April 25, 2024, 9:08 pm

Nhật ký Quảng Trị 1972

LTG. Trong gần suốt năm 1972 tôi là lính thông tin của đại đội 4, trung đoàn 132 thuộc binh chủng thông tin liên lạc, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Nhiệm vụ của chúng tôi là rải đường dây và bảo vệ đường dây liên tục thông suốt để phục vụ cấp trên chỉ huy chiến dịch Quảng Trị đang diễn ra rất ác liệt. Trong suốt thời gian có mặt ở chiến trường tôi luôn mang theo bên mình một cuốn sổ vừa để ghi nhật ký vừa để sáng tác. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến dịch lịch sử Quảng Trị 1972, tôi đã cố gắng đánh máy lại một số đoạn trong cuốn nhật ký nói trên để làm tư liệu cho mình và nếu có thể thì công bố lên sách báo. Trong đoạn nhật ký tôi xin gửi đến các bạn sau đây là ghi về những ngày tôi trực tiếp tham gia chiến đấu ở vùng Cam Lộ, Quảng Trị. Tất cả chất liệu đều được ghi nguyên văn từ cuốn nhật ký, không sai một chữ…

Xin mời các bạn đọc cho vui…

(Anh Ngọc)

………………..

23.7:

Suốt 9 ngày nay đi làm. Đi bộ mỗi ngày khoảng 20 km, vác nặng thì khoảng 7 km. Vào tuyến rất khổ. Cỏ gianh. Lạc đường, chui trong cỏ rậm ngập đầu. Vất lắm.

Hai hôm nay lính vào ghê quá. Cửu Long và 325, chiến cuộc vẫn rất gay, không biết kết quả sẽ ra sao. Nhìn những thằng lính trẻ, quen biết của quê hương, có đứa Hải Phòng, Hà Nội, có đứa có bạn cùng quen chung. Giờ đều lếch thếch vào. Thương chúng nó lắm!

Ở đây có những thằng lính rất yêu học hành, suốt ngày, nhất là buổi tối chúng đố nhau về toán, cãi nhau về những bài vui (loại “trăm trâu trăm cỏ”, loại “cây tre đổ”…). Cũng lạ. Đó là một nét chú ý của lính đấy.

Lính bộ binh lạc ngũ về đây đều trẻ, đặc điểm bộ binh là xông xáo, bất cần, rất dễ ục mà rất dễ thân, chí chóe mà ngoan… Chúng đã tiếp xúc với cái chết, có tiếc gì đâu...

Sắp sinh nhật mình rồi. Sinh nhật lần thứ 29 này thật khác thường: chiến trường! Phải làm một cái gì để nhớ ngày này chứ nhỉ?

 

25.7:

Đã chuyển sang một địa điểm mới, dọc theo đường giây. Đêm qua đang ngủ giật mình nghe B52 nện, trượt ngay xuống hầm, xây xát cả người. Đau và đang sốt. Hành quân cả buổi sáng. Chỗ ở mới này chán quá chừng. Lo máy bay lắm. OV10 quần suốt. F4 và B52.

Đêm nay rằm tháng 6 đây. Ra đi từ rằm tháng 2. Đã 4 tháng. Nhớ Hà Nội quá! Nếu rỗi một chút thì quý quá. Muốn viết lắm. Nhưng mệt vô cùng, bận và không có điều kiện. Đã đen gầy mưa nắng lắm rồi. 120 ngày ở chiến trường!...

Mệt quá.

 

1.8.1972:

Ngày sinh ở chiến trường! 29 tuổi.

Đây là ngày sinh đáng nhớ nhất trong những ngay sinh đáng nhớ của mình. Đã bước sang một cuộc đời mới, đầy gian lao nguy hiểm, sóng gió, nhưng cũng rộng rãi, mãnh liệt hơn xưa nhiều. Những kỷ niệm đẹp xưa không ngừng về sống lại trong lòng ta. Những tình yêu say đắm không ngừng nuôi sống trí mơ mộng và yêu đời của ta… Tâm hồn mình không hề đi sau quỹ đạo mà đời đã vạch ra cho nó, chỉ có đi xa hơn, nhanh hơn mà thôi.

Nhớ lại những ngày sinh thơ mộng xưa, nhất là những ngày sống trong tình yêu…

Giờ đây đã là chiến trường! Dưới màu xanh của bộ quân phục đã bắt đầu tả tơi, trái tim mình đập mãnh liệt, vẫn đắm say như xưa, hơn xưa, cây cỏ, hoa lá, trăng sao, núi sông… giờ lại thêm vẻ hùng tráng, oai nghiêm của chiến tranh, bom đạn, khói lửa, cái chết và cái gian lao, tình cảm với con người, đồng đội, những nạn nhân đau khổ của chiến tranh… Hỡi những làng mạc, những người dân yêu dấu của xứ sở Quảng Trị mà ta đi qua, ta thương các ngươi vô hạn… Nói sao hết được tình cảm của mình hiện nay đối với đất nước, nhân dân…

…………………

 

5.8:

Hôm nay sau khi làm việc, cùng bọn bạn vào Cam Lộ. Chưa đến quận lỵ nhưng cũng nằm ngay ở đường 9, cách quận khoảng 2km thôi. Nhà cửa đông đúc, gợi lại một thời trù phú năm trước, nhưng giờ thì tan nát. Không còn dân cư (trừ ít người già cả),. Vào khắp các nhà để xem… Nhà cửa nào cũng bị lính đảo lộn, phá phách, vơ vét không còn một tý nào nữa. Áo quần xé rách nát, tơi  bời, sách vở, mâm bát, bếp núc cho đến bàn thờ ông bà… Tất cả hầu như vừa trải qua một cơn động đất kinh hoàng. Có những cái áo vẫn treo trên mắc, những cái bếp còn tro tàn, dường chiếu… Dân cư chạy đi đâu nhỉ? Theo chúng nó vào sâu rồi. Toàn hàng Mỹ, từ áo quần đến các vật dụng. Sách giáo khoa: Vật lý, Sử , Văn… Một mùi ẩm mốc, ngai ngái, hăng hắc, khăn khẳn… cứt bò, cứt người, mưa ướt đầm đìa… Đâu rồi những tâm hồn yên lặng, những giấc mơ và tình yêu… Đọc những giòng chữ trong các cuốn vở, cả những bài nhạc trẻ, tự nhiên thấy thương những con người ở đây vô hạn, cuộc sống của họ không hiểu ra sao, nhưng cứ cho là đẹp đi, đang bình yên với những tâm trạng sâu lắng, bao nhiêu hy vọng tình yêu… Giờ thì tan tác cả… Tâm trạng mình rất lạ. Đâu rồi cô Trương Thị Mỹ Hương, mà mối tình với anh lính ở “Đơn vị hành chính Quảng Trị” KBC 6112?

Họ đâu rồi, những người có mặt trong các tấm ảnh này? Hạnh phúc, thơ ngây, giờ đâu cả rồi… Bò đi hàng đàn, tràn vào nhà dân bừa bãi, đâu cũng giây thép gai, cỏ mọc dày, như ở ven thị xã Vinh xưa vậy. “Cam Lộ là một vùng rừng núi thuộc tỉnh Quảng Trị, dân cư ở đây quen cả với hổ”(!)…

Mình đang nằm đây. Trầm tư về đất đai và con người Quảng Trị.

Nhặt được một số thứ vớ vẩn: 1 bộ py ja ma, đôi giầy cũ, cái thìa… Xấu hổ vì hành vi của mình, như lính phát xít Đức! “Giẻ rách, chổi cùn”. Nhưng chỉ để làm kỷ niệm thôi. Làm gì đâu.

Có thể viết nhiều về cư dân Quảng Trị được rồi.

Xứ sở của chiến chinh. “Thương vùng hỏa tuyến”! Kể cái giọng điệu của Văn nghệ đất này cũng hiu hiu lòng người thật. Con người! Trời, bao nhiêu nỗi kinh hoàng, bao nhiêu bi kịch!

 

8.8:

Cũng cần phải ghi lại những nét khái quát về cảnh trí vùng này, bởi vì có thể sắp xa nó.

Mình đang cùng đơn vị nằm trong một khoảng cây non bên bờ suối La La. Ở đây là vùng trung du, giáp núi non. Trước mặt, nơi đường giây đi qua, là Bãi Tân Kim, một bãi bằng, cỏ gianh cao đầu gối, rộng mỗi bề khoảng 1 km. Đây có lẽ xưa kia có người ở, có những mảnh vườn giồng duối, mít. Ven sông có cả một rừng mít, mít đã có quả to, đem về xào ăn. Có cả cây tắc (một loại chanh), hôm qua đã hái hết, làm 1 ca nước chanh đường, tuyệt.

Cuối bãi là sim. Ăn sim thả cửa, những khóm sim thấp, rải rác. “Ngày trở về sim chín tím môi em” (tự dưng đọc câu thơ, nhạc buồn này, nhớ những người yêu, vọng nghĩ đến những tình yêu con người ở xứ sở này nữa, ôi, con người!...).

Đã được ăn cả bưởi nữa. Thòi mòi, là những quả nhỏ ly ty như hạt gạo, chín đen, ngọt, chua. Vượt qua sườn đồi thấp là sông Cam Lộ, ở đây sông khá to, lòng sông đầy đá sỏi, không sâu lắm. Và xa xa là làng mạc, Cốt Xá, An Lộc, (định cư Cam Lộ), Cam Hưng… Cau, rất nhiều cau phơ phất nhưng bom tiện mất nhiều. Tre bơ phờ, chuối, lạc… đã có những thửa ruộng (deo lên, xong bừa cho quang, thế thôi).

Đâu cũng thấy nhặt nhạnh, vá víu, đắp điếm. Mảnh tôn, thanh gỗ, cái thùng, mảnh các tông, che mưa cho nhà, cho hầm… Bàn thờ ông vải và trẻ con… Dân cư ru rú trong nhà. Bò hàng đàn chạy lang thang không ai coi, đeo mõ, lục lạc dưới cổ (miền núi mà).

Nhiều chỗ bò, trâu chết phơi xác, cái thân rỗng tuếch, da xương, đầu, sừng…thối om (không hiểu do người chết nữa không?).

Khắp nơi một mùi khăn khẳn, tanh tanh, ngai ngái mùi thịt thối, xương thối, vải giấy mục, cứt người, cứt trân bò…

Cuộc sống tan hoang quá chừng.

Xa nữa là triền xanh mênh mông của đồng bằng Quảng Trị. Và cuối cùng là cồn vàng của cát, biển xanh dâng cao như cốc nước, loáng thoáng có tàu địch, khói đen sì. Pháo kích tóe bụi và khói khắp nơi. Suốt ngày khói bom ùn lên đây đó, nhất là bom B52 thì làm thành những “làng khói, lũy tre khói”… Đêm nào cũng pháo sáng và pháo tín hiệu mặt đất bắn lên…

Xứ sở này còn gian truân lắm nỗi.

Bộ đội ra vào rậm rịch. Những ngả đường giao liên chen nhau: lính, dân công, thương binh…

Cuộc chiến này rồi sẽ đi về đâu? Trời mà biết! Ta sắp tạm xa chốn này rồi. Có thể còn quay lại, nhưng với một hoàn cảnh khác hẳn(?).

……………..

Nguồn Văn nghệ số 18+19/2022


Có thể bạn quan tâm