March 28, 2024, 5:53 pm

Nhận diện truyện trinh thám Việt Nam

Xuất hiện từ những năm đầu thế kỉ XX, truyện trinh thám Việt Nam đã để lại nhiều dấu ấn và thành tựu quan trọng trong tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc. Không ít tác giả đã thành danh với những tác phẩm có sức lan tỏa trong đời sống tinh thần người Việt một thời. Cùng với những biến động của đời sống chính trị - xã hội và sự giao lưu văn hóa đa phương, đa chiều, thể loại này đã có lúc trở nên nhạt nhòa, thậm chí vắng bóng trong dòng chảy văn học nước nhà. Những nỗ lực của một vài cây bút những năm gần đây là chưa đủ để “tái xuất” một thời vàng son của thể loại. Nhận diện về dấu ấn, thành tựu cũng như giới hạn của truyện trinh thám Việt Nam là bước khởi đầu trong việc góp phần kiếm tìm hướng đi mới cho thể loại nhằm đa dạng hóa nền văn học Việt Nam hiện đại.


 Từ sự xuất hiện đầy ấn tượng nửa đầu thế kỉ XX…

Cùng với việc hình thành chữ Quốc ngữ, văn học Việt Nam nửa đầu thế kỉ XX chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố: sự xuất hiện của báo chí, nghề in, xuất bản; phong trào dịch thuật, phiên âm; tiểu thuyết Trung Hoa, tiểu thuyết - văn hóa phương Tây... Kể từ đây, nền văn học Việt Nam bước vào tiến trình hiện đại hóa và vận động đổi mới mạnh mẽ. Song hành với nền văn học mới là công chúng độc giả mới và nhu cầu thưởng thức thẩm mĩ khác. Đây cũng là lúc các nhà văn bắt đầu thể nghiệm với những thể loại và lối viết mới phù hợp với tâm lí, thị hiếu, nhu cầu thẩm mĩ của người đọc đương thời.

Trước khi truyện trinh thám ra đời, một loại truyện gần với thể loại này cũng hấp dẫn bạn đọc bằng việc khám phá những vụ án bí hiểm, li kì, đó là truyện công án của Trung Quốc. Loại truyện này du nhập vào nước ta khá sớm, ngay từ đầu thế kỉ XX đã có bản dịch tiếng Việt như Long đồ kì án (1906), Bao công kì án (1925)... Cùng với đó, từ những năm 20 - 30 của thế kỉ XX, tiểu thuyết trinh thám phương Tây được biết đến rộng rãi ở Việt Nam. Truyện trinh thám của Edgar Allan Poe, Conan Doyle, Gaston Leroux, Maurice Leblanc, Georges Simenon... được dịch và in theo dạng sách ba xu (in bằng giấy nhật trình, giá bán ba xu, bỏ túi, đọc bất kì ở đâu, khi nào), được bày bán rộng khắp ở các đô thị và thu hút một lượng độc giả lớn. Với tinh thần cầu thị và khoa học luận chứng, tiểu thuyết trinh thám phương Tây được nhiều thế hệ trí thức mới ở Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh.

Từ những yếu tố nội sinh và ngoại sinh ấy, truyện trinh thám Việt Nam có cơ hội trỗi dậy và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của độc giả ở các đô thị. Người có công mở đầu cho truyện trinh thám ở Việt Nam chính là Biến Ngũ Nhy. Từ năm 1917 ông đã giữ mục “Mật thám truyện” trên Công Luận báo, chuyên dịch các tác phẩm trinh thám nước ngoài ra tiếng Việt. Song song với việc dịch thuật, tác phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của truyện trinh thám được viết bằng tiếng Việt (chữ Quốc ngữ) là Kim thời dị sử - Ba Lâu ròng nghề đạo tặc (in trên Công Luận báo từ 1917 đến 1920). Ngay lập tức tác phẩm thu hút sự quan tâm đón nhận nồng nhiệt của công chúng do phù hợp với thị hiếu thẩm mĩ người Việt, và được văn giới đánh giá rất cao bởi tính hiện đại của nó. Sau dấu ấn này, văn đàn miền Nam chứng kiến sự nở rộ của tiểu thuyết trinh thám, đặc biệt là giai đoạn 1930 - 1945 với các tên tuổi như Nguyễn Chánh Sắt (Gái trả thù cha), Nam Đình Nguyễn Thế Phương (Khép cửa phòng thu, Chén thuốc độc, Giọt lệ má hồng), Sơn Vương (Bát cơm chan máu, Chén cơm lạt, Tướng cướp hào hoa), Bửu Đình (Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ), Lê Hoằng Mưu (Lá huyết thư, Người bán ngọc), Đức Phú (Châu về Hiệp Phố)... Có thể thấy truyện trinh thám của các cây bút miền Nam ảnh hưởng đậm nét truyện võ hiệp, truyện công án của Trung Quốc và truyện trinh thám phương Tây. Đồng thời, các tác giả đã biết đan cài nhiều yếu tố truyền thống văn hóa của cư dân vùng sông nước khiến cho tiểu thuyết trinh thám dung hợp chất võ hiệp, nghĩa hiệp, ái tình, vụ án.

Dù ra đời sau truyện trinh thám ở miền Nam, truyện trinh thám ở miền Bắc lại nhanh chóng đạt được nhiều thành tựu rực rỡ trên bình diện chủ đề, tư tưởng lẫn hình thức nghệ thuật. Thế Lữ với tập truyện đầu tay Vàng và máu (1934) được đánh giá là người có công mở đầu cho thể loại văn học trinh thám ở miền Bắc. Ngay từ khi mới ra đời, tác phẩm của Thế Lữ nhanh chóng trở thành “hiện tượng mới lạ” trên văn đàn, gây tò mò và xúc động cho công chúng đương thời bởi lối kể chuyện hấp dẫn, cốt truyện gay cấn, tình tiết li kì, giọng văn thanh thoát, ngôn ngữ tự nhiên, giàu cảm xúc. Sau dấu ấn này, Thế Lữ tiếp tục trình làng những tác phẩm quan trọng khác, đặc biệt là series truyện về thám tử Lê Phong: Lê Phong phóng viên (1937), Những nét chữ, Lê Phong và Mai Hương, Đòn hẹn (1939), Gói thuốc lá (1940). Nếu như Thế Lữ được ghi nhận là người mở đầu cho thể loại trinh thám miền Bắc thì Phạm Cao Củng lại được mệnh danh là “vua truyện trinh thám Việt Nam” với nhiều tác phẩm đặc sắc như Vết tay trên trần (1936), Cái gia tài nhà họ Đặng, Máu đỏ lòng son, Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Người một mắt (1940), Nhà sư thọt, Kỳ Phát giết người (1941), Đám cưới Kỳ Phát (1942)... Sáng tác của Phạm Cao Củng được giới phê bình đương thời đánh giá rất cao bởi “những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt” (Vũ Ngọc Phan). Thám tử Kỳ Phát (trong truyện của Phạm Cao Củng) cùng thám tử Lê Phong (trong truyện của Thế Lữ) trở thành những nhân vật trứ danh được nhắc đến nhiều nhất trong thể loại trinh thám miền Bắc. Cùng với Thế Lữ và Phạm Cao Củng, trên văn đàn lúc bấy giờ còn xuất hiện Bùi Huy Phồn với các tác phẩm tiêu biểu như Lá huyết thư (1931), Mối thù truyền kiếp (1942), Gan dạ đàn bà (1942), Tờ di chúc (1943); Lê Văn Trương, người được mệnh danh là “người khổng lồ” trong văn học đại chúng, với tập truyện Trước cảnh hoang tàn Đế Thiên Đế Thích (1934) và hàng chục tiểu thuyết trinh thám. Những sáng tác của Thế Lữ, Phạm Cao Củng hay Bùi Huy Phồn, Lê Văn Trương đã góp phần làm nên diện mạo thể loại trinh thám ở miền Bắc.

Có thể coi nửa đầu thế kỉ XX, đặc biệt giai đoạn 1930 - 1945 là “mùa vàng” của truyện trinh thám Việt Nam. Với lực lượng sáng tác đông đảo, số lượng tác phẩm gia tăng, sự đa dạng trong lối viết và hình thức thể hiện, sự vượt thoát khỏi mô hình truyện võ hiệp, công án Trung Quốc cũng như thể loại trinh thám phương Tây, thể loại này luôn duy trì được một lượng độc giả tương đối lớn ở các đô thị, trở thành dòng văn học nổi bật bên cạnh thơ của phong trào Thơ mới, văn xuôi của nhóm Tự lực văn đoàn và tiểu thuyết lịch sử. Kể từ đây văn chương trinh thám của người Việt khẳng định được chân diện và bản sắc của mình.
 
… đến sự vắng bóng, đánh mất vị thế trên văn đàn
Sau “mùa vàng” ở cả hai miền, truyện trinh thám Việt Nam bắt đầu vắng bóng và không để lại nhiều dấu ấn về số lượng người viết cũng như chất lượng nghệ thuật. Từ năm 1945, cả dân tộc bước vào hai cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ. Ở miền Bắc, một thời đại mới trong văn học xuất hiện, những thành tựu trước đó của Thơ mới, văn xuôi Tự lực văn đoàn, tiểu thuyết lịch sử, truyện trinh thám hoặc là đến hồi cáo chung hoặc là nhường vai trò lịch sử cho nền văn học cách mạng. Thể loại tiểu thuyết, trong đó có tiểu thuyết trinh thám vốn nặng về chức năng giải trí, đăng dài kì trên báo tỏ ra không phù hợp với yêu cầu của thời đại. Lúc này các nhà văn bắt đầu chuyển sang các thể loại và đề tài có tính thời sự và mang hơi thở thời đại. “Câu chuyện cảnh giác”, “Chuyện vì an ninh Tổ quốc” phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt của cách mạng có cơ hội phát triển.

Ở miền Nam, nền văn học đô thị ra đời và phát triển theo nhiều khuynh hướng mới: khuynh hướng phong tục, khuynh hướng luân lí, khuynh hướng luận đề, khuynh hướng xã hội, khuynh hướng tôn giáo... (khu vực truyền thống); khuynh hướng hiện sinh, khuynh hướng phân tâm học, khuynh hướng tiểu thuyết mới, khuynh hướng lãng mạn... (khu vực cách tân). Trong đó, khu vực cách tân ngày càng phát triển và chiếm vị trí quan trọng trên văn đàn. Sự thay đổi thị hiếu, nhu cầu của công chúng độc giả một phần nào đó khiến truyện trinh thám, vốn trỗi dậy mạnh mẽ một thời, nay trở nên nhạt nhòa, lạc lõng và đánh mất vị thế.
 

Từ 1945 đến trước Đổi mới, văn đàn Việt chứng kiến “sự đứt gãy” của văn học trinh thám. Sự xuất hiện của X30 phá lưới (Đặng Thanh), Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý), Ông cố vấn (Hữu Mai), Ông tướng tình báo và hai bà vợ (Nguyễn Trần Thiết)... là những nỗ lực mang tính cá nhân của một số nhà văn ở hai miền, chưa trở thành một dòng riêng. Những nhà văn vốn đã thành danh với thể loại trinh thám trước đây nay sáng tác không nhiều, các tác phẩm không đủ hấp dẫn, không thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Sau 1986, đời sống văn học nước nhà có sự chuyển mình mạnh mẽ. Với tinh thần dân chủ, tự do, nhiều mảng văn học được phục sinh cũng như xuất hiện nhiều cảm hứng, lối viết, phong cách mới. Những năm đầu Đổi mới, trên văn đàn Việt Nam có sự trỗi dậy mạnh mẽ của truyện tình báo, phản gián - một tiểu loại của văn học trinh thám. Nổi bật nhất là Đặng Thanh với hàng loạt tác phẩm “ăn khách”, có số lượng phát hành ấn tượng: Đọ sức (1986) - 30.320 bản, Lần theo chuỗi hạt (1987) - 20.300 bản, Nữ điệp viên sao Chăm-pa (1988) - 20.000 bản, Đi tìm thần chết (1989) - 5.000 bản, Lá thư vĩnh biệt của Jacqueline (1990) - 3.000 bản... Tuy vậy, đây là hiện tượng cá biệt được lí giải bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là thời kì này truyện tình báo, hình sự, phản gián của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu được dịch, xuất bản ồ ạt ở Việt Nam. Những thành công của Đặng Thanh một phần nào đó có sự giúp sức từ làn sóng này. Để rồi sau đó, văn học trinh thám Việt Nam tiếp tục vắng bóng.

Những năm gần đây, thể loại văn học trinh thám bắt đầu được quan tâm trở lại với không ít tác phẩm nổi tiếng đầu thế kỉ XX được tái bản (Túy Hoa Đình, Lửa phiền cháy gan - Nam Đình Nguyễn Thế Phương). Bên cạnh đó, những sân chơi dành cho các nhà văn đam mê và có sở trường về thể loại trinh thám - hình sự cũng được mở ra như cuộc thi viết truyện trinh thám do các báo tổ chức hay cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và kí về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam phát động (ba năm một lần, đến nay là lần thứ tư). Những dấu hiệu tích cực trên đây phần nào thể hiện sự trở lại của thể loại trinh thám trong đời sống văn học Việt Nam đương đại. Thế nhưng soi về quá khứ, nhìn vào thực tại, chúng ta không khỏi chạnh lòng.

Hiện nay, số người chuyên tâm với đề tài trinh thám thật hiếm hoi, đa phần những tác phẩm tiêu biểu đều đi ra từ các cuộc thi hoặc những đơn đặt hàng và không phải tất cả đều có thể neo đậu lâu dài trong lòng độc giả. Ở một khía cạnh khác, những sáng tác vốn đã ít ỏi, chất lượng nghệ thuật lại chưa cao thật khó lòng có thể cạnh tranh với dòng văn học trinh thám được dịch từ nước ngoài. Mặc dù vẫn còn đó những vấn đề liên quan đến việc chọn tác giả, tác phẩm hay chất lượng dịch thuật, song trên thực tế tác phẩm trinh thám dịch đã trở thành làn sóng mạnh tác động không nhỏ đến đời sống văn học nước nhà. Những tác giả nổi tiếng, những tác phẩm đoạt giải, những tác phẩm best-seller ngoại nhập liên tục “đổ bộ” khiến truyện trinh thám Việt Nam bị lép vế. Bên cạnh các tác phẩm trinh thám kinh điển thế giới được tái bản liên tục, những sáng tác mới nhất của các nhà văn trinh thám nổi tiếng hay mới nổi ở nước ngoài cũng được các nhà xuất bản trong nước săn lùng và cập nhật ngay khi mới xuất bản. Đó còn chưa kể đến dòng truyện tranh trinh thám dịch từ tiếng Nhật cũng thu về một lượng độc giả nhí tương đối lớn. Có thể nói, truyện trinh thám dịch từ các nền văn học có truyền thống như Anh, Mĩ, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Trung Quốc... đã bành trướng, thống ngự thị trường khiến truyện trinh thám Việt Nam bị đánh mất vị thế ngay trên sân nhà của mình.  
 
… và sự hoài vọng về một thế hệ cầm bút mới ở Việt Nam
Mặc dù bị lép vế, đánh mất vị thế, song bức tranh văn học trinh thám Việt Nam đương đại không phải không có những gam màu sáng. Thông qua các cuộc thi được tổ chức định kì, xuất hiện thêm nhiều gương mặt mới và những tác phẩm có giá trị nghệ thuật được công chúng độc giả đón nhận: Đêm yên tĩnh (Hữu Mai), Một thế giới không có đàn bà (Bùi Anh Tấn), Sát thủ online (Nguyễn Xuân Thủy), Bão ngầm (Đào Trung Hiếu), Phạm Xuân Ẩn - tên người như cuộc đời (Nguyễn Thị Ngọc Hải), Hồ sơ một tử tù, Phiên bản, Cô Mặc Sầu (Nguyễn Đình Tú), Ổ buôn người (Giản Tư Hải)... Điều đáng mừng là sau cuộc thi, các nhà văn vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài và cho ra mắt những sản phẩm chất lượng như Nguyễn Xuân Thủy với Có tiếng người trong gió, Bùi Anh Tấn với Thám tử yêu, Giản Tư Hải với Mật mã Cham-pa, Minh Mạng mật chỉ... Bên cạnh một vài cây bút đã thành danh với thể loại như Đặng Thanh, Hữu Mai, hay một số cây bút dần khẳng định được phong cách của mình qua các cuộc thi như Nguyễn Đình Tú, Giản Tư Hải, Nguyễn Xuân Thủy..., trên văn đàn Việt Nam xuất hiện những cây bút lựa chọn thể loại trinh thám để theo đuổi và nhanh chóng đạt được những thành tựu bước đầu như Di Li với Trại Hoa Đỏ, Câu lạc bộ số 7, Quang Vinh với Biến mất, Bùi Chí Vinh với Những hiệp sĩ Zmen... Trong số này Di Li là gương mặt sáng giá nhất. So với các nhà văn cùng thời, tiểu thuyết của nữ nhà văn này được đánh giá là đậm chất trinh thám, giàu chất nghệ thuật hơn cả. Từ Trại Hoa Đỏ (2007) đến Câu lạc bộ số 7 (2015), tác giả luôn tự làm mới mình bằng việc mở rộng biên độ đề tài trinh thám sang địa hạt tôn giáo, văn hóa, tâm lí. Với lối kể chuyện thông minh, biến hóa, cốt truyện gay cấn, kịch tính, sự đan cài khéo léo chất hiện thực và tính ma mị, tác phẩm của chị không những đáp ứng thị hiếu thẩm mĩ của công chúng độc giả hiện thời mà còn được giới nghiên cứu, phê bình đánh giá cao. Không chỉ giàu tính nghệ thuật, tiểu thuyết của Di Li còn đậm giá trị nhân văn. Những câu chuyện rùng rợn, kì bí, những mối quan hệ phức tạp, éo le chỉ là cái cớ để Di Li khám phá, đào xới tận cùng bản thể người, từ đó trình hiện, luận giải những câu chuyện về cuộc đời và nhân tính, về cái ác và lòng thiện, về sự đa đoan và phức tạp trong đời sống con người. Nhờ vậy những trang viết của Di Li giàu sức gợi, ám ảnh, đa thanh, đa nghĩa về một cuộc sống bộn bề, phức tạp cùng thân phận, bi kịch con người từ quá khứ đến thực tại. Di Li đã thực sự mở ra cho mình một lối đi riêng. Song, trường hợp Di Li và tác phẩm được coi là “của hiếm” của chị đã phần nào nói lên sự thiếu hụt trầm trọng về lực lượng sáng tác cũng như phẩm chất nghệ thuật của thể loại trinh thám Việt Nam hiện thời.

Từ thực trạng này cần có sự đổi mới tư duy của người cầm bút để có thể đưa truyện trinh thám Việt trở lại vị thế vốn có. Đặc trưng riêng của thể loại đòi hỏi ở nhà văn không chỉ trí tưởng tượng, tài hư cấu, kể chuyện mà còn am tường các mặt của đời sống xã hội, các kiến thức khoa học trên nhiều lĩnh vực và thuần thục các thao tác phán đoán, phân tích, lập luận. Các tác giả phải tránh hai chiều hướng, hoặc chỉ đơn thuần kể những câu chuyện vụ án, rút ra bài học (vốn nhan nhản trên các mặt báo) hoặc quá thiên về tả chân, nệ thực, lấy sự li kì, rùng rợn, quái đản của chi tiết để lôi kéo độc giả hơn là đầu tư những cốt truyện có chiều sâu nhằm phát huy tối đa ở độc giả trí tưởng tượng, tư duy logic, tâm thế cùng đào xới, nghiền ngẫm, suy luận. Các nhà văn viết về đề tài trinh thám cần vươn tới những tác phẩm có tầm tư tưởng phổ quát về nhân sinh chứ không chỉ chạy theo thị hiếu độc giả, kể những câu chuyện giật gân hay “ăn xổi” theo đơn đặt hàng. Từ đó kiếm tìm, thể nghiệm những hình thức biểu đạt mới phù hợp với sự phát triển của văn học thế giới, đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng. Có như vậy, truyện trinh thám Việt Nam mới có cơ may tìm lại độc giả của mình, trước khi nói đến việc giành lại vị thế trên văn đàn.

Sẽ là quá sớm khi nói về sự hồi sinh hay hướng đi mới của văn học trinh thám Việt Nam, nhưng với nỗ lực của các nhà văn, đặc biệt là những người trẻ, độc giả có quyền hi vọng về những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật cao và mang tinh thần, văn hóa Việt.

Nguồn VNQĐ


Có thể bạn quan tâm