April 19, 2024, 8:06 pm

Nhìn từ diễn đàn Quốc hội: Sự đồng thuận từ những bất đồng

 

Câu chuyện đại biểu quốc hội Trần Việt Khoa, Trung tướng, Giám đốc Học viện Quốc phòng (Đoàn Hà Nội) sử dụng khái niệm “nước ngoài” khi nói về những diễn biến phức tạp đang diễn ra trên Biển Đông tại diễn đàn Quốc hội, thay vì chỉ đích danh “nước ngoài” đó là quốc gia nào, có lẽ là sự kiện được bàn luận nhiều nhất trên các diễn đàn xã hội tuần vừa qua, sau những thông tin về cái chết thương tâm của 39 người trên đường vượt biên sang Anh quốc. Nói là bàn luận, nhưng thực ra chủ yếu là phê phán, chỉ trích ông Khoa ở nhiều góc độ và với nhiều mức độ khác nhau, chứ hầu như không thấy có mấy người ủng hộ hay bênh vực ông. Nhìn nhận vấn đề ở một khía cạnh khác cũng không… Điều này, nếu như bỏ qua những biểu hiện của tác động dây chuyền và xu thế bình luận cảm tính - một trong những thuộc tính của mạng xã hội nói chung - sẽ cho thấy một thái độ khá kiên quết thống nhất của cộng đồng. Đó là sự bức xúc trước tình trạng chủ quyền quốc gia bị xâm hại, là sự bất bình trước những thái độ nhu nhược, né tránh… Tất cả những điều đó không mâu thuẫn với tinh thần đã được thể hiện qua khẳng định “Không nhân nhượng vấn đề chủ quyền” của người đứng đầu Đảng và Nhà nước - Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - khi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Quốc hội lần này; cũng không xa với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi báo cáo tình hình kinh tế xã hội trước Quốc hội ngay buổi khai mạc… Rõ ràng có một điều nhất quán sâu xa đằng sau những bất đồng của câu chuyện này. Đó là quan điểm: chủ quyền quốc gia là thiêng liêng, bảo vệ chủ quyền là cương quyết, quyết liệt và không hề lùi bước. Là sự gặp nhau giữa tư tưởng của Đảng, Nhà nước, và ý chí của toàn dân tộc.

Trở lại chuyện về phát ngôn của ông Trần Việt Khoa. Một trong những nội dung có trong chương trình của kỳ họp này, đó là Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của Nhà nước năm 2019, trong đó có vấn đề về Biển Đông - nội dung được nhiều Đại biểu cũng như cử tri cả nước hết sức quan tâm. Nói là quan tâm, nhưng rõ ràng là ở đây không đơn thuần chỉ là cử tri và nhân dân quan tâm đến những thông tin, mà họ còn đang quan tâm đến thái độ của Quốc hội, của Nhà nước và Chính phủ trước những thông tin đó nữa. Bên hành lang kỳ họp, nhiều đại biểu đã chia sẻ: thông tin về tình hình Biển Đông hiện nay trên báo chí và mạng xã hội khá nhiều, nhưng một cách chính xác và chính thống thì cần thông tin từ Chính phủ báo cáo trên nghị trường. “Không chỉ riêng tôi mà tất cả Đại biểu Quốc hội đều rất mong muốn có thông tin cập nhật, chính xác về tình hình Biển Đông để chuyển tải đến các cử tri”. Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đã tâm sự như vậy. Và theo ông, “nếu đã là người dân Việt Nam chân chính thì ai cũng suy nghi về việc này và mong muốn biết…”. Còn Đại biểu Dương Trung Quốc (Đoàn Đồng Nai) thì cụ thể hơn khi cho rằng “Điều quan trọng nhất là làm sao có sự đồng thuận giữa dân và nhà nước”. Và với tư cách là người đại diện cho dân, ông Quốc đã phân tích vấn đề từ góc độ của người làm sử học: “Rất nhiều lần đại biểu quốc hội, trong đó có tôi đã thể hiện rằng, Quốc hội nên có thái độ rõ ràng. Thái độ chúng ta vẫn mong muốn hoà bình, giữ gìn hữu nghị nhưng chúng ta cũng phải khẳng định những gì người ta xúc phạm đến chúng ta. Nếu không làm điều đó, chúng ta sẽ đánh mất chính sức mạnh của mình”… Với tinh thân ấy, ông Quốc cho rằng “Ở ngay trên diễn đàn của quốc hội cũng vẫn có vị đại biểu né tránh, thay thế chỉ đích danh Trung Quốc bằng khái niệm rất mơ hồ là nước ngoài…”

Băn khoăn của ông Quốc là điều hoàn toàn có thể chia sẻ. Song nếu chỉ vì thế mà “sóng gió” nổi lên với ông Trần Việt Khoa thì lại không phải là điều công bằng. Là người đưa ra những thông tin và kiến giải hết sức cụ thể về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông mà chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt bằng nhiều biện pháp, ý kiến của ông Khoa có thể xem là một trong số không nhiều phát ngôn chính thức của một đại biểu trên diễn đàn Quốc hội về vấn đề này. Và khẳng định của ông khi nói về hành vi xâm phạm, gây rối trên biển: “Đây là những cái chúng ta không thể chấp nhận được”, hẳn phải xem là một thái độ không phải chỉ với tư cách một cá nhân.

Câu chuyện lãnh thổ, chủ quyền là câu chuyện mang tính lịch sử với một quốc gia ở vào vị thế Địa – Chính trị như Việt Nam; và lịch sử cũng đã chứng minh chân lý hiển nhiên đó trong suốt tiến trình xây dựng, bảo vệ và trưởng thành của dân tộc, trải qua bao triều đại, bao biến cải thăng trầm, bao biến thiên của những xu thế và khuynh hướng chính trị khác nhau… Từ thực tế ấy, trong tình hình hiện nay, đối phó với những diễn biến căng thẳng trên biển Đông thực sự đang là vấn đề vô cùng khó khăn, phức tạp, cần được nhìn nhận ở nhiều góc độ, cần phải có sự khôn khéo và kiên quyết trong mỗi tình huống, mỗi vị trí khác nhau. “Nhưng càng khó, càng phức tạp thì càng phải tìm sự đồng thuận của người dân”. Ý kiến đó của Đại biểu Dương Trung Quốc đương nhiên là chính xác. Nhưng là người đại diện cho dân, xin hãy nhìn thấy sự đồng thuận ở ngay cả những hiện tượng tưởng như mâu thuẫn, những ý kiến tưởng như bất đồng, để từ đó mà tập hợp lại, từ đó mà khơi lên thành sức mạnh, chứ đừng để nó âm thầm thành lực cản

“Mềm dẻo ở đây không phải là nhu nhược, mà mềm dẻo là làm sao để cuối cùng phải giữ gìn cho được lãnh thổ, biên giới, chủ quyền trên Biển Đông của đất nước”. Thiết nghĩ quan điển này của Đại biểu Nguyễn Anh Trí cần và rất cần được xem như cách nghĩ và hành xử trong bối cảnh hôm nay. Nó cũng chính là cách hành xử “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của người xưa.

 

Văn nghệ

Nguồn Văn nghệ số 45/2019

 


Có thể bạn quan tâm