April 25, 2024, 1:20 pm

Nhớ Hải Bằng

Nhà thơ Hải Bằng tên thật là Nguyễn Phước Vĩnh Tôn, sinh ra ở Huế. Ông thuộc dòng dõi hoàng tộc. Cha ông từng là tri huyện Bố Trạch, Quảng Bình, rồi làm Tổng đốc Tây Nguyên dưới triều Nguyễn. Hải Bằng gia nhập Vệ quốc quân từ khi mới 14 tuổi, là chiến sĩ thuộc trung đoàn 101 tại Thừa Thiên. Từ năm 1948, ông ở trong đoàn văn nghệ Liên khu IV vào chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên. Lúc này, ông lấy tên là Văn Tôn, làm thơ và đọc cho bộ đội nghe. Những bài thơ của ông liên tục xuất hiện tại chiến khu Dương Hòa, Ba Lòng, Gio Linh, Cam Lộ. Trong số đó có bài thơ nổi tiếng "Em nữ cứu thương người Pháp" gây ra nhiều tranh cãi. Năm 1954 ông được chuyển công tác về Vụ Văn hóa Đại chúng thuộc Bộ Văn hóa. Năm 1959 ông về Ty Văn hóa Quảng Bình làm công tác phát hành sách. Sau khi đất nước thống nhất ông cùng gia đình về lại cố đô Huế sinh sống và làm việc tại Ty Văn hóa Bình Trị Thiên cho đến khi ông nghỉ hưu năm 1994.

Nhà thơ Hải Bằng thuộc thế hệ nhà văn sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Ông có mặt trong Đại hội thành lập Hội năm 1957 với tên Vĩnh Tôn, sau đó do điều kiện công tác, ông không tham gia sinh hoạt và 1985 được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 2 với tên Hải Bằng. Ngoài làm thơ ông còn yêu thích vẽ tranh và tạo hình rễ cây.

Tác phẩm đã xuất bản: Sóng đôi bờ (1994); Mưa Huế (1992); Thơ tình Hải Bằng (1989); Hát về ngọn lửa (1980); Đề lên năm tháng (1995); Mưa lại về (1993); Tuổi Huế trong ta (1996); Trăng đợi trước thềm (1989); Độc hành (1998)

Nhà thơ Hải Bằng qua đời ngày 7 tháng 7 năm 1998. Nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất của nhà thơ, xin giới thiệu lại bài viết của nhà văn Nguyễn Quang Lập, một bài viết được nhiều người yêu thích về ông

Văn nghệ

Nhà thơ Hải Bằng (Vĩnh Tôn)

NHỚ HẢI BẰNG

Anh Hải Bằng làm thơ từ thời kháng Pháp*, nổi tiếng như cồn ba tỉnh Bình Trị Thiên. Anh hay ra Ba Đồn chơi, lần nào anh ra một vạn dân thị trấn ai cũng biết. Mình nhớ như in hồi lớp một, một hôm anh đến nhà mình, ba mình lật đật chạy ra ngõ khom người đưa hai tay ra bắt, miệng lập cập nói, mời anh... mờì anh, dù ba mình lớn hơn anh chục tuổi, quyền chức cũng gấp 10 anh, hồi kháng Pháp còn là xếp trực tiếp của anh.

Mình đứng ôm cột nhà nhìn anh, hồi đó còn bé thấy nhà thơ cũng giống nhà hoạn heo, không xúc động gì, chỉ đứng ôm cột nhà trương mắt nhìn.

Anh cúi xuống búng chim mình một cái, nheo mắt cười chào, hỏi ba mình, con anh có đứa mô biết mần thơ không? Ba mình nói, dạ không, con tôi toàn giỏi tự nhiên, không đứa nào mê văn chương. Anh lại bóp chim mình cái nữa,  nói, tiếc hè, thằng ni trôốc (đầu) to ri mà không mần được thơ, tiếc hè.

Anh uống rượu đọc thơ. Mạ và hai chị mình chạy vào chạy ra tiếp rượu, đồ mồi, thầm thầm thì thì, nét mặt nghiêm trọng. Ba mình thì khúm núm nghe anh đọc thơ, nhìn anh ngưỡng mộ, thỉnh thoảng lại kêu lên: Hay! Sâu sắc! Sau này thành nhà văn gọi là nổi tiếng, mình chưa đến nhà ai mà được người ta ngưỡng mộ đến như thế. Từ đó mình bắt đầu để ý thơ Hải Bằng. Hễ có bài nào anh đăng là chụp đọc ngay, rồi chép thành một cuốn sổ. Bây giờ đọc lại, thấy tàm tạm, chẳng bài nào hay, nhưng hồi đó bài nào của anh mình cũng ngây ngất như  đọc thánh ca. Chẳng ngờ mười năm sau mình cùng được giải ba (không có giải nhất) thơ Quảng Bình với anh, còn đứng trên cả anh. Hồi đó không xếp theo abc, cùng giải thơ, ai hay hơn thì xếp trên. Một thằng cu con học lớp 10 lại cùng giải với một nhà thơ mình vô cùng ngưỡng mộ, thật còn hơn cả một giấc mơ, đừng nói còn xếp trên giải. Khi trao giải thì mình đã đi học Bách Khoa, không vào Hội được. Tiếc quay quắt. Năm sau hợp nhất ba tỉnh, mình vào Huế, đến Hội văn nghệ, đinh ninh cả Hội sẽ vây quanh vồ vập Nguyễn Quang Lập đó à, trẻ quá hè, tài hè... hoá ra lạnh như kem. May có chị Dạ (Lâm Thị Mỹ Dạ) tiếp đón không thì chết đói ở Huế không biết chừng. Tội nghiệp chị Dạ dắt mình đi, gặp ai cũng nói Nguyễn Quang Lập đây nì, ai cũng à, bắt tay rồi bỏ đi. Hội đông người, mình chẳng biết ai ra ai, chỉ nhớ nhất Hải Bằng. Khi đó ông đang đứng nói chuyện với Bửu Chỉ và Trịnh ông Sơn. Chị Dạ nói, anh Hải Bằng, Nguyễn Quang Lập đây nì. Anh ngoảnh lại, tưởng anh à, rồi bắt tay mình như anh Sơn, anh Bửu Chỉ, hoá ra anh không thèm nhìn mình mà hỏi chị Dạ, mi đã đọc chùm thơ tau đăng báo Văn Nghệ chưa? Chị Dạ nói, đọc rồi. Chị lại kéo tay mình ẩn về phía anh, nói, Nguyễn Quang Lập đây nì. Anh vẫn không thèm nhìn mình, mắt vẫn hướng về chị Dạ, nói, hay không? Mình vừa tức vừa ngượng vừa tủi. Chị Dạ lôi mình đi, miệng lẩm bẩm, cái ông Hải Bằng ni tức cười, khi em được giải, ông khoe đi khoe lại thân với nhà em lắm. Về sau mình mới biết Hải Bằng chỉ quan tâm đúng hai thứ, đó là thơ anh và con Xíu, con gái đầu của anh. Anh Sơn (Trịnh Công Sơn) nói, Lập vô đây nên biết, tất nhiên thơ Hải Bằng là số một rồi, còn ai là số hai, số ba, số bốn thì tụi mình tha hồ bầu. Đúng vậy, ai chê thơ anh lập tức bị ăn chửi liền, dù người đó có là ông trời. Bạn chí cốt, nếm mật nằm gai một thời với anh như Phùng Quán cũng chưa bao giờ dám mở mồm chê một nửa câu thơ của anh. Ai từng ở Huế, biết tí chút văn thơ, đều nhớ câu ca: Thứ nhất là sợ đau răng/ Thứ nhì sợ bác Hải Bằng đọc thơ. Một hôm anh Sơn phổ nhạc câu thơ này, theo điệu Lý năm canh, mình và Vinh Nguyễn cười lộn ruột. Anh đọc thơ bất kì lúc nào, bất kì ai, không cần biết người đó có sẵn sàng nghe hay không. Đọc xong anh hỏi hay không, tất nhiên phảỉ nói hay, anh hỏi hay răng. Khi đó mà không nói được vài điều khen hay cho có lí, anh cũng chửi. Anh có tài tạo hình bằng rễ cây, chủ yếu là tạo hình các con thú. Nhà anh đầy những rễ cây các con thú khác nhau. Đến chơi nhà, bao giờ anh cũng chỉ một hình rễ cây vừa làm xong hỏi đẹp không, tất nhiên là nói đẹp. Nói xong thì lo thắt ruột sợ anh hỏi con chi, không nói được thì bỏ bà. Các hình rễ cây đều gắn lên đế gỗ. Cái đế nào cũng kí hai chữ Hải Bằng. Một hôm mình ngồi chơi với anh, bạn trai con Xíu đến chơi, nó nịnh anh, khen hình rễ cây anh đẹp. Anh thích lắm, nói với mình, đó... bạn con Xíu đó, bạn con Xíu đứa mô cũng giỏi. Thắng bé phởn, tưởng bở, cầm cái rễ cây ngắm nghía, không biết là hình con gì, nó hỏi, Hải Bằng là con chi hả bác? Anh hét lên, con cái mả cha mi. Ngu rứa. Thằng bé sợ tái mặt, đứng đực, vẫn không hiểu vì sao anh chửi nó. Làng văn Huế, Hải Bằng là bậc trưởng lão, tuổi nghề cũng như tuổi đời anh đều hơn hết thảy. Vì vậy anh có nói gì cũng chẳng ai dám ho he. Với lại biết bụng dạ anh chẳng có gì. Chửi đó thân thiện đó. Như con nít đang khóc thét dữ dội, gặp cái ưng ý là cười liền, anh cũng vậy. Buổi chiều vừa chửi anh Văn Lợi không còn một lời nào, tối mình đến nhà Hải Bằng, nói, anh chửi anh Văn Lợi chi tội, anh Văn Lợi đánh giá thơ anh cực kì luôn.  Anh hỏi, đánh giá răng? Mình nói phét, Văn Lợi nói thơ Tố Hữu nhiều bài dở nhưng thơ Hải Bằng thì không có, tao đọc kĩ rồi, tìm mãi không thấy bài nào dở, tuyệt nhiên không. Anh cười nói, thằng Văn Lợi hay chơ. Sáng mai gặp Văn Lợi, anh nói cười như không, như chưa hề có vụ chửi ngày hôm trước. Một đêm anh Sơn uống rượu, bày thơ Hải Bằng ra diễu, chỉ trêu vài câu thôi. Có ai đó nói lại với anh. Sáng sớm anh đã chặn cửa Hội chờ anh Sơn đến. Anh Sơn vừa đạp xe đến, anh cầm ghi đông xe chặn lại hỏi, răng mi chê thơ tao? Anh Sơn vội vàng nói anh đừng nghe chúng nó tào lao, vào đây em hát cái bài em vừa phổ nhạc thơ anh. Anh Sơn vừa hát vừa bịa, nghe cũng du dương phết, Hải Bằng cười nói, bài ni hay, hay hơn Hạ Trắng nhiều hi! Lần đầu mình đến chơi nhà anh, túi găm cái bút bi đỏ. Hồi đó bút bi thuộc loại qúi hiếm, bút bi đỏ càng hiếm. Anh rút cái bút bi đỏ ngắm nghía, khen đẹp rồi nói, tao hí. Anh thản nhiên nhét cái bút vào túi anh, coi như mình rất phấn khởi được tặng anh cái bút. Về sau mới biết anh nổi tiếng tau hí, gặp ai thấy cái gì hay là anh tau hí rồi lấy như không. Lấy rồi về vứt đấy chẳng dùng, nhiều khi lại mang đi cho người khác, nhưng hễ thấy ai có cái gì hay hay là anh không chịu được, dứt khoát phải tau hí. Một hôm, ở nhà anh Tường, mình và anh Quán chuẩn bị sang nhà Hải Bằng chơi. Anh Quán nói, có cái chi hay thì bỏ ở nhà nghe, tụi mình sang nhà thằng tau hí đó. Hải Bằng rụng răng sớm, 40 tuổi đã rụng răng, đến 50 đã phải đeo răng giả. Xưa rất thân nữ nhà thơ Th. Mọi người không biết họ có họ xa với nhau, vẫn trêu chọc họ là yêu, mới bịa ra chuyện cô Th. chơi với Hải Bằng về, thấy cân cấn trong miệng, khạc ra, hoá ra là cái răng Hải Bằng. Anh Tường bênh, nói, sai rồi... tại Hải Bằng say đọc thơ văng cả răng, nữ nhà thơ Th. nhặt được, nói tau hí. Hải Bằng tiếc lắm nhưng gái xin không lẽ không cho. Nói vậy thôi chứ Hải Bằng rất hay tặng quà người khác, văn nghệ sĩ ở Huế ai chơi thân với anh ít nhất cũng một lần được anh tặng quà, nhưng cái tật tau hí của anh nổi tiếng đến nỗi người ta cứ đinh ninh hễ gặp anh là thế nào anh cũng tau hí. Anh Quán kể, Hải Bằng ra Hà Nội, anh tặng Phùng Quán cái bút Kim Tinh rất đẹp. Khi vào Huế, vào nhà thăm Hải Bằng, anh Phùng Quán cố tình găm cái bút Kim Tinh lên túi, mục đích để Hải Bằng cảm động khi thấy Phùng Quán đã gìn giữ nâng niu cái bút của mình . Nhưng Hải Bằng quên mất đó là cây bút của anh, liền lấy cái bút ngay, nói với Phùng Quán, tau hí!   (Rút từ Bạn văn 1)   Hải Bằng là tác giả câu thơ: Khi Việt Nam ngủ, Cu Ba thức Giữa thế kỉ này ta đổi canh nhau.

Có thể bạn quan tâm