April 19, 2024, 10:12 pm

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2018: CẦN XÂY DỰNG MỘT CHIẾN LƯỢC GIÁO VIÊN BỀN VỮNG

Ai cũng biết trong sự nghiệp giáo dục của một quốc gia, người giáo viên có vai trò đặc biệt quan trọng và là nhân tố quyết định cho sự thành công của sự nghiệp đó. Thế nhưng, trong thực tiễn giáo dục nước ta mấy thập kỷ qua, họ lại không được đầu tư thích đáng để thực hiện tốt sứ mệnh “trồng người” cho đất nước. Trải qua nhiều đời Bộ trưởng, dường như vẫn chưa có một chiến lược giáo viên lâu dài và bền vững tạo được động lực cần thiết cho cỗ xe giáo dục tiến lên. Người giáo viên chưa được nhìn nhận đúng, quan tâm đúng như vai trò đích thực của họ trong “quốc sách hàng đầu”, thì họ cũng chưa thể phát huy hết tâm huyết và tiềm năng của mình cho sự nghiệp giáo dục. Vì lẽ đó, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, xin được bàn đôi điều về “một chiến lược giáo viên bền vững” cho lâu dài, mà trước mắt là cho cuộc cải cách giáo dục đang được thực hiện.

 

Ảnh minh hoạ bài viết. Nguồn Internet

            Sinh ra từ một nền kinh tế chậm phát triển, lại được đào tạo từ một nền giáo dục còn lạc hậu, người giáo viên Việt Nam về cơ bản vẫn thuộc phạm trù “giáo viên kiểu cũ” mà đặc trưng dễ thấy là thiếu tính hiện đại. Đó là những thầy giáo chỉ biết lên lớp dạy học theo một phương pháp kinh điển duy nhất là truyền thụ kiến thức cho học sinh, lặp đi lặp lại năm này qua năm khác như những công chức thừa hành, chỉ đâu đánh đấy, rất dễ bằng lòng với vốn kiến thức ít ỏi và năng lực sư phạm hạn chế của mình. Họ chưa có được những tố chất của “nhà giáo dục” như các đồng nghiệp ở Phần Lan mà chỉ dừng lại ở những “thợ dạy” để hành nghề một cách thụ động theo những điều quy định sẵn của một cơ chế vận hành giáo dục còn mang tính áp đặt. Như thế thì còn gì để chủ động sáng tạo, làm sao có thể phát triển được năng lực người thầy? Vì thế, cần có một cuộc thay đổi lớn, đúng hơn là một cuộc cách mạng trong đội ngũ giáo viên nước ta để chuyển đổi họ từ những “người giáo viên kiểu cũ” thành những người “giáo viên kiểu mới”của nền giáo dục hiện đại Việt Nam. Đây chính là vấn đề trung tâm, nội dung cơ bản của “chiến lược giáo viên”.

            Mục tiêu của chiến lược là bằng mọi biện pháp, tập trung bồi dưỡng cho họ những phẩm chất của người “giáo viên kiểu mới”, từng bước chuyển họ thành những giáo viên chủ động, sáng tạo, có năng lực người thầy, có tố chất nhà giáo dục, để có thể đáp ứng được những yêu cầu cao của giáo dục hiện đại. Đặc điểm cơ bản của người “giáo viên kiểu mới” là tính hiện đại của nó: hiện đại trong khoa học (nắm vững kiến thức hiện đại và cập nhật, thành thạo công nghệ thông tin…); trong nghiệp vụ (tiếp cận được những phương pháp giảng dạy tiên tiến nhất); trong hành xử giáo dục (biết cách giải quyết vấn đề tối ưu). Tính hiện đại ở đây bao gồm cả tính liên thông: sử dụng kiến thức liên môn để dạy những môn tích hợp; người giáo viên không chỉ giảng dạy mà đồng thời còn là một “nhà giáo dục”. Và quan trọng nhất, tính hiện đại bao giờ cũng gắn liền với tính sáng tạo, với tư duy độc lập của người giáo viên để họ không lặp lại cái cũ đã lỗi thời mà luôn biết sáng tạo ra cái mới có ích cho nền giáo dục, cho thế hệ trẻ.

            Để đạt được mục tiêu trên đây, cần phải làm gì? Trước hết, cần “giải phóng tư tưởng” người giáo viên, khôi phục lại vị trí đích thực của họ trong nhà trường và xã hội để tạo động lực mới cho cỗ xe giáo dục chuyển động tốt hơn. Động lực vận hành cỗ xe giáo dục chính là người giáo viên, nhưng họ lại bị trói buộc trong một cơ chế giáo dục áp đặt, chịu áp lực từ nhiều phía nên đã nảy sinh tâm trạng mệt mỏi và phó mặc. Vì vậy cần phải “cởi trói” cho họ, giống như ngày nào đã “cởi trói” cho văn nghệ sĩ nước ta, bằng cách tạo ra một cơ chế vận hành giáo dục dân chủ, bình đẳng, thực sự tôn trọng người giáo viên. Từ đó mà khôi phục lại vị trí đích thực của họ, trả lại “chỗ đứng” xứng đáng của họ trong nhà trường và xã hội, tạo cho họ một tâm lý thoải mái và nhất là một niềm tin (tin vào nền giáo dục và tin vào chính mình) để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Khi đó, họ mới có thể cống hiến hết tài năng và tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, phát huy sự chủ động, sáng tạo để từng bước trở thành người “giáo viên kiểu mới” đồng thời cũng là “nhà giáo dục”. Điều này chỉ có thể làm được bằng công tác tư tưởng, bằng một cuộc vận động sâu rộng trong toàn ngành để người giáo viên có cơ hội “vừa nhìn lại chính mình, vừa góp ý cho nền giáo dục của nước nhà”, để lãnh đạo và người vận hành cùng đối thoại, cùng “gỡ trói” cho nhau, hiểu nhau hơn trong việc đưa cỗ xe giáo dục tiến lên. Tư tưởng thông thì mọi việc đều thông, sức mạnh sẽ lớn. Đây không phải sức mạnh của một vài người hay một nhóm người nào đó mà là sức mạnh của 1,1 triệu giáo viên cả nước (theo số liệu của Bộ GD-ĐT tháng 8-2017) nếu chúng ta tổ chức và thực hiện tốt cuộc vận động này. Thử hỏi 1,1 triệu giáo viên được giải phóng tư tưởng, cởi trói bức xúc thì sẽ tạo ra một sức mạnh to lớn như thế nào cho nền giáo dục Việt Nam khởi sắc?

            Sau đó, cần tiến hành một cuộc tổng rà soát đội ngũ giáo viên trong cả nước, phân loại trình độ để xây dựng một kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng dài hơi, tiến tới tiêu chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, đưa họ từng bước hòa nhập với giáo dục của thế giới. Cũng cần đón đầu trước những vấn đề của giáo dục tương lai để chủ động chuẩn bị cho người giáo viên có thể thích nghi, kịp thời ứng phó. Trong một tương lai gần là việc dạy tích hợp liên môn, nhưng trong tương lai không xa lắm (khoảng 1 hoặc 2 thập kỷ), khi nhu cầu học tập của học sinh thay đổi thì người giáo viên cũng phải thay đổi nội dung và cách dạy. Lúc đó, cái cần nhất của học sinh là tính sáng tạo, tư duy độc lập và kỹ năng giải quyết vấn đề; lúc đó, học sẽ là phụ, hành mới là chính, kiến thức là phụ, tìm giải pháp mới là chính; lúc đó, học sinh có thể học ở nhiều môi trường học khác nhau và có quyền chọn môn học, chọn tốc độ học, thậm chí tự thiết kế chương trình học cho mình. (Theo Nguyễn Vạn Phú, Giáo dục 10 năm, 20 năm nữa sẽ như thế nào?- Tuổi Trẻ cuối tuần, 1-10-2017, tr.23). Như vậy, người giáo viên sẽ dạy thế hệ học sinh này ra sao? Và nếu không có sự đón đầu chuẩn bị trước, liệu họ có thể ứng phó để tìm ra cách dạy phù hợp và hữu hiệu cho một đối tượng học sinh mới mẻ này?

            Cuối cùng, cần quan tâm hơn nữa đến đời sống của người giáo viên để họ có thể yên tâm làm tốt công việc dạy học của mình. Không nên coi đây là “việc nhỏ”, việc tầm thường, bởi “có thực mới vực được đạo”, họ cũng là con người như những người khác.

            Do tầm quan trọng đặc biệt của vấn đề giáo viên, rất cần có một cơ quan chuyên trách để chỉ đạo công việc này như trước đây đã từng có: Vụ giáo viên hay Cục đào tạo bồi dưỡng. Nên thành lập ngay, và việc đầu tiên của cơ quan này là phải xây dựng được “một chiến lược giáo viên bền vững” ít nhất đến năm 2030, từng bước chuyển dần từ người giáo viên “kiểu cũ” sang “kiểu mới” để có thể nhanh chóng đuổi kịp và hòa nhập vào quỹ đạo của nền giáo dục hiện đại thế giới trong một tương lai không xa.


* TS, Hội Văn Nghệ dân gian Việt Nam

Nguồn Văn nghệ số 46/2018


Có thể bạn quan tâm