April 26, 2024, 2:32 am

Nhìn từ "Sức mạnh của vết thương"

Sức mạnh của vết thương là tập tiểu luận-phê bình mới của Hoàng Thụy Anh, do NXB Văn Học và Công ty cổ phần Sbooks liên kết xuất bản Quý IV-2021. Hai mươi tư bài viết trong tập sách này đề cập những tác phẩm cụ thể của các nhà văn đương đại Việt Nam thuộc nhiều thế hệ, như: Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Quang Đạo, Hữu Phương, Văn Thành Lê, Mai Nam Thắng, Nguyễn Việt Chiến, Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Hương Duyên, Nguyễn Thị Lê Na, Lữ Thị Mai v.v… Nhiều bài viết trong số này đã được đăng tải trên các báo văn nghệ ở trung ương và các địa phương, nhưng đó hoàn toàn không chỉ là những bài “phê bình báo chí” thường thấy.

 1.

Hơn 20 bài viết của tập tiểu luận – phê bình được sắp xếp thành 2 phần rất rõ ràng và… cân xứng. Trong đó, 12 bài nửa đầu tập là viết về tác phẩm của 12 tác giả thế hệ đi trước và 12 bài nửa cuối tập là viết về tác phẩm của các tác giả 7x - 8x, là thế hệ bạn bè của Hoàng Thụy Anh.

Có thể thấy nhà phê bình dành khá nhiều tình cảm cho tác phẩm của “thế hệ bạn bè”. Đây là thế hệ lớn lên trong không khí văn chương thời kỳ “hậu đổi mới” và thời đại internet. Họ được mặc sức bung xõa viết về mọi điều họ nghĩ, họ cảm; bằng mọi cách tìm tòi thể nghiệm để khẳng định cái “tôi” của mình. Việc công bố tác phẩm của họ cũng khá dễ dàng thuận tiện và các danh xưng cao quý dành cho người viết cũng khá thoải mái. Trong cái dàn đồng ca đa âm thanh và cung bậc ấy, Hoàng Thụy Anh yêu quý và trân trọng lắng nghe để nhận diện từng giọng điệu riêng hết sức nghiêm túc về học thuật, nhưng đôi khi cũng khá tinh tế khéo léo. Hãy kêu tiếng kêu của ngọn đuốc - theo tôi, cái đầu đề ấy của bài viết không chỉ là một lời động viên khích lệ đối với một tác giả đã xuất bản 7 tập thơ và trường ca như Thy Nguyên. Còn cái tên bài Hương Giang với thánh giá thơ thì đúng là động viên khích lệ nhưng cũng là lời cảnh báo những rủi ro khổ ải trước mắt cho một cây bút “mới toanh” dám dấn thân với thơ. Hoặc như với những nỗ lực giải mã lịch sử của một số tác giả trẻ hiện nay, rất cần những phân tích, kiến giải thuyết phục, thiện chí như trong bài viết về tập truyện ngắn Xác tín mùa của Trần Quỳnh Nga…

Có 4 tiểu luận làm thành một “nhóm” khá thú vị đối với những người từng đọc và quan tâm 4 tác giả văn xuôi: Nie Thanh Mai, Bảo Thương, Nguyễn Hương Duyên và Nguyễn Thị Lê Na. Đây là 4 tác giả nữ đủ 3 miền Bắc-Trung-Nam, cùng thế hệ “7x đời chót” và cùng viết chủ yếu về người phụ nữ đầy… tính nữ. Đặc biệt 3 tác giả: Bảo Thương, Nguyễn Hương Duyên và Nguyễn Thị Lê Na khá cởi mở và táo bạo với sex ở ngôi thứ nhất. Tuy nhiên, “sự đọc” của Hoàng Thụy Anh đã chỉ ra được từng nét riêng trong cái “nhân vị đàn bà” của mỗi người. Đặc biệt, dưới sự “săm soi” giải phẫu của Hoàng Thụy Anh, những ẩn ức nhục thể của mỗi tác giả được minh định rạch ròi, nhân văn và nhân bản.

Theo đó, Nie Thanh Mai là nhà văn mà “bản sắc văn hóa Tây Nguyên được liên kết chặt chẽ trong cái nhìn đậm tính nữ” và chất thơ trong văn của chị là một trong những nét bản sắc của “tính nữ” ấy. “Từ những trắc trở trong tình yêu, hôn nhân, chị chỉ ra những thay đổi trong tâm lý của người phụ nữ (Tây Nguyên). Đó là sự giằng co giữa tập tục lạc hậu và tư tưởng hiện đại, giữa khoan dung và ghen tuông, ích kỷ và vị tha…” (Tr. 210). Dấu ấn văn hóa vùng miền ấy khác với bản tính của những người phụ nữ trong tác phẩm của Nguyễn Hương Duyên “trong cuộc kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc, dù có nhọc nhằn, khổ đau nhưng người phụ nữ vẫn không từ bỏ, luôn chủ động, mạnh mẽ đấu tranh đến cùng…”. Những kiểu nhân vật phụ nữ như thế, thật hợp với lối văn trực diện, nhìn thẳng của Nguyễn Hương Duyên. Qua đó, “người đọc thấy họ vừa dịu dàng, vừa cá tính, vừa cảm tỉnh, vừa lý tính, vừa khiêm tốn, vừa kiêu hãnh, vừa nhẫn nhịn, vừa mạnh mẽ…” (tr.290). Kiểu nhân vật ấy phần nào có những nét tương tự như những người phụ nữ “bản lĩnh, tự tin và kiêu hãnh… tự hào với phận nữ mà tạo hóa đã ban” trong tác phẩm của Nguyễn Thị Lê Na, một đồng nghiệp đồng hương Quảng Bình của Nguyễn Hương Duyên. Riêng về yếu tố tình dục của các nhân vật nữ trong truyện của Nguyễn Thị Lê Na được nhìn nhận ở góc độ bản năng “nhưng chị không đẩy các nhân vật nữ của mình đi sâu vào các hành vi tình dục ngoài luồng, mà chị chọn điểm dừng ngay khi nhân vật nữ tự dò xét chính mình. Những cảm xúc “tình dục ngẫu hứng” được chị đẩy đến đỉnh điểm rồi dùng sự điều tiết của văn hóa để kìm nén…” (tr.308). Nếu Nguyễn Thị Lê Na dùng tình dục như thước đo để kiểm chứng phẩm giá, thì Bảo Thương dùng dục tính để hóa giải những bất hạnh, nhất là những bất hạnh do chiến tranh. “Tính dục mà Bảo Thương đào sâu trong sự tàn bạo của chiến tranh, trong sự vùi dập của hậu chiến, đã phát huy sức mạnh và hiệu lực của nó, hướng con người đến sự nhân ái, giúp con người vừa tìm kiếm bản ngã, vừa giải tỏa nỗi cô đơn ngập ngụa trong lòng… (tr.230). Tuy nhiên, nhà phê bình cũng khéo léo nhắc nhở nhà văn cần biết tiết chế liều lượng hợp lý để tránh thái quá với yếu tố tính dục vốn vẫn đang được coi là… nhạy cảm.

2.

Việc “đọc vị” từng giọng điệu riêng trong dàn đồng ca đa âm sắc cung bậc của “thế hệ bạn bè” là công việc khó, nhưng viết về tác phẩm của những tác giả đã thành danh như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Linh Khiếu, Trần Quang Đạo, Nguyễn Việt Chiến, Hữu Phương… mới là thử thách để khẳng định năng lực của nhà phê bình trẻ. Dẫu rằng đây chỉ là viết về một tác phẩm cụ thể của họ, nhưng đó vẫn là những tác phẩm nhất quán phong cách, sở trường, sở đoản của mỗi người. Đọc các bài viết, thấy Hoàng Thụy Anh đã quán xuyến toàn bộ thành tựu văn chương của mỗi tác giả trong quá trình khảo sát tác phẩm cụ thể, soi chiếu lật xới văn bản để chỉ ra những nét mới trong những cái lâu nay độc giả đã “biết rồi” về các tác giả ấy.

Trường ca Phồn sinh của Nguyễn Linh Khiếu là một ví dụ. Đây là tập trường ca đồ sộ (150 “chương”, trên 700 trang khổ lớn) có cấu trúc và diễn ngôn phi truyền thống, ngồn ngộn chất chứa những cảm thức nhân sinh và thế giới quan, cuồn cuộn nhịp điều từ đầu đến cuối khiến người đọc “yếu sức” (hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) sẽ bị ngợp lút trong mênh mông vô định. Nhà phê bình đã huy động tất thảy năng lực cảm thụ, cảm xúc, tư duy của mình để thám mã sức sống trào sôi, vĩnh hằng và giá trị tư tưởng của thế giới Phồn sinh. Bám sát những chuyển động biến ảo của chủ thể trữ tình, Hoàng Thụy Anh đã từng bước nắm bắt được những tư tưởng, chủ đề, quan niệm… được tác giả bố trí như là những “xương cá” trên cái trục chính phồn thực, giao hoan, sinh nở... Và, “dưới cái nhìn sinh thái, “phồn sinh” đúng là một thế giới song hành tuyệt bích giữa con người với con người, giữa con người với môi sinh. Phồn sinh biểu thị sức sống bất diệt của sinh thái. Tinh thần sinh thái nhấn mạnh tính nhân văn trong Phồn sinh (tr.20).

Với tiểu thuyết Tình Cát của Nguyễn Quang Lập, Hoàng Thụy Anh lại có sự kết nối liên văn bản với tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng và một số sáng tác thời Đổi mới của nhà văn, để xác quyết rằng “viết về chiến tranh, Nguyễn Quang Lập không tiếp tục cày xới nỗi đau. Bởi lẽ, hiện nay mọi thứ đã được hòa/hóa giải rồi. Nhưng ai sẽ là người điều trị những chứng bệnh như Hoàng (nhân vật trong tiểu thuyết-MNT chú thích) khi xã hội hôm nay vẫn không ngừng gieo chấn thương?” (tr.89). Chợt nhớ gần 40 năm trước, đã có người gọi Nguyễn Quang Lập là nhà văn “băng bó vết thương chiến tranh”, ngầm ý so sánh với cách viết có tâm thế khác của một nhà văn cũng rất nổi tiếng cùng thời. Ngày ấy Hoàng Thụy Anh còn tuổi mẫu giáo, nước ta chưa có internet và ý kiến trên tôi cũng chỉ tình cờ nghe được một lần đâu đó. Hôm nay đọc bài viết của Hoàng Thụy Anh về tiểu thuyết Tình Cát của Nguyễn Quang Lập, bỗng nhiên nhớ lại rõ mồn một…

Hoặc như khi đọc bài viết về tập thơ Dưới trăng và một bậc cửa của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tôi giật mình khi gặp nhận xét sau đây của nhà phê bình trẻ: “Có thể nói sự viết của Nguyễn Quang Thiều đã đạt đến cái cõi “bất khả độc” (unreadability) và “bất khả quyết” (undecidability). Ông “đùa nghịch” với vùng-đất-tâm-hồn của mình và “đùa nghịch” với hiện thực cuộc sống bằng những giây phút thăng hoa khoái cảm” (tr.33). Chợt nhớ đến một bài viết của nhà thơ Hữu Thỉnh về nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, trong đó có nhận xét: “Nguyễn Quang Thiều rất quan tâm đến liên tưởng. Trên chuyến tàu thơ dặm trường, ta không biết tác giả sẽ đưa ta đến ga nào. Anh đưa ta đến ga nào thì ta biết ga đó thôi. Cuộc hành trình đầy những bất ngờ…”. Hai nhận xét dùng những hình ảnh biểu đạt khác nhau, nhưng đều chung tinh thần đề cao trường liên tưởng và trí tưởng tượng trong thơ Nguyễn Quang Thiều.

*

Sức mạnh của vết thương là tập sách thứ 7 của Hoàng Thụy Anh, sau 2 tập chuyên luận khá công phu, 3 tập Tiểu luận - Phê bình tạo được dư luận tốt và 1 tập thơ được công chúng thừa nhận là có “giọng lạ”. Tất cả đều được viết và xuất bản trong vòng 10 năm gần đây, lúc chị mới trên dưới ba mươi tuổi, đã được trao 4 Giải thưởng văn học địa phương và Trung ương. Đọc Hoàng Thụy Anh và nếu được gặp chị ở ngoài đời, hẳn nhiều người sẽ không khỏi thốt lên: Ngoài công việc chuyên môn của một biên tập viên tạp chí Nhật Lệ, thời gian và sức lực ở đâu mà cô gái bé nhỏ này cứ “gặt hái” tưng bừng như thế?

BT

Nguồn Văn nghệ số 17/2022


Có thể bạn quan tâm