loạt thì chết cả lũ. Lần theo tiếng nổ hóa ra chúng nó vướng mìn thằng đánh cờ bị cả vào chân; ông điên tiết lôi nó đứng dậy, từ trong túi nó xổ ra mấy cái ảnh, ông cầm lên bấm đèn pin coi; mẹ già và vợ con nó; người thiếu phụ đẹp mắt bồn chồn đầy lo lắng; ông thấy nao cả lòng…thôi biến đi; ông quát lên, mấy thằng ngụy mừng như cha chết sống lại, lủi nhanh vào rừng, ông chỉa súng lên kéo một loạt đạn vang trời, như một lời chào giả biệt…

Giải phóng miền nam, non sông ca khúc khải hoàn, cho cha gặp lại con, vợ gặp lại chồng, cho lứa đôi đoàn tụ …

Ông chú tôi dẫn dẫn một tốp lính vào cái quán ăn ở Phan Rang, ăn mừng chiến thắng “Quý ông giải phóng… Anh Phúc… ân nhân ơi! Mẹ ơi; Mình ơi ra coi này!; ông chú kinh ngạc; thằng lính to đen ngày xưa; thằng được ông tha bổng đêm nọ, nó bị vướng mìn chân cụt…còn mấy đứa kia tội nghiệp; sau đó bị bệnh chết hết cả rồi! Cuộc đời như một giấc mơ… Sau đó ông ra Bắc; định đi Nga, sức khỏe yếu, đành ở lại, chuyển sang ngành sư phạm; đêm này buồn hồi hát nhớ chuyện xưa!

Tôi đem chuyện ấy kể lại với thầy Dương Thanh Kỳ, thầy Khắc Linh, các cụ bảo cái cốt truyện hay quá, anh nên lấy cái tít là: “Tiếng hát không biên giới” phải rồi, nghệ thuật, chính nghệ thuật và tình thương sẽ xóa hết thù hận của con người…

Giờ ngồi viết lại những kỷ niệm này, lòng tôi như se lại, gần ¼ thế kỷ qua rồi; chúng tôi hầu như chẳng gặp lại nhau; còn tôi sau bao giông tố, đoạn trường, đành khép lòng mình lại; may sao “Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời…Và em; Em cũng ở phương trời nào? Có nhớ mùa bằng lăng tím hay không; những cây bằng lăng, đứng lặng trên đường, xòe những chùm hoa tím nơi ta ngồi uống nước dứa quán cóc của gốc cây, chốn quê nghèo đôi khi nhìn hoa sắn tôi nhớ lại màu bằng lăng, lòng dội lên câu thơ của Xuân Diệu viết thuở nào: “Con đường nhỏ nhỏ gió xiêu xiêu/Lả lả cành hoang gió trở chiều/Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn/Lần đầu rung động nỗi thương yêu”

Nguồn Văn nghệ số 34/2019

 

 

 


Có thể bạn quan tâm