March 29, 2024, 12:24 am

Nhạn tháp đã nghìn năm đỏ mắt

              

Câu thơ của Đinh Tùy Thanh như nói hộ lòng bao khách thơ với mùa trăng thứ 40 của Hội thơ Nguyên tiêu Phú Yên: “Nhạn Tháp đã nghìn năm đỏ mắt/ Hướng biển xa vời vợi chân trời/ ..../ Đã từng trải khắp trời quen đất lạ/ Đêm bâng quơ một tiếng thở dài/ Hình như phía Đà Rằng chưa ngủ/ Dòng bâng khuâng hoa tím lục bình trôi…

Với Nhạn Tháp thì “đỏ mắt” đợi trông, với Đà Rằng thì “chưa ngủ” ngóng chờ, như nỗi lòng của thi nhân và thi hữu khi đêm thơ lần thứ 40 tạm dừng vì một việc khác cấp bách hơn trên cả nước: phòng dịch…

Đêm thơ đánh dấu cột mốc lần thứ 40 không diễn ra như mong đợi, nhưng tinh thần thơ của người yêu thơ lại không hề suy giảm. Tập sách Thơ Nguyên tiêu 2020 do Hội VHNT Phú Yên tuyển chọn và Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép, vẫn kịp ra mắt bạn đọc. Bên cạnh những đề tài về đất nước, mùa xuân, quê hương... trước một năm mới, đáng chú ý hơn cả vẫn là đề tài “tự thân” của 40 năm thơ Nguyên tiêu Phú Yên. Đề tài đó có núi Nhạn hiền hòa, có sông Đà Rằng cần mẫn, có những người thơ hiện luôn hăm hở và người đã khuất cũng từng “một thời vang bóng” tiếng thơ ngân, có công chúng thơ nồng nhiệt thủy chung..., như tác giả Thiên Thu cảm nhận:

Chỉ còn/ Thơ quyện vào Trăng/ Chỉ còn em/ Với nồng nàn/ Nguyên tiêu...”   

Đêm thơ ấy bắt nguồn từ những sáng lập viên và từ nơi phát tích, như nhà thơ Nguyễn Tường Văn nhớ lại: “Bốn mươi năm/ bạn thơ ơi!/ Về đâu chuyện cũ/ một thời đã qua/ Ta cùng bạn/ bạn cùng ta/ Nguyên tiêu thuở ấy/ la đà canh thâu/ Hải Phú nhen lửa/ buổi đầu/ Mà nay Nhạn Tháp/ rực mu trăng thơ!

“Nhen lửa buổi đầu” từ thư viện tỉnh Phú Yên lấy tên Hải Phú (Hải Dương - Phú Yên), để rồi quy mô của hoạt động này lớn dần lên và trở thành đêm thơ hằng năm vào rằm tháng giêng trên sân Tháp Nhạn. Từ đây, một sáng lập viên khác là tác giả Vũ Phương đã cảm kích: “Đêm Nguyên tiêu vang vọng lời ca/ Tiếng thơ ngân sâu phả vào lòng tháp/ Đang trầm tư về một thời bão táp/ Trăng vẫn ngời và sông lấp lánh trôi”. Hoàng Nguyên Chương, người xuất hiện sau so với “tuổi” Nguyên tiêu nhưng lại là một sự tiếp bước xuất sắc với những sáng lập viên đi trước, khi anh từng có bài “Đá Bia” trầm hùng và lắng đọng, năm nay anh cũng trải lòng: “Em sẽ yêu/ Những lời tình tự quê hương./ Yêu dải đất Tuy Hòa đi lên tầm vóc mới./ Ta sẽ biết điều trái tim mời gọi/ Từ ánh mắt đêm thơ để một phút say lòng.”

Đêm thơ từ lâu đã trở thành Hội thơ với nhiều hoạt động, được người thơ trong và ngoài tỉnh trân trọng dành những tình cảm đặc biệt. Năm nay, từ tỉnh kết nghĩa Hải Dương, nhà thơ Thương Huyền đã gửi về Hội thơ những dòng cảm xúc: “Sắc nâu trầm, tích tụ gió sương/ Tháp Nhạn cõng trên mình miên man nắng gió/ Mỗi sợi rêu bám thành gạch nâu kết một câu chuyện cổ/ Đủ ru nắng Tuy Hoà vươn mãi vịnh Xuân Đài…”. Huỳnh Thúy Kiều, một nhà thơ từ Đất Mũi Cà Mau đã từng dự Hội thơ năm ngoái, giờ đây chị thêm một lần tha thiết “Phú Yên - Nỗi nhớ gọi em về”: “Đêm trăng tràn trên đỉnh Tháp Nhạn đó anh!/ Câu thơ kéo mình gần nhau thêm chút nữa/ Khoảng cách xa/ Vầng trăng như sắp vỡ/… Em ủ vào miền nhớ chút ưu tư/ Chạm Phú Yên phía nào cũng rưng rưng một miền khát/ Vầng trăng Tháp Nhạn soi vàng đêm cổ tích/ Ngón tay gầy…/ Em đan nhớ giữa thinh không…

Một chặng đường dài với những tên tuổi trong và ngoài tỉnh từng làm rạng danh cho đêm thơ, có thể kể nhiều, nhiều lắm, như các nhà thơ: Văn Công, Giang Nam, Trần Huyền Ân, Lê Khánh Nam, Cao Duy Thảo, Lê Khánh Mai, Nguyễn Tường Văn, Nguyễn Duy Tẩm, Trần Văn Lan, Phạm Dạ Thủy, Đinh Lăng… và những nhà thơ đã mất: Liên Nam, Nguyễn Gia Nùng, Trần Việt Kỉnh, Triệu Phong, Đào Khải, Triệu Lam Châu… Chỉ sơ lược một ít để thấy cái chung trong suốt quá trình đêm thơ Phú Yên. Một trong những tác giả đến sớm với Đêm thơ, như một “chứng nhân lịch sử” đã bồi hồi xúc động khi nhớ về những người thơ khuất bóng:

“… Đứng trên cao ta gọi bao bạn cũ/ Nước mắt không còn nên mượn ánh trăng vơi/ Khóc cho ta hay khóc vần thơ cũ/ Tháp Chàm xưa tạc nỗi nhớ không lời...”

 (Đêm Nguyên tiêu nhớ bạn - Nguyễn Duy Tẩm)

Những dòng thơ se sắt, thay cho nén hương tưởng nhớ nói chung với những người đã khuất từng gắn bó với đêm thơ!

Hội thơ hay đêm thơ, tổ chức hoành tráng hay gọn nhẹ ấm cúng, và đến lúc này là diễn ra hay không diễn ra…, cái đọng lại cuối cùng vẫn là thơ, dành cho thơ, tôn vinh thơ. Tập sách thường niên Thơ Nguyên tiêu 2020 “đến hẹn lại lên” là như thế.

Nguồn Văn nghệ  số 07/2020


Có thể bạn quan tâm