April 18, 2024, 8:42 pm

Nhịp điệu mới trường ca Quê mẹ

 

 

Phùng Trung Tập làm thơ từ thập niên 80, đến nay đã chừng 40 năm. Anh liên tiếp cho ra đời những tập thơ có dấu ấn riêng trong hơn hai mươi năm qua. Tập trường ca Quê mẹ là tác phẩm mới nhất của anh. Tác giả có cách viết hòa tan những ký ức theo trình thức thời gian cùng với sự đồng hiện theo bố cục được định hình do cảm xúc chi phối. Cách viết ấy xóa nhòa được lớp lang sáo mòn. Cách viết ấy bao nỗi niềm được bày tỏ có sức ám ảnh và bất ngờ qua những hình ảnh và nhịp điệu thơ uyển chuyển. Khi êm đềm ngọt ngào như những khúc dân ca đồng chiêm bên lũy tre làng. Khi lại cuồn cuồn như sóng nước dâng cao. Và khi lại thâm trầm tê tái qua những mất mát xót đau… Mười một chương được dựng trong Quê mẹ đã bổ sung cho nhau tạo nên bản giao hưởng bằng những nhịp điệu biến hóa. 

Phát triển chung quanh hình tượng người mẹ và quê hương. Hai hình ảnh này luôn luôn hòa nhập với những ký ức sâu sắc mà tác giả đã nặng trĩu tâm tư bao lâu nay. Những hình ảnh quê hương với con sông Kinh Thầy đã làm xao động tâm hồn tác giả với những khổ thơ đầy nỗi niềm. Ta có thể đọc bất cứ chương nào hình ảnh quê hương cũng đau đáu tình yêu thương: “Kinh Thầy mưa tự ngàn xưa/ Giăng giăng sợi nắng sợi mưa khoảng trời/ Trải lòng giọt giọt mưa rơi/ Đất lành nguồn cội mưa tươi từng mùa”.

Và đôi khi những hình ảnh chân thực quê kiểng vẫn hiện về trong ký ức: “Người làng quý trọng người tính nét đẹp hơn khuôn mặt đẹp/ Những cô gái đắt chồng ngực nở mông to/ Khỏe gánh gồng, mắn con đẻ cái/ Bàn chân dày năm ngón xòe ô”.

Rồi lại khi hình ảnh quê hương hòa tan vào chân dung mẹ: “Mẹ sinh ra con giữa đêm mưa bão/ Nhà gỗ bốn gian tụt rạ mái che/ Then cài cửa cong bập bùng gió dập/ Giường chiếu co thân vách đất tụt bè”.

Hình tượng về mẹ và quê hương cứ thế quấn quýt và phát triển qua những kỷ niệm và sự trải nghiệm của tác giả. Từ tuổi ấu thơ đến khi khoác ba lô lên đường vào cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, hồn thơ của tác giả luôn hướng về mẹ và con sông quê. Tác giả đã gây xúc động cho người đọc khi đi thăm bạn ở nghĩa trang. Hình tượng mẹ lại hiện lên với nhịp điệu ngậm ngùi: “Hai trăm chín mươi mốt sinh viên người lính/ Hóa thân vào đất Mẹ bao la/ Không một nấm mồ riêng/ Không một tấm bia ghi tên tuổi quê nhà”.

Rồi những lúc ở tận chân trời góc bể xứ người, tác giả cũng hoài niệm về quê hương và nhớ đến hình ảnh mẹ: “Chiều về giữa Mạc Tư Khoa/ Nôn nao nghe điệu dân ca xứ người/Tình thương của Mẹ trên đời/ Tạo ra cả một bầu trời thơ con”.

Hình tượng Mẹ được phát triển và hóa thân vào sự sống và sự biến động của đất nước, chiến tranh và dựng xây. Đó là sự mở rộng của hình tượng cùng với cảm xúc khi thì trầm ấm, khi lại triết lý và khi lại dịu dàng của tác giả. Nhịp điệu thơ mỗi lúc một biến hóa để triển khai hình tượng được nhiều ánh sáng quy chiếu khác nhau.

Có lúc tác giả thể hiện hình ảnh mẹ hiện lên trong nỗi cô đơn: “Từ ngày Mẹ phải đi xa/ Trong con thiếu một Thiên hà. Mẹ ơi!/ Con là đứa trẻ mồ côi/ Muôn ngàn sau có tái hồi hay chăng?”.

Lại có lúc người mẹ trở nên huyền ảo lung linh trong giấc mơ nhưng gây xúc động sâu sắc: “Thấy mẹ con muốn đến bên/ Mà chân cứ rối phía trên vướng người/ Bỗng nhiên con bay lên trời/ Nhưng đôi cánh lại rã rời… mưa tuôn”.

Tình cảm xa cách chia ly còn được tác giả hòa nhập vào dòng sông Kinh Thầy với những hình ảnh xao lòng: “Thời gian như nước theo dòng/ Chia ly mặt song chau từng nếp nhăn/ Đôi bờ bồi lở đục trong/ Quặn lòng bọt trắng sóng gầm biệt ly”.

Nhịp điệu của trường ca còn được tác giả viết đan xen những lời hát dân ca bổ sung cho nét cân đối trong những hình tượng trong Quê mẹ. Khi đó những câu thơ trở nên phong phú về cung bậc tựa những khúc thức trong âm nhạc, tạo sự hòa nhập cảm xúc giữa người đọc và tác giả. Gọi được sự đồng hành song phương đó cũng là một thành công của tác giả… Ta có thể bắt gặp những câu thơ gợi cảm gây xúc động cho người đọc với những thủ pháp so sánh, liên tưởng đầy ẩn dụ trong các chương hồi như: “Nông dân đánh đổi cuộc đời/ Cấy trồng bạc phận rơm tươi mùa màng”. Hay hình ảnh quê hương người đọc sẽ cảm nhận một cách ngỡ như vô thức nhưng lại gợi sự đồng điệu trong tâm hồn: “Hương quê trong khoai ngọt/ Hương quê trong rạ rơm/ Hương quê hạt gạo đỏ/ Ao bùn ngái ngõ sương”.

Hình ảnh mẹ trên nền cảm xúc đó luôn hiện lên trong ký ức trào dâng. Tác giả viết: “Cơi trầu bên Mẹ đêm đêm/ Lo toan nồng phận trầu têm hương trời”. Hay mỗi lần về quê tác giả luôn luôn nhớ đến người mẹ tần tảo sớm hôm trên sông Kinh Thầy: “Con về lặng lẽ bên sông/ Cây đa, bến cũ người không thấy về/ Gió lùa sông nước tái tê/ Mẹ về có kịp đò khuya cuối ngày”.

Dần dần qua mỗi lớp lang hình tượng Mẹ được khái quát hội tụ trong những ảnh hình quê hương đất nước. Tác giả đã có điểm nhấn với sự chuyển động con sông quê hương để bày tỏ ý tưởng sâu sắc về Mẹ. Anh viết: “Sông mài miết tự rửa mình năm tháng/ Nguyện cưu mang muôn tâm sự non ngàn”. Hoặc mở rộng ý tưởng trong khổ thơ: “Hồn nhiên xanh những cánh đồng châu thổ/ Sông sẻ chia tươi mát mỗi chồi non/ Sông lặng lẽ chứng nhân dòng lịch sử/ Hưng-Thịnh-Suy-Vong bạc sóng hạ nguồn”.

Quê mẹ có nét mới trong thể loại trường ca bằng sự chuyển động của nhịp điệu trong từng chương đoạn. Hình tượng Mẹ - Quê hương - Đất nước có sự thống nhất trong chủ đề tư tưởng của tác phẩm. Với ý thức công dân sâu sắc trong tư tưởng, Phùng Trung Tập luôn có cảm giác mình mắc nợ với cuộc sống. Đó là những khoản nợ trần gian. Nợ Mẹ. Nợ Cha. Nợ đồng đội. Nợ quê hương. Thật xúc động khi tác giả viết: “Xương máu chiến tranh tàn cỏ lại xanh/ Đất thay áo bao nấm mồ liệt sĩ/ Thác suối lệ vành khăn tang chiến lũy/ Khoản thơ nào còn thiếu nợ chiến binh?”. Và cuối cùng tác giả đã bày tỏ nỗi niềm sâu thẳm của mình về Quê mẹ với sự trăn trở: “Nhà thơ còn thiếu nợ nhân dân/ Lam lũ cấy trồng duyên rơm phận rạ/ Sau mùa gặt bần thần gồng gánh/ Vỏ trấu nào rữa vụn dưới mây trôi”. Sự thành công của trường ca Quê mẹ nằm ở tình cảm sâu nặng về quê hương.

Nguồn Văn nghệ số 29/2020


Có thể bạn quan tâm