March 28, 2024, 4:32 pm

NHẬT BẢN - CUỘC CHUYỂN GIAO THẾ HỆ MANG TÍNH LỊCH SỬ

Niên hiệu mới của tân Nhật hoàng “令和 đọc là “Reiwa” bao hàm ý nghĩa sự hài hoà, thân thiện và hoà hợp. Trong “Lá thư Nhật Bản”, doanh nhân Nguyễn Trí Dũng (Vườn ươm Giấc mơ Việt Nam) gợi ý nên chuyển ngữ “Reiwa” thành “Linh Hoà” thì thích đáng hơn. Là người am hiểu thuần thục cả văn hoá lẫn ngôn ngữ Việt và Nhật, chủ nhân “Vườn Minh Trân” (Sài Gòn) cho biết, sự phong phú trong tiếng Việt cho phép đọc chữ “Rei” theo 3 cách là “Lệnh, Lịnh hay Linh”. Âm “Linh” trong “Linh Hoà” mang đến sự thuộc linh, tốt lành, phù hợp hơn với các tuyên ngôn chính thức của chính phủ Nhật Bản trong dịp này, so với cách dịch phổ biến là “Lệnh Hoà”…

Mùa Hè chạm ngõ năm nay mở ra một kỷ nguyên lịch sử, 200 năm mới xẩy ra một lần như thế này trên đất nước Phù Tang. Nhật hoàng Akihito 85 tuổi, trở thành vị hoàng đế đầu tiên chủ động thoái vị. Đúng 10h30 sáng 1/5 tuần qua, Hoàng Thái tử Naruhito chính thức tiếp nhận “các thần khí” tượng trưng cho uy quyền của Nhật hoàng cùng với các con dấu của nhà nước và cá nhân. “Tam chủng thần khí” này (có tên là Sanshu no Jingi) gồm: thanh kiếm Kusanagi, gương Yata và viên đá quý Yasakani, biểu trưng cho ba đức hạnh: Dũng cảm, Sáng suốt và Nhân từ. Các báu vật này của Hoàng gia mà người Nhật tin là “được truyền từ các đấng thần linh”. Vì Nhật Bản không có vương miện của Hoàng gia, nên các báu vật nói trên được xem như biểu tượng quyền lực của hoàng đế. Theo Asahi Shimbun, nhật báo lớn của đất nước Mặt trời mọc, tân Nhật hoàng 59 tuổi đã tham gia hai nghi thức nhà nước quan trọng trong sáng 1/5 để đánh dấu việc bắt đầu đảm nhận cương vị mới. Điều đặc biệt trong cả hai nghi lễ này là chỉ có một số ít nhà lãnh đạo tham dự.

Người dân Nhật Bản hoan hỉ với tương lai       Ảnh Internet

Cha nào con nấy

Nghi lễ thứ nhất có các yếu nhân gồm Thủ tướng Shinzo Abe, các bộ trưởng trong nội các của ông, lãnh đạo Hạ viện và Chánh án tòa án tối cao. Đối với các thành viên Hoàng gia hiện diện cũng chỉ có 2 nam giới trong hàng thừa kế ngai vàng là Thái tử Fumihito và Hoàng tử Hitachi, em trai của Thượng hoàng Akihito. Từ 11h10, Nghi lễ thứ hai trong cùng trong buổi sáng, đó là Sokui-go-Choken-no-Gi đánh dấu lần đầu tiên tân Nhật hoàng Naruhito phát biểu trên cương vị Nhật hoàng. Buổi lễ này có thêm sự tham gia của tân Hoàng hậu Masako. Tại nghi lễ thứ hai Sokui-go-Choken-no-Gi không chỉ có sự hiện diện của các quan chức chính phủ cấp trung ương mà còn có đại diện của các tỉnh thành địa phương. Sau 1/5 - ngày đăng cơ - ngày 4/5, Hoàng cung mở cửa để hàng vạn người dân có thể vào cung chúc mừng Nhật hoàng mới. Tuy nhiên, Lễ đăng quang chính thức của Nhật hoàng Naruhito dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 22/10/2019, với sự tham dự của khoảng 900 quan khách, trong đó có các nguyên thủ và khách mời đến từ 195 quốc gia.

Trong phát biểu đầu tiên gửi tới toàn dân nhân ngày đăng cơ, Nhật hoàng Naruhito nguyện hành động theo Hiến pháp, suy nghĩ và phụng sự lợi ích của người dân. Tân Nhật hoàng cũng cho biết ông sẽ tiếp bước vua cha Akihito, người đã mang nền quân chủ lâu đời nhất thế giới tới gần hơn với dân chúng. “Cha nào con nấy”, người dân Nhật hy vọng câu nói này có thể đúng đối với tân vương, từ vóc dáng cho đến cả tính cách lẫn phong cách điều hành công việc. Là người kín đáo, liệu tân vương sẽ đạt được tầm vóc như cha mình để hiện đại hóa một thể chế có cả nghìn năm tuổi? Naruhito từng cam kết mang lại cho Hoàng triều một tầm mức quốc tế, khi nhắc lại rằng hoàng hậu và bản thân ông từng đi học ở nước ngoài.

Philippe Mesmer, phóng viên thường trú của báo Le Monde tại Tokyo chuyên về đời sống chính trị Nhật Bản, nhận xét: “Là một yếu nhân được cho là thông minh, tinh nhanh, nhưng Thái tử vốn là người Nhật Bản, nên được nuôi dưỡng trong khuôn khổ nghiêm ngặt của Hoàng gia. Do vậy, nếu Naruhito muốn thúc đẩy để tạo ra những thay đổi trong cách vận hành thể chế hoàng gia, thì điều đó sẽ được thực hiện theo phong thái của người Nhật, nghĩa là từng bước nhỏ một, dần dà giống như cách làm của thân phụ ông trước đây”. Yêu thích môn quần vợt, đi bộ và chơi đàn alto, Nhật hoàng Naruhito, sinh ngày 23/2/1960, là vị hoàng tử đầu tiên có đặc quyền được nuôi dưỡng và lớn lên dưới cùng mái nhà với thân phụ và thân mẫu, chứ không như cha của ông, Nhật hoàng thoái vị Akihito trước đây lại được giao cho người quản gia và gia sư dưỡng dục từ khi còn nhỏ. Naruhito cũng là vị hoàng tử đầu tiên từng có hai năm đào tạo tại Đại học Oxford và viết một luận án về dòng sông Thames thế kỷ XVIII. Chọn sông Thames là vì ông yêu thích nước, các dòng sông và những tuyến đường thủy. Đó cũng là cách để ông thoát khỏi những sự gò bó của Hoàng gia. Sau khi tốt nghiệp, ông tham gia nhiều vào các hội nghị quốc tế về việc giải quyết vấn đề nước cho cộng đồng.

Bên cạnh đó, Thái tử Naruhito còn có một niềm đam mê khác, đó là lịch sử. Giống thân phụ, Thái tử Naruhito chủ trương hòa hiếu và điều này đã được ông khẳng định nhân sự kiện kỷ niệm 70 năm ngày chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Guibourg Delamotte, giảng viên ngành Khoa học Chính trị chuyên nghiên cứu về Nhật Bản cho rằng chủ trương này vẫn sẽ được Nhật hoàng Naruhito tiếp nối. Nhân dịp sinh nhật lần thứ 55 trước đây, Nhật hoàng Akihito từng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì ký ức lịch sử, nhìn thẳng vào lịch sử với thái độ khiêm cung. Tư tưởng chủ hòa này đã làm hài lòng nhiều người dân Nhật Bản, theo đó, toàn nước Nhật nên thừa nhận lịch sử, thừa nhận nỗi đau khổ của người dân cũng như trách nhiệm với lịch sử bao gồm cả thời kỳ quân phiệt. Do vậy, nhiều khả năng tân Hoàng đế Naruhito sẽ đi theo hướng này.

 

Lấy từ điển tích Nhật Bản

Niên hiệu mới “Linh Hoà” (hoặc “Lệnh Hoà” tuỳ cách đọc!) được lấy từ bài thơ về hoa mơ nằm trong “Vạn Diệp Tập”. Đây là tập thơ cổ lâu đời nhất Nhật Bản có lịch sử từ khoảng hơn 1200 năm trước, chứa đựng những bài thơ của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội, từ Thiên hoàng, Hoàng tộc, quý tộc cho đến lính canh và nông dân. Đây là cuốn sách quốc gia tượng trưng cho văn hoá dân tộc phong phú và truyền thống lâu đời của Nhật Bản. Trong phát biểu trước báo giới cách đây một tháng, Thủ tướng Abe Shinzo thay mặt chính phủ đã giải thích ý nghĩa của niên hiệu “Linh Hoà”. Nguyên văn, Thủ tướng Nhật diễn giải, đó là “những con người có trái tim yêu thương nhau sẽ cùng tạo ra văn hoá và nuôi dưỡng nó”. Một đất nước với văn hoá lịch sử phong phú cùng thiên nhiên tươi đẹp bốn mùa như Nhật Bản sẽ tiếp tục vững bước vào tương lai. Mỗi người dân Nhật Bản sẽ giống như bông hoa mơ nở rộ trong mùa xuân sau những ngày đông giá rét. “Linh Hoà” được chọn để củng cố thêm niềm tin rằng mỗi bông hoa có thể nở thật rực rỡ như tương lai của đất nước Nhật Bản. Niên hiệu mới càng khẳng định quyết tâm đổi mới của cộng đồng, ở đó mọi người sẽ đoàn kết cùng nhau chào đón kỉ nguyên mới với nhiều điều kỳ vọng. Theo các nhà nghiên cứu thì tất cả 247 niên hiệu từ xa xưa cho đến “Bình Thành” (Heisei) đều lấy từ điển tích của Trung Quốc. “Linh Hoà” là niên hiệu đầu tiên dựa trên điển tích của Nhật Bản.

Trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản, nước này đã trải qua bốn đời vua. Kỷ nguyên vừa kết thúc của Nhật hoàng Akihito, với niên hiệu Bình Thành (Heisei), có nghĩa là "đạt được hòa bình". Niên hiệu trước đó là thời Chiêu Hòa (Showa) (1926-1989), có nghĩa là "hướng tới sự hòa hợp". Niên hiệu Chiêu Hòa là thời Nhật hoàng Hirohito cầm quyền 64 năm, trước và sau Thế Chiến 2. Trước Chiêu Hòa là thời Đại Chính (Taisho) (1912-1926) và thời Minh Trị (1868-1912). Niên hiệu của mỗi Nhật hoàng đều hướng đến việc đặt nền móng tương lai cho những thập niên tới, vì vậy, luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày của người dân Nhật Bản.

Nhật hoàng Naruhito chính thức lên ngôi        Ảnh Internet

Từ “Bình Thành” đến “Linh Hoà”

Đối với xã hội Nhật Bản, chuyển giao ngôi vị Nhật hoàng là một bước ngoặt đánh dấu sự sang trang của một thời đại. Bắt đầu từ ngày 8/1/1989, kết thúc vào ngày 30/4/2019, kỷ nguyên “Bình Thành” trải qua hơn ba thập kỷ đã để lại nhiều cảm xúc lẫn lộn cho người dân. Báo chí quốc tế đánh giá, thời kỳ này chứng kiến kinh tế Nhật đình trệ, nhiều thiên tai nhưng đồng thời những cải cách nhanh chóng về công nghệ. Trong thời kỳ “Bình Thành”, nhà nước đã duy trì sự phát triển kinh tế và xã hội khá bình ổn, phúc lợi quốc gia có phần được tăng cường, hình ảnh quốc tế của Nhật Bản không ngừng được nâng cao. Kể từ khi Shinzo Abe quay trở lại làm Thủ tướng năm 2012 đến nay, cục diện nội trị Nhật Bản bước vào thời kỳ ổn định. Vương Thiều Phố, nhà tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu Nhật bản thuộc Đại học Thượng Hải (Trung Quốc) nhận định: “Thời kỳ ‘Bình Thành’ là một giai đoạn lịch sử quan trọng kế thừa di sản quá khứ và khở đầu tạo dựng tương lai”.

Tuy nhiên, thời kỳ “Bình Thành” cũng đã để lại rất nhiều điều khiến mọi người phải suy nghĩ sâu sắc. Mắc dầu Hiến pháp Nhật Bản quy định Nhật hoàng không được can thiệp vào chính trị, nhưng khi chứng kiến một số điều ngang trái, Nhật hoàng Akihito đều lên tiếng bảo vệ lẽ phải. Nhật hoàng Akihito đã sử dụng lịch sử xung đột Trung – Nhật để chỉ trích một số chính khách thời Thủ tướng Junichiro Koizumi có xu hướng đi chệch khỏi con đường phát triển hoà bình sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đối với quyết định thoái vị trước thời hạn của Ngài, có chuyên gia dự đoán, Nhật hoàng Akihito muốn đề cao Hiến pháp hoà bình, mong muốn lấy việc thoái vị để “hãm phanh” bớt nỗ lực sửa đổi Hiến pháp. Tuy nhiên, lại cũng có những đánh giá theo chiều hướng ngược lại, cho rằng, Nhật hoàng thoái vị là để tạo điều kiện cho quá trình sửa đổi Hiến pháp.

Từ 1/5/2019, niên đại “Linh Hoà” thứ Nhất, một vị Nhật hoàng mới bước lên vũ đài lịch sử, khác với phụ hoàng sinh ra trong chiến tranh, Naruhito là Nhật hoàng đầu tiên sinh ra sau chiến tranh. Liệu có thể nói chắc chắn, Nhật Bản sẽ bước vào kỷ nguyên mới? Bước vào niên đại “Linh Hoà”, kinh tế và xã hội Nhật Bản vẫn tiếp tục đi theo con đường chuyển đổi mô hình. Trong tình hình phải đối mặt với một số vấn đề kinh tế và xã hội, môi trường quốc tế lại biến động không ngừng. Trong bối cảnh ấy, liệu có thể hoàn toàn loại trừ, tương lai của chính trường Nhật Bản có thể đảo ngược bánh xe lịch sử? Vẫn biết hai chữ “Lệnh Hoà” đã bao hàm những ý nghĩa tích cực như hoà bình, hài hoà, hoà hơp, thân thiện. Hay nói như doanh nhân Nguyễn Trí Dũng trong “Lá thư Nhật Bản”, nên chuyển ngữ niên hiệu Reiwa là “Linh Hoà” thì thích đáng hơn là “Lệnh Hoà”. Là người am hiểu thuần thục cả văn hoá lẫn ngôn ngữ Việt và Nhật, theo ông Dũng, chữ “Rei” trong tiếng Hán có 3 cách đọc là “Lệnh, Lịnh hay Linh”. Âm “Linh” trong “Linh Hoà” mang đến sự thuộc linh, tốt lành, phù hợp hơn với các tuyên ngôn chính thức của chính phủ Nhật Bản so với cách dịch hiện nay là “Lệnh Hoà”./.


Có thể bạn quan tâm