April 20, 2024, 6:19 am

Nhật Bản và giải Nobel Văn học – Từ Kawabata Yasunari đến Murakami Haruki

 

Nhà phê bình văn học Kawamura Minato sinh năm 1951. Ông nghiên cứu văn học Nhật Bản tại Đại học Dong-A ở Busan (Hàn Quốc) và tại Đại học Hōsei ở Nhật Bản, nơi ông hiện là giáo sư danh dự. Ông đã đoạt giải thưởng Hirabayashi Taiko năm 1995 với cuốn “Văn học Nhật Bản ở các biển phía Nam và đảo Sakhalin” và giải thưởng Itō Sei năm 2004 với cuốn “Potalaka: Con đường đến với đức tin ở Avalokitesvara”. Bài viết sau đây của ông bàn về lịch sử các nhà văn đoạt giải Nobel văn học ở Nhật Bản và về khả năng phổ biến rộng rãi hơn của các nền văn học dân tộc bên ngoài lãnh thổ châu Âu.

Các cặp đối thủ

Kể từ năm 1901, khi lần đầu tiên giải thưởng Nobel văn học được trao tặng, đã có ba tác giả gốc Nhật đoạt giải thưởng này: Kawabata Yasunari năm 1968, Ōe Kenzaburō năm 1994 và Kazuo Ishiguro năm 2017. Người ta cho rằng mỗi người trong số họ đều có một đối thủ cạnh tranh người Nhật Bản cùng đẳng cấp - Kawabata có Tanizaki Jun’ichirō, Ōe có Abe Kōbō và Ishiguro có Murakami Haruki. Tuy nhiên, Tanizaki và Abe, hai ứng cử viên của giải Novel văn học, đã qua đời trước khi chờ đến lượt mình. Theo quy định của Ủy ban Nobel, giải thưởng không  được truy tặng, trừ một trường hợp ngoại lệ - năm 1931, nhà thơ Thụy Điển Erik Axel Karlfeldt được truy tặng giải Nobel văn học sau khi mất không lâu.

Vì các ứng cử viên và một số lĩnh vực khác của quá trình lựa chọn giải Nobel được giữ bí mật trong vòng 50 năm, tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng Murakami là ứng cử viên năm 2017. Tuy nhiên, nếu trong quá trình tuyển chọn, người ta “dự kiến” trao giải cho nhà văn người Nhật cứ sau khoảng hai thập kỷ (Ōe đoạt giải sau Kawabata 26 năm, còn Ishiguro sau Ōe 23 năm), tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Ishiguro và Murakami là những đối thủ của nhau. Nhà cái người Anh Ladbrokes thường xuyên xác định Murakami là một ứng cử viên sáng giá trong cuộc đua, hơn nữa, ông lại còn nổi tiếng hơn Ishiguro.

 

Trường hợp Murakami

Cũng như sinh thời Ōe, những năm gần đây, tin đồn về Murakami như một người đoạt giải Nobel tiềm năng đã lan truyền trên các phương tiện truyền thông Nhật Bản. Đầu tháng 10 hằng năm, trước khi có thông báo chính thức, các đài truyền hình, báo và tạp chí tranh giành nhau phỏng vấn những người liên quan đến Murakami, ghi chép những ý kiến nhận xét của họ, chuẩn bị các bài báo và nội dung truyền hình. Người ta nói rằng bản thân nhà văn lúc bình thường vốn là người rất ngại tiếp xúc với giới truyền thông, vào mùa Nobel đã chạy ra nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu Ishiguro được Viện Hàn lâm Thụy Điển coi là “tác giả Nhật Bản”, thì Murakami sẽ phải chờ ít nhất mười năm nữa mới nhận được giải thưởng. Căn cứ vào chu kỳ giải thưởng như hiện nay, cơ hội tiếp theo sẽ diễn ra vào khoảng những năm 2040, khi nhà văn đã rất cao tuổi, nếu ông còn sống. Ngoài ra, đang xuất hiện một thế hệ đối thủ trẻ hơn như Tawada Yōko và Nakamura Fuminori.

Giải thưởng dịch thuật

Theo tài liệu lưu trữ đã được công bố, Nhật Bản có bốn ứng cử viên được xác nhận đã không đoạt giải thưởng: Kagawa Toyohiko, Tanizaki Jun’ichirō, Nishiwaki Junzaburō, và Mishima Yukio.  Nghe nói, Abe Kōbō, Inoue Yasushi, và Tsushima Yūko cũng là ứng cử viên, mặc dù thông tin này chưa được xác nhận. Các nhà văn khác như Endō Shūsaku, Ibuse Masuji, Ōoka Shōhei, và Nakagami Kenji hoàn toàn có thể được đề cử.

Hiện tại, không ai trong số các thành viên của Ủy ban Nobel biết tiếng Nhật. Lưu ý rằng trước khi chọn người đoạt giải, họ phải đọc tác phẩm của các nhà văn, các tác giả không viết bằng các ngôn ngữ chính của châu Âu như tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha gặp bất lợi. Các nhà văn Nhật Bản đã đoạt giải Nobel văn học là những người hoặc có rất nhiều tác phẩm được dịch ra các ngôn ngữ châu Âu, hoặc chính họ không viết bằng tiếng Nhật.

Các tác phẩm của Kagawa Toyohiko, ứng cử viên người Nhật đầu tiên của giải Nobel văn học được đề cử năm 1947 và 1948, đã được dịch sang tiếng Anh rất sớm. Là một tín đồ Thiên Chúa giáo và nhà hoạt động xã hội, ông đã từng diễn thuyết ở phương Tây và quen biết nhiều chức sắc tôn giáo. Đề cử của ông không dựa trên danh tiếng văn chương của ông ở Nhật Bản, và bây giờ ông gần như bị lãng quên trong lịch sử văn học của đất nước. Nhà thơ Nishiwaki Junzaburō làm thơ bằng tiếng Anh và tiếng Nhật, và đã xuất bản một tuyển tập thơ bằng tiếng Anh.

Nhân tiện cũng xin nói, nhà văn, dịch giả văn học Nhật gốc Mỹ Donald Keene kể lại một câu chuyện khá thú vị về việc đề cử Mishima. Một tác giả Đan Mạch đọc cuốn “Utage no ato” (Sau bữa tiệc) của Mishima do Keene dịch về cuộc bầu cử thống đốc Tokyo, đã nói với Keene rằng ông ta giới thiệu Mishima với Ủy ban Nobel như một nhân vật “cánh tả”, chính điều này làm giảm cơ hội của Mishima và tạo điều kiện cho Kawabata, người trở thành nhà văn đoạt giải Nobel đầu tiên của Nhật Bản. Rõ ràng, Mishima rất thất vọng với kết quả này.

Giải thưởng Nobel văn học có thể được gọi là “giải dịch thuật”. Các tác phẩm viết bằng các ngôn ngữ thứ yếu hoặc không phải ngôn ngữ châu Âu cần phải được dịch để chúng có thể cạnh tranh với những ngôn ngữ khác. Ngoài Kawabata và Ōe, trong số các nhà văn viết bằng các ngôn ngữ châu Á và châu Phi, chỉ có Rabindranath Tagore (tiếng Bengali), Sh.Y.Agnon (tiếng Do Thái), Cao Hành Kiện (tiếng Trung Quốc), Naguib Mahfouz (tiếng Ả Rập), Orhan Pamuk (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ) và Mạc Ngôn (tiếng Trung Quốc) đoạt giải. Việc thiếu các bản dịch từ các ngôn ngữ ngoài châu Âu chắc chắn đã hạn chế số lượng người đoạt giải từ các khu vực khác của thế giới.

 

Cú sốc Dylan

Năm 2018, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã hoãn công bố giải thưởng Nobel văn học sau một loạt cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục chống lại Jean-Claude Arnault, nhiếp ảnh gia và là nhân vật văn hóa tiếng tăm ở Thụy Điển, chồng nhà thơ đồng thời là thành viên Viện Katarina Frostenson. Ông này cũng bị cáo buộc rò rỉ tên nhiều người thắng cuộc trước khi Viện có thông báo chính thức. Tuy nhiên, dư luận văn học rất quan tâm tới việc trao giải cho Bob Dylan năm 2016. Theo truyền thống, giải thưởng được trao cho các nhà văn sáng tác tiểu thuyết, thơ hoặc kịch, vì vậy việc lựa chọn Dylan, ca sĩ và nhạc sĩ, là một cú sốc lớn.

Quyết định này gây ra phản ứng trái chiều. Trong khi một số người đánh giá cao việc mở rộng biên độ của văn học, giống như trường hợp nữ văn sĩ Belarus Svetlana Aleksievich đoạt giải năm 2015, thì những người khác lại phản đối sự xa rời các giá trị truyền thống.

Hành vi sau đó của Dylan cũng được đánh giá khác nhau. Sau khi công bố giải thưởng, một thời gian Viện Hàn lâm không thể liên lạc với Dylan, và ông ta cũng không tham dự lễ trao giải chính thức. Rất có thể, trong quá trình lựa chọn đã xảy ra sự xích mích và tranh cãi, được giải quyết bằng cách bỏ phiếu. Việc trao giải thưởng cho nhà văn Anh gốc Nhật Ishiguro năm sau đó ám chỉ sự trở lại với cội nguồn văn học thuần túy, nhưng rất có thể, các thành viên của Ủy ban Nobel vẫn còn lo lắng về hậu quả của của tranh cãi về Dylan. Chính vì vậy mà năm 2019, với việc trao giải cho nữ văn sĩ Ba Lan Olga Tokarczuk và nhà văn Áo Peter Handke, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã chú ý nhiều hơn tới các thể loại văn học nghiêm túc, chứ không phải những toan tính mới để mở rộng phạm vi tác động của giải thưởng.

 

Mở rộng ra ngoài biên giới phương Tây

Vì hiện nay các nền văn học của châu Á và châu Phi chưa được giới thiệu đầy đủ, chúng ta có thể mong đợi sự xuất hiện của những người đoạt giải trong tương lai từ những khu vực như Hàn Quốc, Đông Nam Á, Iran và Iraq. Hàn Quốc từ lâu chờ đợi sự xuất hiện của người đoạt giải Nobel văn học, nhưng nhà thơ Ko Un, từ lâu được coi là ứng cử viên triển vọng nhất, khó có thể được chọn vì tuổi tác và vụ bê bối gần đây liên quan tới quấy rối tình dục. Nhà văn Hwang Sok-yong cũng là một ứng cử viên sáng giá khác của Hàn Quốc. Ngoài ra, châu Á có những ứng cử viên tiềm năng khác như Bảo Ninh của Việt Nam và hai chị em người Đài Loan, Chu T’ien-wen và Chu T’ien-hsin.

Lịch sử giải thưởng văn học cho thấy các thành viên của Ủy ban Nobel đã từ chối trao giải cho những người có quan điểm chính trị cực đoan, cũng như các tác giả nổi tiếng, điều này giải thích vì sao Graham Green đã được đề cử nhưng không được trao giải. Khi Winston Churchill nhận giải thưởng Nobel văn học, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã bị chỉ trích gay gắt, và nghe nói, sau đó Viện này đã từ chối đề cử các chính khách lớn. Người ta cho rằng chính vì vậy mà nhà văn Pháp André Malraux không được trao vinh dự này vì ông là Bộ trưởng Bộ Văn hóa dưới thời Tổng thống Charlesde Gaulle. Nếu Mario Vargas Llosa đánh bại Alberto Fujimori trong cuộc tổng tuyển cử năm 1990 ở Peru, có lẽ, ông đã không giành được giải thưởng Nobel văn học năm 2010.

Thông qua việc trao tặng giải thưởng, có lẽ, Viện Hàn lâm Thụy Điển sẽ tiếp tục theo đuổi lý tưởng về một nền văn học thế giới dựa trên chủ nghĩa nhân văn phổ quát. Mặc dù, hình như không phải lúc nào nó cũng đạt được mục đích này, tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng nhờ có điều đó mà chúng ta biết nhiều hơn các tác giả viết bằng ngôn ngữ của các dân tộc bên ngoài lãnh thổ Tây Âu.

 (Theo Nippon.com)

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm