March 29, 2024, 4:11 pm

NHẬT BẢN VỚI CÔNG CUỘC DỊCH THUẬT VÀ QUẢNG BÁ VĂN HỌC

 

Kể từ khi trên văn đàn thế giới xuất hiện Murakami Haruki, người đã thực hiện một bước ngoặt trong việc tiếp nhận văn học Nhật Bản trên thế giới, tác phẩm của các nhà văn Nhật Bản khác đã được dịch ra tiếng Anh và các ngôn ngữ khác. Chúng ta đang sống trong thời đại, khi cần đặt ra vấn đề về thực chất của nền văn học dịch Nhật Bản và sự tồn tại tiếp theo của nó như một nền văn học được toàn cầu hóa, vượt xa ngoài các biên giới quốc gia.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày tác phẩm đầu tiên của Murakami Haruki được dịch ra tiếng Anh, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết của Kōno Shion, GS  Đại học Sophia, Tokyo.

Sách văn học Nhật Bản. Ảnh Internet

Murakami Haruki – nhà văn đã thay đổi hình ảnh văn học Nhật Bản

Ngày 10 tháng 9 năm 1990, tạp chí The New Yorker đã công bố bản dịch truyện ngắn của Murakami Haruki TV People (tạm dịch: Người Ti-vi). Đây là tác phẩm đầu tiên của tác giả được dịch ra tiếng Anh.

Sự xuất hiện của một truyện ngắn Nhật Bản trên tạp chí văn học uy tín nhất nước Mỹ đã trở thành bước đột phá không những trong sự nghiệp của chính Murakami, mà còn trong lịch sử dịch thuật các tác phẩm văn học Nhật Bản ra Anh ngữ. Từ đó, các tác phẩm của Murakami đã được dịch ra hơn 50 ngôn ngữ, đã được trao nhiều giải thưởng văn học ở các nước khác nhau (ví dụ, giải thưởng văn học Jerusalem và giải Franz Kafka), và trở thành sách bestseller trên thế giới. Đây là một thành công rất lớn cả về mặt văn học lẫn về mặt kinh tế - một hiện tượng hy hữu của văn học Nhật Bản.

Sự xuất hiện của Murakami Haruki trên văn đàn đã tạo ra bước ngoặt trong sự tiếp nhận văn học Nhật Bản trên phạm vi toàn cầu. Nhà nghiên cứu Mỹ Edward Fauler cho rằng “thời đại hoàng kim của văn học dịch Nhật Bản” trong thế giới Anh ngữ bắt đầu vào năm 1955 với bản dịch tiếng Anh hai cuốn sách: Homecoming (Về nhà) của Jiro Otsuki và Some Prefer Nettles (Một số người thích cây tầm ma) của Tanizaki Jun'ichirō. Trong điều kiện phục hồi sự quan tâm đối với văn hóa Nhật Bản ở nước Mỹ thời hậu chiến, đã hình thành nên hình ảnh văn học Nhật Bản như một nền văn học duy mĩ độc đáo ở bộ phận độc giả Anh ngữ định hướng trước hết vào “ba trụ cột”: Tanizaki, Mishima và Kawabata. Thể hiện sự đan xen kỳ lạ giữa thế giới tưởng tượng và thế giới hiện thực trong việc mô tả đời sống hằng ngày của Nhật Bản, các tác phẩm của Murakami vốn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học Mỹ, đã làm thay đổi quan niệm về văn học đương đại Nhật Bản tồn tại vào thời điểm đó trong xã hội Mỹ.

Bản dịch tiếng Anh đầu tay của Murakami do một nhà xuất bản Nhật mà lúc đầu ông cộng tác, khởi xướng.  Tuy nhiên, về sau nhà văn tìm được người đại diện văn học và bắt đầu hợp tác rất chặt chẽ với các biên tập viên Mỹ, đồng thời ông trau chuốt và làm cho các tác phẩm của mình thích nghi hơn với độc giả tiếng Anh (nói chính xác hơn là độc giả Bắc Mỹ). Chính nhà văn đã viết và nhiều lần nói về điều đó. Ngoài ra, một số tác phẩm của ông, ví dụ tiểu thuyết After Dark (Sau bóng tối) chứa đựng những tình tiết do Murakami thêm vào với hy vọng cuốn sách sẽ được dịch.

 

Những mặt sáng và tối của hiện tượng “Murakami”

Đã ba thập niên trôi qua kể từ khi Murakami lần đầu tiên xuất hiện trong thế giới Anh ngữ. Có thể gọi ông là một trong những đại diện xuất sắc nhất của thời đại mình, sánh ngang với những cây đại thụ của “Thời hoàng kim của văn học dịch Nhật Bản” như Tanizaki, Mishima và Kawabata.

Bàn về văn học dịch Nhật Bản, không thể không ghi nhận sự hiện diện mạnh mẽ của Murakami Haruki mà với tư cách một hiện tượng văn học có những mặt sáng và tối. Phong cách sáng tác đặc biệt của nhà văn được hình thành dưới ảnh hưởng của Raymond Chandler, Kurt Vonnegut và Raymond Carver, và nhìn chung, khi dịch các tác phẩm của Murakami ra tiếng Anh và các ngôn ngữ châu Âu khác, trở ngại ngôn ngữ và văn hóa của ông được coi không lớn. Tác phẩm của ông được độc giả khắp thế giới hâm mộ, tuy nhiên, tác giả cũng nhận được không ít lời nhận xét từ phía các đồng nghiệp – các nhà văn và nhà phê bình văn học, trong số đó nổi bật nhất là nữ văn sĩ Mizumura Minae, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, nhưng thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Nhật.

Nhà nghiên cứu văn học, dịch giả các tác phẩm của Yōko Ogawa và Natsuo Kirino ra tiếng Anh, giáo sư Stephen Snyder trong bài báo của mình Hiệu ứng Murakami đã nghiên cứu một xu thế được hình thành ở phương Tây về việc đánh giá bất cứ nhà văn Nhật nào trên quan điểm anh ta có thể trở thành “Murakami mới” hay không. Ví dụ, ngay cả khi các nhà văn lớn nói trên như Ogawa và Natsuo bị dán nhãn hiệu “nhà văn theo phong cách Murakami” thì các nhà phê bình sẽ không quan tâm tới những đặc điểm văn xuôi riêng của họ nữa. Nhưng đồng thời Snyder cũng thừa nhận rằng nhờ có hiện tượng “Murakami” mà nhiều nhà văn Nhật trở nên nổi tiếng trên thế giới. Dù sao đi nữa, khi nói về việc dịch văn học Nhật 30 năm gần đây, không thể không nhắc tới Murakami.

 

Từ thơ hiện đại gendaysi đến tiểu thuyết ranobe

Liệu có thể nêu lên những đặc điểm nào đó của văn học dịch Nhật Bản ngoài Murakami?

Thứ nhất, cần phải ghi nhận sự đa dạng của các tác giả có tác phẩm được dịch. Cho tới trước những năm 1980, chủ yếu các nhà văn nam giới được dịch. Tuy nhiên, bắt đầu từ những năm 1990, đã xuất hiện hàng loạt nữ văn sĩ có tác phẩm được dịch ra tiếng Anh:  Yūko Tsushima, Natsuo Kirino, Yōko Ogawa, Sayaka Murata, v.v...

Tiếp theo sự đa dạng về tác giả là sự đa dạng về thể loại:  ngoài văn học “cao cấp”, văn học trinh thám, viễn tưởng cũng được dịch.

Tại Trung Quốc, nhà văn trinh thám nổi tiếng Nhật Bản Higashino Keigo trở thành tác giả được yêu thích nhất trong thể loại của mình. Với việc ấn hành các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng, tiểu thuyết ranobe và các tác phẩm của những tác giả đương đại như Itou Keikaku và Enjou Tou bằng tiếng Anh nhà xuất bản Haikasoru đã có đóng góp đáng kể vào việc quảng bá văn học Nhật Bản trong giới Anh ngữ.

Thơ hiện đại gendaysi với những tên tuổi như Ito Hiromi và các tác giả khác hiện nay cũng có thể tìm đọc trong các dịch phẩm Anh ngữ.

Tiểu thuyết ranobe, một biến thể của văn học đại chúng Nhật Bản bao gồm nhiều thể loại (từ tiểu thuyết tình cảm và khoa học viễn tưởng đến tiểu thuyết kinh dị) trong phiên bản tiếng Anh dần dần chiếm lĩnh thế giới, thu hút ngày càng nhiều độc giả mới ở những nước khác nhau.

Trở nên nổi tiếng trong tình hình bùng nổ của anime (phim hoạt hình) và manga (truyện tranh), vào những năm cuối thế kỷ XX, các cuốn sách thuộc thể loại này thường được lấy làm cơ sở cho truyện tranh hoặc phim hoạt hình. Có thể nói rằng cho đến nay ranobe đã tìm thấy độc giả của mình ở các nước Anh ngữ, Đông Nam Á và các khu vực khác của thế giới.

Nhân đây xin trình bày một vài nét về sự hỗ trợ của nhà nước đối với việc dịch nghệ thuật vốn đóng vai trò không nhỏ trong việc quảng bá văn học dịch Nhật Bản. Năm 2002, Cục văn hóa đã khởi động dự án xuất bản văn học Nhật (Japanese Literature Publishing Project) với mục đích quảng bá và hỗ trợ xuất bản văn học Nhật bằng các ngôn ngữ khác nhau: không chỉ tiếng Anh, mà còn tiếng Pháp, Đức, Nga, Indonesia, v.v... Trong khuôn khổ dự án này, các tác phẩm của các nhà văn cổ điển đương đại (Natsume Sōseki, Akutagawa Ryūnosuke và nhiều người khác), các kiệt tác văn học hậu chiến (A Wife in Musashino (Bà Musashino) của Shōhei Ōoka, Embracing Family (Vòng ôm gia đình) của Nobuo Kojima, v.v...) và các tác phẩm phản ánh đời sống của xã hội Nhật Bản đương thời đã được dịch (đôi khi dịch lại). Ngoài sự hỗ trợ tài chính cho việc xuất bản các dịch phẩm, Dự án cũng tạo điều kiện cho các nhà xuất bản mua những cuốn sách đã xuất bản. Như vậy, đã mở ra con đường đến với thế giới rộng lớn của những cuốn sách quan trọng, nhưng không có triển vọng về mặt kinh tế. Nhờ có dự án này số lượng các tác phẩm văn học Nhật Bản được giảng dạy trong các trường đại học nước ngoài đã tăng lên đáng kể, và vì vậy nó được đánh giá rất cao trong giới hàn lâm.

Nhưng thật đáng tiếc là trong con mắt các chính trị gia, dự án không có giá trị như vậy. Tồn tại chưa đầy 10 năm, chương trình tài trợ xuất bản văn học Nhật Bản bị hủy bỏ trong khuôn  khổ “cắt giảm ngân sách” vào đầu những năm 2010.

 

Bước chuyển của văn học Nhật Bản: từ văn học dân tộc sang văn học thế giới

Nhờ có các dịch phẩm, trước mắt các độc giả nước ngoài đang dần dần mở ra những chân trời ngày càng mới của văn học Nhật Bản trong hơn ¼ thế kỷ gần đây. Vượt qua sự tiếp nhận rập khuôn được hình thành trong thế kỷ trước gắn chặt văn học dân tộc với văn hóa dân tộc, văn học dịch Nhật Bản có mọi điều kiện để trở thành một bộ phận của văn học thế giới. Không loại trừ một điều rằng độc giả các nước khác sẽ phát hiện ra giá trị mới của nó mà người Nhật không nhìn thấy.

Có thể, trong bối cảnh này chúng ta cần xem xét lại nội hàm khái niệm “dịch thuật”. Ví dụ, tiểu thuyết ranobe All You Need is Kill (Tất cả những gì bạn cần là Giết) của Hiroshi Sakurazaka, sau khi công bố bản tiếng Anh đã trở thành cơ sở cốt truyện của bộ phim bom tấn Hollywood Edge of Tomorrow (Cuộc chiến luân hồi). Và mặc dù một số đặc điểm của tính cách nhân vật, nơi cư trú và địa điểm xảy ra câu chuyện có nhiều thay đổi, nhưng dù sao cốt truyện chính (cuộc chiến đấu chống lại một chủng tộc ngoài hành tinh thù địch gọi là Mimics) vẫn giữ nguyên trong “dịch phẩm”. Nghĩa là, nhìn chung, những nội dung chủ yếu vốn có đã được chuyển tải. Nhưng liệu có thể gọi một “dịch phẩm” như vậy là trung thành và liệu đã đến lúc phải xem xét lại quan niệm của chúng ta về sự gần gũi của dịch phẩm với nguyên tác chưa?

Thế giới xung quanh đang thay đổi đến chóng mặt. Sau 30 năm, cùng với sự xuất hiện của sách điện tử, sự phổ cập của mạng xã hội và sự phát triển của công nghệ dịch, thực tiễn đọc sách văn học dịch cũng đã hoàn toàn thay đổi. Do đó, vấn đề về tính bức thiết của các dịch phẩm văn học cũng được đặt ra. Và mặc dù một trong những chủ đề phổ biến nhất được trao đổi trong ngữ cảnh này là vấn đề lựa chọn tác phẩm để dịch  (của ai? tác phẩm nào?), cũng như vấn đề về tiêu chí dịch thuật (cần dịch như thế nào?), tôi vẫn có cảm giác rằng hiện nay vấn đề quan trọng hàng đầu là nhận thức được các tác phẩm dịch của văn học Nhật Bản sẽ có giá trị gì (và có hay không?) đối với chúng ta.

Trần Hậu (Theo Nippon.com)

Nguồn Văn nghệ số 40/2019
 

 


Có thể bạn quan tâm