April 20, 2024, 9:24 pm

Nhập cuộc cùng văn chương

 

Bất chấp sự “lép vế” của văn chương trong đời sống hiện nay, người yêu văn và đến với văn chương vẫn tự nhiên, nhiệt huyết. Điều này được thể hiện bằng sự nhập cuộc của thế hệ Z (những người trẻ sinh từ năm 1996 đến nay). Không chỉ là sự tiếp nối mạch văn qua các thế hệ, mà sự xuất hiện của họ làm văn đàn thêm tươi mới.   

Những gương mặt sáng giá

Trước khi tác phẩm Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm được NXB Kim Đồng in thành sách và phát hành trên cả nước vào đầu năm 2021, vào tháng 9-2020, từ Cà Mau, cậu bé Cao Khải An (12 tuổi) ra Hà Nội nhận giải “Khát vọng Dế Mèn” (thuộc Giải thưởng Dế Mèn lần thứ nhất) cho tác phẩm trên - khi đó vẫn còn ở dạng bản thảo. Đúng như nhan đề, Chuyện của Bắp ăn mơ và xóm Đồi rơm là câu chuyện của cậu bé có biệt danh “Bắp ăn mơ” và người thân, hàng xóm láng giềng ở xóm Đồi rơm, được kể bằng giọng văn hóm hỉnh, tự nhiên, không kém phần sâu sắc. Tác phẩm không chỉ cho thấy một tài năng văn chương thiên bẩm, mà còn gây ấn tượng bởi óc quan sát và cảm nhận cuộc sống xung quanh của cậu bé. 

Hơn Cao Khải An 2 tuổi, Nguyễn Khang Thịnh (hiện đang học lớp 8, Trường THCS Nguyễn Siêu, Hà Nội) cũng là một trường hợp đặc biệt. Khi tác phẩm Nhật ký của nhóc Alvin siêu quậy (Thái Hà Books và NXB Hà Nội) ra mắt không lâu, liền đoạt giải Sách hay 2020 ở hạng mục “Thiếu nhi”. Tác phẩm được thể hiện dưới hình thức nhật ký, ghi lại những hoạt động tại ngôi trường trong tưởng tượng, mà ở đó các em được thỏa sức “quậy tưng bừng” theo đúng lứa tuổi của mình.

Nhập cuộc cùng văn chương ảnh 1Tác giả Cao Khải An, gương mặt tiêu biểu của thế hệ Z, nhận Giải thưởng Dế Mèn lần thứ nhất cho hạng mục "Khát vọng Dế Mèn"

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan nhận xét: “Tôi đoán rằng nhiều bạn nhỏ sẽ thích thú khi đọc những trang viết về trẻ em của thời đại này từ góc nhìn của một tác giả đồng trang lứa qua giọng văn hài hước. Và những người lớn nghiêm khắc, thay vì đặt câu hỏi đầy lo lắng rằng một đứa trẻ siêu quậy như Alvin rồi sẽ đi đâu, hãy cứ đọc những trang sách này để biết trẻ em nghĩ gì”. 

Những ngày đầu năm 2021, tác giả trẻ Doo Vandenis (19 tuổi, hiện là sinh viên ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH Tôn Đức Thắng) gây chú ý khi ra mắt tác phẩm trinh thám Vết máu ngược (Asbooks và NXB Thế Giới), dày tới 464 trang.

Đây có lẽ là tác giả trẻ nhất viết tiểu thuyết trinh thám tính đến lúc này. Trước đó, vào cuối năm 2019, tác giả Cao Việt Quỳnh (13 tuổi) ra mắt tiểu thuyết giả tưởng Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới (Chibooks và NXB Lao động). Đặc biệt là cặp chị em sinh đôi Giác (tên thật là Nguyễn Việt Hà) và Nguyễn Ngọc Hà cũng gây ấn tượng với những tác phẩm được ra mắt ngay từ khi còn ngồi trên ghế giảng đường. Với Giác là tập truyện ngắn Điều chưa kịp nói (NXB Trẻ) và truyện dài Phương Bắc, phương Nam: Tình yêu không biên giới (NXB Kim Đồng); còn Nguyễn Ngọc Hà là tiểu thuyết Người viết tình yêu (NXB Trẻ). 

Cần thời gian để “chín” 

Cũng cần phải nói thêm, trong số tác giả thuộc thế hệ Z, có nhiều tác giả thuộc diện “con nhà nòi” như Cao Khải An (con trai nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), Cao Việt Quỳnh (con trai nhà văn Nguyễn Quỳnh Trang), Ngô Gia Thiên An (con gái nhà thơ Trang Thanh), Nguyễn Bình (con trai nhà phê bình Nguyễn Hòa). Dẫn ra điều này để thấy, hành trang văn chương của các tác giả thế hệ Z là một yếu tố quan trọng, góp phần tạo nên nền tảng vững chắc giúp họ có thể đi xa. 

Điển hình như trường hợp của Nguyễn Bình, cậu bé được gọi là “thần đồng” khi vào năm 10 tuổi cho ra mắt tập đầu tiên trong bộ tiểu thuyết khoa học giả tưởng Cuộc chiến với hành tinh Fantom do NXB Trẻ ấn hành. Sau 8 năm không xuất hiện trên văn đàn, cậu bé 10 tuổi năm nào nay đã trở thành sinh viên, tiếp tục gây bất ngờ khi dịch trọn vẹn tác phẩm Truyện Kiều sang tiếng Anh. Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn có nền tảng như Nguyễn Bình hay những tác giả được gọi là “con nhà nòi”. 

Nhà văn Văn Thành Lê lý giải: “Quan niệm Á Đông trước đây, nhắc đến 3 điều bất hạnh của đời người, đầu tiên là thiếu niên đăng khoa. Tất nhiên xã hội giờ đã khác, sự “đăng khoa” cũng được nhìn nhận cởi mở, đa dạng hơn nhưng trong văn chương, với các cây bút trẻ, khoảng cách từ vụt sáng đến vụt tắt thường khá gần. Không tắt thì cũng không vượt thoát được chính mình sau khi “nhập môn” văn chương”. 

Nhập cuộc cùng văn chương ảnh 2Một số tác phẩm tiêu biểu của các nhà văn thế hệ Z

Đề cập đến vấn đề hạn chế của thế hệ Z trong văn chương hiện nay, nhà văn Văn Thành Lê cho rằng, thời nào người viết trẻ cũng có những hạn chế, cần thời gian để chín, để khẳng định mạnh mẽ, mạch lạc hơn.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho rằng, một điều dễ nhận thấy là các cây bút của thế hệ Z viết một cách đầy tự do, theo những câu chuyện của riêng các em mà không bị phụ thuộc vào phụ huynh hay một ai đó. Họ cũng không bị chi phối bởi văn chương của thế hệ trước. Không những thế, biên độ tưởng tượng của họ thực sự phong phú và rộng mở; các em viết một cách thoải mái dựa trên trí tưởng tượng của riêng mình.  

Thực tế, đời sống văn chương nước nhà từng chứng kiến nhiều trường hợp “vụt sáng rồi chợt tắt” từ những tác giả nhí. Vậy nên, một điều không kém phần quan trọng là sự quan tâm, khích lệ giúp các em có thêm động lực để có thể đi xa hơn. Theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, một trong những hoạt động được Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa X chú trọng, chính là tổ chức cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi hàng năm, cho các tác giả viết cho thiếu nhi và do chính các em viết.

“Đến lúc Hội Nhà văn Việt Nam bằng mọi giá, mọi cách nào đó phải có một giải thưởng riêng và phải có cách quảng bá giải thưởng cũng như tác phẩm đó đi sâu rộng hơn, lan ra đời sống thường nhật”, nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhấn mạnh.

Nhà văn Văn Thành Lê (NXB Kim Đồng cho rằng), thế hệ Z có nhiều cây bút xuất hiện đã chững chạc, ít phải loay hoay nhận diện mình như thế hệ trước. “Đây là thế hệ nhanh nhạy, nhiều màu sắc, thế hệ của công nghệ và kết nối toàn cầu nên các bạn có cả thể giới quanh mình ngay từ khi ý thức về những điều xung quanh. Các bạn chủ động, tự tin với sáng tác của mình. Không chút dè dặt, dò đường; kể cả khi tương tác với đơn vị xuất bản và truyền thông”, nhà văn Văn Thành Lê đánh giá.

HỒ SƠN

nguồn SGGP


Có thể bạn quan tâm