April 20, 2024, 1:44 am

Nhật ký một nhà văn những ngày giãn cách. Kỳ 2: Ðau thương và niềm hy vọng nơi vaccine (tiếp theo và hết)

Trong những ngày rất buồn như thế này thật may mắn nếu chúng ta có một việc gì đó bận rộn để mà nghĩ. Một buổi tối, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Ðiệp nhắn tin cho tôi:

• Y Ban đang viết gì đấy?

• Không viết được gì, không nghĩ được gì.

• Chị viết đi, phải viết đi chị. Rất cần nhà văn như chị viết về những cái chúng ta đang trải qua.

• Ðể chị nghĩ đã.

Tôi đã nghĩ đến việc viết. Không thể không viết, đầy ắp sự kiện thế này, tại sao lại không viết chứ? Thì viết. Bật máy lên, rồi ngồi khóc. Cảm xúc bị bội thực bởi đau buồn. Chưa bao giờ hoang mang và đau buồn đến vậy. Khóc được một chập thì con chữ bắt đầu nảy mầm...

 

Khóc đi cho nhẹ lòng

- Cho con bú một miếng thật no nữa đi em rồi còn đi cách ly.

Chị điều dưỡng nói với một bệnh nhân F0 ở Đồng Nai trong lúc người này chờ xe đưa đi cách ly. Hai vợ chồng đều F0, con nhỏ mới ba tháng tuổi. Mọi người khuyên để bé ở nhà chứ bế vào khu cách ly, điều kiện thiếu thốn khó chăm sóc con đã đành lại còn lây bệnh cho bé. Bé may mắn chưa bị lây bênh. Hai vợ chồng từ tỉnh khác vào đây làm công nhân không có người thân bên cạnh. Anh hàng xóm nhận chăm sóc bé. Anh chàng lóng ngóng nhận đứa bé từ tay người mẹ. Người mẹ lật đật chạy nhanh vào khu tập kết. Anh hàng xóm đứng từ xa bế em bé nhìn theo. Chị điều dưỡng tranh thủ dạy anh hàng xóm cách pha sữa bột chăm sóc em bé. Vẫn còn chút thời gian, chị giục người mẹ trẻ, tranh thủ cho con bú thêm miếng nữa đi em, cho con bú thật no vào..

Lại nhớ câu chuyện thời chiến tranh lính Mỹ bắt được một cô du kích; trước khi bị giải đi cô du kích nói để tôi cho con tôi bú miếng đã. Cô ngồi bình thản ôm con vào lòng vén áo cho con bú…

Nếu khóc được cứ khóc đi khóc cho nhẹ lòng rồi sống tiếp. Nếu có thể giúp được gì cho ai thì giúp. Chỉ cần một lời nói ân cần, một cử chỉ yêu thương, chỉ cần giữ cho tâm trí thật sáng suốt. Hãy ngồi yên trong ngôi nhà của mình, đừng để bị nhiễm bệnh là yêu mình, yêu gia đình và yêu Tổ quốc mình.

Chưa bao giờ nghĩ về cái chết lại thấy bình tĩnh như bây giờ. Thực ra cái chết luôn hiện diện và bao vây chúng ta từ khi chúng ta được sinh ra. Lên 5 tuổi, khi biết nhận thức và nhớ các sự vật xung quanh mình, tôi sợ nhất là từ chết. Mỗi khi gặp từ chết tôi bị ám ảnh rất lâu. 5 tuổi tôi chưa đi dự một đám tang nào, chỉ được nghe kể lại và rất sợ. 10 tuổi tôi cũng chưa từng đi dự một đám tang nào nhưng tôi đã đi xem tận mắt rất gần cuộc mổ xác khám nghiệm tử thi. 15 tuổi tôi cũng chưa đi dự một đám tang nào; trong giấc mơ tôi thấy mẹ chết nên đã khóc rất nhiều. Tôi càng sợ cái chết hơn. Đến năm 2014, khi mẹ mất thì tôi không bị giấc mơ mẹ chết ám ảnh để rồi thi thoảng lại mơ rồi khóc ướt hết gối.

Năm nay tròn hoa giáp chi niên, chứng kiến loài người gặp đại hoạ tôi đã rất bình tĩnh để sống, bình tĩnh tiếp nhận thông tin, bình tĩnh nhìn cái chết. Và tôi bỗng ngộ ra rằng tất cả chúng ta sợ cái chết chính bởi không khí linh thiêng và sự trân trọng hơi thái quá cho thân xác chúng ta trong đám tang. Chúng ta đặt ra quá nhiều lễ nghi cho cái chết. Chúng ta cũng đặt quá nhiều vật chất cho một cuộc tiễn đưa với tên gọi nghĩa tử là nghĩa tận.

Nhật ký của một nữ tu

Làn sóng Covid-19 thứ 4 khiến cho Sài Gòn đau thương tang tóc. 300 nhà tu hành đã cởi bỏ áo tu, khoác lên mình chiếc áo bảo hộ để ngày đêm cùng với các thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân nặng. Họ còn làm thêm một việc khác nữa là an ủi những bệnh nhân sắp mất và đọc kinh cầu nguyện cho những người vừa mất. Một nữ tu sỹ phục vụ tại khoa ICU (đơn vị chăm sóc tích cực) đã viết lại những điều mà sơ chứng kiến.

“Đã quá nửa đêm, chị em chúng tôi đang lau dọn sàn nhà. Một chị điều dưỡng chạy tới giọng hối hả:

- Các sơ ơi, có người mới qua đời. Các sơ vào cầu nguyện cho ông đi!

Hai chị em bỏ dở công việc, chạy vội vào góc phòng. Các điều dưỡng đang gỡ máy móc, dây ống ra khỏi cơ thể đã bất động. Tôi nhìn gương mặt ông tím tái rồi nhạt dần.

Vị bác sĩ trẻ vẫn chưa rời đi. Cô lộ rõ nét buồn vì không giữ được sự sống cho ông sau khi đã cấp cứu. Cô đưa tay vuốt mắt cho ông rồi lặng lẽ quay đi.

Các điều dưỡng nhanh chóng bọc ông cụ vào bao đựng tử thi rồi điện thoại cho nhân viên nhà xác mang xác đi. Tất cả diễn ra trong tích tắc khi chị em chúng tôi còn chưa đọc xong những lời kinh phó linh hồn.

Từ lúc vào giúp ở khoa ICU này, ngày nào cũng thế. Cảnh tượng ấy dần rồi quen thuộc.

Lúc đầu, tôi vô cùng ngạc nhiên, thậm chí là hơi sốc. Ở gia đình, trong nhà dòng, tôi đã quen với việc nhìn thấy phút lâm chung của một người có biết bao người thân vây quanh. Người mất được tắm xác, mặc quần áo chỉnh tề, được tẩm liệm với bao nhiêu nghi thức, bao nhiêu hương hoa, nhang nến, khăn tang, tiếng khóc thương đưa tiễn… Còn đây là những cơn hấp hối và cái chết hoàn toàn trong cô đơn, lặng lẽ, chẳng có gì… Thật sự là không còn gì!

Chẳng qua, chỉ vì trong trận đại dịch, trong hoàn cảnh lây nhiễm nên nhiều người phải từ giã cõi đời trong cái đau thương ấy! Nếu như tôi không ở đây, không tận mắt chứng kiến những cảnh tượng này, chắc tôi sẽ không có được cảm nghiệm sâu sắc về sự mong manh của phận người.

Những bệnh nhân trong khoa ICU này phần lớn đã hôn mê. Ngày nào tôi cũng đi từng phòng thăm và cầu nguyện cho họ. Họ là những người dân của Thành phố này. Nam có, nữ có, già có, trẻ có, mập có, ốm có… đủ tất cả. Con virus này chẳng chừa ai. Chúng tấn công đủ mọi thành phần trong xã hội: Có những người da dẻ trắng trẻo, mịn màng, trên người còn đeo nhiều trang sức và cũng có những người da nhăn nheo, khắc khổ; có những người giàu có, địa vị, tài giỏi, cũng có những người dân nghèo, bình dị, kém cỏi…

Thế mà giờ đây, trong phòng Hồi sức Cấp cứu này, tất cả đều bình đẳng, tất cả những sự phân biệt đều quay về con số 0… Mọi người dù là ai đi nữa, chỉ còn là một sự trần trụi trên giường bệnh với những hơi thở khó khăn, thoi thóp. Và cái chết tinh thần đôi khi còn đến trước cái chết thể lý. Đó chính là sự cô đơn, sợ hãi khi không có lấy một người thân bên cạnh. Đi hết cuộc đời, làm bao nhiêu việc, tìm kiếm bao điều, bao mối tương quan… giờ chỉ còn một mình đối diện với cái chết cận kề. Cảm giác ấy thật không dễ dàng gì đón nhận!

Có lẽ nhiều người trong số các bệnh nhân đã cảm nhận được thân phận bụi tro của mình nên ra đi trong bình an. Nhưng tôi cũng thấy có người vẫn vùng vẫy trong hơi thở cuối cùng như còn điều gì chưa thỏa. Như hôm rồi, tôi chứng kiến cơn hấp hối của một cô độ 60 tuổi. Khi các bác sĩ vẫn đang nỗ lực cấp cứu, cô mở mắt ra lần cuối, đưa mắt nhìn quanh như tìm kiếm một người thân nào đó vì mới hôm trước, tôi nghe cô tâm sự: cả nhà đều bị nhiễm, mỗi người cách ly một nơi, cô rất lo vì mất liên lạc với mọi người. Thế nhưng xung quanh cô, giờ đây chỉ là những bức tường trắng xóa, những gương mặt xa lạ trong bộ đồ bảo hộ. Tôi thấy rõ ánh mắt đầy thất vọng và đượm buồn của cô. Máy thở đã không còn tín hiệu, cô ra đi mà mắt vẫn mở đầy thao thức. Thật không thể diễn tả được bao nỗi xót xa đau đớn. Mong manh quá, một kiếp người.

Nơi đây, tôi thấy ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ như một cái nháy mắt. Có người hôm nay còn thấy ngày mai đã không còn nữa. Tất cả đều ra đi với đôi tay trắng như khi vào đời. Một cuộc đời còn lại gì? Không kèn trống, hương hoa, không một người thân đưa tiễn. Tất cả những bon chen giành giật, kiếm tìm danh vọng, địa vị, tiền bạc, sắc đẹp… Không một điều gì có thể theo chúng ta vào cõi vĩnh hằng.

Hỡi các bạn đang còn sống, đừng bao giờ nghĩ mình có thể sống chung với bệnh dịch khi ta chưa có thể khắc chế được nó”(Hết trích dẫn)

Hai chị em nó được ra viện rồi. Con chị 13 tuổi, thằng em trai 7 tuổi. Chúng vừa từ cõi chết trở về nhưng không có ai đón chúng nó. Giữa tháng 7, cả nhà nó 5 người đều bị nhiễm virus SARS Cov-2, rồi lần lượt bố, mẹ, ông nội mất. Tiễn hai chị em nó chỉ có đội ngũ y bác sỹ những người đã chăm sóc chị em nó qua cơn bạo bệnh. Tay dắt em tay cầm chiếc quạt điện, hai chị em lên chuyến xe 0 đồng từ thiện để về sống với ông bà ngoại.

Một bác sĩ viết trên trang cá nhân: “Đại dịch khiến các em có thể sẽ không bao giờ nhớ mặt cha mẹ đã mất vì còn quá nhỏ”...Bác sỹ ơi, có thể bạn đúng nhưng tôi không muốn tin thế. Virus SARS Cov-2 có thể làm đông đặc phổi của con người nhưng nó không ăn được não. Chúng tôi vẫn nhớ như in từng khoảng khắc mà những thầy thuốc các anh đã chiến đấu với con virus để cứu bệnh nhân. Rồi loài người sẽ khống chế được con virus khốn nạn này nhưng những gì loài người đã trải qua sẽ không một ai có thể quên và có quyền quên.

Thứ sáu, 13-8, tiêm vaccine

Đi tiêm vaccine lần hai mũi một. Đã có hai bác sỹ, lại thêm một cô em nữa tư vấn. Rất hùng dũng đi. Liếc vào tờ lịch, thứ sáu ngày 13, à à sẽ tiêm được. Không hiểu từ đâu vẳng lại niềm tin đó. Ăn sáng cháo gà, uống một viên thuốc hạ áp Micadis 40mg của Pháp rồi còn mua thêm vỉ Captopril để ngậm. Làm thủ tục xong vào phòng kiểm tra huyết áp, vèo một phát 179/100, nhịp tim 120. Mời cô ra nghỉ 40 phút vào đo lại.

Lúc đấy gần trưa các y bác sỹ đã thấm mệt. Quyết định về nhà mẹ chồng gần hơn để nghỉ. Thằng cu bán dừa đưa ra đề nghị, cô trả cháu 100.000 cháu đèo cô đi. Dịch giã thế này có đứa nó chở đi là tốt dù đắt hơn ngày thường gấp 4 lần. Lâu lắm không sang nhà mẹ chồng. Thường chỉ có chồng nhận trách nhiệm sang chăm mẹ. Bà béo trắng khoẻ mạnh dù nửa hàm răng bên phải đã rụng hết. Lần này bà vẫn nhận ra, con đấy à có khoẻ không con…Ngồi nói chuyện ông chẳng bà chuộc với bà kể cũng vui nhưng hôm nay mình thực không có tâm trạng.

Hai giờ chiều lại đến bệnh viện. Trước khi đi đặt một viên hạ áp 25mg dưới lưỡi. Vào phòng chờ uống thêm nước, ngồi bình tâm lại, hết lẩm nhẩm hát đọc thơ lại A di đà Phật...

Phòng chờ khoảng gần 20 người, tuyền nam nữ thanh niên ngồi chờ hạ huyết áp. Họ rôm rả, úi em tăng vọt lên 180 mới khiếp chứ anh thì 160 nhà anh có tiền sử cao huyết áp rồi nên uống thuốc hằng ngày sao chú tăng kinh thế em biết đâu đấy nhịp tim hơn 100 chắc hồi hộp quá…

Cô phụ trách y tế đơn vị phát cho mỗi người một viên thuốc hạ áp rồi dặn dò, bình tĩnh nhé các anh, các chị, 30 phút sau vào đo lại. Uống xong một chai nước mình đã tìm ra câu thần chú: bố đếch sợ không được thì bố đi về, bố đếch sợ không được thì bố đi về…Cứ nhẩm trong miệng thế bỗng thấy người sảng khoái, vào đo 155/90. Xong bước 1.

Vào bước 2, bác sỹ cầm tờ khai của mình:

- Ô chị ký vào phần của bác sỹ à.

- Ôi thôi chết rồi chị nhầm.

- Không sao.

Bác sỹ ký cho tiêm.

Sang bước 3, tiêm, cô điều dưỡng kiểm tra: cô nói rõ họ tên ngày tháng năm sinh cho cháu. Cô ơi cô xem vaccine nhé, Astra Zeneca 5ml, hạn sử dụng đến tháng 12-2021. Rất bài bản đúng quy trình. Cô chống tay lên cho cháu. Êm ru, nhẹ bẫng như không hề có kim chọc vào. Xong rồi cô, cô sang bước thứ 4 đi ạ. Cảm ơn cháu nhé. Vâng ạ.

Bước thứ 4 kiểm tra huyết áp sau tiêm. Tiêm rồi nên bố đếch sợ phải đi về nữa, nhịp tim lại tăng vọt, huyết áp lên hơn 160. Ngồi nghỉ 15 phút sang bước 5 kiểm tra huyết áp trước khi về. Cô ơi huyết áp cô cao quá, hơn 170, nhịp tim cũng cao quá chưa về được cô ơi. Nhưng cô dễ chịu mà; này các gái yêu, cô bị hội chứng áo blouse đấy, mí lại cô là nhà văn nữa nên hay...cường cảm xúc. Ôi vậy ạ nhưng cô ơi cháu thấy văn chương bây giờ khó đọc lắm cô ạ, cứ sao sao ấy, đọc không vào. Vậy hử, chắc là không đọc cô rồi chứ văn của cô đọc vào lắm ý. Đo lại, xuống cái vèo 150, cô về được rồi ạ.

Về đến đầu phố Cao Bá Quát, chồng quay lại bảo, hình như cán phải đinh rồi. Xuống xe lốp bẹp dí. Chịu khó đi bộ nhé tao đi tìm chỗ vá. Lững thững một mình cơn phố vắng. Con phố hằng ngày tấp nập xe cộ qua lại, trên vỉa hè bừa bộn đề can dán xe máy các loại. Sự bừa bộn vui vẻ và sạch sẽ. Hôm nay phố vắng tanh, các cánh cửa im ỉm mới lộ ra cái cũ kỹ lở lói, bé nhỏ và cả hoang tàn. Những cánh cổng vào khu tập thể chốc sơn long bản lề. Những căn nhà mặt tiền chỉ hơn 1 mét hằng ngày hái ra tiền. Căn biệt thự rộng hơn 200 mét vuông, mặt tiền gần 10 mét để hoang từ lâu, cánh cổng đóng im ỉm, ban công đã lòi cả sắt. Ở phố này còn căn biệt thự nữa đã được sửa sang đẹp đẽ, có nhà hàng nổi tiếng và tiệm cắt tóc rất đắt khách. Đi dọc con phố buồn gặp hai người đàn ông già mặc áo ba lỗ cũ kỹ mang rác ra quẳng ở vệ đường rồi hấp tấp quay vào nhà nhanh vì không đeo khẩu trang, một người đàn bà kéo lê hai túi nặng từ trong ngõ ra, nhà vừa móc cống, ra đến mặt đường thì túi rách toé ra bùn đen sì thối hoắc. Ở giữa con phố giăng dây khoảng 200 mét có biển để khu cách ly y tế. Biết rồi, nghe nhạc hiệu đoán chương trình. Đầu phố có thằng cu con tồng ngồng tắm, chim nó đã sun lại vì ngâm quá lâu trong nước, bên cạnh cha mẹ nó đang ăn mít, mỗi người cầm một mảnh vừa gỡ vừa ăn…

Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất

Về nhà khoẻ mạnh dễ chịu, con trai nấu ăn cho bố mẹ. Mò vào facebook gặp ngay clip dân Sài Gòn bỏ về khi được nhân viên y tế thông báo tiêm vaccine Vero Cell. Đôi co qua lại, nhân viên y tế nói, dịch giã đã đến mức thế này có vaccine là tốt rồi sao còn kén chọn. Tiếng người đàn ông đáp lại, dân tiêm rồi chết ra đấy ai chịu trách nhiệm. Hàng loạt chỗ tiêm chủng Vero Cell không có dân đến tiêm.

Ngay sau đó Bí thư Thành uỷ Sài Gòn Nguyễn Văn Nên nêu quan điểm, phải thông tin trước loại vaccine để dân biết và quyết định. Ông phát biểu khi đi kiểm tra tiêm vaccine ở huyện Hóc Môn: “ Mình rút kinh nghiệm là nên thông tin loại vaccine bà con nào đồng ý thì cứ đến tiêm”. Cảm ơn ông Bí thư Nên; chưa bao giờ người dân lại mong chờ những quyết sách đúng đắn từ các cấp lãnh đạo như bây giờ. Thưa ông, dân chỉ cần hai từ Minh Bạch thôi là quyết một lòng cùng Chính phủ đi qua cơn dịch giã này

Tờ Thông báo trước một điểm tiêm chủng: “Vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất để người dân có lá chắn bảo vệ trước dịch bệnh. Chúng tôi phục vụ vaccine Vero Cell, người dân đồng ý chúng tôi mới tiêm. Cảm ơn!”.

Một tờ báo mạng trong hệ thống báo chí của Nhà nước đưa tin, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đội mưa đi tiêm vaccine Sinopharm nhưng hết vaccine phải đi về.

Con số 900 nhân viên y tế ở TP.Hồ Chí Minh đã bị phơi nhiễm Covid-19 khiến nhiều người lo ngại. Câu hỏi đặt ra là sau khi tiêm ngừa vaccine, bạn có chắc chắn 100% sẽ không bị nhiễm virus?

Các nhà khoa học đã có câu trả lời là KHÔNG. Cho tới nay chưa có vaccine nào cho thấy có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm virus 100%. Những nước có tỉ lệ tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 lớn nhất thế giới như Israel hay Anh vẫn có nhiều người bị mắc

Điều này có nghĩa là không phải 100% người được tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech hay Moderna hoặc AstraZeneca không có nguy cơ bị nhiễm virus. Do vậy vẫn nên giữ ý thức phòng ngừa lây bệnh, dù rằng đã được tiêm vaccine ở mức độ cao khi đang ở trong vùng dịch.

Để dễ hình dung, các kháng thể như những tấm khiên được tạo ra để ngăn những mũi tên của quân địch bắn tới. Mức độ hiệu quả của việc ngăn chặn những mũi tên này phụ thuộc vào “chất lượng của những tấm khiên” và “mật độ của những mũi tên”.

Tuy nhiên, ngoài chuyện dù tiêm đủ 2 mũi vẫn nhiễm virus mà nhiều người đã biết thì việc họ nhiễm ra sao, nặng nhẹ thế nào mới là điều cần quan tâm.

Hầu hết các vaccine tốt như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson đều cho thấy hiệu quả giảm bệnh nặng và tử vong của người đã tiêm vaccine khi mắc bệnh Covid-19 là 100%.

Theo số liệu nghiên cứu khoa học, những người đã tiêm vaccine nếu lỡ có mắc bệnh COVID-19 thì số lượng virus trong người của họ ít hơn khoảng 40% so với người không tiêm vaccine.

Điều này có thể giúp giải thích vì sao những người đã tiêm vaccine thường sẽ không bị các triệu chứng của bệnh Covid-19 như sốt, nhức mỏi, khó thở… và khỏi bệnh sớm hơn (ít nhất là sớm hơn 2 ngày) so với người không tiêm vaccine.

53 nhân viên của Bệnh viện Y học Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh bị nhiễm Covid19 khi đã được chích 2 mũi vaccine thì 52 người không có triệu chứng, vừa cách ly điều trị vừa làm việc từ xa. Chỉ có 1 trường hợp cần thở oxy và sau một thời gian ngắn cũng đã hồi phục.

Nguồn Văn nghệ số 39/2021


Có thể bạn quan tâm