April 24, 2024, 9:36 pm

Nhân ngày tết Trung thu, nghĩ về những đứa trẻ thời công nghiệp


MINH NGUYỆT


Sống trong bốn bức tường, được trang bị đầy đủ các thiết bị cần thiết như ti vi, máy tính, điện thoại... Đi học được cha mẹ đưa đón là hình ảnh quen thuộc của trẻ em thành phố hay tại các khu đô thị hiện nay. Còn tại các vùng ngoại thành, nông thôn hay miền núi thì cảnh những đứa trẻ tự dắt tay nhau, đi xe đạp đến trường, và giải trí tại các quán Internet ven đường cũng không còn xa lạ với mỗi chúng ta. Hai hình ảnh quen thuộc trong cùng một bức tranh tổng thể của đời sống đã phần nào khắc họa nên những giá trị sống khác biệt giữa thành thị và nông thôn hiện nay. Song dù khác biệt về điều kiện sống, hay có những điểm tương đồng trong thụ hưởng các giá trị văn hóa tinh thần, thì việc tìm đến những giá trị ảo thông qua mạng Internet đã biến trẻ em thành những đứa trẻ thời công nghiệp, lạ lẫm ngay cả với những giá trị truyền thống vốn đã trở thành nền tảng làm nên cốt cách con người Việt Nam vẫn là điều buộc chúng ta phải suy ngẫm.
Không chỉ có vậy, mà ngay cả Tết Trung thu, vốn được ví như một món quà của tạo hóa ban tặng cho đám con nít, nhưng từ lâu nó đã trở thành dịp để người lớn bày tỏ tình cảm, tri ân với nhau thông qua những hộp bánh trung thu trị giá cả chục triệu đồng. Và cũng rất khó để chấp nhận một thực tế là người lớn đang lợi dụng con trẻ để “đi đêm” với nhau hòng thu được những hợp đồng làm ăn béo bở hoặc có được một nguồn lợi kinh tế nào đó đang tồn tại trong cuộc sống và buộc chúng ta dù không muốn vẫn phải sống chung với nó.  

Trong những ngày này, không chỉ ở thành phố, mà cả ở nông thôn, đâu đâu cũng chỉ thấy một không gian đèn lồng, cờ hoa và những món đồ chơi điện tử sản xuất từ Trung Quốc, mô phỏng theo các phim hoạt hình đang được trình chiếu khiến con nít vô cùng ưa chuộng. Tìm đến mỏi mắt cũng không ra một món đồ chơi dân gian vốn từng một thời gần gũi và thấm đẫm tâm hồn trẻ thơ, như tò he, lồng đèn giấy… Sự vắng bóng của các trò chơi dân gian không phải do không có người làm, mà thực sự nó đã không còn đất sống vì bọn trẻ giờ đã quá xa lạ với những điển tích dân gian, thứ đã ăn sâu, bén rễ trong tiềm thức của các thế hệ ông bà, cha mẹ chúng để thay vào đó là những bộ phim hoạt hình, là các trò chơi trên mạng Internet với các phiên bản đầy tính thương mại… Mặc dù biết trước những tác hại khôn lường từ các trò giải trí do mạng Internet mang lại, nhưng đa số người lớn đều chọn giải pháp im lặng, thậm chí là thỏa hiệp khi cho rằng họ đã đáp ứng tối đa nhu cầu của con em mình. Nhiều bậc cha mẹ không còn thời gian để tự tay chuẩn bị cho con một mâm cỗ trung thu, để giảng giải cho con những nghi lễ dân gian truyền thống mà thay vào đó là chiều theo ý thích con trẻ, đưa chúng ra phố thích gì mua nấy. Đêm Trung thu thì góp tiền thuê MC, diễn viên hài về diễn cho trẻ xem… Trẻ con vì thế cũng chẳng có tâm trạng chờ đợi háo hức, và những điều tốt đẹp mà cha mẹ có thể giáo dục cho con em mình qua mâm cỗ Trung thu và những trò chơi dân gian đã vô tình không còn trong đời sống trẻ thơ nữa. Một bộ phận không nhỏ những đứa trẻ thời công nghiệp hiện nay đang đi dần đến việc không thể phân biệt được giữa đâu là cuộc sống ảo và đâu là cuộc sống thực. Và có thể nói đây chính là nguyên nhân của nạn bạo lực học đường đang ngày một gia tăng.

*

Phải chăng, khi cuộc sống đổi thay cũng là lúc con người ta đã đánh mất đi những giá trị truyền thống mà không hề hay biết. Những đứa trẻ của thời công nghiệp hẳn sẽ không biết và cũng không thể biết mình đã mất đi những gì bởi cha mẹ chúng đã vô tình tước đi quyền được tiếp cận, được tìm hiểu những giá trị truyền thống… Công bằng mà nói thì cũng đã có những lúc người ta nhận thấy phải làm một cái gì đó để  giúp trẻ con thoát khỏi cuộc sống đang bị công nghiệp hóa, và sáng kiến là mở các khu vui chơi giải trí để các em thoát ra khỏi bốn bức tường, máy vi tính. Nhưng với một thực tế, đất chật, người đông ý tưởng tốt đẹp đó đã không trở thành hiện thực, và nếu có chúng cũng trở thành những khu vui chơi cao cấp với phí vui chơi lên đến cả triệu đồng, nên không phải gia đình nào cũng đáp ứng được. Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có dư đất để xây trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng, chung cư cao cấp, nhưng lại không đủ đất để xây dựng khu vui chơi cho trẻ em. Đây là một thực tế đã trở đi, trở lại tại các phiên chất vấn của các kỳ họp Quốc hội. Song giống như một căn bệnh kinh niên, sân chơi cho trẻ em vừa thiếu vừa xuống cấp vẫn không thể tìm ra phương thuốc đặc trị hữu hiệu. Thành phố đã vậy, nông thôn vốn được xem là đất rộng, người thưa thì sân chơi cho trẻ em cũng đã trở thành một thứ xa xỉ và nó hoàn toàn không nằm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Chúng được lồng ghép vào hệ thống trường học, nhà văn hóa theo tiêu chí nông thôn mới mà không hề được bố trí nguồn kinh phí độc lập. Chính vì vậy những bãi đất trống trong khu chợ, thậm chí những thửa ruộng vừa qua mùa thu hoạch chính là những sân chơi bất đắc dĩ của lũ trẻ nông thôn. 

Không gian dành cho trẻ đang bị thu hẹp, thậm chí chúng bị dồn trong bốn bức tường với sự đầy đủ trong một đời sống ảo. Đó chính là một thiệt thòi đáng tiếc mà người lớn chúng ta đã vô tình tước đi của con trẻ chỉ vì gánh nặng cơm áo, gạo tiền và những giá trị ảo mà mình hướng tới. Đã đến lúc phải thay đổi, phải tôn trọng lợi ích và đừng tước đi tuổi thơ hồn nhiên của các em và hãy bắt đầu từ cái Tết Trung thu đầy ý nghĩa hôm nay.    

Nguồn Văn nghệ số 39/2015       

Có thể bạn quan tâm